Chị vừa sắm một “con” Ipad cáu cạnh, có giá gần bằng chiếc xe máy loại xoàng xoàng. So sánh như thế, vì lúc nhăm nhe món đồ chơi xa xỉ đó, chị cũng hơi ngài ngại, lỡ đâu anh phân bì gì đó, liên quan tới xe cộ, thì phiền.
Chả là, anh đang cưỡi một chiếc “máy cày” cổ lỗ sĩ mua từ lúc mới ra trường, kêu to và rệu rã lắm rồi, nhưng tới giờ anh vẫn chưa chịu đổi xe. Anh cứ cù cưa rằng đó là “xe nái” quen đi, từ từ rồi đổi, có gì mà phải vội.
Chính xác hơn, anh không có cơ hội để đổi xe. Lương tháng anh cũng nhiều nhiều, đủ để một gia đình bình thường chi dùng tươm tất. Thế nhưng, tiền học tiền sữa của con, tiền thuê Ôsin, tiền chợ tiền điện, trăm thứ tiền xoay tua không kịp. Chị thích nhất là xài chiêu nhờ chồng mua hộ cái này cái nọ, sau khi anh đã nộp đủ chỉ tiêu. Đàn ông, vốn xuề xòa hay quên, đâu tính toán chi mấy khoản lặt vặt vợ tiện đường nhờ.
Anh lại có thói quen xấu là không giấu được vợ con khi có tiền. Hễ anh đi làm về, trên xe có treo một cái gì đó, từ hai ký chôm chôm mua rẻ bên đường đến mớ ớt hiểm (vì anh không thể ăn cơm nếu thiếu ớt mà chị lại hay quên mua), đến những thứ cao cấp hơn như con vịt quay mỡ màng chẳng hạn, là chị biết ngay anh vừa có tiền. Cứ có tiền là anh mua đồ mang về nhà, cái tính đó chị nằm lòng để bắt thóp anh. Anh thích sửa sang vật dụng trong nhà, bóng điện, đinh vít, gỗ sắt gì gì đó, anh cứ việc ra tiền mua về mà thỏa chí đàn ông, lui cui khoan khoan đóng đóng. Biết chồng đang có tiền, mình không tranh thủ “bòn”, chẳng lẽ để ra ngoài gái nó dụ ăn hết à?
Chị cũng đi làm, tiền bạc cất riêng. “Thủ” là khái niệm chị học được từ thuở còn con gái, quanh quẩn trong những câu chuyện mẹ than thở về đàn ông tệ bạc, có gì buông ra là mình trắng tay, đàn bà dù thế nào cũng không thể bỏ mặc con cái được như “họ”, rồi thì một nách ôm con, lấy gì mà sống. Phải có gì đó đền bù tuổi thanh xuân mình cống hiến cho chồng con, cho giang sơn nhà chồng với chứ… Những quan niệm đó gắn vào đầu chị, buộc chị phải đề phòng, phải gom góp để dành cho bản thân những lúc bất trắc bị chồng phản bội chẳng hạn. Chị tất nhiên cũng không quá đáng đến độ coi đó là tài sản riêng, nhưng cất được cái gì thì cứ cất, cuộc đời ai biết được phía trước, bụng dạ đàn ông thế nào, đố ai dò được. Chẳng phải báo chí vẫn nhan nhản những câu chuyện mấy bà vợ khổ cực trăm bề, cung phụng hầu hạ, nín nhịn đủ điều, mà vẫn không được yên thân đó sao? Chị đọc, mà cứ thấy lo lo…
Nếu cuối tuần đi đâu, cần có bề ngoài coi được chút, thì anh mượn xe chị. Từ lúc lấy chồng, chị đã đổi xe tổng cộng bốn bận, lần nhanh nhất chỉ được vài tháng là chị chán cái xe không hợp… phong thủy, gì mà vừa mua đã xui rủi đủ điều. Đàn bà, ra đường mà xập xệ, còn gì là tự tin với thiên hạ. Nên trên ngón tay chị là một chiếc nhẫn hột xoàn nho nhỏ đeo cho có với người ta. Chị có riêng mình hai bộ nữ trang, một bằng vàng trắng, một bằng vàng tây, để khi về quê thì diện bộ này, ở thành phố thì diện bộ kia, ăn theo thuở, ở theo thời luôn là kim chỉ nam của chị.
Vốn không hảo đồ công nghệ, nên ngoài laptop và điện thoại đời mới, chị cũng không sắm sửa cá nhân gì nhiều. Tiền bạc, dành cho việc giữ gìn nhan sắc, vóc dáng, coi bộ hợp lý hơn. Chị có tên trong một câu lạc bộ thể dục thể thao thuộc loại vừa phải gần nhà, học phí đóng theo năm, dù chị đi học được bao nhiêu bữa đâu. Chủ yếu để yên tâm, là cũng đã quan tâm tới vận động, giữ dáng. Nhưng cái vụ make up, dưỡng da là không lơ tơ mơ được đâu nhé. Nước hoa, dưỡng thể, dầu gội, sữa tắm, đồ lót và cả những thứ thuốc bôi “bí mật” để giữ hạnh phúc gia đình, chị đều thích mua loại xách tay, chứ dù có ra trung tâm thương mại lớn, cũng cảm giác không yên tâm thế nào ấy. Phụ nữ làm đẹp là để cho chồng con, chứ chẳng phải cho riêng mình, có gì phải tiếc. Sống vô lo như anh, cứ hùng hục đi làm mà chẳng để ý gì tới giờ giấc điều độ, sức khỏe hay vẻ bề ngoài, chị không làm được.
Nhân nói tới “hạnh phúc gia đình”, mới nhớ. Chị áp dụng triệt để “cơ chế xin - cho” trong vấn đề này. Phải để chồng đói khát, để luôn thấy vợ mới mẻ, hấp dẫn đáng thèm. Mỗi lần chồng muốn “gần”, thì phải năn nỉ ỉ ôi, thậm chí hối lộ, mới được chị ban phát. Ai bảo số chị may mắn có được anh chồng biết chiều chuộng, chịu đựng ư? Chị sẽ cười nhẹ, nhủ thầm trong bụng, củi khô dễ nấu, đương nhiên…
Ipad mới vẫn chưa có vỏ. Chị nhờ chồng chở xuống trung tâm để lựa, cho vừa ý. Trời nắng nôi thế này, tội gì phải tự đi cho mệt. Ngồi phía sau, chị tươi tắn, thơm ngát, áo đầm mát rượi, khối kẻ chạy qua sẽ ngỡ rằng chị đang đi xe ôm. Nào có hề gì. Đàn bà bây giờ, phải biết yêu bản thân, tận dụng mọi cơ hội để cải thiện và chăm sóc cho mình. Mình có khỏe, có vui, có lạc quan yêu đời thì mới có thể lo lắng cho gia đình tốt được chứ. Chị vẫn coi quan niệm đó thật phù hợp, tiến bộ. Nên có chồng thì phải nhờ chồng tối đa, vậy thôi.
Anh bảo, xe chị lâu rồi hình như chưa thay nhớt, cũng cần phải vệ sinh lại bộ lọc khí. Chị nhẹ nhàng thỏ thẻ, vậy buổi chiều anh mang xe đi kiểm tra lại giúp em, sẵn anh chở em lại quán cà phê gần đó, em có hẹn đứa bạn, rửa Ipad ấy mà…
Theo Lưu Ly- dantri.com.vn