Tôi cũng như những người con của quê hương Quảng Trị luôn được ba mạ dạy: "Gắng học đi con". Chỉ có con đường học tập mới mong sao sau này thoát khỏi nghèo đói cơ cực, chỉ có đi học mới mong sao không phải theo ba mạ ra đồng ruộng làm lúa, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chỉ có đi học mới mong không theo ba mẹ lên rừng phát cây cỏ làm nương rẫy...
Nhà thì đông anh em, cái nghèo cái đói luôn bên mình, có gia đình còn phải chạy gạo bữa nhưng đứa nào chăm học thì ba mạ hay anh cả chị đầu cũng cố lao động kiếm tiền cho con, cho em ăn học. Đứa anh nào ra đời rồi thì quay lại phụ giúp ba mạ nuôi em chứ sức đâu ba mạ lo cả đàn con được. Sự nâng đỡ, chia sẻ cùng nhau để mong sao một hay nhiều thành viên trong gia đình có học, có chữ, có nghề trong tay.
Cái việc dạy của người quê tôi cũng khác những vùng miền khác, hiếm khi nào người ba gọi con đến và ngồi nói chuyện, chỉ dạy phải như thế này, như thế kia... nói chuyện đôi ba câu là dễ bị cây roi dính vào ௱ôЛƓ liền. Con cái quê tôi tự nhận biết sự nghèo khó của gia đình, ai có chí thì tìm đường học chữ, ai không mê con đường học thì buôn bán, kiếm nghề mộc nghề xây... để mà kiếm tiền lo cho cuộc sống.
Gia đình tôi ba mạ sinh ra tôi và bốn cô em gái, năm cái miệng há mồm đòi ăn, đòi học... ba mạ cồng lưng ra mà lao động để con mình không thua thiệt, cực kiểu gì cũng phải cho con đến trường. Ba tôi hiếm khi dạy trực tiếp cho tôi, ba tôi làm và làm, từ trong nhà ra ngoài ngỏ, cách đối nhân xử thế, cách làm người, rồi ba tôi vẽ những bức tranh về quê hương, làng mạc, con người... qua những tranh vẽ của ba, đã định hình trong tôi một cách nghĩ, một sự cảm nhận về cuộc sống. Tôi luôn tự hào mình được sinh ra trong gia đình của ba mạ, những đống màu hay những nồi nước mã (cơm thừa nuôi heo)... mà tôi được như hôm nay. Tôi đã viết nhiều lắm, tôi tự hào về những cái khổ cực, những sự nghèo khó này. Hồi đó tôi cố nói với mình phải nhớ câu của ba mạ dạy: "Gắng học đi con". Câu chữ ngắn đó mà bao hàm nhiều ý nghĩa, chữ học nó rộng lớn, bao la... không những học ở giảng đường mà còn học ở xã hội, cuộc sống, con người.
Khi bước chân ra đường không ai nghĩ tôi là người cực khổ, tôi đi học muốn mua gì là có đó. Mới bước chân vào đại học năm nhất, tôi xin ba mạ cho mua một chiếc máy vi tính để học, máy hồi đó giá hơn mười triệu đồng, đó là cả một gia tài chứ không phải ít. Ba mạ mới than với bà con làm sao có tiền mua máy cho con đi học đây, bà con cười và nói: "Nhà nghèo thì chọn nghề nào ít tiền mà đi học, chọn gì cái nghề kiến trúc sư...". Người ông em ruột của ông ngoại mới nói với ba mạ tôi: "Tau vừa bán miếng đất, tiền có để đó chứ không làm chi, thôi tau cho hai vợ chồng bây mượn mười triệu để mua máy vi tính cho cháu nó học, khi nào có hãy trả lại sau."
Hồi đó ở quê, trong con mắt của mọi người, tôi luôn là thằng công tử bột, một thằng chỉ ham chơi hơn là ham học... cái ngày tôi nhận được giấy báo đậu kiến trúc Hà Nội, tôi định photocopy tờ giấy đó và rải khắp Khe Sanh, để chứng minh cho mọi người nó cũng ham học. Nhưng chưa kịp làm thì ai cũng đã biết rồi.
Cũng may sao, người anh đi trước suôn sẻ nên mấy cô em gái của tôi ai cũng chăm học, có hai cô em cùng đi theo ngành kiến trúc như tôi. Tôi biết ba mạ tôi vui lắm vì đàn con chăm ngoan, cố gắng học để có một cái nghề kiếm sống, thoát ly để đi tìm vùng đất sống tốt hơn.
Thời nay, khi điều kiện kinh tế đã khác, con cái sinh ra không phải khổ như xưa, chỉ việc đi học mà thôi. Có đứa vừa lớn ra đã có xe máy, xe ô tô để mà đi học, thậm chí có đứa còn không biết đi xe đạp. Họ sướng nên đôi khi ương bướng, chẳng chịu nghe lời cha mẹ dạy, ăn chơi nhiều hơn là học hỏi, cha mẹ nói vài lời là giận hờn, có khi còn bỏ đi bụi cả tháng trời. Có nhiều người quen có con hư, tôi nói, sao chú không cho nó những trận đòn roi, người chú trả lời: "Không dám đánh cháu ơi, đánh là nó bỏ đi biền biệt đó...". Ôi sao lại ra cơ sự như vậy? Con cái trả hiếu cho ba mẹ mình như vậy sao? Có những lúc sai trái, tôi thèm có ba ở đó và đánh những cái roi vào đít, đánh thật đau để cho tôi nhớ, tôi biết sai mà sửa chữa.
Tôi chưa phải là một đứa con ngoan, nhưng tôi luôn cố sống sao cho thật tốt, ba mạ mình ít bị người ta chửi: "Đẻ con mà không biết dạy...". Còn có điều gì buồn hơn những câu chửi đó, ba mẹ chỉ có cúi đầu mà đi, mặt mũi nào mà nhìn mọi người? Ông bà xưa có nói một câu khá tục nhưng rất hay: "Đẻ đứa con khôn mát Ⱡồ₦ rười rượi, đẻ đứa con dại tê tái cái Ⱡồ₦".
Những ngày sống ở Sài Gòn đó là một thử thách lớn, có đôi lần tôi đã khăn gói về quê vì không chịu nỗi sức ép nhưng rồi không thể nào xin việc ở quê, tôi lại khăn gói đi một lần nữa, và hứa với lòng không bao giờ trở về khi chưa thành công. Một thân một mình giữa chốn phố thị phồn hoa này không phải dễ. Những cực khổ phải cố mà vượt qua, chẳng dám kêu than cùng ai nhưng tôi luôn cố gắng phấn đấu, với bàn tay và sự chịu khó, tôi tin chắc mình sẻ thành công một ngày không xa. Tôi luôn tự nói với bản thân mình: Hãy cố lên Đinh Thanh Hải ơi!
Sài Gòn 08-07-2013
Đinh Thanh Hải