“Mẹ mày ૮ɦếƭ rồi!”, “Bố mày bỏ đi lấy người khác rồi!”, “Từ bây giờ mày không phải là con cháu trong nhà nữa! Toàn bộ nhà cửa, đất đai của mẹ mày để lại, giờ là của nhà tao”…
Từng lời nói ấy của người họ hàng trong quá khứ cứ lanh lảnh bên tai và in sâu trong lòng, khiến tôi rơi lệ. Đôi khi nó khiến tâm trí tôi điên loạn với những khao khát phải trả thù, phải lấy lại được tất cả những gì là của tôi.
Ba tháng tuổi, lúc mẹ tôi bệnh tưởng chừng không qua khỏi, tôi suýt bị bán cho một nhà khác để khi lớn lên sẽ có bố, có mẹ. Bố tôi vì sợ mẹ không qua khỏi mà tôi thì còn nhỏ quá nên đã đi lấy một người khác. Kể từ đó, tôi chưa bao giờ biết mặt bố. Sau này, tôi có nghe người ta kể rằng bố lấy một người vợ khác ở Tuyên Quang.
Những ngày mẹ nằm viện, tôi được bá tôi bế ra bờ ao chờ xin sữa của những người hàng xóm có con nhỏ. Bá kể lại rằng có những lần, phải giã củ sắn và gạo sống thật nhuyễn để vắt lấy nước cho tôi uống thay sữa.
Thế rồi, mẹ tôi cũng qua khỏi, và trở thành một cô giáo giỏi nhất vùng. Mẹ trẻ, mẹ đẹp và mẹ rất giỏi… Đó là tất cả ký ức của tôi về mẹ.
Mẹ chỉ có một mình tôi nên tôi rất được mẹ yêu thương và chiều chuộng. Tôi còn nhớ rất rõ ngày đó vì mẹ trẻ đẹp nên có rất nhiều người đàn ông theo đuổi, nhưng tôi đều cảm thấy khó chịu vì điều đó. Mẹ tôi vì thế cũng không đi thêm bước nữa.
Nhớ lúc đó, các bác, các cậu nghèo túng phải vay của mẹ không biết bao nhiêu tiền. Con của các bác, các cô học kém, mẹ đã rèn luyện kèm cặp cho nên người.
Thế nhưng, cuộc sống vốn không ai biết được chữ “ngờ”. Mẹ đã qua đời trong một ngày trời nắng nóng đến khó chịu vì tái phát bệnh cũ. Và tôi đã trắng tay sau cái ngày định mệnh ấy.
Từ đó, các bác, các cậu của tôi tranh giành lẫn nhau, đánh đập, kiện cáo lẫn nhau về toàn bộ tài sản mẹ tôi để lại. Họ nói với tôi: “Từ bây giờ, mày không phải là con cháu trong nhà nữa”. Từ đó, tôi sống trong một trại trẻ mồ côi của tỉnh Phú Thọ.
Ở trại trẻ mồ côi, một xã hội thu nhỏ, cũng không biết bao lần tôi bị bầm dập cả thể xác lẫn tinh thần. Thế nhưng, suốt sáu năm sống ở đó, tôi vẫn luôn đạt thành tích cao trong học tập và đã thi đậu vào một trường đại học lớn, Đại học KHXH&NV – TPHCM.
Bốn năm đại học là bao nhiêu vất vả khó khăn. Tôi đã phải đấu tranh rất nhiều, đấu tranh vì cơm áo gạo tiền thì ít mà đấu tranh để không bị sa ngã thì nhiều vì ở thành phố hoa lệ này có quá nhiều cám dỗ. Nhưng đối với tôi, điều đó cũng chẳng hề gì, tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi và một thân một mình đi xin việc ở một thành phố mà mình chẳng có ai thân thích, lại chẳng có ngoại hình như các bạn khác.
Hai năm ra trường, thay đổi phải đến gần mười công ty, tôi long đong, lận đận, lúc ra Bắc, khi vào Nam. Bàn chân đã có lúc rướm máu, tinh thần đôi khi tuyệt vọng và thể xác có lúc bị bầm dập nhưng tôi vẫn luôn quyết tâm làm việc.
Tất cả chỉ vì một nỗi uất ức, hận đời, một sự điên loạn trong tâm trí khiến tôi muốn kiếm được nhiều tiền bằng cách chân chính để trả thù, để ngạo nghễ với đời, để đòi lại những gì là của tôi đã bị chính những người thân ςướק đi.
Nhưng sau thời gian “điên loạn” ấy, tôi nhận ra mình đã hoang tàn cả về tinh thần và cảm xúc khi cứ để cho sự hận thù ngự trị mà quên rằng còn có những thứ khác rất đáng để yêu thương.
Hôm nay, khi 1/3 cuộc đời của tôi đã trải qua phiêu lãng, tôi mới hốt hoảng, chiêm nghiệm lại chính mình và mới đủ tĩnh tâm để viết ra những điều này như một sự rũ bỏ hoàn toàn những uất ức hận thù, như một sự giải thoát cho bản thân.
Tuy vẫn còn đó chút buồn, cô đơn, hiu quạnh khi đã không còn ai thân thiết bên cạnh nhưng từ nay, tôi sẽ sống cho chính tôi và sẽ cố gắng làm việc để thực hiện ước mơ thành lập được một quỹ từ thiện của riêng mình cho trẻ em nghèo, khó khăn. Đó chính là động lực giúp tôi sống tiếp quãng đời còn lại và lúc nào tôi cũng tự nhủ với mình: “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!”.
[Sưu tầm]