Tháng năm không ở lại

Tác giả:

Mình nhìn xuống dưới. Bạn bè vừa dứt tràng vỗ tay. Hội đồng phản biện đang hội ý cho điểm. Giá mà họ cứ hội ý mãi. Bởi vì chỉ ngay sau đấy thôi, đời sinh viên của mình đã kết thúc rồi.

11.thang-nam-khong-o-lai

16 năm đi học thế là đã trôi vụt qua như 1 cái khoát tay. (Trong khi thật ra không phải thế, nó dài lắm, rất là dài. Nhất là với đứa nào học dốt.) - – -

Hồi cấp 1, trong cái nỗi mệt mỏi vì học giỏi, mình nhẩm tính” Giờ mới học lớp 2, đến bao giờ mới học xong lớp 12?” Bởi vì quá là căng thẳng đi. Học lớp 1 cũng phải thi đầu vào, lớp 2 đã phải chọn đội tuyển thi học sinh giỏi cấp trường, lớp 3 lớp 4 cấp Quận, lớp 5 cấp Thành phố. Tức là sách giáo khoa ít chữ sẽ được đảo qua rất nhanh thôi, còn chủ yếu là học sách nâng cao sách bồi dưỡng. Cặp đi học to đùng như một cái thùng. Lên lớp 5, tất cả những đứa đội tuyển được xếp vào 1 lớp học riêng, học kiểu gì í khó lắm, mỗi bài kiểm tra là 1 đề thi học sinh giỏi. Năm đấy cả lớp đi thi mang về tầm 20 cái giải. 20 đứa được thưởng 20 cái cặp Cô gái Hà Lan giống i xì nhau. Mình chỉ được giải Ba thôi. Có hôm mình với cả 1 bạn cầm nhầm cặp của nhau về. Bạn kia được giải Nhì suýt soát Nhất, mà lúc mở cặp ra mình thấy toàn truyện tranh. Mình bắt đầu ghen tị với bọn thông minh vãi. Thông minh chả cần học nhiều. Học nhiều mệt.


4 năm cấp 2 không khá khẩm gì hơn. Lại sốt ruột “Đến bao giờ mới học xong lớp 12”. Nhưng lý do không chỉ còn là mệt mỏi vì học giỏi nữa. Mình muốn học xong lớp 12 để có người yêu. Chịp, vì những năm đầu thế kỷ 21 là thời kỳ phim Hàn rất thịnh ở Việt Nam. Mấy người trong phim dù gái hay trai cũng đều rất xinh và có tình yêu đẹp. Trong khi hồi cấp 2 mình xấu như 1 con khỉ, nhìn bọn bạn xung quanh cũng xấu như 1 đàn khỉ. Nói thật chứ 1 lũ khỉ nhìn nhau thì chẳng con nào muốn thích con nào. Đồng phục có 2 cái quần 2 cái áo 1 dài 1 ngắn mặc suốt tuần. Ngoài học ra chả biết làm gì ngoài học thêm. Trong không khí học hành khô khan và thiếu thốn cái đẹp đấy, cô bé 14 tuổi ao ước học cho xong để đến ngày thoát xác.

Lên cấp 3, rút kinh nghiệm không cố tình học giỏi nữa. Cứ vừa đủ thôi, kết hợp ăn chơi tiêu sái cho thoải mái. Nhưng khổ cái Toán Lý Hóa cấp 3 khó quá. Có lần kiểm tra Hình không gian 1 tiết được hẳn 1 điểm. Hóa thì nhìn chả hiểu gì. 1 lũ dốt Hóa ngồi với nhau có lần bảo:” Tao cảm giác đấy không phải tiếng người bọn mày ạ”. Thế là phải đi học thêm.


