Quá lúng túng vì bất ngờ trước cử chỉ dễ thương vượt mức quy định của Uyển Nhi, tôi gãi đầu bối rối nói:
- Làm… gì đến nỗi ૮ɦếƭ chứ, tui không giận ai lâu đâu. Mà lần sau đừng có giỡn kiểu vậy nữa!
Uyển Nhi cười tít mắt:
- Ờ, tui xin lỗi vì không biết!
Thật vậy, Uyển Nhi không biết là vấn đề Tiểu Mai liệu có em gái hay không đối với tôi là vấn đề rất quan trọng vì từ mấy hôm giờ tôi cứ không hiểu sao là mình có cảm giác đó. Thế nhưng ngay khi tôi tưởng mình đang tiếp cận gần sát với vấn đề thì lại hóa ra chỉ là trò đùa của Uyển Nhi. Vì vậy nên mối nghi ngờ trong tôi cũng theo một trò đùa giỡn mà tự nhiên tiêu biến đi mất.
Kể từ lúc này, tôi đã không còn để tâm đến chuyện Tiểu Mai có chị hay em nữa, tôi hoàn toàn tin tưởng ở nàng.
Và giờ đến lượt Uyển Nhi thắc mắc:
- Chứ bạn gái ông không kể về gia đình hay sao mà tui người ngoài giỡn chút ông đã tưởng là thật?
- Thì có kể, nhưng hơi ngờ ngợ thôi! – Còn hơn là nghe kể ấy chứ, tôi đã gặp cả gia đình Tiểu Mai rồi mà, có nghe ai nói nàng còn có thêm chị em nào đâu.
- Ờ thôi, thật ra…
- Hở?
Trông thấy Uyển Nhi ngập ngừng giữa chừng, tôi mới hỏi:
- Thật ra gì?
- Thì tui giỡn vậy để ông… còn nhớ tui, chứ gặp nhau đi chơi có mấy ngày, tui không tạo ấn tượng thì ông quên tui mất. Mà tui chỉ định làm ông bất ngờ lúc đọc thư thôi, cứ tưởng là qua bữa sau ông hỏi bạn gái Tiểu Mai của ông là biết tui giỡn liền. Chứ đâu có ngờ là…! – Uyển Nhi hơi ngượng ngùng, giải thích mà không thể nhìn thẳng vào tôi.
Mà Uyển Nhi nghĩ thế cũng đúng, nếu căn cứ vào người ngoài nhìn vô thì sẽ nghĩ ngay tôi với Tiểu Mai là bạn gái, thể nào tôi lại không nhận ra được đây chỉ là trò đùa. Tôi chỉ cần hỏi Tiểu Mai một tiếng là xong thôi mà. Nhưng ác nỗi ở đây là tôi lại không dám hỏi Tiểu Mai mới đau, không hiểu sao tôi có cảm giác chỉ cần mình đem chuyện Uyển Nhi ra mà hỏi với Tiểu Mai thì dám nàng sẽ giận tôi ngay tức khắc vậy.
- Thôi không nhắc chuyện này nữa, thế tên thật bà là gì? – Tôi xua tay lảng sang chuyện khác.
- À… Uyển Nhi, ông biết rồi mà! – Cô nàng thoáng bối rối, đưa tay vuốt tóc.
- Không, họ tên đầy đủ kìa! – Tôi chưng hửng vì thái độ như đang né tránh của Uyển Nhi.
Đến đây thì cô nàng đâm ra bối rối, nhưng khi nhìn tôi có vẻ như rất muốn biết thì mới thở hắt ra một cách phiền não rồi hỏi:
- Ông muốn nghe tên họ nội hay họ ngoại?
- Là sao? Con cái thì lấy họ của cha, họ nội chứ còn gì nữa! – Tôi lại ngạc nhiên lần nữa.
Uyển Nhi cắn môi đầy phân vân:
- Tui… chuyện nhà tui không có bình thường, nên tên tui cũng vậy!
- Là sao? Kể nghe với! – Tôi bỗng dưng đâm ra tò mò, chồm người tới hỏi vẻ háo hức.
Nhưng ngược lại với vẻ háo hức của tôi là thái độ lảng tránh của Uyển Nhi, cô nàng nhìn tôi cười gượng, để đôi mắt xanh nói thay lời mình rằng tôi không nên biết là hơn.
