... Là hắn, Hắn khá thú vị nhưng tôi không thể tiêu hóa được việc hắn gọi tôi là Ngốc trong khi tôi không hề Ngốc. Tôi tự hào chứ, tôi là á khoa mà, nhưng niềm vui chẳng được bao lâu khi đã kịp biết thủ khoa là Hắn.
Mưa bụi rắc trắng xóa nền trời xám. Mưa làm ướt nhòe thảm cỏ, rửa mặt cho đám lá cây, vương trên tóc ướt và nặng một bờ mi. Mùa đông, bầu trời xám xịt và nặng nề, không còn cái trong trẻo và tĩnh tại của tiết thu, mây đen giăng giăng hàng ngập lối. Gió lạnh thổi gầm gừ, những cơn gió mùa đông lạnh buốt kéo theo sương giá. Hôm qua còn nhẹ nhàng cười với giọt nắng cuối thu, hôm nay mở cửa gió lạnh đã ùa vào lùng sục khắp phòng, xoa bù tóc rối. Thoáng rùng mình nhận ra đông về nhanh quá.
Những lúc một mình, Tôi thường tự giữ thăng bằng cho mình bằng một tách capuchino để những quá khứ ngủ sâu không dễ dàng trỗi dậy. Chút chênh vênh giữa chiều quên nhớ. Nhưng sao có những thứ nặng lòng lắm mà chẳng thể buông ...nặng mi cay nhưng mà không thể khóc...nặng trái tim nhưng mà chẳng thể quên... Tôi không thể quên được nó. Cái quá khứ hoang hoải mờ sương và đã ướt nhòa nước mưa. Những vệt buồn loang lổ in hằn nơi ký ức. Ký ức chưa bao giờ ngủ yên. Một hình hài vẫn còn nguyên hình rõ mặt. Một nụ cười vẫn đọng lại, tươi rói như mầm hoa đọng nắng…
***
Hành lang lớp đại học xa tít tắp, tôi co giò chạy thật nhanh, trễ giờ rồi. Buổi học đầu tiên và tôi thì không muốn vào lớp bằng cửa sau. Nhưng bực quá, sao tôi vẫn chưa kịp nhớ đâu là nhà C, đâu là nhà B nhỉ? Ôi lại muộn rồi. Bỗng. Rầm…tôi đang bay, chính xác hơn là tôi và cả cặp xách của mình đều đang bay. Đau quá. Định thần lại, tôi nhìn tên hung thủ chằm chằm và không để hắn nói gì xối xả chửi cho hắn một trận:
- “Sao thế hả? Đi phải nhìn đường chứ, sao đâm vào người ta thế hả? Mắt mũi cậu để đi đâu rồi…” Sau khi xả ra một tràng dài những bực tức tôi chợt nhớ ra mình còn giờ học ở nhà C308. Đang định co giò phóng lên lớp thì tên con trai chắn ngang mặt tôi. Hất hàm giọng như ra lệnh.
- Này khùng, C308 đi đường này cơ mà.
Trong khi tôi còn chưa kịp ngậm miệng lại vì quá ngạc nhiên thì hắn đã kéo tôi đi như chạy. Gớm sao mà hắn chạy nhanh thế? Có lẽ là do chân hắn dài, giờ tôi mới nhận ra tôi chưa cao đến ngang cằm của hắn. Giờ học đầu tiên môn “ Những nguyên lý cơ bản chủ nghĩa Mác- Lê Nin” . Tôi ngáp dài một tiếng đang định gục xuống bàn ngủ thì một giọng nói cất lên:
-Đừng ngủ gật trong giờ đầu tiên chứ ? Chẳng phải cậu ba chân bốn cẳng chạy đến đây vì giờ học này sao? Đồ ngốc.
