Khát Vọng Của Biển

Tác giả: Đang cập nhật

Men theo hè đường trục chính, trong tâm trạng vui vẻ thày Thành tới khu giảng đường của trường. Hai bên đường, phượng đã bắt đầu xoè tán tỏa bóng xuống mặt đường, những cây hoa chăm pa lá xanh, lá đỏ vươn cao quá đầu người với những chùm quả tròn sắc nâu . Sân trường được chia thành từng ô với những khóm tre cảnh dóng vàng, lá xanh, những khóm tường vi lúp xúp như mâm xôi cao ngang người.


Khu giảng đường với những hàng cột tròn , những hoạ tiết hình thoi sơn màu xám trang trí ở sảnh giữa, các tầng với hàng hiên rộng và những ô cửa sổ màu xanh. Từ lối này có thể đến các khối nhà sau của trường. Tất cả gợi lên cảm giác thâm trầm sâu sắc của thế giới tri thức.
Mọị người đứng ở sân trường. Phần đông phụ nữ mặc trang phục áo dài truyền thống, mỗi áo một sắc màu khác nhau: xanh ngọc, đỏ, xanh nõn chuối, tím hoặc màu trắng. Một số mặc váy trắng, áo đen. Nam giới cũng trong những trang phục công chức lịch sự và trẻ trung . Không gian xáo động với những đoàn người, đoàn xe nối đuôi nhau vào trường, trong tiếng cười, tiếng chào, những cái bắt tay của bạn bè lâu ngày gặp lại.
Sáng nay họp hội đồng giám khảo. Từ bờ biển Thày Thành quay lại khu giảng đường, tới hội trường. Đã qua những ngày hè nóng nực, Sầm Sơn bắt đầu với mùa thu, nắng vàng rạng rỡ. Nước biển trong xanh, mặt biển trải xa tít tắp và bầu trời cũng cất lên cao. Gió sớm tinh khôi từ biển thổi vào mát rượi.
Bước lên tầng hai, bất giác đôi mắt thày Thành bị cuốn hút bởi một dáng người trong tà áo dài màu thanh thiên rất hợp với vóc người tròn lẳn đang đi lại ngoài hành lang. Em đi những bước đi uyển chuyển, vui vẻ, phấn chấn như bay trên đôi gót chân, иgự¢ hơi ưỡn cao về phía trước, đài các và tự tin. Dáng người và những bước đi ấy gợi lên sự trẻ trung, nghị lực và sự hấp dẫn của một tâm hồn tràn đầy trong trẻo và nữ tính. Có lẽ đây là người quen? Khi người phụ nữ đó quay lại, thày thảng thốt vì đó chính là Nga.
Thày Thành phải không ạ!
Em là Nga sinh viên lớp KT 15?
Vâng!Em đã nhìn thấy thày từ chiều qua, quả thật chưa dám nhận. Sợ nhầm lẫn. Cho đến khi đọc danh sách giám khảo, em mới chắc đó là thày. Em đã qua lại ngoài hành lang chờ xem thày có nhận ra học trò hay không?
Sầm Sơn vào buổi tối, phố đã lên đèn. Xe máy, xe du lịch, xe ca đi lại như mắc cửi. Những chiếc xe điện miệt mài trên khắp các nẻo đường thị xã đón khách. Tiếng còi xe, tiếng rú của các loại động cơ, tiếng người tạo thành âm thanh ồn ã. Du khách thập phương ngồi trong các quán bia, quán cafe, hoặc tản bộ dọc theo con đường nằm ven theo bãi tắm.. Thanh niên tập trung ở vũ trường, từ đấy vọng ra tiếng nhạc xập xình chát chúa.
Biển ầm ào tiếng sóng, có thể nghe tiếng từng con sóng đổ ào ào vào bờ bãi, vài giây im lặng và rồi lại nghe tiếng sóng đổ ào ào.. Từ đây, dù trời tối, thày Thành vẫn có thể nhìn thấy từ phía rất xa của biển khơi những dải bọt trắng nhờ như bờm ngựa của các con sóng lớn, ánh sáng đèn từ các con tàu đại dương. Gió thổi rộng dài trên bãi cát.
