Chương 11

Tác giả: Vũ Ngọc Hương

Khi tôi trở lại bàn nước, Thịnh đã không còn ở đó. Tôi ngồi xuống ghế, mở giấy xem lại ghi chép. Hiện tại ở đây còn mười bao xi măng, cát thì chắc mai phải lấy thêm một xe nữa. Ngôi nhà này đang ở giai đoạn trát xi măng, ba thợ gấp rút hoàn thiện tầng một, bên ngoài là bốn thợ nữa, ba người trát, còn một người phải gánh phần việc của tôi, tiếp xi măng trộn cát vào xô đưa lên cho người trát. Thiếu hai người so với hôm qua mà công việc tiến triển chậm hơn hẳn. Không biết Thịnh có thuê thêm thợ nữa hay không?

Tôi nghe tiếng xe máy, giật mình quay ra, thấy Thịnh gạt chân chống, tháo mũ bảo hiểm gài lên xe rồi tiến lại, tay anh ta xách theo một cây thuốc lá. Tôi nhíu mày. Tôi thực sự chẳng thích mùi thuốc lá tẹo nào, có điều thợ thích thì cần phải chiều thợ thôi. Tôi để ý thấy Thịnh không hút, bất giác lại thấy vui vui. Ôi… Thịnh có hút hay không thì có liên quan gì đến tôi chứ?

Thịnh vừa đón lấy cốc nhân trần đá từ tay tôi, tôi liền nói:

– Tôi đã ghi lại vật liệu hiện có, tôi nghĩ mai cần đổ thêm một xe tải cát như hôm trước anh ạ.

– Ừm. Cô xem còn mua gì nữa không?

– À… hiện tại còn mười bao xi măng, chưa cần mua thêm.

– Đây, cô đặt hộ tôi, cả tiền ăn cho thợ tuần này, năm mươi nghìn một người một bữa. Sáng cô dậy sớm đi chợ giúp tôi, tôi đặt cái bếp ga rồi, chốc họ giao đến tôi sẽ lắp ở góc vòi nước kia, vật dụng nào cần cô cứ sắm luôn giúp tôi.

Thịnh đặt một xấp tiền năm trăm lên bàn nước, tôi tròn mắt nhìn, ngạc nhiên hỏi:

– Trước anh mua thế nào? Tôi sợ mua đắt hơn anh mua!

– Cứ mua đi. Sau đó báo cáo lại tôi là được. Yên tâm tôi không bị hớ đâu.

Thịnh nhếch miệng nhìn tôi, bất giác tôi lại đỏ mặt. Tôi lo anh ta bị thiệt mà. Có lẽ vài đồng với Thịnh không quan trọng… cái chính là… anh ta tin tôi. Ừm… tôi sống khổ sở quen rồi, hẳn tôi biết tiết kiệm hơn Thịnh, anh ta đánh giá đơn giản vậy thôi. Nhớ ra tôi chẳng có công cụ nào để làm việc, cái laptop cùi bắp tôi đã đem bán lấy ít tiền đóng viện phí đợt trước cho cu Thành mất rồi, giờ không có gì tính toán ghi chép thì phải làm sao đây? Tôi ngài ngại hỏi Thịnh:

– Anh có… laptop không cho tôi mượn? Tôi làm việc trên máy tính quen rồi, gì thì gì tôi cũng phải dùng công cụ, với lại còn tra cứu thông tin nữa.

– Tối tôi đưa cho.

– Cảm ơn anh, may quá!

– Cô làm kế toán mà không có máy tính à?

– Hì hì… tôi bán mất rồi, máu tôi còn bán được thì nói gì đến laptop.

Thịnh phì một hơi, lắc đầu ngán ngẩm. Chắc cả đời anh ta chưa từng gặp ai khốn khổ hơn tôi đâu nhỉ? Nghĩ rồi tôi trầm xuống, thở dài đánh thượt. Bỗng, tôi nghe thấy âm thanh choe chóe của cô gái sáng nay từ phía xa, liền quay ra nhìn. Lúc này cô ta coi bộ phù hợp với công việc phu hồ hơn với bộ đồ rằn ri kiểu quân đội, giày cũng đồng bộ. Nhìn dáng vẻ này của cô ta tôi thấy hơi ghê ghê, lỡ cô ta ghét ai mà tẩn cho… cỡ tôi chắc cũng đến ngủm mất.

– Anh Thịnh… chiều nay anh cho em làm tiếp nhé, sáng em về thay quần áo xong lại bị mẹ em giữ lại. À… mẹ em mới đi Pháp về, mẹ bảo mẹ anh nhờ gửi cho anh cái này!

Nghe đến lúc này tôi cũng hiểu chuyện. Có lẽ mẹ cô ta quen mẹ Thịnh, từ đó cô ta thích Thịnh và theo đuổi anh ta. Tôi không vui vì sự có mặt của cô ta chút nào, chẳng muốn nhìn mặt nên mặc kệ cô ta. Cô ta vừa õng ẹo nói vừa đưa một cái túi giấy hoa văn vào tay Thịnh, không quên lườm tôi một cái rách cả mắt, hỏi bằng thái độ bất mãn:

– Anh… cô ta vô dụng như thế anh còn cho cô ta ở đây làm gì? Chẳng phải anh nói nơi này không có ai được chơi, lúc trước anh đuổi em về không cho em ra đây sao?