-Sao cậu thích gọi người ta là khùng và ngốc thế hả? Đừng để tôi phải bực lên nhé,
-Bực lên thì cậu làm gì? Mắng người khác xối xả trong khi mình là người có lỗi ư? Đồ ngốc. Hà Nội không phải ai cũng hiền như tôi đâu. Tôi bỏ qua cho cậu bởi vì tôi thấy khi tức giận cậu cũng dễ thương đấy chứ”.
-Gì cơ?
-Không có gì, hắn khịt mũi rồi quay lại bài giảng.
-Sao cậu lại nhận ra tôi và cậu cùng lớp học? Chúng ta còn chưa học với nhau buổi nào mà.
-Vì ai mượn cậu đã cắt tóc ngắn lại có nụ cười xinh làm chi. Hắn trả lời nhỏ xíu. Hai má như ửng lên vội vàng ghi ghi chép chép trên tờ A4. Tôi nghe, sung sướng nhưng giả đò hỏi lại như không nghe rõ.
-Gì cơ, nói lại đi, tôi không nghe rõ…
Suốt buổi học hôm đó, tôi cứ lẵng nhẵng bám theo hắn để nghe hắn nói lại bằng được câu nhận xét hay ho kia. Buổi học đầu tiên, tôi đã có một người bạn mới. Là hắn, Hắn khá thú vị nhưng tôi không thể tiêu hóa được việc hắn gọi tôi là Ngốc trong khi tôi không hề Ngốc. Tôi tự hào chứ, tôi là á khoa mà, nhưng niềm vui chẳng được bao lâu khi đã kịp biết thủ khoa là Hắn.
Hắn và tôi trở thành một cặp. Chẳng phải yêu đương gì, chỉ là thích chơi với nhau. Đăng nói tôi là một đứa con gái mạnh mẽ, thẳng thắn và cứng rắn. Chơi với tôi thì hắn sẽ không cảm thấy phiền hà vì cái bản tính nhõng nhẽo cố hữu của mấy đứa con gái. Hắn ghét những đứa con gái sau lưng thì gặm gà luộc cả con nhưng trước mặt con trai thì ăn thịt bò bằng nĩa. Hắn bảo tụi kia là “Đomino màu nhạt”. Tôi tò mỏ hỏi “ Đomino màu nhạt là gì?” Hắn cười haha và nói rằng:
-Ngốc ơi, cậu biết chơi Đomino không? Những quân cờ đomino đứng cùng đứng, ngã cùng ngã, không được quyết định mà luôn bị xô đổ cả một hàng. Đã thế lại nhạt màu nữa thì càng tệ. Nói toẹt ra là những con gà cồ thiếu iot.
-Thôi thôi, tha cho tớ. Cậu lại bắt đầu bài ca về sự cá tính rồi đấy. Tớ chẳng biết cá tính thì được cái gì nhưng hậu quả của sự ế ẩm thâm niêm thì tớ đây hiểu quá rõ. Trong khi những con “ Đomino màu nhạt” của cậu đang cặp kè ngoài kia thì tớ đang ở đây. Gặm bánh mỳ và ૮ɦếƭ già này.
-Nhanh thôi, bà già ngốc.
-Gì cơ?
-Không có gì.
Giờ tiếng anh, tôi đang chuẩn bị ngủ gật thì bị hắn nhéo tai đau điếng.
-Dậy học, môn này quan trọng, cậu không được ngủ.
-Tớ học môn này kém lắm. Tớ chẳng hiểu con chim kia đang hót cái gì. Tôi ngán ngẩm chỉ tay vào chiếc đài đang ông ổng phát ra một tràng gì đó mà tôi hoàn toàn mù tịt.
-Học tiếng anh không khó vậy đâu. Cậu cứ lười như vậy thì khi nào mới khá.
-Cậu học tiếng anh làm gì?
-Tớ muốn đi du học ở Sankt-Peterburg. Vì ở đó rất tuyệt. Có bạch dương, có tuyết trắng. Có sông băng…
Tôi ngủ gục trong tràng mơ màng của Đăng. Trong giấc mơ tôi thấy Đăng lướt đi trên đôi giầy trượt tuyết. Dọc con đường là những hàng bạch dương xanh thẫm.
Tôi và cậu ấy thường nói những câu truyện như thế. Không dài, không ngắn, không đầu, không cuối. Và thường thì tôi là người bị cậu ấy chọc cho phát điên. Nhưng tôi vẫn vui vẻ ở lại bên cậu ấy vì ngoài việc vỏ bề ngoài là một người “ mỏ nhọn” luôn miệng kêu tôi là đại ngốc thì cậu ấy chơi cũng rất được. Cậu ấy là người hay tắm mưa cùng tôi, ngoan ngoãn cùng tôi đi đập gián khi tôi stress cần giải tỏa. Là bờ vai tốt cho tôi khóc ngon lành bởi vì “ bỗng dưng nhớ nhà quá mà không thể về” . Vệ sĩ trung thành kiêm người dẫn đường lỗi lạc mỗi khi tôi có việc cần đi về khuya…
Mùa xuân, hai đứa rủ nhau đi du hí Hà Nội. Lang thang bus hay lượn lờ đường phố bằng con SH cao lênh kênh của cậu ấy. Loay hoay tìm những góc lạ nơi thành phố quen. Tôi thích bus hơn, bởi vì con SH của cậu ấy quá cao với chiều cao mẫu mực “ ba mét bẻ đôi” của tôi. Những lúc như vậy cậu ấy lại cười ha ha và xoa đầu tôi kêu là nấm.
Mùa hè. Cậu ấy rủ tôi đi bờ hồ lượn lờ Phố Cổ. Uống trà chanh bờ hồ, ăn kem Tràng Tiền tê lưỡi. Nhà Đăng có điều kiện hơn tôi. Nhưng tôi vẫn kiến quyết share và ngày đầu tháng và thường im lặng cun cút đi mua kem vào những ngày cuối tháng. Tôi không tham lam đâu, tại hoàn cảnh xô đẩy tôi đấy chứ. Những hôm cậu ấy kiên quyết đẩy tôi xuống bể bơi. Tôi sợ lắm, kêu khóc ầm ĩ. Đăng vẫn cho rằng tôi không thể ૮ɦếƭ đuối ở cái bể bơi cao 1m2 dành cho trẻ em được. Nhưng thấy 1p sau tôi vẫn chưa nổi nên thì cậu ta cuống cuồng lặn xuống đưa tôi lên. Cậu ấy khóc, lạc cả giọng, hét tên tôi. Điếc cả tai. Rồi cậu ấy hô hấp nhân tạo cho tôi.
Khi đó tôi không tắc thở vì nước, nhưng đã suýt nghẹt thở vì cậu ấy. Môi của Đăng rất mềm và ngọt. Cậu ấy không biết tôi không biết bơi nhưng biết nhịn thở ở dưới nước vì ngày bé hay thi với nhỏ em xem ai cắm mặt xuống chậu nước lâu hơn ( đừng cười, ngày xưa bạn không chơi trò này sao?). Sau vụ ૮ɦếƭ đuối hụt, cậu ấy cưng tôi lắm. Nhưng vẫn không thôi càu nhàu là tôi có chiều cao đáng tự hào như vậy là do không chịu học bơi. Nhưng kệ, tôi đã có điệp khúc “ Ai không yêu tớ bởi vì tớ chân ngắn thì người đó cũng không đáng để tớ yêu”.
Mùa thu, Hà Nội ngập trong những cơn mưa lá vàng.
-Không ai phủ nhận mùa thu Hà Nội đẹp, nhưng cậu phải biết ngắm đúng chỗ đỉnh của nó thì thu Hà Nội mới hoàn mỹ được.
-Là ở đâu cơ? Tôi ngơ ngáo nhìn hắn với ánh mắt của con nai vàng ngơ ngác.
