Cuộc chia tay nhẹ nhàng

Tác giả:

Cuộc chia tay của tôi và Hân nhẹ nhàng như sau khi người ta uống xong ly nước, bước ra khỏi quán mà không buồn nhìn lại chiếc ghế mình đã ngồi. Cuộc chia tay ấy không làm tôi đau đớn ngay lúc đó, giống như khi vừa trượt té, ta đang hoảng sợ, chưa nhận biết rằng da thịt mình đã bị những viên đá nhọn vô tình làm ứa những vết thương đau.

Hân đứng dậy, rời khỏi quán Vasle, quán như tên gọi những điệu valse lả lơi trong buổi chiều đã tàn, đêm đang nhẩn nha ùa tới:
- Một người như anh không lo nổi cho mình, làm sao có thể lo được cho người khác. Em lại đẹp, lại dễ thương, em lại cần phải sống. Anh không lo nổi cho em ngay cả một tấm vé xe về Vinh, anh quá tệ. Mình chia tay thôi em ạ.
Không có một giọt nước mắt nào hôm đó. Chẳng có tiếng thở dài não lòng ngoài tiếng gió rít qua những cây cổ thụ cao vời vợi, trên con đường mà Hân bước qua. Tôi không nhìn theo bước chân anh đi, tôi về căn phòng thuê của hai đứa, anh đã dọn hết mọi thứ thuộc về của anh, anh lên chiếc xe máy của anh, đó là phương tiện để anh chạy xe thồ kiếm cơm, anh đi. Anh đi sau khi những mặn nồng đã hết, khi tình yêu đã cạn kiệt vì những ngày sống không có điện vì không có tiền trả tiền nhà, những buổi trưa bữa ăn chỉ chông chênh trên bàn hai bát mì “không người lái” vì không có tiền để mua gạo nấu cơm.
Tôi khép lại cánh cửa sổ của căn phòng. Cánh cửa được chắp vá bằng những mảnh gỗ nhỏ, khi mở ra hoặc đóng vào phát ra những âm thanh cót két thật khó chịu. Tôi xếp lại tấm chăn vẫn còn hơi ấm của Hân trong đêm qua. Trong đêm qua anh về rất khuya, anh cố gắng đón những người khách chơi đêm để kiếm thêm ít đồng.
Tôi đã từng mơ có một chuyến tàu trở lại miền quê của mình sau bảy năm lưu lạc. Nhưng giấc mơ đó Hân đã không thực hiện được cho tôi. Miền quê của tôi có con đường đất đổ sỏi màu đỏ đi qua những cánh đồng lúa chia ô nho nhỏ. Con đường vào làng cong veo theo thế đất, trồng rất nhiều cây cổ thụ làm rợp bóng mát cả ngày.
Tôi của thời thơ ấu với đôi chân trần, với mái tóc cứ để nắng rọi đã đi qua không biết bao nhiêu cánh đồng để bắt từng con cua, con ốc. Tôi của thời thơ ấu ấy thỉnh thoảng có những giấc mơ vụn vặt, như nếu có tiền sẽ kêu một lúc ba bát phở với những miếng gầu béo ngậy, với những cọng hành xanh được chần trong nồi nước dùng trong vắt và khói bốc lên mùi thơm ngào ngạt. Giấc mơ của trẻ con chẳng có một bà Tiên hay ông Bụt nào trong truyện cổ tích hiện ra để hỏi: “Tại sao con khóc? A, ta biết rồi, ta sẽ thực hiện giấc mơ của con”.
Không có ai thực hiện giấc mơ của tôi, tôi sống buồn trong một gia đình không phải là của mình, vì ba mẹ tôi đã ૮ɦếƭ sớm, tôi được dì Hạnh đem về nuôi. Dì Hạnh đông con, tới năm người ở tuổi ăn, tuổi lớn. Con của dì, dì còn lo không nổi huống chi một đứa cháu bất đắc dĩ phải đem về, vì dính líu chút máu mủ ruột thịt.