- Gì thế? – Tôi ra vẻ ngơ ngác, quyết tâm hỏi cho bằng được.
- Thì… tui có hai tên lận, một tên bên nội là ở nước ngoài, tên Việt Nam thì lấy theo họ ngoại! – Uyển Nhi mấp máy môi nói nhỏ mà phải cố lắm tôi mới nghe thấy được.
- Ừm, thế có gì đâu mà không bình thường! – Tôi ngẩn tò te.
Bất chợt Uyển Nhi nhìn thẳng vào tôi vẻ cương nghị hiếm thấy, chừng như để thăm dò xem tôi có đáng tin không, hoặc giả chỉ là muốn biết tôi có muốn tìm hiểu chuyện này tận cùng không. Và chắc là do ánh mắt của tôi lúc háo hức nó hút hồn quá độ hay sao mà Uyển Nhi cuối cùng cũng đã khẽ gật đầu đồng ý.
Cô nàng hạ thấp giọng, nhẹ cười gượng gạo:
- Ông nhớ là tui từng kể với ông rằng mẹ tui đã mất rồi chứ?
- Ừ… có! – Tôi giật thót người, tự hỏi mình có nên nghe tiếp không vì hình như do thỏa mãn tò mò mà đã khơi gợi lên nỗi đau trong lòng Uyển Nhi.
Nhưng tôi không có cơ hội thay đổi ý định của mình nữa, Uyển Nhi đã chầm chậm tiếp lời:
- Ông là người đầu tiên tui kể chuyện gia đình cho đấy, trước giờ không có ai tui thấy muốn kể cho họ hết. Thật sự thì… ba hiện nay của tui không phải là ba ruột…!
- ……! – Tôi lặng người vì bất ngờ, cố thể hiện một thái độ chăm chú và nhã nhặn nhất có thể bằng cách đan tay vào nhau.
Rồi Uyển Nhi bắt đầu câu chuyện về gia đình mình bằng giọng nói đã mất đi vẻ tinh nghịch thường thấy, mà thay vào đó là chậm rãi nhưng buồn bã hệt như sóng biển cứ vỗ miên man lúc chiều tà.
- Chuyện thật ra là như vầy, hồi đó mẹ và ba gặp nhau…
( Đến đây thì tôi không thể nào viết được đoạn đối thoại của ngày hôm đó lại theo lối văn nói thường thấy vì rất khó để diễn tả được vẻ man mác buồn của Uyển Nhi. Thế nên tôi chỉ kể lại theo lối văn kể chuyện một cách súc tích nhất để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về thân thế của Uyển Nhi, cô nàng cá tính mang màu mắt xanh đại dương này.)
Theo lời Uyển Nhi kể lại thì mẹ và cha cô gặp nhau khi cả hai còn là sinh viên đại học. Mẹ của Uyển Nhi khi đó đã nổi tiếng khắp trường với sắc đẹp mỹ miều của mình, nhưng bà ấy lại không hề xiêu lòng trước bất kỳ người con trai nào trong hàng tá vệ tinh đang bám đuổi mình. Còn ba Uyển Nhi là sinh viên một trường đại học nước ngoài, trong một dịp giao lưu sinh viên Việt- Anh hai nước thì ông mới tình cờ gặp được mẹ Uyển Nhi tại một bữa tiệc nhẹ. Bị chinh phục trước vẻ đẹp của hoa khôi trường đại học nước bạn, ông đã quyết tâm phải lấy người này làm vợ.
Thế nhưng cùng đi với ba Uyển Nhi năm đó lại là… anh trai của ông ta, và người anh trai cũng phải lòng cô hoa khôi kia. Cả hai anh em cùng biết điều đó và vui vẻ chấp nhận một cuộc cạnh tranh công bằng. Cuối cùng thì người em trai đã thành công, toại nguyện nhận được cái gật đầu đồng ý và nét cười mê mẩn của cô sinh viên người Việt. Và người anh trai không còn cách nào khác hơn là vui vẻ chúc phúc cho em trai và em dâu của mình. Thế là ba Uyển Nhi đã chính thức cầu hôn mẹ Uyển Nhi làm vợ ngay trong tháng ấy, cả ba người quyết định cùng về Phan Thiết, đến nhà gái để mong được ra mắt và hỏi cưới.
