Người dưng

Tác giả:

Chẳng buồn nhắn tin trả lời, lại cầm tù cái điện thoại dưới lớp chăn dày. Năm nay miền Bắc rét dai dẳng và đáng ghét, cái khăn len đan suốt mùa đông vẫn không xong chỉ vì cứ đan được nửa chừng lại tháo ra đan lại. Bạn bè trêu “nàng Bân đan áo cho chồng…”, nó cười. Im lặng mà nghe lòng se sắt một nỗi buồn khó tả.
Anh đi bộ đội cùng thời gian nó vào đại học. Hai đứa hẹn nhau sau bốn năm ổn định công việc sẽ gặp lại. Chỉ là một lời hứa không đầu không cuối ấy mà nó nhớ mãi trong lòng, nhớ đến mức suốt những năm tháng sinh viên nó không thể yêu ai được nữa. Anh nhập ngũ tận trong Nam, một năm đôi ba lần gửi thư về hỏi: “Em có khỏe không? Dạo này học hành thế nào?…”. Đôi khi cũng ôn lại vài ba câu chuyện cũ, đủ để nhức nhối lòng nhau rồi lại bặt tăm vài ba tháng. Lá thư gần đây nhất, anh bảo có lẽ sẽ phải ở trong đó thêm một thời gian dài khi vừa mới nhận quyết định là sĩ quan chuyên nghiệp. Anh cũng nói xa xôi rằng sẽ phải đi học thêm, sẽ phải dành thời gian phấn đấu cho sự nghiệp. Như thể anh muốn bảo nó đừng chờ đợi nữa vì rất có thể anh sẽ chẳng bao giờ chuyển công tác ra Bắc cả. Nó không buồn hồi âm, sau khi gấp lá thư lại nó cởi bỏ chiếc khăn đang đan dở và cuộn thành cuộn len đã xù lông, quăng vào góc tủ.
* * *
Mẹ cứ giục mãi:
– Con gái đến tuổi này mà vẫn chưa thấy nói gì đến chuyện chồng con là sao vậy? Định để ế ra đấy chắc…
Nó cười hì hì:
– Con ở với mẹ suốt đời.
Mẹ thở dài quay đi, nói những câu trách móc vừa thương vừa giận:
– Nhưng tao có ở vậy được với mày suốt đời đâu. Con gái có nhan sắc, có học có hành mà sao lận đận…
Nhìn dáng mẹ lẫn vào bóng tối nhá nhem, lần đầu tiên nó thấy những thứ mà bấy lâu nay nó chờ đợi thật mong manh và vô nghĩa. Nhưng chẳng hiểu sao nó vẫn không đủ dũng cảm để dứt ra…
Con bạn thân nhất cũng đi lấy chồng, ngày bước lên xe hoa còn nhắn lại: “Mày đừng đi tìm những thứ phù du nữa. Lớn rồi còn bé bỏng gì đâu”. Tối về nhà, nó đứng úp mặt vào tường khóc sưng húp mắt như ngày xưa mỗi lần hư bị bố phạt. Lòng tự dặn lòng: “Thôi! Đừng chờ đợi nữa”.
Người dưng lại nhắn tin: “Mai anh xuống chở đi ăn kem nhé!”. Nó càng quay quắt nhận ra rằng, sau bấy nhiêu năm, nó chưa một lần hò hẹn.
* * *
Biết nó buồn, người dưng chở quanh phố Phan Đình Phùng cho nó nghe tiếng từng chú chim sâu trên vòm lá sấu, ra đường Yên Phụ nhìn con đường gốm sứ. Rồi lại chở qua hồ Tây, hai đứa đạp vịt ra giữa hồ, người dưng bảo:
– Còn buồn không, nếu còn thì hét thật to sẽ hết.
Nó đưa hai tay lên miệng làm loa hét ầm ĩ những gì không rõ, nước mắt cứ chảy ra. Người dưng vừa lau nước mắt cho vừa dỗ dành:
– Nếu vẫn chưa hết buồn thì hôm nào sẽ dẫn em ra biển.
Nó bật cười.
Tối về mẹ điện xuống hỏi:
– Biết chuyện gì chưa con? Nghe dân làng đồn tháng nữa thằng Phương lấy vợ. Nó lấy vợ trong Nam luôn, cả nhà nó đang tính chuyện vào lo cưới xin. Không biết nó có nói gì với con không mà mày cứ chờ cứ đợi.
Mẹ nói giọng buồn như khóc. Nó bảo:
– Ơ hay! Con có chờ đợi gì người ta đâu. Cuối năm có khi con gái mẹ cũng lấy chồng.
Đêm ấy trời mưa to, nó ra mái hiên hứng mưa đến sáng sớm thì đổ ốm. Người dưng đến nấu cháo, thuốc thang ba ngày thì khỏi. Rồi người dưng bảo phải đi công tác xa thành phố hai tuần hoặc có thể hơn. Nó nghĩ thế cũng tốt, vì trong khoảng thời gian này nó rất muốn được ở một mình để tự chôn vùi những ký ức về anh.
* * *
Người dưng đã đi được ba ngày. Trước lúc đi, nó đã kịp thỏa thuận:
– Trong hai tuần, cấm anh không được nhắn tin cho em.
Khác với mọi khi, lần này người dưng đã gật đầu sau khi dặn:
– Em phải ăn uống đầy đủ và tinh thần thoải mái lên đấy nhé.
Nó mỉm cười.