Lại nhớ nguyên xi cái cảm giác đạp xe trên đường Kim Mã đi học thêm lúc 7h sáng giữa mùa đông lạnh tím tái. Vừa đạp vừa ngủ gật. Đến muộn 3’ tự động quay xe đi về, vì vào muộn sẽ bị cô nói dữ lắm. Từ đấy hình thành khao khát học cho xong cấp 3, thi đỗ Đại học để tự do đi xe máy và không mắc nợ học thêm. Đùa chứ mình thấy học thêm là gông cùm nặng nề nhất của cả 1 đời học sinh. Ngoài ra thì kiểm tra miệng với kiểm tra 15’ cũng là 2 thứ ám ảnh thần kinh dai dẳng. Có đứa nào trong giờ kiểm tra miệng mà dám ngẩng cao đầu? Có đứa nào nghe câu:” Cả lớp lấy giấy kiểm tra 15’!” mà không thất thần hoảng hốt? Chịp, học hành là chuyện vinh quang mà sao không tránh khỏi những phút giây tự thấy mình khổ khổ hèn hèn như thế nhỉ?


4 năm Đại học không viết hết 1 quyển vở. Kiểu người ta bảo Đại học = Học đại ấy. Cấp 1 cấp 2 cấp 3 bị 7 điểm còn buồn còn khóc chứ lên Đại học được 7 điểm thì còn xuân nào vui hơn. Đôi khi nghe các bậc anh chị đi trước bảo: “Bọn mày sướng! Đi học là sướng nhất rồi, giờ tao chỉ mong được đi học” lại thấy chả tin lắm. Nếu được lựa chọn thì chẳng ai muốn đúng boong lúc 7h sáng mùa đông phải có mặt điểm danh trên giảng đường. Chẳng ai muốn giữa trưa hè 43 độ phải bò ra học Triết ôn thi. Chẳng ai muốn giữa cái đêm gió mùa đông bắc tràn về, tay gõ tiểu luận mà não không ngừng đấu tranh “Học hành thì ấm vào thân, đi ngủ thì ấm từ chân lên đầu”. Lại ao ước “Học cho ngoan, lớn cho nhanh, bay vào đời xây dựng. Rèn đôi tay, chắc đôi chân, lao động là vinh quang.” Lao động là vinh quang. Còn học hành là còn khổ nạn.


- – -

Ấy thế mà lúc này đây, khi mọi sự học hành tuồng như đã đến hồi xong xuôi, khi mà tất cả những thứ ước ao trước kia mình đã có được hòm hòm, thì lại muốn níu kéo vớt vát cái kiếp khổ nạn đấy lại quá xá.


Mình nhớ những cái bát tô nhựa màu đỏ chất đầy trứng thịt xong lại chan chứa nước canh mà mình ăn bán trú suốt hồi cấp 1. Bữa nào bọn mình cũng xin phép nhau: “Ấy cho tớ 1 miếng thịt, tớ đổi cho 2 miếng cá”. Mấy thằng béo béo thì hay ςướק luôn, không nói nhiều. Mấy con gầy choắt không ăn hết cơm sẽ lén lút đổ cơm vào ngăn bàn, chiều ngủ dậy đứa nào ngồi học ở cái bàn đấy sẽ hét toáng lên giữa lớp là: “Con thưa cô ngăn bàn con có đậu sốt cà chua!” Hồi cấp 1 có phim Hoàn Châu Cách Cách. Sáng nào đến lớp cũng ngồi nói chuyện Tiểu Yến Tử với Ngũ A Ka. Cổng trường tiểu học thì luôn luôn là 1 miền đất hứa với bạt ngàn ô mai dây, bim bim que, chất lỏng Alex Mark, kẹo cao su Big Babol, poster Britney Spears các thứ.


Mình nhớ cả hồi cấp 2 đi học thêm Văn ở nhà cô, có hôm trời mưa bão đùng đùng, cả lớp chưa đứa nào ăn sáng cả, cô mới xách mâm ra đầu ngõ mua cho mỗi đứa 1 bát cháo lòng rồi lại đội mâm về. Có chị giúp việc nhà cô chạy theo cầm ô che. Cả lớp rưng rưng cảm động, mới tức khẩu làm ngay 1 câu lục bát: “Trời mưa bong bóng phập phồng – Chúng em nhớ mãi cháo lòng cô khao”. Cái câu thơ kinh điển đấy bây giờ mỗi lần trời mưa, hoặc mỗi lần đi ăn cháo lòng mình đều lẩm nhẩm. Xong nghĩ, không biết sau này đi làm, các sếp có tốt với nhân viên như là cô giáo mình đã tốt với lũ học sinh bọn mình không.


