- Trang chủ
- Truyện Ngắn
- Gió thổi dọc cánh đồng
Tôi đạp xe băng qua những luống hoa cúc vàng rực rỡ tháng ba. Trên cánh đồng ấy Nguyên vẫn chờ để hái cho tôi nắm hoa vàng rực nắng. Ấm áp. Tôi yêu Nguyên.
Tôi biết mình cần Nguyên, cần cho cuộc sống đầy chênh vênh và nỗi bất an trong tâm hồn. Nguyên như tia nắng mặt trời sưởi ấm cái thế giới như một hoang đảo trong tôi. Đầy lo âu và chênh vênh. Nguyên cho tôi cảm giác mình đang tồn tại. Là tôi. Một con bé vốn chẳng có gì hay ho và cũng chẳng xinh đẹp nhưng vẫn được tôn trọng, được yêu thương. Theo đúng nghĩa tôi cần chứ không phải là sự thương hại.
Những lúc buồn tôi lại tìm đến Nguyên để Nguyên ngồi bên tôi lặng lẽ. Vậy thôi. Nguyên không hỏi han cũng không an ủi tôi. Nguyên hiểu tôi đang cần sự bình yên. Một khoảng không gian bình yên cho những bất ổn đang đè nặng.
Chiều. Tôi tha thẩn ra bờ sông bứt những cánh hoa dại thả trôi theo dòng nước. Hoa sẽ trôi về đâu nếu dòng sông kia không có bến bờ? Nhưng dừng lại để làm gì nếu đó không phải một bến bờ bình yên? Cứ trôi... cứ trôi để rồi đến khi cánh hoa tan nát, hoa không nhận ra mình.
Tôi nhặt những hòn đá ném xuống dòng sông mang theo những tủi hờn. Tôi vẫn thường ném xuống dòng sông quê biết bao nỗi giận hờn vô cớ. Dòng sông bao dung như lòng mẹ mang đi mọi thứ. Tôi có biết đâu tôi cũng đã vô tình ném đi mọi thứ quý giá chỉ vì lòng ích kỷ và nông nổi để rồi mãi không thể mò tìm lại được.
Bỗng dưng tôi nhớ mẹ. Ừ chỉ là bỗng dưng thôi. Tôi vẫn nhớ cái dáng gầy xiêu vẹo của mẹ bên bờ sông chiều hanh hao nắng. Nỗi nhớ đắng đót một tuổi thơ êm đềm vuột trôi. Ba không cho mẹ một cuộc sống đủ đầy. Những thiếu thốn và lo toan cuộc sống hằng ngày đã hằn lên má mẹ những cái tát nảy lửa của ba.
Mẹ không chịu đựng và không chấp nhận. Mẹ còn trẻ. Mẹ bỏ ba, bỏ tôi lại giữa căn nhà rộng thông thênh bốn mùa thông thốc gió. Ba lao vào rượu như con ma men. Mỗi lần say ba khóc đuổi tôi đi. Tôi sang với ngoại. Bà ngoại ôm tôi lời ru đắng đót: "Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu đời đắng cay...".
Năm sau ba lấy vợ. Dì có dáng người hao hao giống mẹ tôi. Ba trừng mắt:
- Không được gọi dì. Phải gọi là mẹ. Từ nay đây là mẹ mày. Nghe rõ chưa?
Tôi im lặng. Ba vẫn thường nạt nộ tôi khi trong lòng tôi mới gợn lên những ký ức về mẹ. Dì không bắt tôi gọi là mẹ. Và tôi cũng không thể gọi người đàn bà khác là mẹ khi biết rằng mẹ tôi vẫn đang sống ở đâu đó trong thế giới này.
Mẹ ở đâu?
Tôi đạp xe qua cánh đồng thông thốc gió sang hỏi ngoại. Ngoại chỉ khóc. Ngoại có những mùa hoa vàng rực rỡ, quanh năm ngoại lận đận với từng mớ rau, từng mùa hoa. Ngoại dành dụm tiền bỏ vào cái áo cũ treo trên mắc áo trong buồng. Mỗi lần tôi đến ngoại lại lần túi:
- Ngoại cho con mua bánh đa.
- Con không lấy tiền của ngoại. Về ba đánh.
