Con thuyền tròng trành, tròng trành rời mạn tàu. Người lái đò tháo sợi xích khỏi chiếc cọc ở mũi thuyền, với tay đẩy cho con đò tách khỏi mạn tàu, rồi chạy vội cầm lái, lái con thuyền theo dòng nước chếch vào bến. Con tàu cất hồi còi dài tu….tu…tut..tút chào bến, chạy nhanh dần về xuôi, tiếng động cơ tăng tốc nổ sình sịch ròn giã, khói đen phụt ra, cuộn lên từ ống khói tạo thành một dải mây bốc lên lơ lửng trên bầu trời. Nước cuộn sủi bọt ở phía đuôi tàu. Tiếng còi tàu tu…tu….hut..tut vang vọng trên sông nước mênh mang thúc vào lòng người, gây những cảm xúc da diết nhớ nhung man mác. Tiếng động cơ của con thuyền cũng cất lên ròn giã, thuyền rung lên như có ai đó rung lắc, rồi từ từ ngược dòng về bến. Trên thuyền phần lớn là khách buôn chuyến, người đứng, người ngồi trong khoang, trên mũi thuyền thậm chí trong khoang khoang lái. Họ ăn vận đủ kiểu khác nhau……
Giờ đang dịp cuối thu song nước sông vẫn ᴆục màu phù xa, nước vỗ nhẹ mạn thuyền lọp bọp, lọp bọp….Thuyền giảm tốc độ, mũi thuyền trồ lên trên bãi cát thoải, rung lắc rồi cặp bến. Có khách nói: hết tiền, xuống đò thôi. Người lái thuyền nhanh nhẹn nhảy xuống bãi, cầm mỏ neo chạy vội lên bờ một đoạn xa, neo thuyền .
Trong đám hành khách đó, có một người đàn ông độ tuổi ngoài bảy mươi, mặc chiếc áo bằng vải phin màu xanh, quần ka ki màu rêu, vóc người cao lớn, lưng hơi gù, khuôn mặt trái xoan gồ ghề những nếp nhăn, da ngăm đen, ánh mắt hiền từ, đôi lông mày rậm, đó là bác Dương. Bác Dương vừa kết thúc hành trình vài ba ngày vào tận Quảng Trị, nay trở về. Đây là lần thứ tư, thứ năm gì đó bác Dương về tìm lại người thân, lênh đênh ngày đêm trong toa tàu thống nhất từ ga Hàng cỏ tới Đông Hà… rồi bắt xe đò về xã D-L, ở đó đôi ngày tìm kiếm thông tin về người thân song không ai biết Bác Thắm, chú Tám thuộc dòng họ Mai. Làng xã giờ là những khuôn mặt mới, phần lớn là người nơi khác đến lập nghiệp. Buồn bã bác Dương ngồi dưới gốc cây ven con đường làng, nhìn cát trắng, những cồn cát trắng đến nao lòng dựng cao như ngọn đồi, tiếp đến là dải cát thoải trải rộng mênh ௱ôЛƓ với những hàng phi lao xanh xanh, xa hơn nữa là biển xanh màu ngọc bích. Hơn năm chục năm đã qua có bao giờ bác quên hình ảnh cồn cát trắng ở quê, những chiếc mủng nan tròn trám nhựa đường đen kịt. Ngày trước cha vẫn ra khơi vào lộng đánh cá bằng chiếc mủng đó. Biển xanh rộng đến không cùng và những người dân nơi đây từ bao đời nay chủ yếu với chiếc mủng tròng trành, tròng trành trên biển rộng. Đây là những hình ảnh đậm nét trong ký ức của bác. Sau mấy ngày tàu xe, nay trông bác có vẻ mệt mỏi. Bác xách chiếc túi vải xanh, theo con đường nhỏ xuyên qua cánh ngô về nhà.
Trông bác Dương không ai nghĩ bác có thời đã từng là trưởng phòng, thư ký công đoàn ngành ngoại thương của một tỉnh vì khuôn mặt hiền khô, phong cách chân thành giản dị và mộc mạc. Ngần ấy năm, giọng bác vẫn lơ lớ trầm ᴆục đặc trưng của đàn ông Quảng Trị, nghe giọng nói đã có thể đoán được tương đối chính xác gốc quê. Chuyện về bác Dương nhiều lắm song tôi chỉ dám cắt lấy một phần rất nhỏ trong hành trình của bác để kể ra đây.
