Người cô từng quen biếtHứa Thanh Tranh có chút khó xử, bởi cô không biết sau khi tốt nghiệp có nên đến chỗ chú hai thực tập hay không. Chú hai cô là một đạo diễn kịch nói nổi tiếng, giàu kinh nghiệm, gần đây bỗng nổi hứng chuyển sang đạo diễn Côn khúc(*). Hồi thượng tuần tháng Tám, ông đã đăng vài dòng trên Wechat: "Đã qua sáu trăm năm mà vẫn còn loại hình nghệ thuật như thế này để chúng ta thưởng thức. Cảm ơn cân sinh (**) Tô Phách, khuê môn đán Đồng An Chi và tất cả các bạn trẻ yêu mến bộ môn nghệ thuật cổ Côn khúc này. Đợi vở Tây lâu ký kết thúc, chúng ta lại làm vở mới nữa nhé?”
(*) Côn khúc hay còn gọi là khúc hát vùng Côn Sơn, chiếm địa vị chủ yếu cuối thời nhà Minh ở Trung Quốc. Đến đời Thanh thì Côn khúc gọi là nhã bộ, rất được sĩ đại phu hâm mộ. Côn khúc tích hợp các bài hát dân gian từ miền Nam Trung Quốc, lời bài hát phần lớn được chuyển thể từ các tác phẩm văn chương đương đại. Phần chính của Côn khúc là hát theo kiểu nhạc kịch, một trong những cách hát vô cùng khó, các bài hát có nhạc đệm nhẹ nhàng, kết hợp với phần biểu diễn chủ yếu là đơn ca và múa do chính người hát thể hiện minh họa cho bài hát.
(**) Cân sinh chỉ những diễn viên nam trẻ tuổi, đội khăn mền, thiên về văn.
(***) Đán chỉ những diễn viên đóng vai nữ. Theo tuổi tác phân chia thành lão đán, tiểu đán. Khuê môn đán là cách gọi người con gái thời xưa.
Lúc này, hai chữ "Tô Phách" hiện lên trước mắt khiến cô cảm thấy có chút quen quen. Cái tên này không hẳn là hiếm gặp, nhưng cô thoáng nhớ đến quãng thời gian hồi thiếu nữ, đã từng rung động đến nỗi suýt cầm lấy ngón tay út của người ta, cái người cũng có tên là Tô Phách ấy. Chàng thiếu niên đó chẳng phải cũng học Côn khúc sao? Nhưng rồi cô lại nghĩ, chắc là trùng tên thôi mà! Thế giới rộng lớn như thế thiếu gì chuyện trùng hợp?
Chưa đến hai ngày sau, chú hai cô lại đăng lên áp phích và ảnh diễn viên của Tây lâu ký. Nói thật là dàn diễn viên sau khi được hóa trang thì có khi bố mẹ họ cũng không nhận ra được ấy chứ. Thanh Tranh nhìn mấy tấm áp phích và bức ảnh đó thì chỉ cảm thấy đẹp mà chẳng nhận ra ai cả. Cho đến khi lướt đến trang cuối cùng, nhìn thấy nam nữ chính mặc trang phục hiện đại, cô mới sững người. Nữ chính mặc chiếc váy liền màu trắng ngồi tựa vào ghế, một vẻ đẹp e ấp như đóa hoa hải đường mùa xuân. Còn nam chính đứng cạnh nữ chính, áo trắng quần đen, khuôn mặt anh tuấn, vài sợi tóc vương trước trán cùng hai hàng lông mày đen sậm như vẽ, càng làm nổi bật đôi mắt sáng và có hồn.
Thanh Tranh nhìn ngắm khuôn mặt của nam chính vài giây, rồi hít sâu một hơi, thầm nhủ: Đây chẳng phải là người mà cô từng biết hay sao?
Ký ức mơ hồ thời thiếu nữ dần dần hiện lên rõ nét, giống như chiếc lọ ước nguyện cũ kĩ bị vùi sâu dưới lớp cát, nhờ cơn gió nghịch ngợm thổi tới mà trồi lên khỏi mặt đất. Trong chiếc bình ấy cất giấu năm tháng tuổi thanh xuân chưa từng bị hoen gỉ, cất giấu những mơ mộng hão huyền trong sáng, vô tư.
