Chẳng hiểu tại sao trên đời này lại có một gã si tình như vậy. Đã hai lần bị bồ “đá” để chạy theo thằng khác, vậy mà khi cô ta quay lại, anh vẫn hồ hỡi, phấn khởi y như thể mới được người ta nhận lời yêu.
Ngọc Hân, người yêu của Khang làm việc cho một công ty quảng cáo. Cô rất đẹp. Có lần Khang đưa người yêu đến công ty chơi, ai cũng trầm trồ khen anh chàng “lù đù vác cái lu mà chạy”. Khỏi phải nói, lúc đó mặt Khang vênh váo cỡ nào…
Được chừng 2 tháng thì một bữa nọ, Khang cáo bệnh xin nghỉ. Anh em đến thăm về bảo tôi: “Hắn bị bồ đá, bệnh thất tình”. Cái bệnh ấy coi vậy mà rất nguy hiểm. Khang nghỉ làm ở nhà, sau đó đi nhậu, tự té xe gãy tay, phải nghỉ thêm 1 tháng. Tôi đến thăm, anh ta bảo: “Xin lỗi chị… Tôi có thể đem công việc về nhà làm. Cũng may là bị gãy tay trái”.
Khang kể với tôi là Ngọc Hân yêu một anh chàng người mẫu làm chung công ty. Cô nói, hai người làm chung nghề, dễ cảm thông hơn. “Nói vậy thôi chớ tôi biết Ngọc Hân yêu tên kia vì hắn là con ông giám đốc một hãng phim”- Khang nói mà không nhìn tôi. “Thôi, ráng tĩnh dưỡng cho khỏe. Đàn bà con gái thiếu gì, hơi đâu bận tâm vì người không thương mình”- tôi an ủi Khang.
Lành bệnh, Khang đi làm trở lại. Khoảng 3 tháng sau, anh ta đột ngột hỏi tôi: “Nếu chị là tôi thì khi Ngọc Hân quay lại, chị sẽ đối xử như thế nào?”. Tôi tròn mắt: “Có chuyện đó nữa sao?”. Khang kể, Ngọc Hân quay lại, khóc lóc xin tha lỗi. “Cô ấy nói không hợp với tên kia nên đã chia tay và muốn quay lại với tôi. Mấy hôm trước, tôi có sang giúp Ngọc Hân sơn lại nhà. Cô ấy chăm sóc tôi từng li, từng tí…”.
Nghe Khang kể, tôi rất bực mình. Vậy là anh chàng đã xiêu lòng, còn hỏi tôi làm gì? “Tôi nghĩ chị là sếp, chị có kiến thức, có kinh nghiệm… những lời góp ý của chị thường đúng…”. Nhìn vẻ mặt tươi rói của Khang, tôi sẵn giọng: “Nè, lần sau mấy chuyện như vầy, tự quyết định và đừng có nói cho tôi biết nghen. Nếu là tôi, tôi không bao giờ yêu một gã đàn ông không biết tự ái, không có lòng tự trọng như anh. Cái thứ đàn ông như anh, có cho tôi cũng không thèm… Cả công ty đều nói anh khùng…”.
Nói xong, tôi chợt nhận ra hình như trong giọng nói của mình có điều gì đó giống như là sự hờn ghen. “Thì đàn ông vốn yếu đuối, khùng điên mà chị. Có anh hùng nào qua nổi ải mỹ nhân đâu?”- Khang chống chế bằng nụ cười thật hiền.
Lại còn thế nữa. Thôi, mặc xác anh ta đi.
Cái phòng thiết kế sáng tạo của tôi có 12 nhân viên, tôi rất quý mọi người vì anh em làm việc hết lòng, lại đùm bọc thương yêu nhau. Trong đó, không hiểu sao tôi đặc biệt chú ý tới Khang. Có lẽ vì anh ta là người rất giỏi chuyên môn nhưng lại “khờ ệch” chuyện đàn bà, con gái… Làm việc với nhau đã lâu, tôi chứng kiến cuộc tình của Khang từ đầu đến cuối.
