Tháng Năm là khoảng thời gian
Đỗ Tịch Nhan yêu thích nhất trong năm, đặc biệt là tháng Năm ở thành phố C.
Mùa hè chỉ vừa mới bắt đầu, ánh nắng hiền hòa, kèm theo làn gió nhẹ hiu hiu thổi. Hương hoa lan tỏa, cỏ cây xanh ngát một màu. Thiên nhiên thơ mộng như vậy thường khiến con người ta lâng lâng, thả hồn nghĩ tới tình yêu.
Hết giờ dạy buổi chiều, Tịch Nhan tay bưng cốc trà nóng, đứng trước cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Một làn sương mờ mịt bao bọc xung quanh ánh nắng, như dòng ký ức muốn xua đi mà không sao xua nổi.
Cô sống trong ký túc giáo vụ, đối diện với sân bóng rổ của trường. Đám nam sinh trong ánh nắng le lói của buổi chiều tà, chạy qua chạy lại, mồ hôi đầm đìa như tắm. Ở bãi cỏ cạnh đó, một đám nữ sinh vây quanh reo hò cổ vũ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Tịch Nhan trở về thành phố C, làm cô giáo dạy ngữ văn cấp hai. Ngày ngày khoác lên mình bộ đồng phục giản dị, buộc gọn túm tóc đuôi ngựa, dáng vẻ nghiêm trang mà lại dè dặt. Mặc dù vậy, vẫn có những học sinh bình luận sau lưng, rằng cô là cô giáo trẻ đẹp nhất trường. Tịch Nhan không hẳn là
mỹ nhân có vẻ đẹp tiêu chuẩn, dáng dong dỏng cao, nước da trắng ngọc, đôi mày thanh tú, đôi môi nhỏ xinh, nhãn thần lạnh lùng, mang vẻ nhỏ bé yếu ớt nhưng cứng đầu.
Cô chưa từng nghĩ là mình đẹp, nhất là khi đứng bên chị
Triều Nhan.
Mặc dù là chị em sinh đôi, song từ dung mạo đến tính cách hai người đều khác xa nhau. Triều Nhan khỏe mạnh, còn Tịch Nhan từ nhỏ đã yếu ớt, lại hay ốm đau. Khi Tịch Nhan mới vừa đầy tuổi, mẹ đưa cô về với ông nội ở quê.
Ông nội là một thầy lang có tiếng ở địa phương, để chữa bệnh cho Tịch Nhan, ông ngày ngày lên núi hái thuốc, sắc thuốc lá cho cô uống.
Buổi sáng mùa hè, hai ông cháu thường cùng nhau leo lên sườn núi sau làng. Ông vác cuốc, cháu đeo gùi thuốc trên lưng, tung tăng theo sau. Nước đọng trên lá cỏ làm ướt đôi giầy vải của cô bé, bước chân dẫm trên lá khô nghe sột soạt. Ông dạy cho cô bé, đâu là kim ngân hoa, đâu là xa tiền thảo, đâu là đỗ trọng… Chưa đầy sáu tuổi mà cô bé đã nhận biết được rất nhiều loại thảo dược rồi.
Sau này trở về thành phố, Tịch Nhan vẫn thường nhớ lại cái bóng lom khom của ông nội, hương thảo dược nồng nồng, và cả tiếng kêu râm ran của những con chim nhỏ trong rừng….
Dạo ấy, cứ cách một thời gian, bố lại cưỡi chiếc xe đạp cà tàng về làng thăm cô, mang cho cô kẹo que và sôcôla. Còn mẹ thì một lần cũng không đặt chân tới.
Năm sáu tuổi, đến lúc phải đi học, bố mẹ cùng tới đón cô. Đó là lần đầu tiên cô gặp mẹ đẻ của mình, một người phụ nữ ăn vận quần áo sang trọng, dung mạo đẹp đẽ.
Mẹ là cô tiểu thư lớn lên trong thành phố, có khí chất hơn người, tính cách ngang ngược kiêu ngạo, ông nội từ đầu đã không vừa lòng. Còn mẹ thì lại chê ông cổ hủ quê mùa. Chỉ khổ cho người bố trung hậu thật thà, bên nghĩa vụ làm con, bên trách nhiệm làm chồng, thật sự cũng rất khó xử.
“Cháu gái tôi giờ giao cho anh chị, sau này… phải đối tốt với nó nhé”. Ông nội nghiêm nghị, vẻ mặt lạnh như băng.
“Bố, bố nói thế nghe có được không, cứ làm như con là mẹ kế không bằng” mẹ bĩu môi, lộ vẻ xem thường.
“Tiểu Tịch, mau gọi mẹ đi con!”, bố đẩy đẩy Tịch Nhan, cô bé chậm rãi bước lên phía trước, ngước mắt nhìn người phụ nữa xa lạ xinh đẹp mà kiêu ngạo kia, miệng mở ra rồi khép lại mấy lần, sau cùng không nói ra được tiếng nào.
