Câu chuyện bắt đầu khi nhân vật chính Kỷ Nhiên gặp lại Tần Mãn – kẻ thù
thời đi học của mình. Lúc này Tần Mãn vừa mới phá sản, bạn nhỏ Kỷ Nhiên quá xúc động mà vung tay đưa thẻ, đưa điều kiện bao nuôi người ta. Nếu một ngày kẻ thù sa cơ lỡ vận, vậy thì mình phải tranh thủ mà làm nhục hắn đúng không? Nhưng rốt cuộc thì Nhiên Nhiên mới là người thiệt thòi =))). Tự nhiên kéo về một cái đuôi phiền ơi là phiền, lúc nào cũng nói “bán thân không bán nghệ” và còn làm cho rất nhiều thứ của Kỷ Nhiên thay đổi.
Nếu một ngày đối tượng thầm mến tự nhiên chạy đến đòi bao nuôi, thì đương nhiên phải tận dụng thời cơ mà đến bên người ta đúng không? Tần Mãn chính là “con nhà người ta trong truyền thuyết”, khôn ngoan, tài giỏi. Thật ra cái sự việc nhà Tần phá sản nghe cũng đã thấy không đúng cho lắm rồi. Mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát của anh Tần, thậm chí anh còn đã tính toán tự mở công ty rồi. Ấy vậy mà Kỷ Nhiên bỗng chạy đến trước mặt anh, đòi bao nuôi anh, thế nên anh quyết định nghỉ ngơi một thời gian, tiện thể theo đuổi mối tình đơn phương bấy lâu.
Lớn lên với thân phận con riêng, mẹ mất sớm, gia đình nhà họ Kỷ chẳng yêu thương, Kỷ Nhiên luôn mang một vỏ bọc gai góc, một thanh niên bất cần, hư hỏng. Lúc còn đi học, cậu kém Tần Mãn một khóa, và cậu cũng luôn kiếm chuyện chọc phá con ngoan trò giỏi số 1 của trường. Nhưng lần nào cũng vậy, sự quấy phá của cậu luôn bị Tần Mãn hóa giải, mà cậu còn bị trả đũa luôn. Mối quan hệ giằng co ấy chỉ kéo dài một thời gian rồi chấm dứt, nhưng tất cả mọi người đều biết Kỷ Nhiên không ưa Tần Mãn và Tần Mãn cũng chẳng ưa Kỷ Nhiên.
Kỷ Nhiên tuy là một học sinh hư, chẳng chịu học hành, lại hay mắc lỗi, nhưng đứa trẻ ấy bị bạn bè cô lập, bị bao vây đánh đập. Kỷ Nhiên một thân một mình đánh thắng những kẻ bắt nạt, cực kì oai hùng, nhưng sau đó lại trốn ra một góc để khóc. Đứa trẻ ấy lúc đánh nhau thì hung hăng, nhưng lại có thể ngồi nói chuyện “gâu gâu” cùng con chó bị bỏ rơi. Kỷ Nhiên có phá Tần Mãn như thế nào, cũng chỉ là những việc vặt vãnh, nhóc con ấy lại có thể vì Tần Mãn bị thương mà nổi khùng lên với kẻ đẩy anh ngã, nhóc con ấy trộm vở bài tập của anh nhưng lại không quên bỏ thuốc giảm đau vào ngăn bàn anh.
Và Tần Mãn, “con nhà người ta”, học sinh xuất sắc nhất trường, ấy mà lại thích Kỷ Nhiên. Tần Mãn nhìn ra những khoảnh khắc riêng của em Kỷ, thấy một Kỷ Nhiên yếu đuối khóc một mình, thấy một Kỷ Nhiên ngốc nghếch tốt bụng chăm sóc chú chó nhỏ,… Kỷ Nhiên đối với Tần Mãn là đàn em khóa dưới, bé khóa dưới,… và quan trọng là đối tượng thầm mến nhiều năm.
“Hồi đi học, tôi thường xuyên bắt nạt anh”. Kỷ Nhiên im lặng một lúc, nói: “Anh không được ghi thù mấy cái đó đâu đấy.”
“Anh thương em còn chẳng kịp.”
Tần Mãn lúc đi học chẳng biết tính hướng của Kỷ Nhiên như thế nào, cũng sợ sẽ dọa bé khóa dưới chạy mất, nên đã bỏ lỡ mất cơ hội. Vậy nên đến khi trưởng thành, anh bày ra vô số mưu kế để bắt Kỷ Nhiên vào lòng, chỉ là “thợ săn” này không làm thịt “con mồi”, mà chỉ muốn ôm về nhà làm thú cưng thôi.