Bản thân cô hồi đó vẫn là thiếu nữ hay mộng mơ, dù tính từ lúc họ có bao lời chưa ngỏ, sánh vai bước bên nhau đến lúc chia xa còn chưa được hai mươi ngày. Cây anh đào nở hoa bên trường kịch, hoa còn chưa tàn, vậy mà trong hai mươi ngày đó, cô đã nghĩ xong việc họ ở bên nhau đến đầu bạc răng long. Đương nhiên vì kết quả không như mong muốn, sau hai mươi ngày đó, trái tim thiếu nữ của cô cũng vỡ tan thành từng mành.
Giờ nghĩ lại quãng thời gian ngắn ngủi ấy, chuyện của họ thật giống như đến giữa đêm khuya, rời đi khi trời sáng, đến như giấc mộng xuân ngắn ngủi, đi như đám mây lang thang.
Cô vốn học chuyên ngành đạo diễn kịch nói, muốn đến chỗ chú hai thực tập, nhưng với tình hình như hiện nay cô không khỏi cảm thấy nản lòng, chưa kể đến quãng thời gian "giống như một trò đùa" ấy thì với Côn khúc, cô quả thực chẳng hiểu gì.
Thế nên sau khi chần chừ do dự mãi, thông qua giới thiệu của thầy giáo, cô đã liên hệ với một tiền bối khác, nhưng vừa liên hệ được với họ thì chú hai cô lại gọi điện đến.
Chú hai vừa thấy cô nghe máy liền hỏi ngay. "Lão Đàm nói cháu tốt nghiệp xong muốn thực tập ở chỗ lão ta à? Trước đây cháu chẳng nói sẽ đến tìm chú hai của cháu ư, sao bây giờ lại tim người khác thế?"
Cô vội vàng giải thích: "Chẳng phải chú làm Côn khúc sao? Cháu chẳng hiểu chút nào về Côn khúc cả, sợ làm phiền chú thôi.”
“Nói về Côn khúc, trước đây chú cũng chỉ nghe qua, lúc làm đạo diễn phải mời rất nhiều người chỉ đạo nghệ thuật đến giúp đấy chứ. Cháu cứ nghe nhiều, học nhiều, đi theo một thời gian là hiểu, lo gì. Học nhiều hiểu nhiều, cháu sẽ học được rất nhiều thứ khác nữa đấy.” Chú hai ân cần khuyên nhủ.
Sau đó, cô cũng cảm thấy không nên vì việc tư mà bỏ việc công, vì cái nhỏ mà mất cái lớn, sao phải đắn đo mấy chuyện từ tám, chín năm trước. Hơn nữa, nói thật là nếu không vì cái tên và tấm ảnh của đối phương cứ đập vào mắt thì có lẽ cô cũng gần như quên rồi, dù sao chuyện đó cũng trôi qua đã quá lâu.
Mà có khi người ta cũng quên cô từ lâu rồi, hơn nữa thiếu nữ khi đã bước qua tuổi mười tám thường có nhiều thay đổi. Năm đó, gương mặt cô vẫn còn bầu bĩnh trẻ con, chẳng nhìn thấy lúm đồng tiền trên má, ngay cả bản thân cô xem lại mấy tấm ảnh của mình khi đó còn cảm thấy xa lạ nữa là.
Khi đã nghĩ thông suốt, cô không còn do dự nữa. "Vậy... cháu đồng ý ạ."
“Ừ, thế nhé, ngày mai cháu đến rồi tự cảm nhận xem thế nào. Tối mai là màn cuối vở kịch Tây lâu ký đấy. Có điều vé bán hết sạch rồi, cháu đứng ở cánh gà xem vậy".
Thực ra Thanh Tranh biết vở kịch này rất thành công, đặc biệt thu hút sự chú ý của một lượng lớn sinh viên. Từ giữa tháng Tám bắt đầu tuyên truyền vở Côn khúc Tây lâu ký phiên bản thanh xuân, đến nay mới là thượng tuần tháng Chín mà cô thấy không ít bạn học trong Wechat nói về vở kịch này. Cô luôn biết chú hai là đạo diễn kịch nói đại tài, danh tiếng vang xa, nhưng không ngờ ngay đến Côn khúc, chú làm cũng giỏi như vậy.
Xem ra, chú vừa có cái tâm làm nghệ thuật, kết hợp với khả năng nắm bắt thị hiếu độc giả rất tài nên đầu tư vào vở kịch nào cũng đạt hiệu quả đáng kinh ngạc, đúng là cô cần phải học tập chú hai nhiều hơn mới được.
Thế là ngày hôm sau, cô bắt một chiếc taxi đến Nhà hát lớn Bách Châu.
