Cánh vạc bên đời

Tác giả:

Cầm giấy mời trên tay, hắn mừng là các bạn cũ cùng lớp cách đây 25 năm còn nhớ tới hắn. Nước mắt hắn như muốn ứa ra. Cảm động ? Hay một lẽ gì khác ? Hắn nhẩm đọc lại giấy mời. Nghĩ tới bạn bè cùng lớp, hắn thấy như trẻ lại. Cái tuổi 40 thấm cuộc đời, thấm nỗi xót xa tuổi dại, như cái thuở niên thiếu, như cái thời ngây dại thư sinh, hắn thầm nghĩ về những đứa bạn.


Hắn học cũng không đến nỗi tồi. Cũng gọi là bằng bạn bằng bè. Có lần, cô ấy đến nhà hắn mượn vở, ấy là những khi cô ấy nghỉ ốm. Cô ấy không dám vào nhà hắn và hắn phải cầm vở ra đưa tận tay. Khi cô ấy trả vở, hắn cầm quyển vở trên tay, lật từng tờ, xem thử cô ấy có để thứ gì trong vở không. Vẫn những nét chữ không được đẹp lắm của hắn ! Thế mà, hắn vẫn thấy ánh mắt của cô ấy nhìn những con điểm thán phục.
Hắn có khiếu thẩm mỹ, chịu khó và lại hiền nên đứa bạn nào cũng thích đến nhà cùng hắn làm báo. Tờ báo của tổ hắn hoàn thành như là một kỳ công của ban biên tập, của một tòa soạn báo chứ chẳng chơi đâu. Và kể từ đấy, hắn nghĩ chắc là hắn sẽ theo nghề làm báo, chỉ có làm báo mới xứng nỗi đam mê của hắn.
Rồi hắn đậu Đại học Quảng Đà. Cô ấy cũng học đại học cùng trường với hắn. Hắn không học nghề báo. Hắn phải học cái ngành Kinh thương. Hắn cũng không lấy làm buồn. Hắn mơ màng, vẽ ra những ước mơ về cuộc đời. Ôi thôi đủ thứ của thời sinh viên. Đến bây giờ, nhiều lúc nhớ lại, hắn lấy làm tức cười cho sự mơ mộng không thực ấy.
Tháng Ba, 1975. Hắn cùng các bạn sinh viên giúp người gặp nạn. Tiếng súng, tiếng đại bác nổ bất cứ thời điểm nào. Ban Mê Thuột được giải phóng. Rồi quân Giải phóng đánh Huế. Đà Nẵng bị quân Cách mạng bao vây. Cô ấy đến tìm hắn.
- Anh Thanh, em sợ quá ! Anh có đi với em không ?
- Đi đâu ?
- Đi Mỹ.
- Không được ! Không lẽ anh bỏ ba mẹ anh và các em ?
- Anh không thương em !
- Sao không thương ?
- Thương, sao không theo em ?
Hắn và cô ấy đã khóc.
Ngày 29-3-1975, Đà Nẵng được giải phóng. Cô ấy đã ra đi. Hắn buồn vì cô ấy bỏ hắn mà đi, bỏ cái thành phố nghèo mà đi. Hắn đâu còn được thấy cô ấy nữa.
Hắn vào ngành Sư phạm vì Đại học Quảng Đà bị giải tán. Cuộc đời bốc hắn từ cái chỗ tưởng là ít nhất cũng là Phó Giám đốc một ngân hàng nào đó sang làm một anh giáo. Quả là hắn cũng còn may so với một số người, mới được vào Sư phạm.
Được học dưới mái trường Sư phạm, hắn tự an ủi là có nghề để sống, có việc để làm. Và rồi, nghề nghiệp đã rèn cho hắn yêu nghề hay vì một lẽ gì khác ? Nhiều lúc hắn tự nhủ, có lẽ tuổi học trò quá dễ thương, quá đẹp giúp hắn yêu nghề, và cũng có lẽ bóng dáng “như cánh vạc bay” của cô ấy thuở cắp sách đến trường vẫn cứ ám ảnh hắn, giúp hắn có nghị lực và tình yêu trong nghề nghiệp ? Hắn không dám khẳng định vì lý do gì mà hắn yêu nghề đến vậy.
Hắn cùng các bạn ôn lại cái thời đi học. Nhưng tâm trí hắn như để đâu đâu.
- Thanh, mày làm gì mà đờ đẫn vậy ?
- Đâu có.
Bạn hắn, thằng An, đập vào vai hắn, nói :
- Mơ mơ màng màng thế, mà không có à ?
Cười gượng, hắn nói :
- Tại tau đang tìm ý thơ.
An biết hắn tìm ý thơ để làm gì rồi.
- Uống cà phê đi mày ! Uống rồi hẵn làm thơ !
Được các bạn khích lệ, mừng mừng tủi tủi, hắn đọc bài thơ về thuở học trò, về tình yêu tuổi học trò.Tình yêu tuổi học trò nhẹ nhàng như cánh vạc bay. Bạn bè vỗ tay tán thưởng. Cô ấy cũng vỗ tay tán thưởng.
Tan tiệc, cô ấy đến bên hắn. Cô ấy lặng im. Nhưng hắn nghĩ là cô ấy đang nói với hắn : “Sao khi trước anh không theo em ? Mà thôi ! Giờ thì mỗi người một cảnh. Em không trách anh đâu. Mãi mãi tình yêu thuở học trò vẫn đẹp phải không anh ? Anh biết không, em về nước đợt này là nhằm đầu tư mở nhà máy sản xuất thiết bị điện tử. Em muốn nước mình giàu có lên. Em cũng muốn anh làm thơ nữa !”.
Nhìn ánh mắt cô ấy, hắn đề nghị :
- Mình đi uống cà phê đi em !
- Vâng !
Tiếng nhạc của thuở học trò vẳng ra từ chiếc loa thùng : Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay…
Đối diện hắn không là cô ấy của ngày xưa. Chỉ có dáng dấp của người phụ nữ hơi mập. Hắn hát theo lời bài hát, hát như những lần hắn đàn và hát cho vợ hắn nghe, người vợ có đôi vai gầy thích nghe hắn hát tình ca của thời trai trẻ.