Mấy ngày hôm sau nắng đẹp. Trời đã bắt đầu ấm hơn. Sau những giờ làm việc, nó lại dong xe đi lang thang khắp con phố lớn nhỏ, nhưng không hiểu sao lại trở về đúng phố Phan Đình Phùng, khi những chiếc lá sấu sau một đêm trời trở bão là rụng lá. Nơi ấy, người dưng từng hứa khi nào đến mùa sấu chín sẽ mua về ngâm đường cho nó. Nó vòng lại bờ hồ, hôm nay nắng ấm, mọi người đi chơi đông, không một xe đạp vịt nào còn trống. Nó lại nhớ người dưng bảo: “Nếu còn buồn thì hôm nào sẽ cho em ra biển”.
Người dưng đi được một tuần, trời lại trở lạnh. Bỗng một chiều đi làm về, mở cửa ra thấy mấy bông hồng người dưng cắm đã tàn mà lòng buồn đến lạ. Tự nhiên thấy giận người dưng lắm, sao lại thật thà đến vô tâm như vậy. Người ta dặn không được nhắn tin, thế mà cũng không thèm liên lạc thật. Những lúc lòng buồn như thế này rất cần một chỗ dựa, một ánh mắt tin cậy, một tiếng cười làm lòng khuây khỏa, một hơi ấm để thấy mình không bị bỏ lạc trong những đêm dài. Và… để thấy có ít nhất một người còn đang dõi theo nó dù có thể chỉ ngày mai thôi người ta sẽ lại rời bỏ nó như anh vậy. Dẫu sao nó cũng được an ủi phần nào. Ngoài đường tiếng ai đó vẫn xuýt xoa vì lạnh, gió táp vào ô cửa kính u u. Nó khẽ co vai.
Người dưng đi được mười bốn ngày. Sáng đánh răng, tự nhiên đánh rơi vỡ chiếc cốc thủy tinh người dưng mua tặng, nó cuống cuồng thu dọn. Mảnh thủy tinh đâm vào tay buốt nhói. Chợt nhớ mẹ từng bảo đánh rơi vỡ đồ thủy tinh là một điềm báo không lành. Ngay giây phút ấy, người đầu tiên mà nó nghĩ đến lại không phải là anh. Hình ảnh người dưng cứ choán lấy tâm trí nó. Cắn chặt ngón bị thương, nó chạy vào phòng tìm chiếc điện thoại đã giấu kỹ dưới lớp chăn bông và gọi cho người dưng. Chuông đổ nhưng không ai trả lời, tự nhiên một nỗi sợ mơ hồ tràn ngập trong lòng nó. Nó rất muốn được chạy thật nhanh đến bên người dưng, muốn được nhìn thấy nụ cười ấy, ánh mắt ấy, dáng hình ấy vẫn đang bình yên vô sự. Mảnh thủy tinh hình như vẫn cắm sâu trong ngón tay, buốt nhói. Đến lúc này nó mới thấy mình vô tâm biết nhường nào, người dưng đã nói đi công tác ở một địa điểm nào đó mà nó không nhớ nổi, không biết cả chính xác ngày về.
Dù nó đã cố trấn an mình rằng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra đâu, người dưng sẽ trở về ngay thôi. Có thể là sáng mai hoặc cũng có thể là ngay đêm nay. Đài lại báo miền Bắc trở lạnh, không biết người dưng có mang đủ áo ấm không. Cả buổi sáng đến cơ quan mà tâm trí nó không tài nào tập trung làm việc, cứ bồn chồn không ngồi yên nổi. Nó bấm đi bấm lại mười số điện thoại…, những hồi chuông vô cảm vẫn tút dài. Không có người nhấc máy.
Ngày thứ mười sáu vẫn không thấy tin tức gì của người dưng. Nó bật khóc. Bất chợt nó nhớ đến một email mà người dưng từng gửi cho nó. Dưới email là dòng địa chỉ công ty nơi người dưng làm việc. Nó cuống cuồng vào mạng, cuống cuồng lao đi trên đường để rồi ngập ngừng đứng lặng trước một công ty truyền thông nằm sâu trong ngõ nhỏ. Chị nhân viên ngẩng mặt lên sau câu hỏi rụt rè của nó.
– Tìm ai? Hiếu à? Em là bạn của Hiếu hay là…?
Nó ấp úng:
– Dạ! Là bạn thôi chị ạ.
Chị nhân viên buông một tiếng thở dài:
– Hiếu đi công tác gặp tai nạn, vẫn đang điều trị trên bệnh viện tỉnh Tuyên Quang. Nghe nói nặng lắm, đang hôn mê.
Nó nghe tim mình như đã ngừng đập rồi vỡ òa trong phút chốc. Người dưng ơi! Nó không nhớ đã đi như thế nào để trở về phòng trọ, không nhớ có biết bao nhiêu suy nghĩ đã làm nó ngẹt thở, không biết nó đã gọi tên người dưng biết bao lần…
Trở về phòng, nhìn đâu đâu cũng thấy hình ảnh người dưng, từ những bông hoa hồng trắng do tự tay người dưng mua về cắm đã tàn. Đến cái bản lề cánh cửa nhà tắm bị bung mà trước hôm đi người dưng còn qua đóng lại. Cả mấy vỉ thuốc người dưng mua để phòng khi nó ốm mà không có ai nhờ vả. Ừ! Thế mà vẫn gọi là “người dưng” nữa đấy. Bỗng nhiên nó nhận ra đã rất lâu rồi nó không nhớ ai nhiều đến thế. Và… nó quyết định sẽ ra bắt ngay chuyến xe về Tuyên Quang để được nhìn thấy người dưng, để được cầm lại bàn tay ấy. Và… sẽ không bao giờ buông ra nữa!
- Sưu Tầm -

Thử đọc