Vâng, con đòi giống các bạn có quần áo mới, cặp da mới, dép mới… vì con chỉ có cái áo trắng ngả màu của anh họ, cái quần đùi được may từ quần lá nem cũ của nội, đôi dép mủ trắng đã xỉn màu bị “sứt mỏ”, được lẹm thô bằ…ng dây kẽm và cặp sách của con chính là cái túi xà bông nhãn hiệu Viso. Mẹ dỗ dành con. Những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt… theo vành nón lá mẹ… che nghiêng!
Con thôi khóc, vâng lời mẹ vào lớp học, nơi có cô giáo và các bạn… chưa quen. Còn mẹ, mẹ đặt xuống lề cỏ trước cổng trường thúng bánh kẹo con con và đợi các bạn của con trong giờ ra chơi mua giúp. Chú bảo vệ khoát tay mời mẹ đi nơi khác. Mẹ khệ nệ bưng bê, tà áo bà ba phai màu của mẹ bay bay trong gió… Con khóc mẹ ơi!
Hằng ngày, mẹ rong ruổi khắp thị xã bằng chiếc xe đạp cà tàng để thu mua phế liệu. Dáng mẹ gầy gầy, gương mặt phờ phạc đôi mắt mẹ quầng thâm vì thiếu ngủ. Lắm khi mua được nhiều phế liệu, mẹ cố dẫn xe nặng nhọc nhích từng bước thận trọng qua cầu, mẹ ghìm xe không nổi, xe ngã, mẹ té xuống mặt đường, đống phế liệu đè lên thân mẹ. Con bất chợt trông thấy mẹ trên đường con đi học… Con khóc, mẹ ơi!
Đêm đã về khuya, tụi con ngồi tựa cửa đợi mẹ và ngủ quên lúc nào không biết. Giật mình tỉnh giấc, mẹ vẫn chưa về, con Xuân chạy vào sào đồ và lôi ra chiếc áo bà ba của mẹ, nó ôm áo vào lòng, hôn lên áo, rồi khóc. Con là anh lớn, con dỗ em: “Đừng khóc, chút mẹ về!” nhưng… con lại khóc theo em.
Mẹ về, trong giỏ đệm có một hộp sữa bột còn lưng và đã gần hết hạn sử dụng mà cô bác nào đấy thương tình mẹ con mình khốn khó nên cho, mẹ nhanh tay pha cho tụi con mỗi đứa một cốc sữa uống trước khi đi ngủ. Những giọt sữa ngày ấy trôi qua cổ họng, mẹ ơi, tới bây giờ vẫn nghèn nghẹn lòng con.
Thương mẹ vất vả, sợ làm mẹ buồn nên tụi con đứa nào cũng cố học chăm ngoan. Không có mẹ ở nhà, tụi con biết yêu thương, chăm sóc lẫn nhau và làm việc nhà đỡ đần cho mẹ. Mẹ không có nhiều tiền lo cho tụi con học thêm như các bạn nhưng tụi con vẫn học tốt, mẹ thấy con của mẹ có “cừ” không!
Vì tội đánh bạn, con bị một trận đòn nên thân. Ai biểu tụi nó trêu mẹ của con là “bà gánh ve chai, lông vịt”, ai biểu tụi nó trêu gia đình mình là “đồ lượm bọc”, đứng gần “hôi rác, hôi nước cống”. Mẹ đánh con nhưng sao mẹ khóc? Mẹ bảo “mẹ không khóc”, sao khóe mắt mẹ rưng rưng?
Ba mươi năm một chặng đường. Tôi, thằng bé con bà “đồng nát” lam lũ ngày xưa giờ đã là một giáo viên với tấm bằng thạc sĩ sinh học, một võ sư trẻ tuổi trong làng võ cổ truyền Việt Nam, được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, đã, đang và sẽ tích cực cống hiến sức mình cùng sự chuyển mình của Tổ quốc trong thế đứng năm châu.
Mẹ ơi! Gia đình mình giờ đã qua rồi cơn khó, nhưng con vẫn không sao quên được “ổ chuột” căng chằng căng chịt những bao ni lông, những tấm cao su ngày xưa của nhà mình. Nơi đó, anh em tụi con đã lớn lên trong tình yêu thương và sự nhọc nhằn của mẹ. Nơi đó, có tuổi ấu thơ của tụi con trong khắc khoải… đợi mẹ về.
[Sưu tầm]