- Ngoại cho con. Ngoại cuộn tiền bỏ sâu trong túi quần tôi. Mắt ngoại rưng rưng.
Tôi đạp xe băng qua cánh đồng mang theo nỗi ấm ức về mẹ và đôi mắt ầng ậng nước của ngoại. Mẹ chẳng về thăm ngoại sao? Mẹ chẳng nhớ ngoại và cũng không nhớ tôi? Mẹ đang ở đâu? Mẹ! Gió thổi dọc cánh đồng thông thốc. Thổi đi những ký ức về mẹ, nỗi nhớ mẹ trong tôi... Gió ơi!
Nguyên ngồi đợi tôi trên mỏm đất cạnh những ngôi mộ bỏ hoang:
- Lam đi đâu?
- Sang ngoại.
- Có hỏi ngoại về mẹ không?
- Không.
- Nhớ mẹ lắm phải không?
- Không. Không muốn nghĩ đến mẹ nữa. Buồn lắm.
Tôi ngồi bên Nguyên ngắm trăm ngàn những bông hoa dại trong nắng. Tôi vẫn yêu những bông hoa dại ấy, yêu hơn bất cứ loài hoa nào.
Nguyên biết nên luôn dành cho tôi một chỗ ngồi có thể nhìn về phía bên kia sông nơi đất bỏ hoang chỉ để hoa và cỏ dại mọc. Đàn vịt chạy đồng của Nguyên không bao giờ làm nát loài hoa ấy. Đôi bàn chân to và thô của Nguyên chạy rạc cánh đồng đầy gốc rạ nhưng không dẫm lên đám hoa cỏ ấy.
Mẹ mất khi vừa mới sinh Nguyên. Vậy nên Nguyên sinh ra mang nỗi buồn thẳm sâu trong từng ánh nhìn. Nguyên trầm tính và ít nói. Nhưng nụ cười thì khiến hoa cỏ cũng phải xôn xao. Trái tim tôi cũng xôn xao như cỏ khi Nguyên cười.
Không biết có phải Nguyên ít cười mà tôi thấy nụ cười Nguyên đẹp không nữa. Chắc không phải.
Tôi chưa nói với Nguyên điều đó nhưng tôi biết Nguyên hiểu những suy nghĩ trong tôi. Hiểu cả những bất ổn trong ánh mắt và cả sự chênh vênh trong tôi. Chỉ mình Nguyên hiểu.
Nguyên chăn một đàn vịt mấy trăm con. Nguyên hay cho vịt ra đồng và tôi mỗi lần muốn gặp Nguyên chỉ cần chạy vụt ra cánh đồng cả vào những ngày nắng hay mưa. Dáng Nguyên gầy hanh hao trong nắng, sâu hun hút trên cánh đồng rộng thênh thênh bốn mùa thông thốc gió...
***
- Mày ăn trộm tiền của dì phải không Lam?
- Không. Con không lấy tiền của dì.
- Thế thì tiền ở đâu ra?
- Tiền... ngoại....
Tôi nghẹn ứ. Ba lấy roi nổ dang quất vào chân tôi lằn vết. Tôi bặm môi không khóc. Dì nhìn xéo:
- Cho chừa cái tính gian. Rồi sau này lớn lên lại bỏ nhà theo giai.
- Dì im đi! - Tôi thét lên và lao đi nhanh như một cơn gió trước khi cha tôi quất thêm những nhát roi nổ dang vào bắp chân tôi và những câu nói sắc như dao của dì.
Từ ấy mỗi lần sang với ngoại tôi không bao giờ cầm tiền của ngoại. Nhưng ngoại vẫn để dành tiền cho tôi trong túi áo treo trong buồng. Ngoại bảo để dành cho tôi sau này vào Đại học. Tôi ở lại với ngoại trong căn nhà sực nức mùi cây cỏ. Đêm đêm ngoại ôm tôi, ngoại lần bắp chân bầm tím của tôi lấy cao xoa xoa nóng sực. Đôi bàn tay ngoại ram ráp.
- Mẹ con ở đâu hả ngoại? - Tôi hỏi ngoại trong cơn mơ chập chờn đang đến cứ như người mộng du. Câu hỏi đã bao lần tôi muốn hỏi.
- Mẹ con cũng khổ lắm. - Rồi ngoại khóc. Tôi nghe tiếng ngoại khóc trong cả giấc mơ.