Bác Dương vốn người Quảng trị. Ông bà thân sinh ra bác mất trong những năm kháng chiến chín năm chống pháp, lúc đó cậu bé Dương mới độ năm tuổi.Vào một sáng, khi cậu bé Dương cùng chị Thắm chơi đùa bên thềm nhà, bỗng nghe tiếng máy bay ù ù..ù ù. Chiếc máy bay bà già nặng nề đen như một con quạ bay qua làng rồi vòng lại. Trong một thoáng cả làng im lặng, không còn tiếng xôn xao từ đầu làng đến cuối làng, không còn tiếng trẻ nhỏ, không còn tiếng chim hót, tiếng gió. Không gian im lặng đầy sợ hãi và ૮ɦếƭ chóc. Mọi người tìm chỗ nấp. Chị Thắm túm hai em đẩy vào gầm chiếc chõng nan. Tiếng bom nổ, dội chát chúa ùng…oàng…oàng như xé nát không gian. Đất trời như bị rung lắc. Tiếng bom dội đi rất xa, rất xa đến tận mấy xã bên ùng oàng….oàng, dội lại ùng…oàng. Và rồi cả làng nhốn nháo, mọi người chạy đến chỗ bom vừa nổ. Có ai đó kêu lên: Pháp ném bom vào làng rồi! Bớ bà con.. Bà con ơi ! Bố mẹ bác mất vào cái buổi sáng đó. Ngày ấy cậu bé Dương không lưu giữ được bao nhiêu hình ảnh của cha của mẹ, cũng chẳng ý thức được về cái ૮ɦếƭ. Mọi người quấn lên đầu cậu chiếc khăn trắng, đưa cậu đến đứng trước hương án. Mọi người nói bố mẹ cậu đi tới một nơi nào đó rất xa, rất xa. Điều cậu cảm nhận được ngay sau đó là sự trống vắng, cô đơn khi căn nhà không còn cha mẹ. Mấy chị em bơ vơ, ngơ ngác như chim non mất tổ. Chị Thắm đi ở đợ lấy gạo nuôi các em. Bé Dương được một người bà con trong xã đón về nuôi, ngày ngày chăn trâu, cắt cỏ. Chiến tranh ác liệt, giặc càn đi càn lại, người dân trong xã tứ tán khắp nơi, người vào du kích, người vào bộ đội, người chạy vào khu trong. Mấy chị em mỗi người một nơi, không có tin tức gì về nhau cho tới ngày nay.
Hơn mười tuổi cậu bé Dương đã vào du kích, làm giao liên, sau đó vào những năm đầu 60 thuộc thế kỷ trước, vào quân đội, tham gia nhiều trận đánh, chống càn, rồi công đồn ở G-L……Trong một trận chống càn, “bác” bị thương , sau đó được đưa ra bắc chữa trị và an dưỡng. Đó chính là lý do dẫn đến việc bác quen biết bá tôi ở H-Y. Đất lành chim đậu, bác lấy bá tôi rồi ở lại lập nghiệp ngoài bắc.
Hoàn cảnh bá tôi cũng éo le. Quê tôi thời chín năm kháng chiến chống pháp bị lính Lê Dương càn đi, càn lại. Mỗi trận càn, khi nghe tiếng nổ đầu nòng của đạn pháo từ mạn Lực điền..tăng…xình…tăng..xình…xình…và tiếng ca nô chạy ngược dòng, người già, người lớn, trẻ con bìu ríu gồng gồng, gánh gánh theo con đê dọc sông đào chạy loạn. Đoàn người gày yếu, trong những bộ đồ nâu bạc thếch vá vai, vá lưng, cùng với những con chó chạy lăng xăng quấn chân chủ vào tận trong Si lánh nạn, hết càn lại bìu ríu về quê. Có gia đình phải dựng lại nhà trên đống tro rạ vẫn còn ngún bốc khói. Bá bị thất lạc trong một lần chạy loạn. Một người ở bãi Phúc xá, nhặt được bá tôi ở chợ Si. Lúc đó đã chiều tàn, bá tôi ngồi khóc dưới cái lều lợp tạm bằng lá chuối, quần áo vá chằng, vá ᴆụp, mặt mũi lem nhem đầy đất cát trong nỗi hoảng sợ đến không cùng. Bá tôi đã làm con trong gia đình đó mãi tới đầu những năm 60 mới tìm được mẹ đẻ. Âu cũng là duyên trời xui khiến.
