l. Khi em bé 2 tuổi thì thầm trò chuyện với con 乃úp bê. Khi em bé 3 tuổi ngậm chiếc ống hút và thấy mình biến thành một con voi. Và khi em bé 4 tuổi thấy cha em đọc cuốn sách đã ố vàng, bong gáy, em xót thương nói với cha rằng sao cuốn sách nó khổ thân thế cha, sao nó “nghèo khổ” thế cha? Thì sự thấu hiểu đó, sự tưởng tượng kỳ vĩ đó, lòng trắc ẩn đó dường như – là cổ tích có vẻ như Hans Christian Andersen đã từng nói thế, “khi người ta rất hiểu tiếng nói của gà, vịt, chó và mèo. Chúng cũng nói rành rọt như cha mẹ nói với ta. Khi ta lấy gậy của ông làm ngựa cưỡi chơi thì ta cũng nghe thấy tiếng nó hí và trông thấy như nó có cả đầu, cả chân và cả đuôi. Nhưng một khi ta lớn lên thì tính năng đó mất đi”…
2. Và thế là, trong sự phiền muộn của người lớn có nỗi buồn vì phải chia tay cổ tích. Ðó là nỗi buồn cấp l. Mất khả năng đọc hiểu cổ tích là nỗi buồn lớn nhất. Thật kỳ lạ khi những câu chuyện cổ tưởng chừng cũ kỹ lại chứa đựng sự minh triết xuyên thời gian. Câu chuyện về chú vịt con xấu xí thường được dẫn ra để cổ vũ cho một sự hóa thân kỳ diệu là điều thể hiện rõ nhất của sự mất khả năng đọc hiểu cổ tích. Đó thực sự là một câu chuyện về chú thiên nga vì một ngẫu nhiên nào đó mà chú – đúng hơn là quả trứng chú – lạc vào thế giới vịt, thế là chú được gọi là “chú vịt con xấu xí” theo một chuẩn mực đầy kỳ thị của thế giới vịt. Và chú phải chịu bao nỗi cay đắng, buồn tủi do lỗi của số phận “cài đặt không tương thích”, chứ nào phải lỗi của chú. Đó là câu chuyện về “đồng bào” và “dị bào”, một đề nghị về sự khoan dung văn hóa, sự tồn tại trong đa dạng sinh thái ở ngay cái thuở mà hàng rào dân tộc còn chặt chẽ và toàn cầu hóa đang là câu chuyện của một tương lai xa lắc. Phải chăng sự minh triết của cổ tích là vậy? Đó cũng là sự minh triết trong câu chuyện cổ Hy Lạp ông vua có cái tai lừa. Anh thợ cắt tóc không được phép nói ra sự thật về đôi tai lừa, anh đã ra bãi sông đào một cái hố thật sâu để trút cái gánh nặng trĩu lòng rồi đào hố lấp thật kỹ. Nhưng một thời gian sau, những bụi cây mọc trên đó lại lao xao truyền đi thông tin về ông vua có cái tai lừa. Hóa ra “sóng âm thanh” đã không mất đi. Mọi người đều biết, và đức vua cũng công khai luôn chuyện đó. Sự minh triết thật đáng ca ngợi khi vua Miđaxơ nhận ra một chân lý: không thể giấu nổi sự thật, và sự thật nói ra sẽ thoải mái, nhẹ nhõm. Sự minh triết này không có gì bất ngờ khi đức vua vốn là một người khí phách, trước đó chỉ vì tranh luận với thần âm thanh để bênh vực cho tiếng sáo của thần Pan trong cuộc tỉ thí tài năng giữa hai vị thần này mà ông bị hóa phép mang đôi tai lừa. Quả là… không phải đầu cũng phải tai! Sự minh triết của truyện cổ tích còn là lòng bao dung, khoan hòa, từ ái. Bác thợ săn không bắn con sói độc ác. Em bé quàng khăn đỏ đã bỏ đá vào bụng s để thế chỗ cho 2 bà cháu. Con sói tự ૮ɦếƭ vì cái bụng nặng nề gian tham của nó. Là niềm tin vào những điều kỳ diệu có thật, là sự chiến thắng của lương thiện. Là cuộc đời tốt đẹp ở thì hiện tại, “anh đã gặp rất nhiều hạnh phúc, và đã tận hưởng, nhiều khi tưởng thế là hết. Nhưng rồi ngày này trôi qua, ngày khác lại bắt đầu còn đẹp hơn nữa…” (Andersen). Là cổ vũ lòng can đảm vượt qua bao khó khăn như lời khuyên thông thái của con mèo trong câu chuyện Nữ thần băng giá: Đừng nghĩ rằng mình có thể ngã thì cậu sẽ không bao giờ ngã. Khi tin chắc không ngã thì chẳng thể ngã được…”
3. Truyện cổ tích đôi lúc là những câu chuyện thật buồn, nhất là những câu chuyện về tình yêu, về sự hữu hạn của kiếp người, về những thử thách nghiệt ngã của hố thẳm ngăn cách… Như nàng tiên cá với đôi chân buốt nhói, giọng hát mê hồn và cả tiếng nói bị đánh đổi mà vẫn không có được tình yêu của hoàng tử, để rồi sáng mai lên khi ánh dương về nàng đã tan biến thành bọt biển, để lại nỗi niềm đau đớn về tình yêu và linh hồn bất tử. Tuy thế, vượt lên tất cả thường là một kết thúc có hậu. Hậu là đẹp. Những kết thúc tốt đẹp. Đẹp như cổ tích!
4. “Nhưng một khi ta lớn lên thì tính năng đó mất đi” – Andersen viết tiếp – “Tuy nhiên, cũng có nhiều em giữ được tính năng đó lâu hơn em khác, người ta cho rằng chúng là những đứa đần độn hạng nặng. Nhưng, người đời thật là lắm chuyện!”. Ðã có lúc sống ở đời sống khốc liệt của sự khô cằn công nghiệp, chúng ta nghĩ không còn cổ tích. Thực tế đã nói rằng không như thế. Không chỉ là khát vọng, chính cuộc sống cao thượng, sống đẹp, sống tích cực đã làm nên cổ tích.
Cuộc sống xung quanh ta đang là thế.
ĐOÀN CÔNG LÊ HUY