Có lẽ các tình tiết trong truyện đều xoay quanh chân lí “nhân – quả”. Những kẻ làm điều ác sẽ phải trả giá, những kẻ làm tổn thương người khác sẽ cũng phải chịu quả báo, mà người sống tử tế thì cuối cùng cũng nhận được hạnh phúc. Những người làm tổn thương Kỷ Nhiên ít nhiều đều chịu sự trừng phạt. Ngay cả anh Tần bày trò lừa người ta, mang nhãn “phá sản” rồi ở bên em Kỷ, sau đó cũng bị quật tơi tả, bị Kỷ Nhiên giận, rồi cứ lo lo sợ sợ bị ẻm vứt bỏ. Mà Kỷ Nhiên, một đời thiếu thốn yêu thương, rồi cũng có một Tần Mãn chạy đến sẵn sàng làm mọi thứ để bao bọc che chở cho ẻm.
“Tần Mãn.”
“Ừ?”
“Anh nhìn mặt tôi”. Cậu nói: “Có phải viết hai chữ ngu vãi không?”
“Không, chỉ viết “Thích Tần Mãn” thôi.”
Lí do mà tui nói đây là một
truyện ngôn tình hay, chính là tui mê cái thiết lập nhân vật khủng khiếp luôn. Bé khóa dưới Kỷ Nhiên, bề ngoài có vẻ ngang bướng, hư hỏng, bất kham, miệng thì hung ơi là hung, nắm đấm cũng hung, cơ mà bên trong thì dễ mềm lòng. Bởi thế nên Tần Mãn mới có thể lợi dụng điểm yếu ấy mà tấn công được. Kỷ Nhiên trải qua nhiều sóng gió như vậy, đã đặt hết niềm tin và dũng cảm để đồng ý cho Tần Mãn ở bên!
Tác giả có nói là công và thụ đều không phải người lương thiện. Điều này tui không muốn đồng ý chút nào, bởi vì Kỷ Nhiên tui thương còn chẳng hết. Cơ mà Tần Mãn thì đúng là méo lương thiện đâu. Anh Tần đúng là một kẻ khôn ngoan hết phần thiên hạ, trong bụng thâm sâu khó lường, mà thường thường chúng ta gọi là “phúc hắc” ấy. Thời gian còn tôi luyện cho Tần Mãn một bản mặt siêu dày, để ảnh theo đuổi em khóa dưới tính tình nóng nảy mà không bị chùn bước.
Kỷ Nhiên nhịn cười, nói bằng giọng điệu trai hư: “Em chỉ chơi đùa với anh thôi, anh đừng coi là thật.”
“Không được”. Tần Mãn tóm lấy tay của cậu, đặt lên bụng dưới của mình. ‘Trong này đã có con của em, em nhất định phải chịu trách nhiệm.”
Yên tâm, không có tag phản công, hỗ công gì đâu. Miệng Kỷ Nhiên chỉ nói lời thô tục chửi bậy, còn miệng Tần Mãn thì lời dâm ý dê với người yêu cứ trôi chảy như nước thôi.
Nếu như ban đầu, khi mới ở bên Tần Mãn, Kỷ Nhiên đã chuẩn bị rất nhiều đường lui, nhưng Tần Mãn cứ thế chặn kín. Nhưng Kỷ Nhiên can tâm tình nguyện. Còn với Tần Mãn, cuộc sống của anh, mọi cảm xúc buồn vui đều xoay quanh Kỷ Nhiên, anh chẳng thế sống thiếu em khóa dưới mất rồi.
Câu chuyện này đem lại rất rất nhiều tiếng cười, cũng đem đến vô vàn cảm xúc. Cười đau cả bụng khi thấy Kỷ Nhiên bị Tần Mãn bắt bài, cười hết hơi khi bạn thân của Kỷ Nhiên – Nhạc Văn Văn xuất hiện, thổn thức khi nghe về những kí ức thời học sinh của anh khóa trên và em khóa dưới, vỡ òa khi Kỷ Nhiên nhận ra tình cảm của anh Tần và hai người chính thức bên nhau,… Còn vô vàn những điều khác nữa, nhưng nói ra thì thật dài. Mà thậm chí tui còn chưa kể về những nhân vật phụ trong truyện cơ. Mà có lẽ nên để mọi người tự đọc và cảm nhận nhé.
Một lời khen và siêu siêu biết ơn đến người dịch truyện, cho dù tui không có bình luận gì trên Wp của bạn ấy, bạn dịch siêu mượt luôn. Tui thích mê cái giọng văn ấy, không màu mè, rất chân thực, rất gần gũi, chửi bậy gì đó cứ thoải mái luôn, mà cách xưng hô gọi tên cũng đi thẳng vào tim luôn. Nhất là khi nghe Nhạc Văn Văn gọi Kỷ Nhiên là “bồ”, rồi khi nghe anh Tần gọi em Kỷ là “em khóa dưới ơi”, “bé khóa dưới ơi”, và lời nói của anh cứ đệm thêm từ “em” ở cuối nghe tình không chịu được.
Vậy mà đã hơn nghìn rưỡi từ luôn. Thui tui dừng tại đây thui. Nếu hỏi tui có đọc lại truyện này không, chắc chắn tui sẽ nói: “CÓ!”
Đọc Truyện