Em ngỡ thày không còn nhận ra em!- Nga nói.
Tôi nhớ chứ- Thày Thành nói.
Em có khác đi nhiều không?
Có chứ! Ngày trước em gày hơn- Thày Thành nói và trong ký ức bỗng sống dạy hình ảnh Nga thời sinh viên với mái tóc hoe vàng, khuôn mặt trái xoan và đôi mắt sáng. Thời gian và công việc đã biến cô bé ấy thành một phụ nữ trưỏng thành với khuôn mặt đầy đặn song vẫn không phai nét cũ; dáng người cao khô gày nay trở nên thon thả với những đường nét thật hoàn chỉnh, phong lưu và duyên dáng. Thày Thành nói tiếp- Giờ trông em nữ tính hơn, đằm thắm hơn. Em cũng tham gia vào hội giảng này- Thày Thành hỏi.
Vâng! Em không chỉ đi theo đoàn, còn có bài giảng tham gia vào hội thi. Em đã đạt giải nhất ở hội thi giáo viên trung học do sở tổ chức năm ngoái. Bài giảng của em được sở chọn tham gia hội giảng toàn quốc lần này.
Thày Thành mỉm cười. Nga đã để lại trong thày những ấn tượng sâu sắc. Đôi lúc trong bộn bề công việc chuyên môn, thày vẫn dành cho riêng mình một không gian để nhớ, để hoài niệm, đắm mình trong những ký ức, man mác nhớ và tiếc nuối. Sau giây phút đó thày cảm thấy thật thanh thản và tự tin.
Nga nói: em còn nhớ buổi lên lớp đầu tiên trong kỳ thực tập sư phạm. Lúc ấy chỉ có thày và các bạn bè cùng nhóm mà sao em run quá. Em luống cuống, chân lúc đá vào cạnh bàn, lúc vấp vào một cái gì đấy, tay không biết giấu đi đâu. Em cảm thấy như không đứng vững được trên đôi chân mình, những cử chỉ vô nghĩa, những câu nói không rõ nghĩa……Từ trên bục giảng, em lao xuống phía dưới lớp nói bằng giọng thảng thốt: em không giảng được đâu. Em không thể giảng được!Em đã trình diễn trước thày và bạn sự vụng về của mình. Những dòng chữ xiêu vẹo lên lên xuống xuống. Những con số xiêu vẹo.
Thày Thành cười nói: bài giảng đầu tiên mà. Ai chả vậy. Năng lực sư phạm một phần có tố chất của năng khiếu, song cơ bản vẫn nhờ vào việc luyện tập.
Thày nói vậy thôi. Một số bạn cùng nhóm không bỡ ngỡ như em – Nga nói.
Thày Thành hỏi: Em có nhớ đợt thực tập sư phạm ở trường dạy nghề? Và rồi thày chậm rãi kể với chất giọng thật trầm ấm:
Dịp ấy vào mùa thu, tôi dẫn các em đi thực tập sư phạm ở một trường dạy nghề. Trường vừa qua đợt tuyển sinh, thêm nhiều lớp mới, có lớp phải học, hoặc thực tập tay nghề vào buổi tối. Sinh viên thực tập được chia theo nhóm, mỗi nhóm phụ trách một lớp học sinh học nghề. Các em nhận kế hoạch lên lớp lý thuyết, thực hành ở các bộ môn, cũng phải đi ca theo kế hoạch dạy học của trường. Trước đó các em đã có hai tuần thực tập sư phạm ở trường và được trang bị những kỹ năng đứng lớp cơ bản. Tuy nhiên đây là môi trường mới, học sinh học nghề là đối tượng của hoạt động giáo dục dạy học của các em. Tôi đã tư vấn cho em về cách thức thực hiện bài giảng, các phương án sử dụng phương tiện dạy học. Em đã tập giảng nhiều lần trước khi lên lớp. Tuy thế giờ giảng của em không thành công. Em dường như không thể bước qua những rào cản tâm lý để chủ động trong các tình huống của bài giảng. Có thể những nhận xét của tôi làm em đau lòng.
