Nỗi nhớ không tên

Tác giả:

Có bao giờ bạn bất giác dừng lại giữa cuộc đời và nhìn ngắm lại những gì đã qua, những kỉ niệm, những hình bóng đã cũ, những nụ cười đã cũ nhưng vẫn nằm lại đó, vẹn tròn, và quá khứ sẽ như một thước phim quay chậm cũ kĩ hiện lên trước mắt, nhắc ta nhớ, những nỗi nhớ khi mơ hồ, khi rõ ràng, những nỗi nhớ mà đôi lần ta lại gọi bằng cái tên mộc mạc: nỗi nhớ không tên.


noi nho khong ten


Trong cuộc sống, đôi khi những nỗi nhớ đến một cách bất chợt, không báo trước. Đôi khi là những lúc thả mình lại theo những bài hát quen thuộc, đôi khi là lắng nghe tiếng tích tắc gõ nhịp đều đặn của chiếc đồng hồ già nua để hồi tưởng về những gì đã qua. Nỗi nhớ đôi khi tự tìm đến mình, đôi khi chúng ta tìm đến nó, không thể nói trước.


Nỗi nhớ thật lạ, khi chợt đến khiến ta ngỡ ngàng, khiến ta chìm trong một nốt trầm xao xuyến. Có khi ta đi trên một con phố dài, bắt gặp một bóng hình xưa thoáng vụt qua. Để rồi thương nhớ ùa về, ngùi ngùi. Cuộc sống như một bản nhạc dài, mà đôi khi ta dừng lại, như một nốt lặng giữa những phím đàn, để nghe yêu thương, nghe nỗi nhớ ùa về, nghe những gì thuộc về quá khứ bỗng chốc trở nên sống động, khơi dậy những cảm xúc đã ngủ quên trong tâm hồn.


Những nỗi nhớ bắt đầu từ những thứ bình dị nhất: một ánh mắt, một nụ cười, một cái ngoái nhìn. Ai đó bảo rằng thời gian sẽ dần phủ một lớp bụi mờ lên kỉ niệm, rồi mọi thứ sẽ rơi vào quên lãng. Nhưng kỉ niệm không mất đi, nó vẫn nằm đó, lẩn khuất trong một góc sâu thẳm nào đó trong tâm hồn chỉ chờ một dịp nào đó để rồi bừng lên, và dòng nhớ theo đó ùa về, ngập lòng.


Những tháng ngày sinh viên, sống xa nhà, bữa cơm gia đình giờ đây được thay thế bằng những phần cơm hộp mua vội vàng ngoài hàng quán. Những hột cơm khô ran giữa cái nắng Sài Gòn. Cầm chén canh lỏng lét, có đứa càm ràm, canh chua này ở quê má bỏ thơm thay me, ăn nghe vị chua chua ngọt ngọt, món canh cải má sẽ ngồi lặt những lá cải xanh nhất bỏ vào nồi. Rồi có đứa lặng thinh. Giờ này, ở quê, trong một ngôi nhà nhỏ, ba đã đi làm về, má đang dọn ra tô cơm nóng hổi, thằng em cũng vừa từ trường ra, thể nào thằng nhỏ cũng giở chái bếp, lục mớ đồ ăn. Và ba sẽ lại buông tiếng la rầy.


Giờ này, ở quê, cũng chiếc bàn ấy, nhưng một chiếc ghế đã ám bụi vì vắng người ngồi. Bỗng dưng những muỗng cơm hộp nghẹn ứ trong miệng, bỗng dưng muốn về nhà ngay, ngay tức khắc, ừ, bỗng dưng…


Bất kì điều gì có thể ghi nhớ được cũng có thể trở thành nguồn cơn của một nỗi nhớ. Nhưng đôi khi nỗi nhớ không thể được gom lại bằng những hình ảnh hữu hình cụ thể, nó là những cảm giác của một khoảng thời gian mình đã trải qua mà khi bắt gặp những gì tương tự, lại làm mình ngậm ngùi và xao xuyến, thèm được sống lại những cảm giác đó. Những cảm giác đã cũ, ám ảnh trong tim bằng nỗi nhớ dặt dìu, với những kỉ niệm khó phai. Nhưng thời gian nào có quay ngược bao giờ…Tưởng tượng một ngày bình thường nào đó, bạn quyết định ngồi xếp lại tủ quần áo.