Ông thân sinh bá tôi vốn làm nghề hương sư, sau vào bộ đội. Vào một buổi tối, từ đơn vị về nhà trước khi lên chiến khu Tây bắc để học quân sự, Ông về nhà thăm bà tôi. Ông khom người men theo triền đê, ẩn mình trong đám cây chuối trong vườn khẽ gọi giọng tha thiết: mình …minh…mình …ơi. Đã lâu lắm rồi không về thăm vợ con nên trong lòng ông xốn xang chờ đợi giây phút gặp mặt, ông sẽ ôm chặt lấy bà mà thương, mà nhớ ,chia sẻ với bà những khó khăn của cảnh gà mái nuôi con; sẽ nhìn ngắm lũ trẻ cho thỏa nỗi nhớ thương của người cha. Ông cất tiếng gọi khẽ giọng lạc đi: Mình ơi! Mình ơi! Mình! Ai đấy?- Bà tôi bật dạy hỏi. Là tôi đây! Tôi đây mà- Ông tôi nói khẽ giọng chùng xuống. Bà tôi vui mừng vùng dậy, chưa kịp mở cửa đã nghe tiếng huyên náo. Tụi lính dưới đồn Chiêm theo chỉ điểm đã vây kín các ngõ. Ông tôi vùng chạy ra mé bờ sông song không thoát được vây. Giặc pháp nhốt ông tôi trong đồn. Không khai thác được điều gì, chúng bắn, cho xác ông vào bao bố thả trôi sông. Vậy là bà tôi một mình nuôi dăm sau đứa con, trong đó có bá.
Lúc rảnh bà tôi thường kể chuyện ngày xưa bằng giọng chậm rãi, cốt chuyện ngắn gọn. Bà bảo ngày xưa nhiều cướp, đôi khi cướp lại chính là các vị chức sắc trong làng. Bà cũng sớm phải đi ở đợ cho địa chủ. Gần làng có vài cái bốt, lính tây thường vào làng bắt bớ việt minh và hãm hiếp phụ nữ. Bà nói ngày xưa các cụ quyệt nhám vào mặt bà vì sợ nhiều người dòm ngó, đặc biệt là đám lính da đen dưới bốt Chiêm.
Lúc bá tôi độ tuổi mười bảy, mười tám, giống bà tôi ngày xưa xinh lắm, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng mịn, hai má ửng đỏ, cái mũi dọc dừa, cánh mũi gọn nhỏ thanh tú, đôi môi cũng mọng đỏ và đôi mắt vừa trong vừa sáng như thoảng nỗi buồn. Trai trong làng nhiều người đem lòng yêu, tối đến cổng nhà huýt sáo tán tỉnh, nhưng bá tôi chẳng ưng ai. Bà tôi bảo nuôi con gái đến tuổi dựng vợ gả chồng lo lắng lắm, như có quả bom nổ chậm trong nhà. Đời người con gái như hạt mưa sa, rơi vào sông thì sướng, rơi vào đám cứt trâu coi như khổ cả đời. Con đồng ý lấy ai, mẹ cho người ta, yên chuyện.