Mãi sau này ngoại mới kể sau khi bỏ nhà đi, mẹ tôi lên thành phố làm người ở cho một ông quan chức về hưu góa vợ rồi sau làm vợ ông ta. Được 2 năm ông ta ốm ૮ɦếƭ. Con cái ông ta đuổi mẹ đi. Mẹ lang thang đi làm đủ nghề để kiếm sống. Không biết bây giờ mẹ đang ở đâu.
Nghe ngoại kể tôi ứa nước mắt. Đời mẹ như cánh hoa trôi giữa dòng. Mẹ không dám về quê vì sợ người làng dè bỉu. Tôi hứa với ngoại khi nào đỗ Đại học lên thành phố tôi sẽ đi tìm mẹ. Tìm mẹ về cho ngoại, cho tôi.
Ngoại ôm tôi nước mắt chỉ còn ướt ướt mấy cọng lông mi.
Sáng sớm tôi theo ngoại ra đồng. Mấy luống hoa cúc của ngoại nở vàng một khoảng đồng mênh mang nỗi buồn trôi.
Tôi yêu những mùa vàng hoa cúc dại của ngoại. Loài hoa không cần chăm sóc nâng niu mà vẫn rạng rỡ, xua đi màu u ám buồn tẻ của mùa đông sót lại. Tôi ngắt đầy một nắm hoa cúc dại mang về bỏ vào vỏ chai nhựa để trên cửa sổ. Tôi hẹn Nguyên sang để đưa Nguyên đi ngắm mùa hoa vàng của ngoại. Cũng như tôi, Nguyên ngắt đầy một nắm hoa cúc dại mang về.
Tôi ở với ngoại trong gian nhà sực nức mùi cây cỏ ấy được một tuần thì ba sang tìm và lôi tôi về. Tôi bám vào áo ngoại. Ngoại rấn nước mắt giằng tay tôi khỏi vạt áo:
- Ngoại già rồi không nuôi nổi con. Về đi!
Tôi biết đêm ấy thể nào ngoại cũng lại không ngủ được vì thương đứa cháu gái tâm hồn mỏng manh, hay buồn hay nhớ. Cha lôi tôi ngồi lên xe. Tôi ngoái đầu nhìn về phía những luống hoa vàng rực rỡ của ngoại. Hình như có một bông hoa còn ướt đọng sương đêm...
Dì sinh em Bi. Tôi gọi em là cu Bi vì nó có đôi mắt tròn xoe giống tôi. Và có nụ cười hao hao giống... mẹ tôi.
Cha vui hơn khi có cu Bi. Cha cai thuốc lá và uống ít rượu hơn.
Từ ngày dì sinh em, mọi việc lớn nhỏ trong nhà tôi làm hết. Sáng sớm dậy nhóm củi nấu cháo cho dì và cha ăn đi làm. Đi học về tôi nhờ Nguyên cầm cặp sách về để ra chợ mua cái ăn. Tiền ăn mỗi ngày dì đưa tôi mấy chục nghìn dặn mua từng thứ, xong về phải bảo với dì hết bao nhiêu. Dì không tin tôi từ cái lần thấy tiền trong túi quần của tôi hôm từ nhà ngoại về. Trưa về nấu cơm, cám, cho lợn ăn và giặt quần áo, tã lót. Tôi vui vì có em để chơi đùa nhưng cũng chẳng mấy khi dì cho tôi lại gần em. Cha thì cứ đi làm về là ẵm em nên tôi dật dờ với những nỗi lo, nỗi vui buồn một mình.
***
Thời gian như sợi dây vô hình nối dài tháng năm, xâu vào đó biết bao niềm vui, nỗi buồn tôi không thể nhớ. Tôi đỗ Đại học. Tôi cầm giấy báo nhập học chạy như bay ra cánh đồng tìm Nguyên. Nguyên cầm tờ giấy báo nhập học của tôi trong tay rất lâu:
- Vậy là Lam lên thành phố rồi.
- Nhưng Lam sẽ về với Nguyên lúc nghỉ hè.
- Lam lên đó, công việc học hành bận rộn, biết còn nhớ Nguyên không? Nguyên hướng ánh mắt xa xăm nhìn tôi mà như không nhìn.