Lần giở hồi lâu lại gặp bộ đồ cấp ba nằm gọn gàng trong một góc nào đó. Những vết mực vẫn còn đó, cái phù hiệu cũ vẫn nằm phía trên túi áo, mấy chỗ sờn giờ đã phai màu hơn. Tất cả vẫn vậy, chỉ có thời gian đã phủ lên một lớp bụi mờ cũ kĩ. Lại thấy nhớ, nhớ những buổi trưa nắng hè gay gắt, đám học trò mồ hôi ướt đẫm lao theo trái cầu. Nhớ những ngày cặm cụi học bài trước giờ kiểm tra, nhớ cả những câu đùa giỡn, những nụ cười mà đám trẻ ngày ấy quăng vào không gian.


Mấy dạo ngang qua ngôi trường cũ, nắng vẫn vàng đầy sân, những tàng cây vẫn nghiêng mình che bóng cho bao đứa học trò, ngôi trường vẫn thế, thầy cô vẫn là những người cũ, nhưng ta giờ đã khác, đã không thể mỗi ngày bước chân vào trường, đã không thể trở về những ngày xưa ấy. Chỉ còn đọng lại, là nỗi nhớ, da diết, chùng chình. Nhớ lại câu nói của cô giáo chủ nhiệm những ngày cuối lớp 12: “Các con hãy xếp những bộ đồ đi học lại, vào một ngăn kéo nào đó. Rồi nhiều năm sau này, các con hãy lấy ra, để nhớ về một thời đã đi qua. Khi ấy, các con đều có con đường của riêng mình, cuộc sống của riêng mình. Khi ấy, có kẻ còn, người đã ra đi. Khi ấy, con sẽ thấy nhớ một thời đã đi qua”.


Chẳng biết rồi sau này sẽ ra sao, nhưng giờ, lớp 12 của ngày xưa mỗi đứa đã đi trên con đường của riêng mình. Những gương mặt trước đây gặp gỡ mỗi ngày giờ chỉ thi thoảng mới nhìn thấy nhau. Bây giờ còn nhớ vậy, thương vậy, còn mừng mừng tủi tủi cho những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, những buổi họp mặt ngắn ngủi. Nhưng, biết sau này sẽ ra sao?


Nhắc đến nỗi nhớ, người ta thường hay nghĩ đến tình yêu. Con người thật kì lạ, thường thì chẳng thể hiểu ra mình ở hiện tại, chỉ đến khi mọi thứ trôi qua, chỉ đến khi chúng ta đánh mất mới thấy nhớ, thấy thương. Và khi nỗi nhớ đồng hành cùng trái tim, nó đang chỉ ra rằng: bạn đang yêu đấy. Tôi xin trích nơi đây đôi dòng tâm sự của một du học sinh trên mạng mà có lần tôi vô tình đọc được: “Nhiều khi đếm thời gian, sao thấy nó trôi chậm thế.


Mãi không hết một tuần, mãi không hết một tháng, mãi không hết một năm. Nhiều lúc anh cảm giác mình không vượt qua nỗi, có thể em không tin nhưng quả thật là như vậy. Nhiều lúc anh chỉ thèm được đi lang thang, được ngồi ở hồ bé, ngồi ở những chỗ quen thuộc của hai đứa mình, những chỗ dường như chỉ dành cho bọn mình thôi ấy. Nhất là những ngày cuối tuần, chẳng hiểu em đang làm gì cả. Biết là em buồn lắm, biết là em thấy cô đơn lắm, nhưng chẳng thể làm gì được cho em.


Ngay cả những điều đơn giản nhất, gọi điện về cho em, anh lại chẳng nói được điều gì cả. Anh thấy tự giận bản thân mình, muốn gọi điện về cho em, định nói nhiều điều: rằng anh nhớ em lắm, rằng anh bồn chồn lắm, rằng anh thèm được bên em, hay chỉ muốn được cầm tay em, không được thì chỉ nhìn thấy em thôi, hay nghe thấy giọng em thôi cũng được. Nhưng từ ngữ nó cứ bay đi đâu mất ấy. Anh biết, những lúc đó anh làm em buồn.


