Thật ra người Trang yêu không phải là Hải, chồng cô bây giờ, mà là Hiếu, người bạn từ thủa tóc còn để chỏm. Hồi đó, Trang như một cậu chàng đúng nghĩa. Bắn bi, chơi thuyền, đá cầu, ném lon đến đi trộm xoài, vặt ổi... mấy trò của của các cậu choai choai chẳng bao giờ vắng Trang. Đến trò đánh trận, săn bắt ςướק, bao giờ Hiếu và Trang cũng là một cặp bài trùng theo kiểu đánh đâu thắng đó.
Mới đầu, Trang chỉ xem Hiếu như một thằng bạn, chơi với nhau miết thành “quen mùi”, một hai ngày không gặp để gây gổ là khó chịu trong người. Đến trường cũng vậy, cứ Hiếu đứng đầu ngõ ới Trang thế là hai đứa dắt nhau đi. Học không cùng lớp nhưng cứ đến giờ ra chơi hai đứa lùng sục tìm nhau. Đến cô giáo chủ nhiệm của Trang lúc đó còn trêu: “Cuối năm nay để làm đám cưới cho bạn Trang lớp mình và bạn Hiếu lớp B”.
Trang khóc òa giữa lớp: “Không, em không lấy thằng Hiếu ấy đâu. Thằng ấy vừa xấu trai vừa bẩn, tối hôm trước nó tè dầm còn để vậy đi học luôn”. Cô giáo và cả lớp được trận cười vỡ bụng.
Bên ngoài, hai đứa vẫn xoen xoét nói ghét nhau nhưng làm gì cũng phải có nhau. Có lần, mấy cậu lớp trên giật tóc Trang, Hiếu hùng hổ lao vào, học theo giọng một anh hùng trong phim cổ trang: “Chúng mày động đến cô ấy thì bước qua xác tao!”. Chính câu nói “ba bớp” này đã khiến ông bố Hiếu chạy ra tận nơi, dùng roi mây đánh tới tấp cậu con trai một. Trang thút thít, nhưng nhất quyết không mở lời xin bố Hiếu tha cho cu cậu. Nhưng cũng từ sau trận đòn đó, Trang bắt đầu thương Hiếu...
Lớn lên, hai người đi bên nhau chẳng còn những giây phút hồn nhiên, quậy phá như ngày nào. Mỗi khi trong làng có người chọc ghẹo, Trang lại đỏ mặt, thẹn thùng, còn Hiếu thì bối rối, gãi đầu “sồn sột”. Cái tuổi phơi phới tìm hiểu, hai người đã dành trọn tình cảm cho nhau dù chưa một lần nói lời yêu.
Nói sao được, khi bố mẹ Trang nhất quyết không đồng ý cho con gái yêu chàng trai quê, gia cảnh khó khăn. Bố Trang nói: “Mày xinh đẹp, quanh quẩn chi quanh làng quê bùn đất này cho nhem nhuốc. Phải kiếm cho được thằng chồng phố thị để đổi đời không chỉ mày mà cho cả bố mẹ, em út mày”.
Hiếu quyết định lên thành phố kiếm việc. Trước khi đi, Hiếu hẹn Trang ở đình làng. Cũng giống như lần Hiếu bị bố đánh vì bảo vệ Trang, Trang chỉ thút thít chứ nhất quyết không nói lời yêu.
Chẳng hiểu sao bố mẹ Trang biết được cuộc hẹn này, ra tận đình kéo Trang về. Ông bố đay: “Mày định vác xác theo thằng khố rách áo ôm ấy rồi cả đời cả kiếp đi ăn mày hả Trang? Sinh mày ra, tao cho mày nhan sắc để làm gì?”.
Sau hôm đó, Hiếu lên phố, hai người không còn gặp lại nhau. Nửa năm sau, một người bạn cũ của bố tìm đến nhà Trang. Trang đã nghe phong thanh, ông ta mai mối Trang cho con một người bạn. Hắn ta tên Hải, chủ tiệm hàng điện tử lớn ở dưới phố.
Bố Trang gật đầu ngay tức thì, mặc Trang khóc lóc phản đối. Mẹ Trang không lớn tiếng, chỉ an ủi con gái: “Lấy người ta cho đổi đời con ạ. Phận nữ một kiếp khổ như mẹ mày có báu gì”. Năn nỉ không được, mẹ Trang đòi ૮ɦếƭ nếu cô không đồng ý.