- Làm sao Lam quên đồng cỏ này và Nguyên được. Không bao giờ Nguyên ạ.
- Thật không?
- Thật.
Nguyên khẽ nắm lấy tay tôi. Bàn tay Nguyên to bao trọn lấy bàn tay nhỏ bé và gầy gò của tôi. Nóng ấm. Giờ tôi mới thấy cảm giác khi có ai đó nắm lấy tay mình. Cảm giác được yêu thương và bao bọc. Tôi biết mình cần bàn tay ấy suốt quãng đường rộng dài phía trước. Nguyên sẽ không bao giờ buông tay tôi ra?
Tin tôi đỗ Đại học khiến ba vui ra mặt. Lần đầu tiên tôi thấy ba cười với tôi. Dì chẳng tỏ ra vui cũng chẳng buồn:
- Con gái học lắm chỉ tốn công.
Tôi đạp xe dọc trên con đường ngoằn nghoèo giữa cánh đồng thông thốc gió. Hai bên là những luống rau xanh thẳng tắp. Xa xa có những đám hoa vàng rực rỡ. Tôi hét to:
- Con đỗ đại học rồi ngoại ơi!
Ngoại đang lom khom giữa lùm cây dại nhao nhác ngước lên nhìn tôi, ánh nhìn rạng rỡ.
- Ngoại có vui không?
- Mừng chứ. Mừ... ng.
Tôi chạy đến ôm ngoại. Mùi cỏ cây thơm thơm lạ. Thứ mùi mà mãi đến cả bây giờ tôi còn khao khát.
***
Tôi lên thành phố. Con đường nào cũng rộng dài, tập nập người xe đua nhau lao vun ✓út. Tôi gửi thư về kể cho Nguyên nghe mấy lần tôi đi xe buýt bị lạc. Nguyên gửi cho tôi những dòng chữ biểu thị nụ cười làm tôi thèm nhìn thấy nụ cười Nguyên biết bao. Tôi ra bưu điện gọi điện về cho ngoại.
- Học khó không con?
- Dễ ợt ngoại à. - Tiếng ngoại cười yếu ớt qua ống nghe.
Tôi mang theo tấm ảnh mới của mẹ gửi về cho ngoại trong ngày mẹ đi lấy chồng lang thang trên các ngả đường nơi tôi biết để mong tìm mẹ. Tôi vẫn hình dung ra cái dáng gầy hanh hao và đôi vai mỏng gầy của mẹ.
Nghe các bạn nói những người từ quê lên thành phố hay đi bán hàng rong. Vậy nên tôi luôn ghé tới mấy cô, bác bán hàng rong để lân la hỏi thăm về mẹ. Nhưng những tin tức về mẹ cứ như ở một nơi nào xa lắm. Không có trong thành phố này.
Tôi tưởng như sẽ chẳng bao giờ tìm lại mẹ được. Mẹ ở đâu trong thành phố triệu con người này? Mẹ lạc vào giữa dòng người giàu sang kia hay giữa những người lao động nhếch nhác. Chỉ cần mẹ hiện hữu trước mặt tôi là được. Cho tôi được thấy mẹ. Khi những tin tức về mẹ cứ mãi như còn ở nơi nào xa lắm làm tôi bắt đầu thất vọng.
Biết đâu mẹ đã đi về một tỉnh lẻ nào đó hay một vùng nông thôn sống an nhàn thanh thản. Tôi không còn lang thang trên khắp các ngả đường chỉ để đi tìm mẹ nữa.
Buổi tối khi đã thu dọn xong cốc chén ở quán cà phê tôi đạp xe về. Đèn đường hắt một màu xanh lét. Thành phố về đêm rực rỡ nhưng tôi luôn thấy ẩn lấp những nỗi buồn và sự sợ hãi. Tôi nhớ Nguyên. Giá bây giờ Nguyên nắm tay tôi...
Bên đường những cô gái dạt từ ngóc ngách nào trong thành phố này chia ra ngồi, đứng bên vỉa hè, gốc cây cười ưỡn ẹo. Mùi son phấn oai oải, sực nức. Những chiếc xe tàng tàng, bóng loáng ghé sát ỡm ờ vài câu rồi cô gái lên xe. Họ lao vào ngõ tối sâu hun hút.