Anh cũng chẳng hiểu nỗi chính bản thân mình nữa. Hôm nào anh cũng cố gắng mở mail ra, rồi vào blog của em để đọc, tự thưởng cho mình cái cảm giác được gần bên em. 6 tháng trôi qua, anh vẫn nhớ những cảm giác ban đầu, anh vẫn nhớ như in giai đoạn ấy… Mai anh Nhân về rồi, cuối tuần này em lại có quà rồi, anh gửi trong đó tình yêu của anh, sự nhớ nhung của anh, và anh gửi trong đó luôn cả niềm vui khi em nhận quà mà anh tưởng tượng ra.


Anh gửi trong đó cảm giác muốn em luôn hạnh phúc, muốn em luôn vui vẻ. Anh còn nợ em nhiều quá. Thời gian thật dài mà cũng thật ngắn. Tự dưng nhận ra mình đã ở bên này sáu tháng rồi. Anh sẽ chọn một cái ảnh em yêu thật xinh để in ra, để ở trên bàn trong căn phòng rộng, để đỡ cảm giác trống trải, để mình được gần nhau thêm, em nhé!


Nỗi nhớ không chỉ ám ảnh bởi những người ta gặp, những chuyện ta trải qua mà đôi khi một khung cảnh đẹp, một cánh đồng bất tận, một khu vườn ngợp nắng, mặt biển xanh ngát tận chân trời cũng khiến ta mỉm cười khi nhớ đến. Những ngày Sài Gòn rợp nắng, cái nắng hanh hao, oi bức của những buổi trưa hè rải xuống lòng đường, chợt thèm một cơn mưa da diết. Nhớ tiếng những giọt mưa tí tách trên mái hiên nhà. Nhớ cảnh những đám mây vần vũ hồi lâu trên nền trời, nhớ gió mang hơi ẩm lùa vào phòng, mát rượi.


Những cơn mưa đọng lại trong nỗi nhớ theo những cách khác nhau. Thuở bé, đám trẻ con ngày ấy chỉ mong cơn mưa đến, để rồi chạy lon ton trên sân, đạp nước tung tóe, và quăng vào nhau những tiếng cười, ngây ngất. Lớn lên chút nữa, đón mưa đến bằng tâm trạng chờ đợi nôn nao, thèm cái cảm giác đi giữa màn mưa bụi dưới những tàn cây, nghe lòng mình trải ra, để những giọt nước bắn vào mặt, tan đi, như muốn xoa dịu đi những muộn phiền trong cuộc sống. Mưa, cái khoảnh khắc giọt nước chạm vào mặt đất hay đọng lại bên cửa sổ khiến người ta nhớ, bởi mưa gieo cái buồn man mác vào không gian. Để lòng người chùn lại. Để những giọt nước chảy đi như dòng kỉ niệm cứ cuộn chảy, ùa về, mang theo cả nỗi nhớ khôn nguôi.


Cuộc đời của mỗi con người được xây nên từ những viên gạch của quá khứ, của hoài niệm, nhưng không thể cứ sống mãi trong bức tường kỉ niệm. Đâu thể dừng lại, lặng thinh cho ngày đang tới, khi mọi người đang hướng về phía trước còn ta thì ở lại, phía không ai, phía một mình. Nỗi nhớ chỉ nhắc ta về những gì đã qua, nhắc ta mỉm cười để đón nhận những ngày sắp đến. Cuộc sống không thể vẽ nên bằng những nỗi buồn ám ảnh mùi kỉ niệm, cuộc sống được tô vẽ bằng những từ tươi sáng hơn: nụ cười, hy vọng, tương lai. Ừ, tương lai là những gì chúng ta đang hướng đến. Và nỗi nhớ, chỉ là những thoáng bất chợt vô tình, như một cơn gió thoảng qua gợi chút mùi hương dìu dịu, thắp lên cho đời thêm ý nghĩa, để ta không đánh mất mình, để ta vẫn còn nhớ, và để kỉ niệm vẫn nằm lại đó, vẹn tròn trong tim.


Nghe gió lùa ngoài sân, lẹt đẹt quét lên hiên nhà, nghe trong không gian có mùi của kỉ niệm, phải chăng nỗi nhớ đang ùa về, đâu đây.


(Kết thúc)