- Mày đang làm gì đó? Chiều nay tao lên thăm mày.
Tiếng Quân trong điện thoại làm tôi giật mình, đành rằng chơi thân với nhau bao nhiêu năm nhưng sự nhiệt tình này làm tôi thấy nghi ngại, tôi hỏi có chuyện gì quan trọng không thì Quân chỉ đáp gọn lỏn:
- Biết vậy thôi, chiều tao lên.
Đang vác máy quay từ triền dốc xuống, mệt muốn đứt hơi lại ghe cái kiểu nói chuyện lấp lửng của thằng bạn làm tôi phát cáu, dừng lại thở dốc, hay nó giỡn chơi cũng nên. Chiều, đang ngồi ở cơ quan dựng hình thì Quân xuống thăm tôi thật, chạy vào quán cà phê cóc gần đó tôi hỏi dồn:
- Có gì mà lặn lội lên núi thăm tao vậy? Chán thành phố rồi hả?
- Thì… nhớ mày, xuống coi chàng phóng viên trẻ đi thực tập ra sao, đã bị nàng sơn nữ nào lấy mất máy quay chưa.
- Giỡn hoài mày, tối ở lại nhậu thịt rừng mai về.
- Ừ, không ở cũng phải ở thôi, không thì tao nghĩ mày không trụ nổi qua đêm nay.
- Tao nhớ là chưa bao giờ tao say trước mày à.
- Đúng, nhưng tao nghĩ mày sẽ say trước cái này.
Vừa nói Quân vừa lôi trong ba lô ra tấm thiệp đỏ, tôi hoang mang không biết đang có chuyện gì diễn ra trong ánh mắt Quân, thằng bạn nhấp ngụm cà phê, ngó lơ. Thiệp đề tên mời tôi, tên cô dâu đỏ chói làm tôi ngợp thở: Hoàng Hồng Yên.
Tôi say thật, chỉ mới hai ly mà tôi đã nằm lăn ra sàn, nhìn trân trân lên mái nhà, biết không khuyên nhủ được gì tôi, Quân nói như an ủi quá khứ của chính mình:
- Giờ mày mới hiểu tâm trạng của tao ngày đó.
Ngày mối tình đầu của Quân lấy chồng, mấy thằng tôi vật vã với nó, trong lễ cưới, Quân lên sân khấu hát chúc mừng đôi bạn hạnh phúc mà nước mắt lưng tròng, hát xong tôi lôi cổ thằng bạn thất tình về thẳng, còn giở mấy câu lý thuyết rằng đàn ông không được rơi lệ. Quân cười khẩy “trù ẻo” tôi : “Nếu Yên lấy chồng mày còn thảm hơn tao”, giờ thì tôi tin hoàn toàn vào khả năng tiên tri của Quân, lúc này tôi không thể thở như bình thường, tôi bắt đầu nấc…
Từ bé, những mối bận tâm của tôi ngoài sách vở chỉ có thể thao, vì vậy mà khi đã là sinh viên năm hai tôi vẫn chưa có mối tình nào để khoe khoang, mấy thằng cùng phòng gọi tôi bằng cái tên Cù lần, mặc kệ, tôi vẫn yêu đời và yêu thể thao, thế thôi. Chúng tôi thường chơi đá bóng ở sân đất sau khu ký túc xá nam, có một hôm sân đã bị chiếm dụng, bọn tôi đành qua sân trước khu ký túc nữ đánh bóng chuyền, đang cao hứng đỡ bóng thì tôi vung tay đánh lọt vào một phòng ký túc tầng hai, định chạy lên lấy thì mấy anh chặn lại:
- Thôi hi sinh trái bóng đi Khoa.
- Sao vậy anh?
- Phòng đó…tốt nhất em đừng lên.