Không! Em chưa bao giờ cảm thấy đau lòng vì điều đó. Cứ mỗi lần lên lớp, được thày tham gia góp ý, là mỗi lần em rút được kinh nghiệm. Nga khẳng định- có điều em không thể hài lòng về mình. Sau này cũng vậy, mỗi khi thấy bài giảng còn điểm yếu, em lại tự trách mình. Thưa thày! Sau bao năm công tác, giờ đây cũng đã có kinh nghiệm, nhưng em luôn tự nhủ phải cố gắng, cố gắng để mỗi giờ lên lớp là đem lại niềm vui, hứng khởi cho học sinh.
Thày Thành vẫn tiếp tục với câu chuyện đang theo đuổi: Sau này tôi mới rõ đã quá khe khắt với em. Những nhận xét của tôi có thể đúng nhưng đã tạo cho em những mặc cảm và chính nó đã tạo ra rào cản tâm lý khi em lên lớp.
Không phải thế đâu thày! Nga khẳng định lại. Ngày ấy chúng em còn non nớt. Rời nôi gia đình, rời ghế nhà trưòng phổ thông đi học đại học, từ môi trường nhỏ bé đến môi trường xã hội có khác nào từ ngòi ra biển. Từ kiểu sống phụ thuộc ít giao tiếp đến cuộc sống độc lập, giao tiếp rộng, chúng em còn quá ít kinh nghiệm.
Thày Thành- Em nói phải! Thật ra năng lực sư phạm cũng như các năng lực khác được hình thành trong quá trình rèn luyện và trong công việc. Cũng như người tập bơi, muốn bơi lâu, bơi xa phải tập bơi, con chim muốn biết bay phải tập bay; có thể nó loạng choạng, chới với vì không thể vỗ cánh khoẻ khoắn ngay trong lần đầu tiên, nhưng nó ngước nhìn lên bầu trời với niềm khát khao cháy bỏng được tung bay trong bao la của trời xanh. Và rồi nó lại đập cánh bay lên cứ như vậy để làm chủ bầu trời. Thày kết luận: nghề dạy học đòi hỏi ở giáo viên trước tiên là năng lực nhận thức, khả năng sáng tạo và say mê. Nếu như không có điều đó, bài giảng chỉ là sự sao chép máy móc như con vẹt bắt chước tiếng người, không đem lại cho người học những cảm xúc thăng hoa của sự khám phá. Lúc đó dạy học là sự nhồi nhét những kiến thức sách vở, giáo điều ít có ý nghĩa thực tiễn.
Nga cười. Những suy nghĩ của Thày Thành bao giờ cũng rất độc đáo. Sinh viên các khoá vẫn truyền nhau những câu nói văn vẻ của thày, những ý tưởng thoạt nghe tưỏng như lập dị, nhưng càng suy nghĩ, càng thấy sâu sắc. Năm sáu chục sinh viên trong lớp thày không quên một ai. Sau hàng chục năm thày vẫn có thể gọi tên, nhắc lại những đặc điểm không thể trộn lẫn của người đó.
Mọi người nhấp nháp vị cay nồng của men bia Hà Nội. Gió biển vẫn ào ạt thổi mang tới hương vị mặn mòi của biển cả, mùi thơm của cá phơi, mùi thơm của hải sản nướng. Đêm Sầm Sơn đầy sao. Mặt biển cũng đầy sao
Khuôn mặt Nga ửng đỏ vì men bia. Bên các thày, cô cảm thấy mình như đang sống trong không gian của tư tưởng triết học, cùng với những cảm xúc sâu đậm của tình thày trò.