Họ quay lại với nhau được khoảng 6 tháng thì Khang lại nhậu xỉn và té xe. Nhưng lần này chỉ bị trầy trụa sơ sơ chớ không gãy tay, gãy chân như trước. Anh em đến thăm về bảo: “Cô Ngọc Hân lại nói lời chia tay anh ấy nữa rồi”. Tôi ngồi thừ người, nghĩ ngợi: Không hiểu nổi cô gái kia và cũng không hiểu nỗi gã khùng này…
“Nè, mấy người yêu đương kiểu gì vậy? Hoặc là yêu, hoặc là không chớ sáng nắng, chiều mưa như vậy là sao? Bộ mấy người… khùng hết rồi hả?”- tôi nói với Khang khi đến thăm anh ta. Khang rót nước mời tôi và lại cười hì hì: “Ai mà biết được lại có thằng đẹp trai hơn, giàu có hơn… Chị là sếp, chị có kiến thức, có kinh nghiệm thì chị phải biết rõ, con người ta sống ở đời luôn vươn tới những điều tốt đẹp mà. Nếu cô ấy muốn kiếm một người đàn ông có thể bảo bọc cho mình thì điều đó cũng chính đáng chớ sao!”.
Tôi thấy miệng Khang cười mà ánh mắt buồn rười rượi nên không nỡ la rầy.
Thú thật, làm việc với Khang lâu năm, tôi quý con người này vô cùng và thèm được ở vào vị trí của Ngọc Hân. Thế nhưng, trong mắt Khang, tôi đơn thuần chỉ là sếp trưởng phòng, là một người “có kiến thức, có kinh nghiệm” nhờ đi học ở nước ngoài về và là em ruột của giám đốc công ty! Trong mắt Khang, tôi như một người chị dù tôi nhỏ hơn anh ta 4 tuổi...
Lần thứ 3 tôi thấy Khang “hồ hởi, phấn khởi” trở lại là cái hôm mẹ Ngọc Hân bệnh. Cô nàng gọi điện cho anh. Khang bỏ mọi thứ chạy tới đưa mẹ Ngọc Hân vào bệnh viện, chăm sóc tận tình; ngày nào cũng xin về sớm để lo cơm cháo cho cả người bệnh lẫn người không bệnh. Thế là họ lại vui vẻ bên nhau. Tôi bó tay với Khang rồi. Trên đời này sao lại có kẻ yêu mê muội, mù quáng đến như vậy?
Bẳng đi một thời gian, tôi chợt thấy Khang rất lạ. Anh ít nói, ít cười; không vừa làm vừa huýt sáo và ca hát vang mỗi khi có ý tưởng mới như trước. Các nhân viên trong phòng cũng nhận ra điều này. Họ thậm thụt bảo tôi: “Chắc là bị cô Ngọc Hân cho ăn đá nữa rồi!”. Tôi cũng nghĩ vậy và lặng lẽ quan sát cũng như chờ xem khi nào thì Khang lại tự té xe!
Rồi sự chờ đợi của tôi cũng đến. Sáng thứ bảy tuần trước, Khang gọi điện: “Xin phép chị hôm nay tôi không tới công ty. Hôm qua tới giờ tôi sốt cao và nhức đầu quá”. Giọng Khang đúng là của người đang bệnh. Chẳng hiểu sao, tôi bỗng thấy lo lo. Khang ở nhà trọ một mình, đau bệnh gì cũng phải tự lo. Hồi nào tới giờ, có nóng sốt, nhức đầu thì Khang cũng mò tới công ty để anh em chăm sóc, còn lần này… Tôi nghi ngờ: “Anh lại nhậu xỉn và té xe nữa phải không?”. Khang bảo: “Tôi bệnh thiệt mà”.
Tôi buông điện thoại, nghĩ thầm, chắc lần này bệnh thiệt.