Tôi ngơ ngác không hiểu chuyện gì thì một anh kể rằng ngày mới vào ký túc, mấy anh chàng muốn làm quen với nữ sinh viên mới thì chỉ có một cách là hỏi thăm xem có em nào đồng hương không, rồi lân la hỏi chuyện. Kế sách đó đã được truyền lại từ đàn anh đã ra trường đến đàn em mới vào và rất hiệu quả, cho đến một ngày đi qua phòng mà quả bóng tôi vừa bay vào thì không thể dùng được nữa.
Tối đó mấy chàng lân la qua các phòng tân sinh viên nữ, thấy em nào xinh xinh ưa nhìn là hỏi xem có phải em ở tỉnh này, huyện nọ không, đi họp đồng hương với tụi anh cho vui chứ sinh viên xa nhà buồn lắm, những lời mật ngọt được sử dụng hết công suất cho đến khi có một cô nàng mặc võ phục về phòng, thấy nhốn nháo mấy anh chàng lạ, lại nghe đến lời mời “ họp hội đồng hương” thì cô ấy liền nói ngay:
- Tụi em không đi họp hội đồng hương với mấy anh đâu, “đồng” là “chung”, “hương” là “mùi”, “chung mùi” là “chui mùng”, họp hội chui mùng ai mà đi?
Tụi con gái trong phòng cười rần rần, mấy anh chàng đỏ mặt, nghe cái lý luận kỳ cục cùng bộ võ phục kia chỉ biết kéo nhau bỏ về. Câu chuyện được lan truyền cả khu ký túc xá nữ, từ đó cái phương châm tìm người yêu qua “Hội đồng hương” đã không được sử dụng nữa, số phòng ấy cũng là nỗi ám ảnh của tụi con trai: 213.
Nghe xong tôi chỉ thấy buồn cười, tôi không nghĩ có gì đáng sợ đến vậy, và cũng là tiếc trái bóng nên tôi chạy lên trong ánh mắt lo lắng của đồng đội. Tôi giữ vẻ lịch sự hết sức có thể:
- Xin lỗi em đã đánh bóng vào phòng mấy chị, cho em xin lại.
- Nó bay vào góc phòng kia kìa, vào mà lấy.- Một giọng nữ nhỏ nhẹ.
Hí hửng, tôi chạy vào lấy bóng nhưng nụ cười của tôi tắt ngúm, quả bóng bẹp dí từ bao giờ.
Ấm ức, tôi quyết tâm tìm hiểu xem người con gái đã trở thành “giai thoại” kia là người như thế nào. Sau một tuần dò la tôi đã có một vài thông tin cá nhân cần thiết: Hoàng Hồng Yên, sinh viên năm cuối khoa Ngữ Văn cùng thời gian biểu khá đặc biệt, ngoài thời gian học thì chỉ có mặt tại thư viện trường. Và không hiểu từ bao giờ, tôi có thói quen thích đi theo em, tối tối, tôi chọn một góc thư viện ngồi chờ em, thật ra nhìn em rất xinh xắn, không hề “dữ dằn” như lời đồn đại. Âm thầm quan sát em được hai tuần thì một ngày tôi bị em phát hiện ngay cổng thư viện:
- Cậu có ý định gì mà theo tôi hoài thế?
- Em…à…mình chỉ là….
- Cậu làm sao? Muốn tôi đền lại trái banh đúng không?
- À không, chỉ là mình muốn mời Yên đi uống nước thôi.- Tôi lấy một lý do hết sức ngây ngô mà có thể nghĩ ra lúc đó.
- Tôi không nghĩ là mời đi uống nước phải đợi đến hai tuần liền đâu.
- À…là vì…- Tôi bối rối không thể hiểu nổi mình nên nói gì.
- Giờ này căn tin còn mở cửa đó, nếu cậu vẫn còn giữ ý định ấy.
