Mỗi chiều thứ Bảy, mời mọi người đón đọc một bài mới nóng hôi hổi vừa ra lò của Trang Hạ nhé, trong chuyên mục “Cookies trà chiều” trên Đẹp Online. Cuộc trò chuyện này sẽ thú vị hơn khi bên tách trà chiều có một người tỉ tê nói về cuộc sống muôn màu.
Bạn là nạn nhân của những ai?
Mỗi lần đọc một bài báo viết về một nhân vật nào đó, dù là kẻ vinh hiển hay người tù tội, tôi cũng thường rất khó chịu với những phóng viên viết bài. Cảm giác chính họ làm cuộc sống này vẩn ᴆục và bất bình sâu sắc.
Vì thường chúng ta sẽ đọc được những dòng sau:
Nếu nhân vật là kẻ xuất sắc, tiểu sử sẽ được tả “sinh ra trong một gia đình có truyền thống…” hoặc “dù gia đình không có ai theo nghề này, mọi người đều không làm nghệ thuật, không kinh doanh, hoặc chỉ là viên chức, thế nhưng anh vẫn v.v…”. Thế rõ ràng hai thái cực này quá khác xa nhau, nhưng nhân vật lớn lên vẫn rất kiệt xuất đó thôi. Vậy truyền thống gia đình có thực sự là một lực đẩy lớn đến thế không? Nếu đủ lớn, rõ ràng nó triệt tiêu luôn cố gắng và thành tựu của anh, khi anh theo nghề cha truyền con nối. Viết thế chẳng hóa ra là, anh giỏi gì đâu, anh chỉ ngồi lên đầu lên cổ bố mẹ anh, để cao hơn thiên hạ mà thôi!
Nếu truyền thống gia đình chẳng đủ lớn, anh đã thành đạt ở lĩnh vực khác, thì rõ ràng càng chẳng nên lôi tổ tông ra để làm bi kịch thêm hoàn cảnh xuất thân tréo ngoe của anh, đúng không? Bởi hiếm hoi lắm mới có thế lực gia đình đủ mạnh khiến một kẻ đần thành một thiên tài, vì xã hội có mù hết đâu mà không thấy!
Nếu viết về tội phạm, sẽ có đoạn “lớn lên thiếu sự giáo dục của bố mẹ…” hoặc “dù được bố mẹ nghiêm khắc quan tâm, hắn vẫn…”. Vấn đề ở đây là, vô số người mồ côi, thiếu cha hay thiếu mẹ vẫn lớn lên thành người tử tế thành đạt trong đời. Và vô số gia đình hạnh phúc lại nuôi lớn đứa con tù tội. Thiếu gì bố mẹ bác sĩ chữa bệnh khắp thiên hạ mà chẳng chữa nổi bệnh cho con. Vấn đề rõ ràng nằm ở chính tâm thế của một con người đó thôi.
Nhưng chúng ta vẫn luôn nhìn một con người theo cách nhìn họ là sản phẩm của… người khác, của bố mẹ họ, thầy cô họ, của ngôi trường danh giá ấy, của vùng miền ấy. Họ thành công là nhờ quá khứ và xuất thân của họ, chứ không phải nhờ giá trị họ tích lũy cho chính bản thân mình trong quá trình trưởng thành. Thậm chí rộng hơn thì chụp cho họ cái mũ tính cách của người Bắc, thói quen của người Nam, giới trẻ 8X thích hưởng thụ, lứa già cổ hủ v.v… Ít ai nhìn nhận rằng một con người là sản phẩm của chính con người ấy, bằng những lựa chọn của chính họ vào thời điểm quyết định.
Điều ấy dẫn tới một thói quen tồi tệ là, một mặt ta cho thành công của ta đến từ… đám đông và thời thế, một mặt chúng ta luôn thấy chúng ta là nạn nhân của xã hội này! Những lựa chọn sai lầm của ta là do xã hội đun đẩy tới. Mà có vẻ, người tự nhận mình là nạn nhân của xã hội có vẻ nhiều hơn người thành đạt nhờ xã hội.
Có lần một phụ nữ tâm sự với tôi về việc chồng ngoại tình, chị ấy lên án ông chồng rất ghê gớm, chửi bới “con bồ” kia rất ghê. Thế nhưng khi tôi bảo, cuộc sống tù ngục đau khổ thế này thì chị bỏ chồng đi! Người phụ nữ trợn mắt lên bảo, tại sao lại phải bỏ chồng, tôi là vợ có hôn thú cơ mà, bỏ là tôi thua con đĩ kia à? Tại sao lại phải bỏ? Bỏ thì ông ấy sướng quá, còn tôi thì ai lấy? Không giữ được chồng thì “con kia” nó chửi cho!
Hóa ra, người phụ nữ có chồng ngoại tình đang cố gắng tìm kiếm đồng minh, muốn người khác hiểu chị là nạn nhân của ông chồng trăng hoa, chị bị chồng đối xử tồi tệ. Chị muốn người ta hiểu chồng chị đang làm điều không tốt với chị. Chị cần sự đồng cảm và ủng hộ của đám đông, trong đó có tôi.
Chứ chị hoàn toàn không có ý định thay đổi hiện tại, tháo gỡ mâu thuẫn vợ chồng, kết nối lại yêu thương với ông xã!