- Con ranh láo toét, dám dụ dỗ chồng bà. Loại mèo mả gà đồng. Bà cho mày ૮ɦếƭ!
Tiếng người đánh, tiếng chửi bới và tiếng khóc náo loạn một góc tối. Một toán người đang quây tròn quanh một người đàn bà. Vừa giựt tóc, vừa tát, vừa đá. Trong ánh điện hắt ra và ánh đèn xe của những người dừng lại bên đường tôi nhận ra cái dáng gầy hanh hao và đôi vai mỏng gầy. Là mẹ? Tôi đau đớn:
- Mẹ! Đừng đánh mẹ tôi.
Tôi lao vào giữa đám đông. Tôi vừa khóc vừa van xin. Những người qua đường chen vào. Lũ người kia bỏ đi bỏ lại mẹ với những vết bầm trên gương mặt dày phấn son. Mẹ nhìn tôi. Mẹ nhận ra tôi ngay khi ngước mắt lên. Có lẽ vì tôi vẫn gầy còm như cái ngày mẹ ra đi. Mẹ úp mặt khóc.
Tôi không đủ bao dung và nhân từ để ôm vai mẹ mà an ủi. Tôi thẫn thờ lê bước. Tôi muốn chạy trốn khỏi thực tại để hình ảnh mẹ vẹn nguyên trong tim tôi.
Mẹ níu tay tôi:
- Mẹ xin lỗi.
- Mẹ về quê đi. Ngoại cần mẹ. Ngoại vẫn mong mẹ từng ngày.
Tôi bỏ chạy trong đêm nhấp nhoáng ánh đèn, điện. Không biết mẹ có gọi tên tôi không nhưng tôi chỉ còn nghe tiếng khe khẽ của một người đàn ông dắt mẹ lên xe lao về những ngả đường đen và sâu hun hút.
...
Những tháng ngày sau đó tôi rơi vào chênh vênh thực sự. Tôi không hiểu mình đang nói và làm gì. Cuộc sống diễn ra như một vở kịch mà người đạo diễn là số phận cho tôi làm vai chính. Giá mà tôi đang sống trong mơ. Giá mà những ký ức đắng đót về mẹ, về tuổi thơ cứ theo tôi thì tôi cũng không phải thế này.
Mẹ như cánh hoa trôi giữa dòng... không còn là mẹ của tôi ngày xưa nữa. Tôi chỉ còn có ngoại. Một bà già lận đận với những mùa hoa thương tôi xót ruột.
Tôi về với ngoại, về với Nguyên cho bớt chênh vênh. Lối nhỏ dẫn vào nhà ngoại nhao nhác cỏ dại mọc hoang. Rêu chen cả vào bậc cửa. Ngoài vườn những bông cúc vàng nở rộ. Dáng ngoại gầy lom khom. Ngoại nheo mắt nhìn tôi cười.
Đêm hôm ấy tôi ngủ trong lòng ngoại với mùi thơm cây cỏ. Tôi không kể với ngoại về mẹ, về cái đêm tôi gặp mẹ sau bao tháng năm mong mỏi. Ngoại ủ tôi ngủ say trong mùi nồng nàn cỏ cây. Trong mơ tôi thấy dáng mẹ gầy hanh hao trên cánh đồng quê rộng dài thông thốc gió vành nón nghiêng nghiêng...
Tôi gặp lại Nguyên trên mỏm đất bên những ngôi mộ bỏ hoang. Nguyên vẫn dành cho tôi chỗ ngồi có thể nhìn sang bên kia sông nhưng không còn những bông hoa và cỏ dại nữa. Người ta đã đào lấp và xới tung mọi thứ cho một dự án. Hoa và cỏ dại của tôi nằm sâu trong những tấm bê tông hay dưới lớp đất đá kia mất rồi.
Gió vẫn thổi dọc cánh đồng. Dáng ai gầy hanh hao trong nắng chiều, đôi vai gầy mỏng mảnh thất thểu quay về... Có khi nào là mẹ tôi?...
Gió vẫn còn thổi dọc cánh đồng hoang hoải trong tôi.
Quỳnh Giao
Bạn đang đọc truyện tại website: Truyen186.Com - Website đọc truyện dành cho di động
Tác giả: Nhiều Tác Giả
Tác giả: Nhiều Tác Giả
Tác giả: Sơn Linh