Tôi lớn lên như cỏ cây. Tôi lớn lên như quy luật của đất trời cộng lại nắng mưa thành thời gian để những tờ lịch cứ rụng... Một trận đòn vô cớ của dì Hạnh vì một lý do nào đó tôi không nhớ nổi đã bứt lìa tôi ra khỏi làng quê của tôi. Giữa thinh vắng của ngày hôm đó, đôi mắt của dì Hạnh như đang rực lên lòng căm thù, vì tôi đã chia phần cùng con của dì những phần ăn vốn đã ít ỏi trong căn nhà nghèo đó, lại ít hơn: “ Không có tao, mày đã trở thành con ăn xin”.
Tôi chen trong chiếc xe chở hàng như một kẻ trộm len vào một góc tối, đợi cơ hội để lấy cái mà mình cần. May mà tôi gặp một bác tài xế tốt bụng. Bác bảo: “Tại sao phải đi một mình, con còn nhỏ lắm, biết không con gái? Ở nơi chỉ có một mình phải cố gắng giữ lấy mình”.
Bác cho tôi một ít tiền, bác đưa cho tôi một địa chỉ: “Tạm thời con cứ đến đó, có thể con sẽ có cơ hội. Đi làm thuê cũng không có gì đáng xấu hổ. Chỉ ăn cắp, ăn trộm mới là nghề xấu thôi”.
Chuyến xe tình cờ của người đàn ông tốt bụng và lá thư gửi gắm ấy đã đưa tôi đi theo con đường khác. Bà Ngọc, người đàn bà neo đơn trong căn nhà buồn tênh kia đọc lá thư của bác tài xế xong, nói với tôi: “Có con ở đây bác cũng đỡ buồn. Thân gái một mình tha phương bây giờ nếu không có người thân quen dễ rơi vào tay giang hồ. Chúng đẩy đưa thành gái vũ trường, gái karaoke, gái bia ôm rồi có bao nhiêu tiền chúng lột sạch”. Bà hỏi tôi: “Con có biết may vá gì không? Nếu chưa biết thì bác ứng tiền cho đi học vài tháng rồi vào công ty may mà làm việc”.
Công ty may tôi làm việc đa phần là những cô gái tha phương. Ai cũng chắt chiu số tiền kiếm được ít ỏi của mình như chắt từng giọt nước trong giếng khơi đã cạn. Tôi cũng vậy, tôi chắt chiu từng đồng kiếm được với hy vọng một ngày nào đó sẽ mở một hàng cà phê nhỏ. Hân xuất hiện không như trong tiểu thuyết, cũng càng không giống như trên phim ảnh.
- Tối rồi, để tôi đưa cô về.
Đêm hôm đó tôi làm tăng ca, vễ trễ. Đêm nơi bến xe buýt vắng tanh không một bóng người. Hân là anh chàng chạy xe thồ vẫn hay đón khách gần đó. Thỉnh thoảng cũng chào nhau, nói với nhau dăm ba câu chuyện. Nhưng đêm hôm đó mới thực sự quen nhau.
Hân chở tôi dừng lại ở quán bán cháo trắng ven đường:
- Tôi mời cô ăn bát cháo nóng, cháo ở đây vừa rẻ lại vừa ngon. Tô cháo nóng thêm mấy con cá cơm kho keo trong đêm đã gắn tình với nhau. Từ đó, thỉnh thoảng Hân lại chở tôi về, lại ăn tô cháo nóng.
Anh, tha phương từ Đắc Lắc, miền đất với màu đất đỏ au và bạt ngàn cây cà phê trĩu nặng hạt vào mùa, tôi tha phương từ tận miền Trung xa xôi. Hai đứa cùng côi cút, không cần những đóa hoa hồng trao tặng, chẳng lễ nghi long trọng. Thỏa thuận thành vợ chồng, thỏa thuận đăng ký kết hôn như tấm bằng chứng nhận gắn đời nhau.