Trang biết tính mẹ đã nói là làm, không có chuyện dọa suông nên đành cắn răng gật đầu. Nửa tháng sau, cái đám cưới linh đình nhất xã từ trước đến giờ diễn ra. Trong làng, từ già đến trẻ, từ gái đến trai đều không khỏi ghen tị với Trang. Đến bố mẹ Hiếu cũng còn chép miệng: “Nó đẹp thế, đời nào nó lấy con mình”.
Một bước đổi đời, Trang được cái tiếng thành bà chủ tiệm hàng điện tử ở phố. Nhìn bề ngoài, mấy ai không mơ ước địa vị của cô. Nhưng có ai biết, ngay ngày đầu về làm dâu nhà Hải, Trang đã nghe bà mẹ chồng cho Osin nghỉ việc vì: “Rước con dâu quê chẳng học hành, nghề nghiệp thì về chỉ có phụ việc nhà”. Đường đường là dâu, làm vợ, nhưng đúng nghĩa Trang là người giúp việc. Mọi việc trong nhà đến hầu bố mẹ chồng, hầu chồng và ba đứa em chồng đều do Trang đảm nhận. Càng ngày, Trang càng héo hon bởi sự đay nghiến của bà mẹ chồng.
Mỗi lần cất tiếng là mỗi lần bà tuôn xả hàng loạt lời miệt thị người nhà quê. Nhiều hôm, đã bưng chén cơm nhưng Trang nghẹn lại khi mẹ chồng lắc đầu: “Khổ, cứ nhìn cái kiểu cách dùng bữa quê mùa của ai đó là tôi đây nuốt chẳng trôi”. Khi Trang chực trào nước mắt, bà ta được thể, bù lu lên: “Loại con dâu hư đốn, mẹ chồng có lòng tốt, góp ý chân tình thì đòi ăn vạ!”. Ăn sung mặc sướng đâu không thấy, Trang ngày càng xanh xao héo mòn.
Mang bầu được ba tháng, Trang nhất quyết bàn với chồng ra ở riêng. Hải - chồng cô chẳng xấu mà cũng chẳng tốt, sống kiểu nào cũng bằng lòng. Nhà chồng Trang chẳng giữ, chỉ tuyên bố từ mặt cô. Trang ra ở riêng với điều tiếng vơ vét hết của nả nhà chồng, dụ chồng phản cha, phản mẹ.
Cuộc sống riêng với Trang cũng không khá khẩm hơn. Chồng Trang suốt ngày bù khú nhậu nhẹt với bạn bè, sau đó công khai bồ bịch. Trang chẳng yêu Hải, hắn có một bồ chứ mười bồ cô cũng chẳng ghen, nhưng cô cần được tôn trọng. Trang phản ứng thì Hải nói như tát nước vào mặt: “Cô không có quyền. Cô là vợ, nhưng là vợ tôi mua bằng tiền. Cô có biết trước đây tôi phải đưa cho bố mẹ cô và lão Thà làm mối hết bao nhiêu cây vàng không?”.
Một ngày, Hiếu xuất hiện trước mặt Trang khi chồng cô đang đi Vũng Tàu lấy hàng. Hiếu già dặn và chai sạn hơn trước. Anh đang làm việc tại một xưởng sản xuất nhôm thép ngay trong thành phố. Giờ Trang mới biết, bao năm nay Hiếu vẫn từng bước theo dõi cô.
Hiếu muốn Trang quay lại với anh, trở về quê sinh sống. Có lẽ hơn ai hết Trang muốn điều đó, nhưng cô không thể. Con gái Trang đã hơn hai tuổi, cô không thể xáo trộn cuộc sống của con. Cô thắt lòng nói với Hiếu: “Anh thật nực cười, em có một gia đình hạnh phúc, một người chồng giàu có, đứa con ngoan, hà cớ chi phải bỏ đi theo anh”.
Chỉ khi Hiếu quay đi, Trang mới nức nở, thì thầm: “Kiếp này em đã sống sau cánh cửa hồng, xin trả nợ anh vào kiếp sau!”.