Những tưởng sẽ được răn đe một trận, ai ngờ lại được đi uống nước thật, tôi thở phào nhẹ nhõm. Em đáng yêu và hài hước hơn tôi nghĩ (và nhất là chẳng giống những gì tôi đã được nghe về em) đến khi ra về tôi mới biết khi thấy gương mặt bí xị của tôi lúc cầm trái banh em đã thấy hơi…hối hận, nhưng sau đó thấy tôi lẽo đẽo theo em thì em lại thấy…sợ, định bụng sẽ mua trái bóng khác trả tôi để tôi không phải tốn công sức lẽo đẽo đi theo mãi. Chúng tôi kết bạn từ đấy, em rất yêu âm nhạc, nhạy cảm và đôi lúc hơi bướng bỉnh. Tôi là người bạn nam đầu tiên em quen từ ngày bước vào cổng trường đại học, bên nhau chúng tôi trò chuyện rất ăn ý, tôi cũng học hành chăm chỉ hơn nhờ sở thích đi thư viện cùng em.
Mấy thằng bạn cùng phòng ngày đầu biết chuyện đều khuyên tôi không nên đi cùng nhân vật “nổi tiếng” thế, sau này nói mãi chúng nó cũng chào thua, bảo tôi chắc bị sét đánh nhầm, nhìn tôi lắc đầu ngao ngán. Chỉ có riêng mình tôi biết đó không phải là tình cảm nhất thời như người ta hay gọi là tiếng sét ái tình, mà là một dòng suối nhỏ róc rách chảy tràn qua mảnh đất khô cằn của những ngày nắng hạ, tưới mát một gã trai khờ khạo như tôi, để tôi biết đến những ấm áp, những yêu thương ngọt ngào. Biết tôi hay bị thương khi chơi bóng, em thường xuyên mua những vật dụng sơ cứu cần thiết, nhắc nhở tôi ngủ sớm, mỗi kỳ thi em lại thức cùng tôi ôn bài, có hôm còn mua cả thùng mì sợ tôi thức học sẽ bị đói. Em ra trường thì tôi bước vào năm ba, em về dạy tại huyện nhà, thỉnh thoảng có lên trường thăm tôi. Nhìn em chững chạc trong bộ áo dài duyên dáng, có lúc tôi tưởng như em ở một thế giới nào đó mãi mãi tôi chẳng thể nào bước vào, em dịu dàng đằm thắm, những lúc ấy tôi chỉ muốn ôm em thật chặt vào vòng tay để tin rằng em vẫn hiện hữu bên tôi, muốn gọi Yên một tiếng “Em” ngọt ngào những chẳng đủ can đảm, chỉ dám xưng tên. Có lúc cao hứng, tôi hỏi em về câu chuyện ngày mới nhập trường, em cười bảo:
- Ngày ấy mới xa nhà, bố mẹ dặn không được yêu đương, gắng học hành nên phải làm căng vậy chứ sao nữa!
- Vậy còn bây giờ? – Tôi vừa hỏi vừa len lén nhìn vào ánh mắt em.
- Bây giờ thì bố mẹ đã giục lấy chồng rồi.- Yên cười, một nụ cười nhẹ tênh.
Tôi nghe mà trong dạ thấy xót xa, những tháng ngày bên nhau, tuy chưa ai dám nói lời yêu hay hứa hẹn, nhưng trong trái tim tôi chỉ có mình em, tôi yêu Yên, một tình yêu say đắm của gã trai mới biết đến những rung cảm đầu đời, và tôi biết trong trái timYên cũng đã có tôi, dù em chẳng bao giờ thể hiện điều đó. Có lúc tôi hoang mang tự hỏi lòng rằng Yên có chờ đợi được tôi? Có muốn cùng nắm tay tôi để đi qua hết những năm dài tháng rộng của cuộc đời? Những lúc ấy, tôi chỉ muốn chạy đến bên Yên để nói tôi yêu em, tôi cần có em trong đời, nhưng tôi lại chẳng thể làm được. Lần nào gặp Yên cũng với đôi mắt buồn, hàng mi rậm và tôi chỉ dám xiết chặt bàn tay nhỏ nhắn ấy để thay cho những lời muốn nói, tôi tin như thế là quá đủ cho hai trái tim đã chung nhịp đập.