Đăng bật cười 乃úng mũi tôi đánh chóp, kéo tôi ngồi lên con SH cao ngất ngưởng và gù lưng phóng đi. Những con đường đấy ắp lá vàng, khung cảnh lãng mạn như trong phim Hàn Quốc, bỏ mặc tôi rối rít nghịch ngợm với những chiếc lá vàng, Đăng ngồi đó, châm một điếu thuốc, và cười. Tôi không để cho Đăng yên, tôi bắt Đăng phải chu môi phù mỏ để chụp ảnh cùng. Mặc kệ Đăng cố xua tay, xua chân nhưng tôi đã quyết, Đăng đành phải phồng môi trợn mắt để tôi làm nhi*p ảnh gia. Những buổi chiều lang thang hồ Tây hay lượn lờ phố sách. Đinh Lễ đã quen bước chân của hai đứa. Đăng thích đọc sách trinh thám, logic như: Pháo đài số hay Biểu tượng thất truyền. Tôi thích những thứ nhẹ nhàng hơn, nhưng không quá nhạt nhẽo. Nhưng Đăng vẫn nhìn những tựa sách của tôi bĩu môi chê sến. Thường thì hắn sẽ phải thu lại cái bĩu môi đó và thay bằng một gương mặt méo mó và cái lưng ê ẩm.
Mùa đông. Tôi choàng lên cái cổ cao như cổ sếu của Đăng một chiếc khăn len, công trình mà tôi tự hoàn thành trước đó cả tháng trời. Đăng nhăn mặt kêu xấu, nhưng tôi thấy Đăng dường như đeo nó mọi lúc mọi nơi. Những buổi sáng ngủ lười muốn trốn học, Đăng gọi điện hét ầm ĩ mặc kệ cái giọng nửa van nài, nửa cáu gắt của tôi. Tối No-en, đứa bạn cùng phòng đi chơi với người yêu, tôi đang dài mặt mếu mào thì Đăng mò đến nhà tôi. Quẳng cho tôi một túi hạt dẻ nóng to sụ và chiếc đĩa chứa bộ phim mới cóng.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy nhàm chán khi ở bên Đăng. Tôi cũng không hiểu tình cảm của hai đứa ở mức độ nào, đã trên tình bạn nhưng chưa phải là tình yêu. Một chút ghen tỵ khi Đăng được cô nàng nào đó tỏ ra si mê lộ liễu. Một chút lo lắng khi Đăng khen một cô nàng nào đó xinh. Một chút giận hờn khi Đăng quên một vài cái hẹn. Cứ một vài cái một chút, tạo thành một cái gì đó mạnh mẽ và chắc chắn hơn. Một thứ tình cảm không mơ hồ nhưng cũng không rành mạch. Chẳng biết ngày mai ra sao nhưng tôi chỉ mong con đường tôi đi phía trước sẽ luôn có Đăng song hành.
Một lần Đăng đột ngột hỏi tôi.
-Nếu một ngày tớ cảm thấy muốn khóc. Tớ gọi cho cậu, Cậu sẽ làm, gì?
-Thế sao? Hừm, tớ không hứa sẽ làm cho cậu cười nhưng tơ hứa sẽ cười vào mũi cậu.
-Thật sao?
-Uhm, tôi nói rồi phá ra cười, Đăng sụ mặt.
Tôi chun mũi cười hì hì, xòe bàn tay đưa cho Đăng một chiếc bùa may mắn màu đỏ tía. Chiếc bùa này tôi đã lặn lội xin được ở trên tận đỉnh Yên Tử đấy. Tôi nói như ra lệnh.
-Cậu phải luôn đeo nó nhớ không? Tớ phải khổ sở lắm mới lấy được cho cậu đấy. Thiêng lắm, Đeo vào đi.