Mọi người tiếp tục với những câu chuyện tiếu lâm trong nghề. Riêng thày Thành đang chìm trong những ký ức. Thày nhớ lại một buổi trưa hè. Bến xe khách đông người. Hành khách hớt hải như ma đuổi đi trên sân ga. Thoảng lại có một chuyến ô tô thân xe đầy bụi cát về bến và rồi lại một chuyến xe xuất bến. Tiếng phát thanh cất lên từ chiếc loa: hành khách chú ý! Hành khách chú ý! Xe khách đi Hà nội số……….xuất phát ……hành khách chú ý!……Nhìn những chuyến xe vào ra bến, thày chợt liên tưỏng đến những chuyến đi xa của mình về các điểm trường dạy học, vai khoác túi, mặt đầy bụi, mắt cũng kèm nhèm vì bụi và những lúc chia tay trong tình cảm, trong nỗi nhớ bâng quơ….những phút xao lòng. Nhưng lần này trong ồn áo huyên náo của bến xe, thày tiễn chân Nga. Em đã tốt nghiệp khoá học. Chim đã đủ lông cánh, nó sẽ bay trong bao la khoảng trời của đam mê sáng tạo.Trong cái nắng chói chang oi bức của ngày hè, tiếng ve râm ran trên những lùm cây ven đường, trong bao gương mặt học trò với bao kiểu tính cách thày vẫn nhận ra sự độc đáo và chiều sâu của tâm hồn Nga.
Nga nói:em sẽ còn gặp lại thày. Nhất định là như thế. Em sẽ còn gặp lại thày!
Chúc Thày sức khỏe và thành đạt !
Bây giờ quả thật trái đất tròn. Thày gặp Nga trong hội giảng này. Tất cả chỉ có thế. Những hình ảnh dù là manh nha nhưng cũng đủ để lại ấn tưọng mạnh mẽ, đằm thắm và dịu ngọt với bao nỗi buồn vui đi theo cùng thàng năm trong đời dạy học của thày.
Sau buổi họp hội đồng giám khảo, từ sáng nay các giám khảo làm việc theo từng tiểu ban. Mới sáu rưỡi các đoàn đã lục tục tề tựu. Có đoàn mang theo cả những chiếc bảng nỉ, máy tính và một số các phương tiện dạy học khác lỉnh kỉnh.
Sáng Sầm Sơn đầy nắng. Nắng thu vàng rạng rỡ sóng sánh cả khoảng trời. Những tia nắng chiếu vào hành lang của khu giảng đường, vào phòng học.
Người ta đã bài trí lại phòng học, bảng mới sơn, phía trên bảng đen lắp một chiếc phông cuộn, khi chiếu kéo phông xuống, kết thúc trình chiếu chỉ cần một thao tác nhỏ nhả chốt hãm vậy là nó tự cuộn lên để lộ phần bảng đen cho giáo viên viết hoặc vẽ. Bàn giáo viên được phủ khăn màu xanh, mặt bàn đặt lọ hoa hồng. Những bông hồng bắt đầu nở, cánh đỏ tươi trên những cành lá xanh non. Phòng học rất đông người, ngoài giám khảo còn có đại diện các đoàn giáo viên ở các trường ngồi dự rút kinh nghiệm. Họ ngồi gần kín cả gian phòng.
Mấy ngày liền, Nga cùng các bạn đồng nghiệp ngồi nghe giảng rút kinh nghiệm. Cô dành phần lớn thời gian ngồi ở tiểu ban nơi thày Thành làm giám khảo, phần vì có bài giảng ở tiểu ban này, phần khác rất muốn nghe những nhận xét của thày Thành về các bài giảng. Những nhận xét của thày giúp cô có được cách nhìn mới, bổ sung cho cô thiếu hụt trong nhận thức về mô hình phương pháp, đối chiếu giữa lý luận với thực tiễn hoạt động dạy học. Đó thực sự là những bài học quý báu.
Sáng nay, theo thứ tự đến bài giảng của Nga. Cô vào phòng, bước những bước uyển chuyển. Tà áo dài nhẹ bay về phía sau gợi lên cử động duyên dáng sinh động. Căn phòng dường như sáng lên. Những bông hồng thêm thắm bên màu xanh ngọc của chiến áo dài. Guơng mặt cô cũng bừng sáng. Cô đứng giữa căn phòng quan sát, nhận ra thày Thành, thày Trí ngồi ở bàn giám khảo và một giám khảo khác nữa gương mặt còn rất trẻ.
Cô cẩn thận xem lại máy chiếu, chiếu thử một đoạn đồng thời để máy ở chế độ chờ , xếp lại các bảng biểu sẽ dùng đến trong các hoạt động của bài giảng, đặt lại những tấm thẻ bìa dùng khi tổ chức học sinh hoạt động nhóm.. Mọi thứ trong tư thế sằn sàng và hoàn tất đúng như ý định. Chuẩn bị xong cô bước ra giữa lớp cúi đầu chào.
Thật ra kịch bản này cô đã nhiều lần trình diễn trước đồng nghiệp. Mấy tháng qua, từ một bài giảng thành công trong hội thi giáo viên dạy giỏi của trường, nó đã được chọn, được gọt giũa; thậm chí họ đã mời giáo viên có kinh nghiệm lâu năm, tư vấn. Bài giảng được cấu trúc theo triết lý lấy hoạt động của người học làm trung tâm. Đây cũng là ý tưởng của Nga. Họ đã bỏ qua khâu kiểm tra bài cũ; phần đầu là một tình huống thực tế trong kinh doanh dẫn đến các nhiệm vụ, nhiệm vụ ấy được chuyển thành nhiệm vụ học tập cho học sinh. Hoạt động hai tìm hiểu các khái niệm của việc xác định giá sản phẩm; hoạt động học tập của học sinh được dẫn bằng các câu hỏi tình huống. Hoạt động 3, người học tìm kiếm các phương pháp định giá sản phẩm bằng thảo luận nhóm. Và cuối cùng là hoạt động 4, người học được đặt vào tình huống của bài toán ban đầu, thực hiện bài tập theo các thông số cho trước. Tình huống đến đây được giải quyết.
Để thực hiện các hoạt động dạy học trên đây, cô đã dày công chuẩn bị các phương tiện cho mỗi tình huống. Cô đã thuộc cảnh, chuyển cảnh như một diễn viên phải thuộc lời và cảnh mà họ phải đóng trong kịch hay trong phim.
Cô nhìn xuống bàn giám khảo, thày Thành đang ngồi phía dưới, đang vui vẻ chờ đợi, chợt nhớ những lời nhận xét của thày Thành về bài giảng đầu tay của cô. Thày đã nhận xét nhiều, rất nhiều. Những bài học từ đấy qua những tháng năm kinh nghiệm càng cảm thấy quí giá.
Nhưng lần này cô không phải là sinh viên bé bỏng như ngày xưa, thiếu tự tin khi đứng trước đám đông mà với tư cách là một giáo viên tham gia hội giảng. Để được tham gia hội giảng người tham gia phải có thành tích và bản lĩnh thi đấu. Cô nghĩ thế và bởi vậy lòng dấy lên niềm kiêu hãnh. Đây cũng là một cơ hội để khẳng định với thày. Cô muốn khoe với thày.
Phía dưới vẫn những khuôn mặt học sinh mà cô quen biết, từ lâu đã trở lên thân thương, tạo cảm xúc cho cô trong từng công việc. Ban giám khảo cũng đang lắng nghe cô nói, dõi theo từng cử chỉ, điệu bộ; từng hoạt động mà cô tiến hành. Không gian lúc này như nén lại. Phòng học im lặng tưởng như nghe rõ tiếng lách tách của chiếc đồng hồ treo cuối phòng, chỉ còn giọng của Nga. Cô nghe rõ tiếng mình đang nói, cảm nhận được những giai điệu của ngôn ngữ trong trạng thái xúc động.