Chị sợ li hôn chỉ vì sợ chị bị thua thiệt, chứ không sợ phải sống với một người đàn ông chẳng còn yêu mình! Vậy, sống thế có hạnh phúc không? Sống thế khác gì sống với một ông hàng xóm, ngủ chung giường mà không có ràng buộc tình cảm. Mà nói thật, có khi ngủ với ông hàng xóm còn thú vị hơn ngủ với một ông chồng đã cạn tình hết nghĩa!
Vậy thì đâu phải là chồng đối xử tồi tệ với chị. Chỉ là chị đã tình nguyện sống tồi tệ đấy thôi. Ai cấm chị sống có tự trọng, yêu thương bản thân, giải phóng cả đầu óc lẫn thân thể ra khỏi một mối quan hệ tồi tệ? Ai buộc chị vào cạnh một người đàn ông mà chị luôn mồm cho rằng “không xứng đáng”?
Vậy, cho tôi hỏi, với từng ấy dữ liệu: Tại sao chị sẽ cho rằng, cả thế giới này lẫn ông chồng buộc phải có nghĩa vụ đối xử thật tốt với chị?
Sao tâm lý của chị giống y hệt tâm lý những người phụ nữ bị chứng bệnh ám ảnh mình bị hại. Họ cứ nghĩ họ rất tốt, rất đẹp, họ luôn đúng, chẳng qua là những người khác luôn hại họ. Họ là nạn nhân của người khác.
Nếu nàng không tìm cách nào thu xếp ổn thỏa với đồng nghiệp, nàng sẽ nghĩ, mình là nạn nhân của tệ đố kị nơi công sở.
Nếu cô bạn thất nghiệp mãi không tìm được việc làm, cô ấy sẽ cho rằng, những kẻ xin việc bằng phong bì và quan hệ quen biết đã chiếm hết cơ hội của cô!
Nếu chồng bạn có bồ, vấn đề nằm ở ông ấy, ở tiền, ở gái chân dài tham tiền đào mỏ v.v… Nếu con bạn đánh nhau và điểm kém, bạn thấy rõ ràng bạn đâu có dạy nó đánh nhau, và bạn vẫn luôn mồm nhắc nó phải học hành cho tử tế vào cơ mà!
Nếu mẹ chồng ghét bạn, vấn đề luôn nằm ở mẹ chồng, đâu phải là từ phía bạn?
Nếu chó nhà hàng xóm chạy sang ị bậy trước cửa nhà bạn, cả văn phòng bạn đều biết rõ, nhưng văn phòng không bao giờ biết, chó mèo nhà bạn ị bậy trước cửa nhà ai!
Có lần tôi rất bực tức giận dữ hỏi một cô gái trẻ, vì sao cô ấy xin tôi cho học bổng, sau khi tôi xin cho cô ấy một học bổng danh giá ở nước ngoài, cô ấy lại bỏ không đi du học? Cô ấy bảo, vì người yêu em không cho đi du học. Vì bố mẹ em bảo ở nhà kiếm việc rồi cưới chồng!
Lúc nào phụ nữ chúng ta cũng là nạn nhân của hoàn cảnh. Thế nhưng, vấn đề là, thế tất cả những người Việt Nam đi du học, hàng vạn người mỗi năm, đều là trẻ mồ côi bố mẹ từ nhỏ, và đều là gái ế giai hâm, không ai ngó tới, nên mới xách va-li lên đường du học? Còn bạn, bạn có gia đình và người yêu, nên bạn phải bỏ học bổng?
Tất cả những người khác đều có tiền, có quan hệ để xin việc, còn mỗi bạn là thân cô thế cô? Thế nếu đã nghĩ được như thế, sao bạn không đi mở quán rửa xe hay bán trà đá bên đường cho nó có thu nhập ổn định đi, những nghề ấy đâu cần tiền nhiều và thân thế hoành tráng?
Nếu bạn tốt nghiệp đại học với tấm bằng trung bình, tôi cam đoan có nhiều người sẽ bào chữa rằng, phần lớn thời gian phải dùng để đi làm thêm kiếm tiền trang trải đời sống, giáo trình và giáo viên cổ lỗ sĩ làm giảm hứng thú học tập của bạn v.v… Chứ chẳng mấy người tự nhận rằng, trí óc và trình độ của tôi chỉ ở mức trung bình! Và tôi đang nỗ lực tìm cách phấn đấu để bù đắp nhược điểm đó!
Mỗi khi phụ nữ sụt sùi, em bị thế này, em bị thế kia… tôi nghĩ cũng là cơ hội tốt cho các anh giai tới an ủi! Nhưng, có hai điều cực kỳ quan trọng này mà phụ nữ cần biết:
Một, đàn ông thích phụ nữ tươi cười và ѕєχy. Không đàn ông nào thích ngồi tỉ tê an ủi một cô mặt nhàu vì nước mắt nước mũi, than thở xui xẻo. Tôi không phải đàn ông, nhưng tôi cũng thế!
Hai, đàn bà sinh ra không ai yếu đuối nhược thiểu cả. Chỉ trong quá trình sống, chúng ta trở nên hèn kém thua thiệt mà thôi! Luôn nghĩ mình là kẻ bị hại, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm ra bài học nào cho cuộc sống!
Chẳng ai hại bạn cả, bạn chỉ là nạn nhân của chính bạn mà thôi.