Buổi chiều, tôi về sớm, tự tay nấu cháo và xách tới. Vừa thấy tôi mở gà mên cháo ra, Khang hít hít mũi rồi phì cười: “Cháo hành…”. Tôi lườm anh: “Ăn đi, đừng có lộn xộn”. Khang nhìn tôi không nói thêm gì mà chậm rãi múc từng muỗng cháo nhấm nháp y như thể một thực khách thanh tao đang thưởng thức cao lương mĩ vị chớ không phải một người bệnh đang ăn cháo giải cảm!
Tôi không bỏ qua một cử chỉ nào của Khang từ cái nhíu mày đến động tác liếm môi… Đã mấy lần anh định nói gì đó nhưng lại thôi. Chờ Khang ăn xong, tôi lấy thuốc cho anh uống rồi bảo: “Nằm nghỉ đi, tôi rửa chén xong sẽ về cho anh nghỉ ngơi”.
Tôi gom chén muỗng ly tách trên bàn đi xuống bếp. Nói là bếp cho sang chứ thật ra chỉ có cái bếp gas mini, 1 cái nồi và mấy cái chén, 2 cái muỗng, 2 đôi đũa... Đàn ông độc thân là vầy sao? Bất giác tôi thấy chạnh lòng, giá mà người đàn ông này không thuộc về người khác thì tôi có thể yêu anh và mang đến cho anh nhiều thứ hơn là một cái bếp lạnh lẽo như vầy…
Tôi mở nước trong lavabo và vì không tìm thấy miếng rửa chén nên tôi cứ lấy tay kỳ cọ mãi mọi thứ bám trên ly tách. Tôi đứng bên vòi nước đủ lâu để có người sốt ruột mò xuống. Khang đứng sau lưng tôi nhưng không nói gì. Tôi chột dạ, có cảm giác cơn sốt của Khang đã truyền sang mình. Người tôi nóng ran. Tôi không dám quay lại cho đến khi có người lên tiếng: “Tháng này tiền nước nhà anh tăng gấp đôi là vì em đấy”.
Tôi tưởng mình nghe nhầm. Khang gọi tôi là “em” và xưng “anh”, điều mà từ trước đến nay, chưa bao giờ anh dám. Tôi run bắn người, không dám quay lại. Khang thò tay tắt nước rồi bất ngờ cầm lấy tay tôi xiết nhè nhẹ: “Cám ơn em vì tất cả… Em biết không, hôm trước Ngọc Hân cũng đã đứng chỗ này và khóc khi nghe anh nói rằng, giờ đây khi nghĩ về cô ấy, anh không còn thấy trái tim mình đau nhói hay đập rộn ràng như trước. Lâu rồi, trong những giấc mơ của anh không còn hình bóng cô ấy… Lần đầu tiên kể từ khi yêu nhau, anh thấy mình kiên quyết, mạnh mẽ như thế trước Ngọc Hân… Thế nhưng anh cũng thấy, để từ bỏ một tình yêu thật không dễ dàng…”.
Tôi nghe không sót một lời nào của Khang nhưng tôi không hiểu hết những gì chứa đựng trong đó. Tôi gỡ tay anh ra và ngạc nhiên khi thấy mắt mình nhòe đi. Tôi không biết nói gì với anh bởi tôi không muốn là kẻ đi ăn mày tình yêu. Tôi yêu anh, điều đó là chắc chắn nhưng tôi cũng có đủ niềm kiêu hãnh để từ chối nếu anh chỉ dành cho tôi một nửa trái tim.
Tôi đã nhắn cho anh như vậy sau khi về đến nhà. Và từ hôm đó đến nay, đã 1 tuần lễ trôi qua mà anh vẫn chưa hết sốt, nhức đầu; vẫn nằm lì ở nhà và “xin phép làm việc qua mạng”. Anh em đến thăm về bảo tôi: “Anh Khang nói chừng nào chị tới thăm anh ấy mới khỏi bệnh”.
Mọi người đâu biết là tôi nóng lòng muốn gặp anh đến thế nào. Nhưng tôi nhất quyết không đi đâu cả bởi tôi không muốn là kẻ thay thế trong trái tim anh… Lần này không phải anh mà chính tôi mới là đồ khùng…
Theo Thùy Mai (Người lao động)