Thực lòng bá tôi đã đem lòng yêu bác tôi. Bấy giờ trạm thương binh nằm ở xã. Bác Dương theo học văn hóa ở trường thương binh. Đoàn trường thương binh kết nghĩa và giúp đỡ đoàn xã thế là họ quen nhau. Bác Dương vốn thổi sáo và hát hay lại là bộ đội cụ Hồ nên được thanh niên làng mến mộ. Thời ấy bộ đội đối với con mắt của nhiều tầng lớp xã hội như một thần tượng đẹp đẽ mang chất lý tưởng. Bác Dương trong nỗi phập phồng sợ hãi cho đến lúc rời trường thương binh để đi học chuyên nghiệp mới dám ngỏ lời. Và nếu như không có bạn bè khích lệ có lẽ không dám ngỏ tình yêu. Bác bảo với người bạn cùng phòng: liệu cô ấy có ưng tôi không?Tôi đen đúa vụng về, quê xa. Cô ấy xinh xắn nết na thế. Ông bảo cô ấy có cảm tình với tôi ư? Sao tôi không biết nhỉ? Thường ngày cô ấy trêu cợt tôi, có lúc lãnh đạm nữa. Người bạn cùng phòng nói: rõ là ngốc ngếch. Người ta là con gái có muốn đến ૮ɦếƭ, có đắm say cũng giữ kín kẽ. Cô ấy biết tin ông chuẩn bị đi rất buồn đó. Thế là sau một thoáng ngập ngừng, bác Dương chạy như bay đến với bá. Bá đang đứng bên rào râm bụt, lo lắng và đau khổ, thấy bác Dương tới, chạy vội vào nhà………không biết họ nói gì với nhau, lúc sau cả hai đều thổn thức…hình như cơn khát đã được giải tỏa phần nào. Bá tôi nói: anh cứ đi học, em chờ! Hay tin bà tôi nói với mọi người: con bé quá dại dột, kiếm đâu không được tấm chồng tử tế, người gần đây thiếu gì, lại đi yêu cái thằng quê xa tít tắp như thế. Ngộ nhỡ nó lấy nhau, thằng Dương đem con bé tuốt vô Nam thì tính sao? phải ngăn nó đi kẻo muộn! Bà tôi thở dài nói: tôi buồn nẫu cả người, nhưng ngăn trở chúng bằng cách nào bây giờ. Lũ trẻ có như ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Bà tôi bắn tiếng gả bá cho một người làng bên, vốn đôi bên gia đình có quan hệ thân thiết với nhau. Bá tôi khăng khăng không chịu, nhất quyết đòi lấy bá Dương, nếu không sẽ ở vậy. Bà tôi sợ bá thành bà cô ông mãnh nên thôi không gán ghép dù trong lòng rất buồn.
Thời gian sau đó bác Dương quay lại trại an dưỡng nhờ đơn vị và địa phương vận động bà tôi rồi tổ chức cưới. Thế là bác bá nên vợ nên chồng.
Chuyện về bác bá thực ra có thể dừng lại ở đây, song tôi cứ băn khoăn có thể mọi người muốn biết cuộc sống của bác bá tôi sau này thế nào, nên đành viết tiếp.
Bác Dương học chuyên nghiệp xong trở về tỉnh H- Y công tác ở sở ngoại thương, chuyên thu mua lâm hải sản, sơ chế xuất khẩu..vv. làm đến chức trưởng phòng ngoại thương , trưởng công đoàn ngành. Ngày đó, mỗi lần xuống địa bàn, bác dùng cái xe trâu (tên một loại xe đạp do Trung Quốc sản xuẩt), đạp xe dưới trời nắng chang chang chừng vài chục cây số, mệt mỏi nhưng vui, hưng phấn có được từ sự chân thành của mọi người khi đón tiếp, từ lạc quan vì mục tiêu chung; có người biếu vài cân tôm, chọn những con cá trắm đen nặng vài ký gọi là biếu cán bộ, bác đều từ chối, hoặc trả khéo. Có lần vào ngày nghỉ, khách thăm mua quà biếu, bác chối từ không nhận, đôi bên giằng co gói quà. Bá tôi trách: sao ông nỡ xử với người ta như thế. Có gì đáng giá đâu, chẳng qua là cân đường, hộp sữa, gói mì chính. Đến chơi với gia đình là tình cảm của người ta, sao ông không nhận. Bác nói: tình cảm sao tôi lại không nhận. Ở cơ quan sao tôi không hiểu họ. Những gì có thể giúp được đồng nghiệp, tôi không từ chối. Nhưng phần nhiều người đời có cho không bao giờ. Đấy chính là điều tôi băn khoăn không muốn nhận. Cuộc đời này sòng phẳng lắm, nên biết công mình đến đâu nhận đến đấy. Vả lại các con nghĩ thế nào, chẳng nhẽ chúng không biết suy xét sao. Hãy để chúng thấy bố mẹ dù nghèo nhưng giấy rách giữ lề, trọng khí tiết, liêm chính để sống.
Bác bá tôi được dăm con, bốn con gái, cố mãi mới được cậu út nên đặt tên là Nam. Mấy chị em gái hơn chục tuổi đầu đã đi làm hợp tác, vừa học vừa làm tự nuôi mình, vào những vụ đông, sắn quần lội ruộng nhặt những giẻ thóc còn sót trên những gốc rạ mủn ngập nước, có buổi dầm mình trong nước lạnh mò hến, gạt những cánh bèo sen, vớt những con ốc nhồi đóng màng trắng miệng nổi lềnh bềnh trên mặt nước, có buổi ra bến gánh cát từ thuyền lên bãi. Tối đến sau cả buổi bước xuống thuyền, trên vai nặng trĩu gánh cát bấm chân bước lên bến, đổ cát vào đống, vai lưng mỏi nhừ, mấy chị em cùng lũ bạn như những cô tiên đứa ôm cây chuối, đứa lấy quần làm phao bơi, vùng vẫy trong làn nước. Nước sông mát rượi vuốt ve cơ thể họ, tiêu tan nỗi mệt nhọc thường ngày.