“Thôi thôi cho qua!” mẹ mất hết kiên nhân xua tay, “Nó lớn lên ở làng quê, chưa tiếp xúc nhiều, nhát gan là phải!”
Ông nội ôm Tịch Nhan, nựng: “Tiểu Tịch của chúng ta còn lâu mới nhát gan nhỉ. Cháu biết bơi, biết trèo tường leo cây này, lại còn dám một mình đi chăn bò trên núi nữa, lũ trẻ trong làng chẳng đứa nào bạo dạn mà lại cẩn thận hơn cháu cả!”
“Xem bố dạy nó những gì kìa, đúng là con bé nông thôn đặc sệt rồi!”. Nói rồi mẹ liếc mắt nhìn Tịch Nhan trong lòng ông, quần áo thì nhăn nhúm, đầu tóc như tổ quạ, nước da phơi nắng đen sạm, mặt lấm lem như chưa từng rửa bao giờ, còn vương nguyên hai hàng nước mũi thế kia – người ta nói chẳng sai, trẻ con mà không có mẹ chăm sóc chả khác gì cỏ dại.
Lần gặp đầu tiên ấy, mẹ đã không mong gặp nó. Nhiều năm sau này, tình cảm mẹ con cũng không có gì cải thiện. Trong mắt mẹ, chị Triều Nhan mới là bộ mặt, mới là niềm tự hào của mẹ.
Cũng khó trách mẹ, bởi Triều Nhan không chỉ xinh đẹp, mà còn thông minh ngoan ngoãn. Triều Nhan từ nhỏ đã bộc lộ tài năng, thành tích học tập năm nào cũng đứng đầu lớp, lại còn có năng khiếu hát, nhảy và đánh đàn. Các bậc phụ huynh biết Triều Nhan đều đem cô ra làm tấm gương, nhắc nhở con mình học tập. Câu cửa miệng của họ thường là: “Đỗ Triều Nhan thế này, Đỗ Triều Nhan thế kia…”
Có bố mẹ nào lại không mong có đứa con như thế? Sự tồn tại của Triều Nhan, dường như để chứng tỏ cái gọi là hoàn mỹ là hoàn toàn có thật.
Suốt những năm tháng ấy, Tịch Nhan chỉ là hạt bụi nhỏ ẩn khuất sau vầng hào quang của Triều Nhan. Mẹ không ưa cô, bạn bè thân thích cũng không chú ý tới cô. Cả khi chơi đùa với lũ trẻ hàng xóm, lúc nào Triều Nhan cũng là trung tâm, còn cô – chỉ là em gái của Đỗ Triều Nhan, không hơn.
Mỗi lần chơi trò trốn tìm, dù cô có trốn ở đâu, lũ bạn không ai tìm thấy. Bọn chúng chơi hết mấy lượt rồi, mà cô vẫn ở chỗ trốn ban đầu. Chỉ tới khi lũ trẻ tan cuộc về nhà, bố đứng đầu ngõ gọi: “Tiểu Tịch, mau về ăn cơm!”, cô mới phủi bụi đất trên quần áo, từ chỗ trốn chui ra. Qua một thời gian, Tịch Nhan mới biết rằng, không phải do cô trốn kỹ quá, mà bởi khi đi tìm, không có ai thật sự để ý tìm cô cả.
Chỉ tới khi Tô Hàng xuất hiện. Kể từ ngày đầy tiên anh và cô quen nhau, mới có anh luôn để tâm chăm sóc, lo lắng cho cô.
Tô Hàng…
Tay cô thoáng run rẩy, nước trà nóng trong cốc trào ra, nóng quá. Đặt lại cốc trà xuống bàn, bước đến bên bể, mở vòi nước, cô để dòng nước mát làm dịu vết bỏng ở tay.
Cơn bỏng rát ngoài da qua đi rất mau, Tịch Nhan lấy khăn lau khô tay, tiếp tục trông ra ngoài cửa sổ.
Ánh nắng vẫn rực rỡ, bóng cây rung rinh, những bóng người chạy qua chạy lại trên sân bóng, sức xuân phơi phới, áo trắng bay bay.
Tưởng chừng như quay trở lại ngày hè năm ấy, tiếng ve râm ran, tiếng cây ngô đồng xào xạc trong gió. Từng mảnh, từng mảnh nắng xuyên qua kẽ lá đậu trên vai người đi đường.
Trong ánh nắng ấy, dưới bóng cây này, còn cả nụ cười của cậu thiếu niên áo trắng.
Suốt cuộc đời này, không gặp được anh là nỗi cô đơn lớn nhất. Mà gặp rồi, vẫn cứ cô đơn…