Một buổi chiều cuối năm, em đến cổ vũ cho đội bóng của tôi, hôm đó khoa chúng tôi đá bóng thắng khối sư phạm nên rủ nhau vào căn tin liên hoan. Trên đường đưa tôi về ký túc xá trời đổ mưa, rất may Yên có mang theo ô, vừa đi Yên vừa nghe nhạc, cười thích thú với những giọt mưa rớt từ trên ô xuống, tôi nhìn Yên, chưa bao giờ chúng tôi gần nhau đến thế. Tôi dừng lại, Yên quay sang nhìn tôi, khoảnh khắc đó tôi muốn thời gian ngưng đọng mãi mãi, tôi đặt một nụ hôn lên môi em – hành động dũng cảm nhất mà tôi từng làm – nhưng em đã kịp quay đi nên nụ hôn chỉ được đặt lên má, em nhẹ nhàng chuyển ca khúc, nhạc buồn hiu hắt:
“Một hôm ta đi với nhau, mưa rất nhiều và rất lâu
Trên mái đầu là một chiếc ô ngăn đôi nỗi sầu…”*
- Bài hát nghe buồn quá! – Tôi hỏi như muốn phá tan không gian lặng yên ngại ngùng.
- …
- Yên giận Khoa hả? Cho Khoa xin lỗi…- Tôi bối rối.
- Hãy trao môi hôn vào một ngày nắng.
Im lặng, chúng tôi bước chầm chập bên nhau, tôi sẽ đợi một ngày ngập tràn nắng ấm, sẽ tự tin để đặt lên môi em một nụ hôn ngọt ngào, nhưng có lẽ chuyện tình của tôi và em chỉ có những cơn mưa mà thôi.
Ngày tôi mới nhận cơ quan thực tập, em lên thăm tôi. Tối đó hai đứa cùng ngồi bên nhau bên ánh lửa bập bùng, em dựa đầu vào vai tôi thầm thì rằng nếu thế giới không có âm nhạc thì không biết loài người sẽ sống thế nào, tôi bật cười trả lời:
- Sẽ sống như một thế giới không có tình yêu.
- Nhưng tình yêu thường làm người ta buồn.
- Thì mình chỉ yêu như những ca khúc vui thôi, mà Yên đang nghe bài gì vậy?
- 25 minutes.
- Tựa bài hát khó hiểu quá.
- Hai mươi lăm phút là thời gian để một đôi uyên ương làm lễ cưới trong thánh đường, chàng trai đã đến tìm người con gái mình yêu quá muộn, cô ấy đã kết hôn.
Tôi im lặng nhìn em, đó là lần cuối cùng chúng tôi bên nhau. Đêm đó em kể cho tôi nghe rất nhiều về gia đình, về người cha đang đau ốm, về sự mong muốn em có một gia đình hạnh phúc của mẹ. Tôi yêu em, nhưng tôi chẳng có gì để hứa hẹn cùng em khi giờ đây tôi chỉ là một thằng sinh viên thực tập, tôi cũng không thể đảm bảo cho em về một tương lai hạnh phúc nếu ra trường tôi thất nghiệp, hay may mắn lắm cũng là một tay phóng viên mới vào nghề ở đài phát thanh một huyện miền núi nào đó. Tôi nhìn ánh mắt buồn sâu thẳm của em, dường như em ở một nơi nào đó xa xôi quá, như ánh trăng vằng vặc để tôi mãi hoài không thể với đến. Tôi biết em cũng yêu tôi như yêu những bản tình ca, nhưng ngoài tôi và âm nhạc, em còn rất nhiều mối bận tâm khác, không thể vì một thằng tôi mà làm ba mẹ phải phiền lòng. Ánh trăng về khuya sáng hơn, soi rõ gương mặt em, em ngủ quên trên vai tôi, nước mắt lăn dài, vai áo tôi thấm ướt. Hoang mang, tôi sợ cảm giác phải xa rời em, sợ thấy em cùng ai đó chung đôi, sợ linh cảm xấu của chính mình…nhưng dù thế nào tôi vẫn mong em hạnh phúc và bình an, hãy sống thật vui và hạnh phúc Yên nhé, người con gái đầu tiên bước vào trái tim tôi.