Trong mấy chị em, chị cả Kiêm sớm dừng học, đi làm, phụ mẹ nuôi mấy em ăn học. Mấy em sau đều học hành đỗ đạt hiện làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Giờ ở quê chỉ còn Bác Bá, tuổi già nương tựa lẫn nhau mỗi khi đau yếu trở trời. Lúc có tâm sự, bác hay nói: ngày xưa tôi không đỡ đần cho bà được nhiều, nay đây mai đó bận toàn việc công, nay muốn bù đỡ bà song cũng chẳng làm được điều gì. Bà đã cho tôi, hy sinh cho tôi quá nhiều. Bá tôi cười nói: ông cứ khỏe mạnh bên tôi là được rồi. Thực ra Bá muốn nói nhiều lắm, nhưng không thể diễn tả nổi. Ngày trước một mình với đàn con, bao vất vả cho ông ấy yên lòng đi công tác, lắm lúc cũng cực, cũng tủi thân lắm nhưng Bá chưa một câu than vãn. Niềm vui của Bá là những đứa con, chúng xinh xắn như tiên đồng mang lại cho Bá bao cảm hứng và niềm vui sống.
Gần hai chục năm sau ngày đất nước thống nhất, bỗng có tin tìm người thân trên ti vi. Bác tôi mừng lắm, mất ăn mất ngủ vài ngày liền, nỗi mong mỏi được gặp người thân và niềm vui về sự đoàn tụ đến thật bất ngờ. Suốt ngày bác Dương nhắc đến chị gái và em trai, trong tâm trí của bác bỗng dưng sống lại tràn đầy những kỷ niệm với chị, với em thời thơ ấu, khuôn mặt bác rạng rỡ niềm vui và cái miệng lúc nào cũng thường trực nụ cười. Bá tôi cũng vui, nói: tôi chuẩn bị ít tiền cho ông vào Sài Gòn . Ông vào đó nhớ mời bác và các cháu ra ngoài này chơi vài ngày. Mấy chị em con Bác Bá khuyên bác nên đi máy bay, nhưng bác Dương thích đi tàu thống nhất. Bác nói: đi tàu để ngắm cảnh, vả lại có thể xuống ga Đông Hà rồi về quê ít ngày trước khi vào Sài Gòn. Gia đình bác Thắm đón bác Dương ở sân ga. Mấy chục năm xa cách, biết bao những đổi thay, vậy mà họ vẫn nhận ra nhau, mừng mừng tủi tủi, chuyện liên miên không dứt mấy ngày liền. Xen với niềm vui khôn tả là nỗi đau, bác Thắm nói mà nước mắt chảy nhạt nhòa trên mi: chú Tám hy sinh năm 72 ở Quảng trị. Cậu cứ ở đây vài ngày, chị em mình sẽ về quê thăm mộ chú ấy. Anh chị vào đây sau năm 75. Anh rể cậu cũng từng mấy chục năm trong quân đội. Các cháu cậu trai gái hiện đều phục vụ quân đội. Cháu Hưng hiện là cán bộ của trường Trần Đại Nghĩa; cháu Hà, Cháu Thọ là cán bộ kỹ thuật của quân đoàn; cháu Liên làm ở tổng cục hậu cần hiện ở Hà Nội… Nhà tôi như vậy có nửa tiểu đội rồi. Bác Thắm thuê xe, cả gia đình cùng bác Dương đi thăm quan thành phố sau mấy chục năm giải phóng.
Bác Dương ở lại Sài gòn ít ngày, sau mới ra bắc. Lúc rảnh, bác tôi thường hay ngồi bên gềnh. Nước sông đoạn chảy qua đầu gềnh sôi réo, cuốn, cuộn xoay tròn những phiến lá cây, nhấn chìm nó vào dòng. Nhìn dòng sông Hồng lại nhớ đến dòng Hiền lương nước xanh ngắt yên bình, ngắm những con thuyền sực liên tưởng đến đời người và các bến đợi ……
Tháng 5 năm 2013
Hồ Ngọc Vinh