Tôi nghe mà cáu, chưa kịp chờ Thịnh trả lời đã quay ra nhìn cô ta gắt lên:

– Cô chứng tỏ mình không vô dụng đi rồi hãy nói người khác!

Cô ta tức đỏ mắt, lườm tôi thêm cái nữa, môi cắn chặt hậm hực, sau đó lại giả bộ dịu dàng nói:

– Thế giờ em phải làm gì hả anh?

Thịnh nhìn về phía xa, hất nhẹ hàm:

– Cô ra kia, hỏi chú béo áo vàng xem phải làm gì!

– Vầng, em biết rồi.

Cô ta bực bội quay đi. Từ nhỏ tôi đã không quen bị ai đó bắt nạt, thích đánh nhau tôi sẵn sàng lao vào luôn, chỉ là… so về sức khỏe với cô ta thì… cũng hơi e dè. Thịnh ngạc nhiên nhìn tôi, đáy mắt lóe lên tia thú vị, anh ta nhếch môi:

– Xem ra cũng biết bảo vệ bản thân đấy!

– Đương nhiên, động vào tôi không dễ đâu!

Tôi tỏ vẻ xù gai nhím. Thịnh phì cười, anh ta rót thêm nước vào cốc, lắc nhẹ cốc hỏi:

– Em cô bị sao?

Thịnh quan tâm điều này? Tôi hơi ngạc nhiên, buồn buồn trả lời:

– Em tôi mắc bệnh tim từ nhỏ, tại hồi mẹ tôi mang thai nó mà không biết nên uống thuốc hại cho nó…

Chẳng hiểu sao tôi lại giải thích rõ ràng cho Thịnh, có điều… tôi cảm thấy muốn chia sẻ với anh ta, cũng để anh ta hiểu hơn về hoàn cảnh khốn cùng của tôi mà có chút nào đó thông cảm, thế nên nói tiếp:

– Cứ mấy tháng em tôi lại phải vào viện Nhi, bệnh viện ở quê tôi không điều trị được, toàn phải ra thành phố. Trước bố mẹ tôi còn thì… tôi cũng không phải lo nghĩ nhiều thế này đâu… nhưng mà…

Tôi chưa nói hết câu hốc mắt đã cay xè, nước mắt bỗng lăn. Tôi gạt nước mắt, sụt sịt:

– Bố mẹ tôi mất cuối năm ngoái vì tai nạn giao thông, giờ nhà chỉ còn có hai chị em tôi thôi.

Thịnh trầm ngâm, không biết anh ta nghĩ sao, chỉ biết một lát sau mới cất lời:

– Chia buồn với cô.

– Cảm ơn anh.

Tôi có chút xúc động, quay sang bắt gặp ánh mắt dịu dàng đầy cảm thông từ Thịnh, nhịp tim bỗng chốc lại tăng vọt làm gò má tôi nóng ran lên. Tôi bặm môi, không muốn Thịnh nghĩ tôi kể ra để lợi dụng lòng tốt gì của anh ta nên nói tiếp:

– Tôi chỉ mong anh thông cảm cho tôi một chút chứ không có ý gì đâu.

Thịnh ừm nhẹ, anh ta nói:

– Tối nay cô đến đó à? Tôi nghĩ không nên.

– Thì… tôi đâu có tiền, hơn nữa… tôi ở cùng bạn nên chắc không sao đâu…

Phía sau nghe có tiếng lao xao, tôi và Thịnh đồng thời quay ra. Mấy người thợ xây đang ời ời gọi, giọng lo lắng:

– Thịnh, cậu lại đây, em gái vừa ngất xỉu đây này!

Thịnh cau mày đứng dậy, tôi cũng theo Thịnh bước về phía nhóm thợ xây đang tụ tập. Trời đất, nhìn cái mặt cô ta hồng hào thế kia mà xỉu cái nỗi gì? Tôi chẳng tin đâu.

Thịnh nhìn lướt qua, lạnh lùng nói:

– Các anh mang cô ấy vào giường đi!

Anh Nam cao kều và chú Hoàn béo phải vất vả lắm mới khiêng nổi gần tạ thịt, tôi nhìn vừa buồn cười vừa thương thương họ. Cô ta giả bộ cũng tài đấy. Thịnh bước theo họ, tôi cũng theo sau Thịnh vào trong phòng. Hai người thợ xây đặt cô ta nằm lên chiếc giường ván ghép xù xì, chắc hẳn cô ta không thích điều này tí nào đâu nhỉ?

– Hình như trong phòng có dầu gió…

Anh thợ xây răng khểnh tên Đức nhớ ra, anh ta liền lấy dầu gió để ở bậu cửa sổ xoa vào thái dương cho cô ta, một hồi cô ta cũng “tỉnh” lại, yếu ớt ngước nhìn Thịnh:

– Anh Thịnh… em bị say nắng… anh bế em về nhà đi…

Cô ta cất lời làm những người trong phòng không thể nhịn cười, có điều nhìn bộ dáng tỏ vẻ thảm thương của cô ta mà mọi người cũng đành cố gắng nén lại. Bế nổi cô ta chắc phải là lực sĩ chứ không đùa. Thịnh nhàn nhạt trả lời:

– Cô nằm đó nghỉ đi, khỏe thì về, từ sau đừng đến đây nữa.

Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc