Ngày bão ùa về

Tác giả:

Bầu trời đặc quánh một màu đen kịt, gió thổi ào ào, cuốn xoáy từng đám bụi bay về một góc.

Đó là một ngày đầu tháng Bảy, khi chúng tôi đang khô kiệt người đi vì nắng nóng, những ngọn gió Lào cứ vuốt ve da thịt như trêu ngươi, cái nóng cứ táp lên từng mô da, ăn sâu vào từng thớ thịt, nóng ngập tràn ứ phổi, thì… bão về.

Bầu trời đặc quánh một màu đen kịt, gió thổi ào ào, cuốn xoáy từng đám bụi bay về một góc. Những ngọn gió thi nhau, gân cổ lên rồi gào rú đuổi bắt nhau, tiếng sét vang vọng giữa không gian bao la như tiếng súng chỉ thiên khởi đầu cho cuộc truy bắt. Khuôn mặt gió dữ dội cùng cuồng phong, giận dữ với mưa rồi hòa vào tiếng thét trời đất. Gió đưa mưa đi xa rồi ném mạnh xuống mặt đường, mái ngói, hàng cây. Mưa rơi tí tách qua từng kẽ lá, lộp độp trên từng mái hiên và nhỏ tong tong vào những chiếc chậu nhôm mẹ đặt ngoài sân.
Ngày bão về trong đêm, hòa cùng bóng tối ngự trị là tiếng kêu ra rả của côn trùng. Mỗi loài có một ngôn ngữ riêng, sắc điệu riêng, hòa hợp với nhau như những nhạc công khéo léo điều khiển nhạc cụ của mình, ngân nga từng giai điệu, thổn thức từng phím ca, vang vang nồng nàn đến nhẹ nhàng tha thiết. Khoảnh khắc này khiến tôi nhớ đến câu chuyện của anh trai tôi... câu chuyện đánh lạc hướng sự sợ hãi của tôi những ngày xưa bé, khi bão về bên căn nhà mái lá, kể về con ễnh ương.
Anh kể, giọng trầm trầm: Ngày xưa, có một con ễnh ương, bố mẹ mất sớm, nó phải ở với ông, ông nó và nó rất thương yêu nhau, có gì ngon, ông nó luôn nhường cho nó, mỗi khi đi ngủ, ông thường kể cho nó nghe chuyện cổ tích. Ông nó kể nhiều đến nỗi bây giờ không có chuyện nào là ễnh ương không biết. Nhưng rồi một ngày, ông nó bệnh nặng, ốm yếu dần rồi mất đi, ễnh ương thương và nhớ ông lắm, ngày nào nó cũng ngồi khóc vì nhớ ông, những lúc như thế nó lại gọi tên ông nó.
Đến đó, anh bỗng dừng lại, ra hiệu cho tôi cùng im lặng lắng nghe, tôi chẳng hiểu ý đồ của anh là gì, nhưng cũng im phăng phắc, tiếng thở ra cũng nhè nhẹ. Để rồi khi con ễnh ương cất tiếng kêu, anh nhại lại tiếng kêu đó chầm chầm rồi nhìn tôi “em chộ (thấy) giống chưa, giống tiếng ông ơi chưa?” tất nhiên là tôi gật đầu lia lịa rồi, vì tiếng anh nhại lại giống lắm.
Câu chuyện ễnh ương này cứ nằm sâu một góc trong tâm trí tôi, mỗi khi gió mưa bất chợt, tiếng ễnh ương vang lên như kêu gọi câu chuyện này thức tỉnh cùng nó. Cũng có thể đây là câu chuyện “cổ tích” duy nhất mà anh trai tôi kể cho tôi, một câu chuyện chỉ anh em chúng tôi bí mật truyền cho nhau mà không một cuốn sách hay một nhà nghiên cứu khoa học nào có thể biết, vì thế cho nên tôi không thể không yêu câu chuyện nhỏ bé này của riêng tôi.
Bão về…tôi yêu da diết những chậu cá đồng nhảy tanh tách, yêu ngẩn ngơ tiếng cười sang sảng của những đứa bé Tʀầռ tʀʊồռɢ tắm mưa, và yêu cuồng dại những mâm cơm nóng hổi bên bếp lửa ấm nồng. Mùi khói của rơm rạ quấn quýt lấy từng thân người, xua tan đi hơi ẩm ướt của gió mưa bên ngoài, mờ ảo, uốn éo trong từng bữa ăn. Chỉ một bát muối lạc giòn tan, hơi mằn mặn, một đĩa rau xào tỏi xanh mướt cùng món “đặc sản” cá rô đồng rán giòn chấm nước mắm tỏi ớt đã làm nên một mâm cơm ngày mưa hoàn chỉnh. Mọi người quây quần bên nhau thưởng thức bữa ăn cùng cười nói, cùng kể lại những câu chuyện từ ngày xưa cho đến bây giờ, từ làng trên đến xóm dưới… rôm rả mấy đỗi yêu thương.
Tôi yêu quê tôi, nỗi nhớ quê ngự trị trong tim ngay cả khi tôi đang được quê mình bao bọc. Yêu lắm những khóe miệng lấm tấm vạch đỏ nhai trầu, yêu những làn da cháy nắng khỏe khoắn, yêu từng mớ lạc, mớ khoai, mớ đậu thơm bùi, yêu những tấm lưng còng, từng hạt mồ hôi bên cây lúa trĩu bông, yêu luôn cả ngọn gió Lào bỏng rát hay những khi mưa lũ tràn về. Quê hương tôi như tấm lòng người mẹ hiền thơm thảo, ôm ấp, yêu thương từng khúc ruột của mình, cam chịu trước sự giận dữ của thiên nhiên mà không một thời than vãn. Tình yêu cứ thế, theo thời gian cứ đong đầy thêm, dịu ngọt thêm. Quê tôi- đã không yêu thì thôi, một khi yêu rồi thì có cả trăm ngàn lí do để ngẩn ngơ!
tit.mit.38@gmail.com