Đăng nhắn nhó kêu tôi phiền hà nhưng vẫn cun cút đeo vào cổ. Miệng cười toe như trẻ con được cho kẹo. Nụ cười với má lúm đồng tiền sâu thẳm, nụ cười cười tươi như mầm hoa đọng nắng. Năm một yên ả trôi đi, hè năm ấy là hè dài nhất trong lịch sử. Hai tháng nghỉ hè tưởng chừng như hai thế kỉ. Mỗi lần mở mắt ra tôi lại mong thật nhanh thật nhanh để lên Hà Nội nhập trường, để gặp lại Đăng. Tôi và Đăng thường xuyên liên lạc qua điện thoại, những dòng tin nhắn ngắn ngủn, những câu truyện vu vơ…
Đăng hứa sẽ về quê tôi chơi nhưng cậu lại thất hẹn. Tôi đã giận Đăng 2 tuần vì chuyện đó. Rồi Đăng thông báo rằng cậu sắp được đi du lịch một chuyến vào Nam, Sài Gòn hẳn hoi, và có khả năng sẽ lâu lâu một chút. Thú thực tôi đã rất ghen tỵ nhưng rồi cũng tự nhủ. Vào đó toàn nắng nóng có gì đâu chứ, rồi cậu ta sẽ đen thui và bớt đẹp trai đi cho mà xem. Có lẽ nghĩ như thế sẽ làm tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Dạo này cậu ấy ít gọi điện cho tôi, chỉ là những tin nhắn vẩn vơ lúc nửa đêm. Chắc là lạ giường lạ chiếu nên không ngủ được. Con nhà giàu thích thật. Những ngày hè nóng nực dài lê thê rồi cũng qua đi. Tôi hào hứng trở lại với ngôi trương yêu quý. Các bạn dường như ai cũng lớn hơn, đen hơn (du lịch chăng?) tôi thì có lẽ là mập hơn và trắng hơn. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, nói cười không thôi, tôi đảo mắt để tìm một cái cổ sếu quen thuộc nhưng không thấy. Nhấc điện thoại lên, dáo dác hào hứng gọi.
-Bê lô, đang làm gì thế? Không đi học à? Lười quá rồi đấy nhé.
-Uhm, Nhiên à, tớ chưa về, chắc một thời gian nữa mới về được.
-Oạch, sao đi gì mà kỹ thế hả? Về nhanh đê.
-Uhm, thôi biết vậy, thế nhé, tớ có chút việc. Từ nay có lẽ không liên lạc thường xuyên với cậu được..chào nhé …Học cho tốt nhé.
Sau đó là những tiếng tút dài vô vị, tôi thở hắt ra, bực mình, niềm hào hứng ban đầu vơi đi quá nửa. Tôi không buồn một chút nào mà thật sự là đang phát điên, cậu ta học ở đâu được cái thói quen nói giọng lạnh lùng như xác ướp vậy. Được lắm, về đây rồi biết tay tôi. Tôi đã giận ai là giận lâu lắm đấy. Đừng hòng tôi thèm nhắn tin cho cậu ta nhé.
Sáng đầu tuần, không ai gọi dậy như ngày trước, tôi lại lao ầm ầm với tốc độ tên lửa nhưng vẫn bị điểm danh, thở hắt ra, tôi bắt đầu nhớ Đăng rồi đấy. Không thèm giận nữa, tôi rút điện thoại nhắn tin cho Đăng.
-Đi đâu mà vẫn chưa về? Về đi, học được 3 tuần rồi đấy.
5p trôi qua, điện thoại vẫn im lìm. Tôi cáu, nhắn tin thứ 2:
-Cậu biến đi đâu rồi, trả lời tin nhắn của tớ đi chứ. Tớ ghét cậu.
Điện thoại vẫn im lặng, Tôi ngán ngẩm quẳng điện thoại lên bàn và gục đầu ngủ trong một tâm trạng không thể tệ hơn.