Cấp 3 là thời kỳ bắt đầu có triệu chứng bệnh tim. Tình lúc đấy chỉ là tình khó nói kiểu mưa rơi lặng thầm thôi. Giờ ra chơi nào mình cũng đứng nấp sau cái cột, vén màn che nắng ở hành lang nhìn lên chỗ anh í đứng. Có hôm đứng rình suốt 5 tiếng ở hàng điện tử, chờ anh í oánh MU xong chỉ để đưa cho anh í cái bánh socola mình tự nướng bằng nồi cơm điện, cứng ngắc và dai nhách như 1 miếng đệm ʍúŧ Kim Đan. Mấy con bạn mình bảo bánh đấy ném chó chó vỡ đầu. Mình còn giả vờ là nhà mình cũng ở Gia Lâm để đi xe bus cùng anh í về mỗi ngày, sau đấy lại lên xe đi ngược về nhà mình ở đầu kia thành phố. Giờ mình đã hiểu thế nào là nhan sắc có hạn mà thủ đoạn thì vô biên.


Còn trường Đại học của mình, nơi mình đang đứng đây; nơi mà 2 năm đầu mình đã rắp tâm rút hồ sơ để thi lại sang trường khác; nơi mà trong bao giấc mơ hiện ra khi mình ngủ gật trên giảng đường, mình đã ước đến ngày tốt nghiệp để tung cánh bay khỏi đấy. Thì bây giờ, mình lại mong nó cứ chứa chấp mình đi, đừng đẩy mình ra đời vội. Mình vẫn còn muốn lui tới đây hàng ngày, vẫn muốn gặp anh trông xe khi nhìn thấy mình sẽ gật đầu cười:”Vào đi không cần vé!”, vẫn muốn lên canteen ăn bát mì ít thịt ít cả rau, vẫn muốn lê la sân trường mà hát hò nhảy nhót tập tành cho các chương trình Đoàn Đội Hội phường. Mình vẫn muốn nửa đêm gọi điện cho các bạn hỏi học thi đến câu nào rồi, rồi ngồi tự quây để với nhau mà chả dựa trên cơ sở nào cả, sáng hôm sau thi lệch tủ lòi mắt.


16 năm đi học của mình sắp hết. 16 năm mình thấy mình đúng là 1 sản phẩm hoàn hảo của nền giáo dục nước nhà. Thuộc 5 điều Bác Hồ dạy, thuộc bảng cửu chương, bao nhiêu cái giải học sinh giỏi, thủ khoa Đại học, không bạo hành nữ sinh, không bật thầy cô giáo, chả có cái clip ѕєχ nào mà tung lên mạng.


Sau buổi bảo vệ tốt nghiệp này, sẽ chẳng còn ai chấm điểm cho mình nữa. Những cái máy quẹt gắn trước cổng các công ty sẽ chỉ chấm công cho mình thôi.


Tối qua, là xong bộ áo dài để hôm nay mặc đi bảo vệ, mình online 1 tí và nhìn thấy cái ảnh 2 bạn học sinh trường Ams ôm nhau khóc trong lễ tốt nghiệp. “Made in 12” năm nay của các bạn tên là “Dòng thời gian”. 4 năm trước, chủ để “Made in 12” của khóa mình là “Tháng năm không ở lại”. Năm đấy, khi cái clip cuối cùng được phát, trên màn chiếu là cảnh các lớp học vắng tanh, hành lang dài hun hút, sân trường trống không 1 bóng người, 2 cánh cổng trường từ từ khép lại, ai đó bắt đầu hát “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này…”, mình cay xè mắt mũi. Lúc đấy có muốn chạy ra ôm 1 bạn, và thêm 1 vài bạn khác. Nhưng cứ đứng như trời trồng. Tối về nhà ân hận lắm, ân hận đến suốt cả những năm sau này.


Nên chỉ vài phút nữa thôi, khi lễ bảo vệ của mình kết thúc, mình sẽ xuống dưới ôm nhiều bạn, bắt tay nhiều thầy cô. Bởi vì “Tháng năm không ở lại”. Và ngay cả tháng 5 cũng không hề ở lại đâu.


[Sưu tầm]