Chuyện xưa truyền lại, thời Thánh Mohamed trị vì, tại một xứ Hồi giáo nọ, có người đàn ông bị vua truyền lệnh treo cổ bởi tội ăn cắp thực phẩm của một ông quan lớn ở trong làng.
Như lệ thường của luật pháp, trước khi bị treo cổ, phạm nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn thỉnh cầu với nhà vua một nguyện vọng như sau:
“Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, thành cây và có trái ăn ngay tức khắc. Ðây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là bí quyết này không được truyền lại cho hậu thế”.
Nhà vua truyền lệnh cho bộ hạ chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu diễn cách trồng táo. Ðúng giờ hẹn, trước mặt nhà vua và các quan văn võ trong triều đình, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói:
“Chỉ có người nào chưa hề ăn cắp mới trồng được hạt giống táo này. Vì đã từng ăn trộm, nên tôi không thể trồng được nó. Vậy muốn có nó, xin mời một người khả kính trong quý vị hãy lại đây”.
Nhà vua tin người tử tội, nên mới quay sang nhìn vị tể tướng, có ý nhờ ông ta làm việc gieo trồng ấy. Nhưng sau một hồi do dự, vị tể tướng mới thưa:
“Tâu bệ hạ, thần nhớ lại lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác… Thần cảm thấy mình không đủ điều kiện để trồng hạt táo này”.
Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang có mặt, ông nghĩ bụng: may ra quan thủ kho trong triều đình là người nổi tiếng trong sạch có thể hội đủ điều kiện. nhưng cũng giống như vị tể tướng, quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố trước mặt mọi người rằng, ông cũng đã có một lần gian lận trong chuyện tiền bạc…
Thế rồi, nhìn quanh, không còn tìm được người nào khả tín để có thể thực hiện được bí quyết trồng cây táo ấy, nhà vua định cầm hạt giống đến cho vào lỗ đã đào sẵn. Nhưng vua cũng chợt nhớ rằng lúc còn niên thiếu, ông cũng có lần đánh cắp một báu vật của vua cha…
Lúc bấy giờ, người tử tội chỉ vì ăn cắp thức ăn, mới chua xót thốt lên: “Các ngài là những vị quyền thế cao trọng. Các ngài không hề thiếu thốn điều gì, muốn ăn gan trời cũng có. Vậy mà các ngài cũng không thể trồng được hạt giống này, bởi vì các ngài cũng đã có ít nhất một lần lấy của người khác. Còn tôi, một con người khốn khổ, chỉ lỡ lấy thực phẩm của người khác để ăn cho đỡ đói qua ngày, thì lại bị các ngài nghị án treo cổ !”.
Nghe vậy, nhà vua và cả triều thần ai cũng chạnh lòng, tự thấy xốn xang ray rứt trong lương tâm. Cuối cùng, vua ra lệnh phóng thích cho người ăn trộm…
Câu chuyện đó lưu truyền lại cho hậu thế . Về sau, hạt giống đó được đặt tên là HẠT GIỐNG BÌNH AN.
Lời bình:
Hạt giống bình an đó chỉ có thể nảy mầm thành cây và mang lại hoa trái là nếu mỗi người ai cũng dọn sẵn đất đai cho nó. Ðất đai thuận tiện để cho hạt giống của Bình An ấy được nảy mầm, chính là lòng sám hối thực sự.
Sám hối nghĩa là biết chấp nhận chính bản thân và sẵn sàng cảm thông, tha thứ cho người khác.
Có nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình, con người mới dễ dàng cảm thông, thấu hiểu và lượng thứ cho người lầm lỗi. Và, nếu hành xử như vậy, ta mới tạo cho mình (và cho người khác) có được sự thanh thản, sự bình tâm.
Thánh hiền đã nói : Tâm bình thì thế giới bình, tâm bất an thì người điên loạn…
[Sưu tầm]