Đăng trở lại lớp học, tuy nhiên trái ngược với những gì tôi nghĩ, cậu ấy không hề đen đi mà lại trắng hơn. Một vẻ trắng theo kiểu xanh xao. Chả có nhẽ nắng Sài Gòn không làm được gì cậu ta? Những buổi học giờ với Đăng không còn nhiều hứng thú như trước nữa, kể cả giờ tiếng anh. Cậu ấy bỏ học nhiều hơn, thường xuyên đi học muộn và luôn đang cố giấu đi cái nét mệt mỏi sau nụ cười uể oải. Tôi gặp Đăng, để nói chuyện riêng, tôi nói nhẹ nhàng, quát tháo, rồi giận rỗi. Đăng vẫn vậy. Cậu im lặng. Chỉ nói rằng chưa phải lúc cần nói cho tôi biết vấn đề của cậu ấy. Tôi hét lên, và khóc. Đăng im lặng. Tôi chạy thục mạng ra khỏi quán café quen, thầm mong Đăng sẽ chạy theo và níu tôi lại, cho tôi một câu trả lời về tất cả những hoài nghi đang lớn dần trong tôi.
Nhưng cái tôi nhận lại chỉ là sự im lặng. Tôi giận Đăng, giận thật sự. Tôi khóc và thề sẽ không bao giờ thèm nói chuyện với cậu ấy. Sau buổi cãi nhau với tôi, Đăng biến mất như chưa từng tồn tại. Cái tình bướng bỉnh cố hữu của tôi đã thắng được tính tò mò. Tôi muốn Đăng phải là người làm lành, tôi muốn Đăng phải là người thay đổi. Tôi kệ. Im lặng và lì lợm chờ đợi.
Nhưng,..một tuần, hai tuần rồi ba tuần. Đăng không lên lớp, không có mặt ở câu lạc bộ Ghita, không xuất hiện ở quán café quen thuộc. Những dấu chấm hỏi dần dần lớn lên, tuy nhiên nó vẫn đang bị cái tôi cá nhân che khuất. Cho đến một ngày cuối buổi học, cô giáo chủ nhiệm tìm gặp tôi để hỏi chuyện của Đăng. Đăng nghỉ học liên tục 1 tháng và cô không liên lạc được với Đăng, cô hi vọng liệu tôi có thể đến nhà cậu ấy và hỏi giúp cô một vài việc được không? Tôi ngán ngẩm thở dài, đành nhận lời cô trong sự uất ức. Cậu ta là gì chứ? Chả có nhẽ cậu ta đang trở mặt và sống với bản chất công tử vốn có?
Tan giờ học, tôi đón chiếc xe bus quen thuộc để đến nhà Đăng, một ngôi nhà đẹp như một tòa lâu đài nằm trên đường Nguyễn Khuyến, tôi tự nhủ người thiết kế ra ngôi nhà này phải là một kiến trúc sư tuyệt vời đây.
Ngôi nhà xuất hiện không lâu sau, chẳng có gì thay đổi. Tôi mở cửa bước vào như một thói quen cũ. Nhà vắng lặng, hơi tối. Tôi hồ hởi xoa đầu Sunny. Chú mèo Nga lai Ba Lan của Đăng. Mỉm cười thật tươi hỏi chị giúp việc:
-Dạo này Đăng trốn đi đâu vậy chị?
Bỗng gương mặt chị giúp việc biến sắc, vành môi tái nhợt, khóe mắt ầng ậc nước. Chị run run nói:
-Cậu chủ nhập viện rồi.
Tôi sững người, một làn điện chạy dọc sống lưng. Như không tin vào chính mình, tai tôi ù đi.
-Gì cơ ? Viện? khoa?
Tôi lao đi trong làn nước mắt mặc kệ những giọt nước mắt tròn vo đang thi nhau lăn xuống. Tôi vẫn chạy và cố gắng chạy thật nhanh mặc cho những cơn mưa mùa đông đang gào thét quất qua tôi lạnh buốt và đông cứng. Đã đến nơi, cậu ấy nằm đó, gầy gò và xanh xao đi rất nhiều.