Vượt qua được rào cản tâm lý lúc ban đầu, giọng cô bắt đầu mạch lạc. Xin phép ban giám khảo được bắt đầu với bài giảng của mình: Như chúng ta biết: Trong hoạt động kinh doanh, vấn đề đặt ra là phải xác định giá thành của sản phẩm, giá bán…..mời các bạn xem một đoạn Video- cô nói và đồng thời đi xuống phía dưới nơi đặt chiếc máy tính cá nhân và máy chiếu, chuyển máy sang chế độ trình diễn.
Dưới phòng học, toàn bộ giám khảo, người học, cán bộ, giáo viên ở các đoàn về tham dự hội giảng yên lặng quan sát từng hình ảnh và những lời phân tích của Nga. Kết thúc phân tích là phần xác định nhiệm vụ học tập, những tiêu chí mà người học cần đạt được khi thực hiện nhiệm vụ . Phần mở đầu như vậy đã có tình huống, tạo cho mọi người chú ý.
Lúc này dường như những cảm xúc thường ngày mỗi khi lên lớp đã trở lại, bằng chất giọng trong trẻo, truyền cảm cô dẫn ví dụ từ thực tiễn nghề nghiệp, phân tích. Và bằng các câu hỏi cô đặt ra, học sinh đi từ khám phá này tới phám phá khác.
Kết thúc hoạt động hai, Nga kết luận và tiếp tục đặt ra tình huống mới: (vấn đề ở đây là các phương pháp hạch toán giá thành sản phẩm) – Cô nói rồi tiếp tục đưa ra một tình huống thực tế với những thông số thật cụ thể; sau đó chia lớp thành các nhóm, đặt ra yêu cầu và thời gian thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, phân phát tài liệu, trả lời các thắc mắc.
Học sinh bắt đầu thảo luận sôi nổi trong các nhóm. Các em thậm chí còn quan sát các nhóm khác để thúc đẩy tiến độ công việc của nhóm. Họ viết, vẽ trên các khổ giấy Ao có người gần như nằm xoài trên mặt bàn, cắm cúi viết .
Đứng quan sát các nhóm học sinh làm việc cô cảm thấy phấn chấn khi thấy niềm vui của học sinh trong trao đổi. Các em đã hoạt động để chiếm lĩnh tri thức và kỹ năng một cách tự lực.
Kết thúc hoạt động ba là các tình huống báo cáo và trao đổi kết quả nghiên cứu. Lớp thật vui, và sôi nổi khi có sự cọ xát giữa các tư tưởng. Vấn đề bộc lộ rõ bản chất một cách tự nhiên và logic thông qua hoạt động tư duy tích cực của trò mà biểu hiện là sự phấn chấn, trao đổi trong nhóm.
Thày Thành cũng bị cuốn hút theo nội dung bài giảng. Thày biết, môn học kế toán có đặc trưng riêng đó là các tình huống kinh doanh, bài toán kế toán gắn liền với hàng ngàn con số và cách thức sử lý bởi vậy rất khô cứng, nếu không khéo, bài giảng sẽ cứng nhắc, nhàm chán. Tuy nhiên thày rõ: Nga đang thực hiện rất tốt bài giảng. Không chỉ truyền đạt tri thức, ở mỗi tình huống Nga đều khéo léo giáo dục học sinh ý thức cẩn trọng và tư duy kinh tế. Thày lắng nghe Nga giảng, cắm cúi ghi chép và sơ bộ đánh giá những hoạt động Nga tiến hành. Thày ghi lia lịa trên trang giấy, hết mặt này, lật sang mặt khác, thật sự hài lòng khi Nga kết thúc hoạt động cuối cùng của bài giảng.
Giờ giảng đã kết thúc. Cảm nhận được niềm vui, sự sảng khoái của học trò và giám khảo, khuôn mặt Nga rạng lên ngời sáng hạnh phúc. Và dường như cô ngỡ ngàng vì thời gian trôi quá nhanh. Những cảm xúc sáng tạo vẫn còn đó, cô như muốn tiếp tục giảng nữa. Nhưng thời gian đã hết, cô cám ơn giám khảo và người dự rồi quay trở lại chỗ ngồi.