oOo
Âm nhạc vang lên, người dẫn chương trình xướng tên đôi uyên ương cùng nhau bước lên sân khấu, “Người ơi, em mơ về anh đã bao ngày, một người yêu em và thương em. Chờ anh, em đã chờ lâu lắm, biết không người em chờ là người cho em ngày bình yên…”**. Cả khán phòng như nín thở nhìn theo từng bước chân chầm chậm trên thảm đỏ, tiếng nhạc làm lòng tôi se sắt, em đã chờ đợi tôi bao ngày, nhưng những giây phút bình yên này lại là một chàng trai khác – không là tôi- mang đến cho em. Tôi thấy chao đảo, ૮ɦếƭ lặng, em lung linh rạng ngời trong bộ váy cưới, cùng người kia cử hành những nghi lễ long trọng trước đôi mắt nhòe ướt của tôi.
Nghi lễ hoàn thành trong gần hai mươi phút, thời gian đủ để cho một trái tim tan vỡ ra ngàn mảnh. Tôi muốn bước lên sân khấu, hát tặng em ca khúc em yêu thích: 25 Minutes, tôi muốn biết giờ phút này em có còn nghĩ đến tôi không, có còn nhớ đến nụ hôn dưới mưa năm nào như cô gái trong ca khúc không, có khóc khi nghe những câu hát ấy, nhưng tôi không đủ can đảm. Tôi ra về, gọi điện rủ Quân định bụng cùng say cho ra trò nhưng nó đang bận nên tôi đành về phòng một mình, từng lời bài hát như xuyên thấu tâm trạng tôi lúc này, ly rượu hôm nay mặn làm sao.
“Boy I’ve missed your kiss all the time
But this is twenty-five minutes too late
Though you traveled so far,
Boy I’am sorry you are twenty-five minutes too late…”***
Chúng tôi đã bên nhau gần 3 năm, em là mối tình đầu của tôi, là người con gái đã bước vào cuộc đời tôi như duyên phận nhưng hôm nay em đã là cô dâu của một người khác. Thời gian bên nhau không đủ dài để níu giữ hai mươi lăm phút định mệnh quan trọng nhất trong cuộc đời của một người con gái, thời gian, phải bao lâu để có thể cùng người mình yêu đi trọn cuộc đời? Bao nhiêu năm bên nhau hay chỉ bấy nhiêu phút để nói “Con đồng ý” trước cây thánh giá?
Tôi nằm bất động, trước mắt giờ đây là một màu trắng xóa của màn mưa năm nào, nụ hôn tôi đặt lên má em chắc đã phai màu nhớ từ giây phút đôi má ấy ửng hồng trong màu váy trắng lộng lẫy. Nhắm mắt, tôi muốn mình chìm vào một giấc ngủ thật sâu không mộng mị với hi vọng sẽ quên được em, quên được ngày hôm nay, quên được những phút giây làm tôi tê tái cõi lòng. Trong giấc mơ, tôi thấy chiếc ô được em cất giữ cẩn thận và thì thầm với tôi: “Hãy hôn một người con gái vào ngày nắng Khoa nhé, để chiếc ô không còn ngăn đôi một cuộc tình”.
Tác giả: Lâm Hạ
* Ca khúc Chiếc ô ngăn đôi, sáng tác Sa Huỳnh.
** Ca khúc Cô dâu, sáng tác Nguyễn Hồng Thuận.
*** Ca khúc 25 minutes, nhóm Michael learn to rock.