Chị muộn duyên, hơn bốn mươi tuổi mà chưa lập gia đình. Vì nhan sắc có hạn, tính tình lại chậm chạp nên cũng khó mai mối. Ba mẹ lại mất sớm. Bởi vậy, anh em khuyên chị nên kiếm lấy một đứa con để khi về già còn có chỗ nương tựa.
Cơ quan thông cảm với trường hợp của chị nên không bắt bẻ gì. Chị làm mẹ trong hoàn cảnh như vậy.
Ngày đứa bé ra đời, ai cũng mừng cho chị vì từ nay chị không còn đơn chiếc, sẽ bớt lẻ loi, cô quạnh. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, đồng nghiệp, con chị không thua kém gì về mặt vật chất so với những đứa trẻ có đầy đủ cha mẹ. Chị rất mực cưng chiều con, chẳng dám la mắng gì vì chị thương con thiệt thòi. Bởi vậy, con chị càng lớn càng ương bướng. Có lần, chứng kiến đứa con lên bảy tuổi cứ cào cấu vào mặt, giật tóc chị liên hồi mà chị cứ cười xòa, mọi người khuyên chị nên nghiêm khắc hơn vì sợ lớn lên đứa bé sinh hư. Nhưng chị không quan tâm bởi nó là núm ruột của chị, làm sao chị nỡ đánh nó.
Lớn lên một chút, đứa bé bắt đầu nhận thấy vai trò quan trọng của mình đối với mẹ, nó ra sức ђàภђ ђạ chị. Chỉ vì nó muốn ăn chè mà vào buổi trưa nắng như đổ lửa, chị tất tưởi đạp xe gần 3 cây số để mua về. Sáng nào thức dậy, thấy áo quần chị chuẩn bị không vừa ý là nó bỏ ăn sáng, không chịu đi học…Cứ thế, đứa con gái lớn lên trong sự nuông chiều quá mức của mẹ. Mọi người góp ý, chị không nghe, lòng thương cảm vơi dần, không còn ai chu cấp thêm cho con gái chị.
Vừa mới lên cấp hai, con gái chị phổng phao như thiếu nữ nên đã biết làm điệu, chải chuốt. Lúc này, chị đã nghỉ hưu, tiền lương chẳng dư dả gì nhưng vì chiều con, chị đi vay mượn để sắm sửa cho con bằng bạn bằng bè. Con gái chị học hành thì ít mà ăn chơi thì nhiều. Mới tí tuổi đầu nhưng biết tô son đánh phấn, sơn móng tay móng chân, quần áo không bao giờ lỗi mốt. Mỗi tuần, chị đều phải chi tiền cho nó đi chăm sóc da, tóc, sắm sửa. Nó chật vật mãi mới học hết lớp chín. Chị phải chạy chọt, nhờ vả xin cho nó vào học cấp ba.
Nó càng lớn, tiền nợ của chị càng nhiều. Đùng một cái, học xong kì một lớp 10, nó tuyên bố nghỉ học để đi học làm tóc. Chị khuyên con không được, đành vay mượn cho nó đi học nghề. Nó lên thị xã học cả năm trời mà mãi không thấy học xong. Thỉnh thoảng, nó tạt qua nhà để lấy tiền, bữa nào chị chưa kịp chuẩn bị là nó nhằn đủ điều. Người ở huyện lên thị xã về nói với chị, con chị không phải đi học cắt tóc mà đi bán cà phê. Nó về, chị hỏi thì nó cự lại rằng chị đừng xen vào cuộc sống riêng của nó. Từ đó, vài ba tháng nó mới đảo qua nhà một lần để lấy tiền. Có lần, nó về nhà mà không có tiền, nó ôm luôn chiếc tivi – tài sản duy nhất của chị đem đi cầm…
Lần này, chị bị ốm mà trong người không có một xu dính túi, vay mượn thì không được vì chị đã nợ quá nhiều. Chị nhờ người nhắn con gái về.
Sáng nay, nó về, chẳng thèm nhìn mẹ như thế nào, quẳng vội tờ tiền năm mươi ngàn ở đầu giường rồi đi thẳng…
Theo Hà Lam (Phụ nữ online)