Thày Thành nhận xét: Đây là một bài giảng khó thực hiện, thuộc lĩnh vực kế toán. Tuy nhiên bài giảng đã thành công bởi sự nhập thân sáng tạo của người thực hiện. Cấu trúc các tình huống của bài học rất hợp lý và được thực hiện một cách tự nhiên. Người học được đặt vào các hoạt động và họ thực sự rất hứng thú trong hoạt động nhận thức tri thức mới cũng như trong hoạt động vận dụng.
Bưa cơm chiêu đãi các đoàn về dự hội giảng được tổ chức ở một nhà hàng. Từ đây chỉ quá bộ qua đường là đến bãi biển. Nhà hàng được xây dựng bằng các loại tre, hóp sơn màu mận chín, theo kiểu nhà tròn, có rất nhiều lối vào. Ở đây ngoài mặt bàn bằng đá xẻ, còn lại thân bàn và ghế đều được làm bằng hóp và song. Tất cả tạo nên nét thông thoáng thiên nhiên. Tiệc đứng, mọi người vừa ăn vừa có thể đi lại, trò chuyện giao lưu. Có thể nghe thấy đủ các giọng bắc, trung, nam. Chủ đề xoay quanh các bài giảng đã thực hiện, vui vẻ có nuối tiếc có.
Trên sân khấu của nhà hàng một cô giáo đến từ Hà Nội đang hát bài hát người giáo viên nhân với chất giọng trong trẻo hoà với tiếng nhạc của chiếc đàn Piano, tiếp nữa là một giọng nam cao khoẻ khoắn hát bài “chào sông Mã”.
Nga đến chỗ ngồi cùng bàn với thày Thành. Họ vừa thưởng thức các món ăn từ biển, vừa nhắc lại những tên người trong lớp ngày trước. Thày Thành hỏi từng người, chẳng quên một ai.
Thày vẫn thế- Nga nghĩ. Dù mái tóc đã pha sương. Chắc thày không thể biết nhiều thế hệ sinh viên của trường không quên được những bài giảng với phong cách đầy ấn tượng của thày. Điều mà họ nhận thấy ở bài giảng được trình bày với giọng đầy cảm xúc và lối văn hơi phần lãng mạn của thày không chỉ là tri thức còn là kiểu tư duy khoa học độc đáo, lối sống, và một phong cách giản dị. Gặp thày, cô bắt gặp những cảm xúc say mê của một thời thiếu nữ, xuất phát từ ngưỡng mộ sự phong phú của tri thức và kinh nghiệm sống. Kỷ vật cô lưu giữ từ thày giản đơn là chỉ là cây 乃út, quyển vở, thế nhưng nó có sức sống bền bỉ, sâu sắc. Thời gian qua, mỗi khi sống lại với những cảm xúc ấy, cô tự lý giải có thể vì phát hiện ra rằng, sau vẻ giản dị ấy là một trái tim nhạy cảm dào dạt tình yêu. Tình cảm ấy đã nâng đỡ cô, cho cô thêm nghị lực mỗi khi có khó khăn trong đời.
Vậy là hội giảng đã kết thúc- Thày Thành nói đầy tâm trạng. Biết đâu lần sau lại được gặp em.
Bên kia biển bắt đầu thẫm tối. Những con thuyền chỉ như một chấm nhỏ dập dềnh trên đại dương bao la. Sóng biển mỗi lúc một lớn hơn. Từng con sóng bạc đầu ào ào xô vào bờ bãi, bò lên bờ cát dài thoải, vỡ oà rồi lịm đi, để lại trên bờ bãi những dải bọt màu vàng và muôn ngàn những bong bóng màu sắc cầu vồng, cuối cùng vỡ ra, tan ra dào dạt trong ầm ào của đại dương.
Em cũng hy vọng thế. Cô nói đồng thời nhìn ra biển. Trên hòn đảo xa, ngọn đèn biển nào đó đã được thắp nên, ánh sáng của nó rực rỡ lung linh cả một vùng. Và lần này cũng vậy, cô nói: Nhất định em lại được gặp thày!
Hồ Ngọc Vinh