-Cậu bị máu trắng? Tại sao? Tại sao cậu lại giấu mình, mình có còn là bạn của cậu nữa không?
-Nhiên, nghe mình nói, đừng khóc nữa và cũng đừng hỏi tại sao, rồi thời gian sẽ trả lời tất cả. Cậu phải nhớ, sống tiếp phần mà mình chưa kịp sống, đến những nơi mà mình chẳng thể đi, học tiếp phần mà mình còn dang dở. Cậu hứa với mình là phải luôn lo cho bản thân, phải luôn hạnh phúc. Đừng khóc, cậu khóc rất xấu mà, nghe mình đi. Nhé.
Tôi khóc nấc, Đăng như thọt lỏm giữa vô vàn màu trắng, những bức tường bệnh viện trắng toát, bộ quần áo bệnh nhân trắng ᴆục, những viên thuốc trắng ngà…máu trắng, những suy nghĩ tích tắc trở nên trắng xóa. Gương mặt Đăng trắng dần, trắng dần rồi lạnh ngắt. Vành môi tím ngắt khẽ mím chặt hé lên một nụ cười, bàn tay vẫn cầm chăt lá bùa bình an màu đỏ tía. Những thiết bị y tế kêu dài lên những tiếng vô vọng, rồi im bặt. Sự im lặng bao trùm rồi vỡ òa trong tiếng hét của má Đăng. Tôi khụy xuống. Ôm chặt Ⱡồ₦g иgự¢, đau nhói, nhưng không thể khóc, tôi lết ra ngoài hành lang bệnh viện, chạy thật nhanh, thật nhanh chỉ mong rằng sẽ thoát ra được sự tù đọng ở đây. Vấp chân. Tôi ngã. Máu chảy dài, đỏ thắm. Không phải là màu trắng. Giờ tôi mới khóc, dưới mưa. Đăng đã đi thật rồi sao? Đăng, cho tớ một câu trả lời đi chứ…
Thế là cậu ấy ra đi, đi mãi để lại cho tôi một sự trống vắng lạ kỳ trong cõi lòng thơ bé. Một tình bạn kết thúc không đầu, không cuối, không một câu trả lời. Sự im lặng của người ra đi làm nhói đau tim người ở lại. Cậu ấy rời xa tôi đã ba năm rồi nhưng giấu vết thời gian thì vẫn còn mãi. Tôi vẫn nhớ, vẫn nhớ mọi kỷ niệm của tôi và cậu ấy, kỷ niệm sẽ mãi luôn tồn tại trong góc gách thầm kín của trái tim tôi. Tôi vẫn luôn nhớ về gương mặt ấy. Nụ cười ấy. Nụ cười tươi như mầm hoa đọng nắng. Những suy nghĩ miên man bỗng bẵng lại khi có một bàn tay vỗ nhẹ vào vai tôi. Chút ngỡ ngàng.
-Hey. Nhien Nhien. What are you doing? I\\\'ll go shopping in the evening. Are you going with me?
-Oh, sorry. I\\\'m tired. I want to sleep.
-Oh. Ok. Bye baby.
Đó là Sara. Cô bạn gốc Âu ở cùng dẫy với tôi ở khu học xá. Sankt-Peterburg lại mưa. Ở xứ xở này, mưa dường như không quá nhiều nhưng nó thường đến và đi một cách bất thường. Khu học xá cho sinh viên ngoại quốc bỗng yên ắng trong một buổi chiều ướt mưa. Chiều êm đềm ngã nhanh trên nền trời tĩnh tại. Những suy nghĩ về Đăng tạm thời được cuộn tròn và cất giấu sau những bộn bề sách vở.
Có lẽ, tôi nên bắt đầu buổi tối nay bằng bài tiểu luận cho môn kinh tế đối ngoại. Xa xa, một vài chiếc ô đang vội vã vát bộ trong mưa. Mùa đông chợt tràn về trên xứ bạch dương xanh thẫm.