- Dạ thưa chú, cháu tám tuổi. Cháu đang học lớp hai.
Vừa trả lời tôi bé Lạc vừa hất hất cây bóng bay của mình bằng hai chỏm cánh tay. Nó có vẻ rất hiếu động và lanh lợi.
- Chú ơi, cái kia là cái gì? – Nó ngước lên trần và chỉ chỉ vào ô quạt (cũng có thể là máy lạnh) trên đầu.
- Cái quạt. Để quạt cho em mát đó.
- Còn cái kia? – Mắt Lạc hướng sang tấm màn đỏ che trước cửa thoát hiểm.
- Ừ, tấm màn.
- Màn che cửa phải không chú?
- Đúng rồi.
Bất chợt Lạc ngừng tung bóng và nhìn tôi một lúc. “Chắc cu cậu sắp hỏi mình tên gì hoặc lại phát hiện được một cái gì lạ để hỏi đây,” tôi thầm nghĩ.
- Chú ơi, bóng bay của chú đâu?
“Bóng bay của chú đâu?” trả lời thế nào nhỉ, bảo rằng chú không có bóng vì chú không phải là người khuyết tật ư? Cặp mắt đen láy, lanh lợi của Lạc như dán vào mắt tôi. Sự thật khó mà chen chân vô chỗ này vì nhiều lý do, tôi đành xạo:
- Chú lớn rồi nên Ban tổ chức (*) không phát bóng.
Và để củng cố lòng tin của nó cũng như đánh lạc hướng, tôi chỉ vào những người lớn xung quanh: “Kìa, những người kia cũng lớn như chú nên đâu có bóng, em thấy không?”
- Dạ thấy!
Nói rồi thằng bé lại hứng thú quay lại với trò chơi tung bóng của mình. Tôi khẽ thở nhẹ, trẻ con thường hay hỏi – điều này tôi biết. Nhưng hỏi khó thế này tôi chưa được chuẩn bị tốt.
*****
- Xin lỗi, anh cho hỏi ghế số 25 ở đâu? – Một thanh niên bị tật ở chân bỗng xuất hiện và hỏi tôi.
Sau khi nhìn lướt một dọc, tôi tìm ra số ghế như anh mong muốn, ngay trước mặt tôi và cạnh ghế bé Lạc.
- Đây anh.
- Cám ơn anh nhé!
Chàng thanh niên lại khập khiễng chống nạng tiến đến chỗ ngồi của mình, và bóng bay được cài trên cây cầm lắc lư theo nhịp di chuyển của anh. Bé Lạc đã thôi tung bóng từ lúc anh ta xuất hiện, nó chăm chú nhìn người bạn mới. Khi anh thanh niên đã yên vị, Lạc khẽ lấy bóng của mình chạm vào bóng anh và mỉm cười. Và họ cùng cười, rồi trò chuyện với nhau.
Dường như những người khuyết tật thường dễ làm quen và tìm được sự đồng cảm với nhau hơn là người bình thường. Với những người lành lặn, như tôi chẳng hạn, sau khi yên vị là có đủ việc riêng của mình. Móc điện thoại ra hoặc í ới gọi nhau hoặc nhoay nhoáy nhắn tin thông báo cho nhau chỗ ngồi; nếu đi có cặp thì chàng và nàng sẽ xoắn xuýt với nhau, chỉ trỏ cho nhau này nọ cách bày trí sân khấu hay khung cảnh khán phòng; một gia đình với con nhỏ lại sẽ tập trung vô “thiên thần” phần nhiều. Nếu có để ý sang người bên cạnh thì cũng chỉ vì tò mò cách phục sức hay dáng vẻ của họ, hoặc là tìm xem có ai đó quen v.v
- Chú ơi, bóng bay của chú đâu? – Lạc chợt quay xuống lặp lại câu hỏi ban đầu.
Gay đây, nhưng đâm lao thì phải theo lao:
- Chú lớn rồi, làm sao chơi bong bóng được.
- Nhưng anh này cũng lớn mà. Sao anh ấy lại có bóng?
- À… - Tôi chưa biết trả lời thế nào trước sự thay đổi tình thế đột ngột này.
- Chú này hư lắm. Không ai cho bóng người hư hết! – Cô bạn tôi nãy giờ vốn im lặng quan sát, làm mặt nghiêm với tôi đỡ lời.
- Chú hư thật không cô? – Lạc nhìn chúng tôi chăm chú.
- Thật! Chú này lười và hay trốn học lắm.
- Vậy cô cũng hư luôn, vì cháu thấy cô cũng đâu có bóng.
“Ừ, ừ…” chúng tôi đành cười trừ… Thế rồi như để tránh cho chúng tôi khỏi lâm vào thế bí cậu bé lại tiếp: “Cháu biết rồi, vì cô chú không phải người khuyết tật!”
Đôi mắt đen láy ấy vẫn hồn nhiên nhìn chúng tôi khi nói lên sự thật hai năm rõ mười này. Và nhìn sâu vào đó, dù khán phòng không sáng lắm, chúng tôi vẫn nhận thấy hình ảnh phản chiếu của các quả bóng đang tiến vào, lấp đầy khán phòng – những dáng đi hụt hẫng, những đôi tay không phân biệt to mập, gầy nhỏ, trắng, đen hay vàng liên tục trò chuyện cùng nhau.
Chỉ ít phút nữa thôi, điệu trống Taiko mở màn, được trình diễn bởi những nghệ sĩ khiếm thính của xứ hoa Anh đào, sẽ cất lên mạnh mẽ, say mê và nhịp nhàng cả trong các nhịp lặng vốn đỗi rất bình thường…