Tạo hóa trêu ngươi khi mỗi người có mỗi cách sống riêng, mỗi gia đình cũng có phép tắc khác. Không hiểu lí do vì sao mà ông ngoại Uyển Nhi đã kiên quyết tuyệt đối không để con gái mình lấy chồng ngoại quốc, nhất là người theo đạo Thiên Chúa. Bà ngoại Uyển Nhi cũng hết lời khuyên can con gái mình hãy nghe lời ba mà từ bỏ ý định. Việc đã đến nước, ba Uyển Nhi vì quá si tình nên cũng chấp nhận sẽ cải đạo, quyết định sau khi lấy vợ sẽ chọn tôn giáo cho mình là Phật Giáo. Thế nhưng kể cả đến như vậy thì ông ngoại Uyển Nhi vẫn không chịu, nhất quyết từ chối thành ý của chàng sinh viên người Anh trẻ tuổi đầy lãng mạn.
Đêm hôm đó, có lẽ là vì tuổi trẻ, và hơn hết thảy là vì tình yêu, mẹ Uyển Nhi đã chấp nhận rời bỏ gia đình mà đi theo tiếng gọi của trái tim. Nghe đâu đó cũng là lúc mà nhà ngoại Uyển Nhi đã quyết định từ con vì không chấp nhận được chuyện này. Và ít lâu sau, vợ chồng chàng trai Anh quốc vui vẻ đón cô con gái xinh xắn kháu khỉnh chào đời, đó là Uyển Nhi. Người chồng rất đỗi hạnh phúc với niềm vui được làm cha, nhưng ông cũng không thể nào không biết đến ánh mắt buồn bã của vợ mình khi phải xa gia đình, xa quê hương đất nước.
Vài năm sau đó, người chồng chủ động khuyên vợ nên trở về nước thăm gia đình, với hi vọng nhờ vào đứa cháu gái Uyển Nhi này sẽ làm ông bà ngoại hồi tâm chuyển ý. Vậy là gia đình nhỏ về lại Việt Nam sau thời gian dài xa cách. Đáp lại chuyến đi dài mệt mỏi của cả ba người là ánh mắt hờ hững của ông ngoại, và sự vừa vui vừa buồn của bà ngoại. Nguyện ý không thành dù cho mẹ của Uyển Nhi đã khóc hết nước mắt mà cha mình vẫn không hề mảy may quan tâm hay hỏi han một tiếng, gia đình nhỏ đã phải ngậm ngùi trở lại Anh quốc.
Kể từ lần đó trở đi, cứ hai hoặc ba năm một lần thì cha mẹ Uyển Nhi lại đưa con gái mình về thăm quê hương xứ sở, về thăm ông bà ngoại. Sang đến lần thứ tư, thứ năm thì Uyển Nhi lớn lên theo thời gian, cô nàng mang màu mắt xanh đại dương giống cha và sở hữu nét đẹp duyên dáng của mẹ, vừa có trí thông minh thiên bẩm lanh lợi, nói năng líu lo vui vẻ như hát nên rất được lòng họ hàng nhà ngoại của mình, đến cả bà ngoại cũng phải xiêu lòng mà mở lời khuyên nhủ ông ngoại nên xem lại về việc của con gái.
Ông ngoại Uyển Nhi hiển nhiên là rất thương cô cháu gái dễ thương xinh xắn, nhưng ông cũng rất khổ tâm giữa một bên là thể diện dòng họ, một bên là tình cảm cha con. Và lần trở về nước năm ấy, mẹ Uyển Nhi chỉ nhận được một cái gật đầu từ ba mình khi họ đến chào tạm biệt để bay sang Anh quốc. Nhưng được bà ngoại cho biết rằng ông ngoại đã đồng ý có thể cho bé Nhi lấy họ ngoại làm tên Việt, vậy là cũng đủ để mẹ Uyển Nhi hứa chắc chắn nhất định sẽ lại trở về Việt Nam vào năm sau.
- Năm đó tui nhớ là tui có chơi game CS với một ông nhóc, ông đó chơi cũng được, nhưng cứ hay làm tàng làm phách mãi thôi, lại còn hứa hẹn phục thù mà tui đợi mãi chẳng thấy đâu! – Uyển Nhi kể bâng quơ.
Và không ai có thể ngờ rằng mùa xuân năm đó cũng là lần cuối cùng ông bà ngoại Uyển Nhi còn được thấy con gái của mình. Vào một đêm đông tại Anh quốc, trên đường trở về nhà sau khi chọn quà Giáng Sinh cho cô con gái cưng đang nghịch tuyết ở nhà thì cha mẹ Uyển Nhi đã không may gặp tai nạn giao thông. Một chiếc container vượt đèn đỏ đã tông thẳng vào chiếc xe chở hai người bọn họ khiến cả hai mất mạng tại chỗ. Nguyên nhân tai nạn được cảnh sát xác nhận rằng do người tài xế ngủ quên nên mới để xảy ra chuyện đáng buồn này.
Mùa Giáng Sinh năm đó, Uyển Nhi đã khóc hết nước mắt, cô gào thét vô vọng giữa trời đông giá rét, giữa màn tuyết trắng dày đặc vô tình và lãnh cảm. Người anh trai vì tình thương với em trai mình, cũng là vì tình yêu một thời nay còn lại đã nhận Uyển Nhi làm con gái nuôi, và thương đứa con của vợ chồng em trai hệt như con ruột của mình.
- Ba tui giờ nói rằng mỗi lần nhìn vào tui, ông như thấy được em trai mình trong mắt tui và… hình hài của mẹ tui cũng đang là tui… Ba thương tui lắm, tui muốn gì ông cũng chiều hết. Nhưng… tui biết ông rất buồn, có nhiều đêm tui thấy ông khóc một mình, có khi tui nằm giả vờ ngủ, ông đến đắp chăn cho tui rồi cứ thế ngồi cạnh bên nhìn tui mà khóc…! – Uyển Nhi buồn bã kể, nhưng tuyệt nhiên không có một giọt nước mắt nào rơi cho câu chuyện bản thân.
Hai năm sau, Uyển Nhi được ba nuôi đưa về thăm Việt Nam kể từ sau lần gặp cuối cùng định mệnh ấy. Ông bà ngoại như khóc ngất khi thấy cháu gái mình, và cũng đã chấp nhận danh phận của con gái đã mất dù có muộn màng.
- Là… kỳ vừa rồi bà về đây chơi, là… để gặp nhà ngoại à? – Tôi cảm thông hỏi, trong lòng tự dưng cảm thấy áy náy và buồn lạ lùng.
- Ừm…! – Uyển Nhi gật đầu.
Thật không ngờ đằng sau một Uyển Nhi cá tính, mạnh mẽ lại là cả một câu chuyện gia đình gần như gọi là bi kịch đến như vậy. Tôi có tài thánh cũng không thể biết được rằng hồi trước hè vừa rồi, khi Uyển Nhi về chơi cũng là lúc gặp lại ông bà ngoại kể từ sau khi ba mẹ cùng mất mà không kịp có cơ hội nhìn con gái yêu lần cuối. Trong mắt tôi những ngày đó, Uyển Nhi chỉ là một con nhỏ nhà giàu thích chơi trội chứ hoàn toàn không phải là một thiếu nữ mạnh mẽ đã trải qua chuyện buồn nhất của cuộc đời.
- Ông đang hỏi tại sao bây giờ tui không khóc, phải không? – Uyển Nhi cười gượng.
- Ừ….! – Tôi bối rối thừa nhận.
- Khóc hết nước mắt rồi, còn gì để khóc nữa!
- …..!
Và Uyển Nhi lại cười, nhưng nét cười lần này đã tươi tắn hơn:
- Với lại ba tui nói đôi mắt tui đẹp như vậy mà cứ để ầng ậng nước thì trông kỳ cục lắm, như… hai cái đáy chai nước lọc dán trên mặt ấy. Mà tui thì biết tui đẹp, nên tui không có khóc!
- …….!
Không biết các bạn nghĩ sao chứ tôi còn nhớ ở vào thời điểm đó, dậy lên trong lòng tôi gần như là một niềm ngưỡng mộ pha lẫn… cảm xúc dạt dào mà tôi không thể nào cắt nghĩa được là tại sao mình lại như vậy. Một người con gái xinh xắn, cá tính, mạnh mẽ hoàn toàn hơn bất kỳ ai mà tôi từng gặp. Tuy biết rằng so sánh với Tiểu Mai là hơi khập khiễng nhưng tôi đồ rằng nếu bị ép buộc phải so sánh thì…
Cả Tiểu Mai và Uyển Nhi có thể gọi cùng là hai tiểu thư, tuổi thơ mỗi người một khác nhưng so với nhau thì Uyển Nhi có phần bất hạnh hơn rất nhiều khi đã mất ba mẹ từ thuở nhỏ, đau đớn hơn là cả vào khi Uyển Nhi đã biết buồn biết khóc.
Tiểu Mai của tôi cũng từng trải qua nhiều buồn khổ, nhưng nàng chưa đến mức phải gọi là cùng một lúc vuột đi hai chỗ dựa lớn nhất cuộc đời người.
Bất giác lúc này đây, vẻ đẹp của Uyển Nhi đang ngồi trước mặt tôi đã tự dưng được nhân lên gấp mười lần, cả về tài sắc lẫn tâm hồn. Và… nói không ngoa khi tôi buộc phải thừa nhận mình đã hơi bị rung rinh trước Uyển Nhi mất rồi.
Hay tôi chỉ đơn giản là một thằng con trai đa tình, và đa cảm?
- Giờ ông muốn nghe tên tui chưa? Hay là cứ ngồi nhìn tui miết vậy? – Uyển Nhi hơi đỏ mặt thỏ thẻ.
- À…à muốn chứ! – Tôi giật mình tỉnh mộng.
- Tên tiếng Anh của tui là Christine, ông gọi là Chris cũng được!
- Ừ, hello Chris!
- Hi, bày đặt nữa, dốt English mà thích thể hiện!
- ……..!
Bị quê xệ, tôi hơi mất hứng mà cúi gầm mặt xuống. May thay Uyển Nhi lại kịp chữa cháy:
- À… tên tiếng Việt của tui là Uyển Nhi, ông biết rồi đó!
- Ờ… ủa, mà họ tên đầy đủ là gì? – Tôi nén nhục hỏi tiếp.
- Ừm… không có đẹp như Diệp Hoàng Trúc Mai đâu nha…!
- Trời, tên người thì phải khác chứ!
Trước cái thở dài thườn thượt của tôi, Uyển Nhi hơi cắn môi rồi nói nhỏ dần:
- Tui… tên là Trình Uyển Nhi!
- Trần… Uyển Nhi? – Tôi khá bất ngờ, hỏi lại lần nữa.
- Trình…, là Trình Uyển Nhi chứ! – Cô nàng bối rối nhưng cũng nhướn mi lên đáp trả.
Phải công nhận là… ở Việt Nam có rất ít người mang họ Trình, mà cũng không biết có phải là ít không hay là duy nhất nữa.
- Trình Trình à…! – Tôi bắt đầu giở giọng bông đùa.
- Thôi… gì chứ…! – Uyển Nhi đỏ mặt, vẻ như cô nàng giờ cũng đã biết mắc cỡ.
- Thiệt đó, tên bà nghe giống Trình tiểu thư trong phim Bến Thượng Hải quá, hay từ giờ tui gọi bà là Trình Trình nha! – Tôi cười toét miệng đầy khoái chí.
- Không! – Ai dè Uyển Nhi bướng bỉnh cãi lại.
- Thôi mà Trình tiểu thơ, Trình tiểu thơ à, thiệt là đẹp quá đó mà, tên đẹp, tên đẹp! – Tôi cứ cù nhây mà không hay biết là bản thân mình đã sắp bước vào ma trận mang tên “nghệ thuật quyến rũ”.
Đó là lần đầu tiên của mùa hè năm ấy, tôi đã có một ngày không hề mong chờ cuộc gọi từ phương xa của Tiểu Mai mà hoàn toàn bị cuốn theo một người con gái khác mang màu mắt xanh đại dương, người con gái mà tôi hay gọi vui là Trình tiểu thơ, hoặc có khi là Trình Trình đầy cá tính, thông minh và xinh đẹp.
Trình Uyển Nhi, viết đến đây tự dưng thấy nhớ em quá đi…!