Tôi rời khỏi nhà bà Ngọc về ở cùng anh trong căn phòng thuê. Đã là vợ chồng thì phải có riêng tư, anh bảo thế. Đã là vợ chồng là phải có bữa cơm chung. Tôi lui cui bên bếp lửa nấu món ngon giành phần hạnh phúc. Đêm ôm anh, tôi nghe cả mùi cỏ cây ven đường trộn vào trên thân thể anh mà rộn ràng trái tim con gái.
Nhưng khi sống chung với nhau, nhất là sống chung trong đói nghèo mới hiểu được sự khắc nghiệt của cuộc sống. Ta nhủ rằng tình yêu sẽ làm cho lòng ta nhẹ tênh, môi hôn sẽ làm quấn quít niềm vui, vượt qua những chông gai luôn đầy rẫy ở phía trước. Nhưng đó chỉ là lý thuyết.
Anh chạy xe ngày càng ế, còn tiền lương công nhân may của tôi thì không ổn định, có khi cả tuần phải tạm nghỉ vì không có việc làm. Tình yêu đứng bên bờ rạn nứt khi có một người đàn ông khác xuất hiện: Viên, khi tôi bỏ công ty may, mở quán cà phê cóc. Viên bảo với tôi: “Em xinh đẹp như thế. Em đoan trang như thế. Tại sao em phải sống khổ. Em không có quyền sống khổ”.
Viên để lại trên bàn quán cà phê cóc của tôi lúc đầu là tờ 20 ngàn, rồi 50 ngàn, 100 ngàn, 200 ngàn và đến tờ 500 ngàn mới toanh. Tôi từ chối, Viên vẫn để lại. Tôi nhủ thôi giữ đó, có dịp trả sau. Nhưng tiền nhà, tiền gạo, mắm muối cứ cuốn theo khiến những tờ giấy bạc của Viên trở thành cứu cánh. Tôi chặc lưỡi trấn an: “Người ta đưa tiền, mình có mất gì đâu”. Nhưng những tờ tiền đó đẩy tôi và Hân về hai phía khác nhau. ...
Tôi chưa bao giờ thấy hoa cà phê nở nhiều đến thế. Hoa cà phê trắng chạy dọc theo con đường tôi đi qua giống như một bức tranh vẽ, mùi hoa thơm ngát cứ lan khắp đất trời. Hân nói: “Ở nơi anh ở, tới mùa hoa cà phê hoa cứ nở, người ta đem lũ ong nuôi đặt mọi nơi cho con ong hút mật. Em có ăn mật ong hút nhụy cà phê bao giờ chưa? Ngon lắm”. Tôi chẳng nhìn thấy con ong nào bay giữa ngút ngàn hoa cà phê.
Tôi đi tìm anh như thể tôi mơ hồ nhận ra rằng, khi lòng người bỗng rỗng không, lại bỗng dưng muốn gom lại trong lòng mình cái mà mình tưởng rằng không cần thiết mà lại vô cùng quan trọng. Xe dừng lại ở ngã ba đường. Ngã ba đường ấy tôi chưa bước xuống bao giờ, nhưng theo lời kể của Hân thì có một nhà thờ với tháp chuông vươn cao.
Hân kể: “Anh không theo đạo, nhưng anh thích nghe tiếng chuông nhà thờ đổ. Em nghe tiếng chuông nhà thờ đổ bao giờ chưa? Trong buổi sáng tinh sương, tiếng chuông nhà thờ làm cho lòng mình bình an vô cùng”...
Xe bỏ tôi xuống, rồi tiếp tục cuộc hành trình của nó. Còn tôi ngước nhìn nóc nhà thờ, vừa lúc ấy tiếng chuông nhà thờ đổ dồn vang. Tôi bước đi trên con đường đất đỏ ấy. Bước chân tôi nhẹ tênh như tôi đang tìm về. Tôi đi tìm Hân sau bao nhiêu cay nghiệt, sau bao nhiêu thăng trầm mà tôi nhận được. Tiếng chuông nhà thờ cứ đổ theo bước chân tôi.