Bây giờ cô đang nói chuyện điện thoại với bạn cùng phòng Thi Anh Anh. Cô bạn này đang thực tập ở tỉnh khác, gần đây gặp nhiều chuyện phiền phức, thường gọi điện buôn dưa lê với cô. Hôm nay, khi biết cô quyết định thực tập ở chỗ chú hai, cô nàng lại tuôn ra một tràng ngưỡng mộ xen lẫn ghen tị: "Chúng ta nên đổi vị trí cho nhau mới phải, thật đấy! Cậu thì luôn có khả năng xử lý mấy chuyện phiền toái, còn tớ đây là một fan cứng của kịch, đúng là ngược đời mà."
"Chẳng phải trước đây cậu từng nói, cậu chỉ thích xem kịch của nghệ sĩ có tên tuổi, mấy vở kịch mới nổi cậu sẽ tắt luôn ti vi hay sao?"
"Trước đây thì đúng là như vậy, nhưng hôm qua vô tình lướt Weibo, xem được một đoạn của Tây lâu ký - Ngoạn tiên. Nói một cách công bằng thì diễn viên kịch trẻ mà có chất giọng và dáng vóc như thế là rất đáng nể. Tớ cực kỳ độ lượng với người có thực lực đấy."
"Vâng, cám ơn cậu đã luôn độ lượng với tớ."
Thi Anh Anh cười, mắng: "Cậu không tự sướng thì sẽ ૮ɦếƭ à?"
"Đâu còn cách nào khác, sắp phải làm việc dưới đáy của xã hội rồi, cơ hội tự sướng đâu còn nhiều nữa."
Thi Anh Anh nghe xong, lại không kìm được kể lể mấy chuyện phiền toái gần đây của mình. Lúc sắp đến cổng Nhà hát lớn, hai người họ mới kết thúc cuộc nói chuyện.
Vừa từ trên xe bước xuống, ngước mắt nhìn lên, Thanh Tranh đã thấy tấm áp phích khổng lồ treo ngay ở trên quảng trường chính trước cổng Nhà hát lớn. Nam nữ chính mặc trang phục diễn kịch nhìn nhau đắm đuối, xung quanh là hoa lá rực rỡ sắc màu. Tấm áp phích này cô đã từng nhìn thấy trong Wechat của chú hai. Lúc đó, cô có cảm giác màu sắc thật đẹp, bây giờ nhìn gần mới càng cảm nhận rõ vở kịch tiếp sau đây chính là một bữa tiệc linh đình cho thị giác.
Thanh Tranh đứng đó ngắm nghía một lúc, thỉnh thoảng có người đi qua cũng ngước mắt nhìn tấm áp phích.
Không hiểu sao khoảnh khắc này khiến cô nhớ về năm ấy, hình ảnh nam chính đầu đội khăn xanh, gương mặt tuấn tú trong tấm áp phích kia bỗng biến thành chàng thiếu niên với mái tóc ngắn cũn như người vừa mới cạo trọc đầu không lâu, chỉ có một lớp tóc đen mọc lún phún.
Cô nhớ hồi đó thời tiết vẫn chưa vào hè, cô hỏi anh: "Anh để tóc thế này, da đầu có lạnh không?" Nhưng mà cô lại quên anh trả lời thế nào rồi, vì thực sự đã quá lâu.
Đang miên man nghĩ ngợi thì điện thoại đổ chuông.
Là số điện thoại của Tiểu Triệu, trợ lý mới của chú hai, dãy số này trước đó chú hai đã nhắn cho cô. Lúc gần đến nơi, cô đã gửi tin nhắn cho Tiểu Triệu.
"A lô, cô Hứa phải không, tôi là Tiểu Triệu, cô tới chưa?"
"Đúng rồi ạ, tôi vừa mới tới."
"À tôi có chút việc bận, phiền cô đợi tôi mười phút được không?" Từ trong điện thoại, Thanh Tranh nghe thấy tiếng thở gấp, hình như anh ta đang chạy.
"Không sao ạ, anh cứ làm việc của anh đi, tôi không vội." Cũng còn lâu mới tới giờ diễn kịch, do cô đến sớm quá thôi.
"Được, được, vậy chúng ta gặp nhau ở cổng sau nhé."
"Vâng.”
Cúp điện thoại, Thanh Tranh đi dạo loanh quanh một lúc ở quảng trường, sau đó mới men theo con đường nhỏ đi ra cổng sau của Nhà hát lớn.
Từ phía xa xa, những lẵng hoa nhô ra khỏi cổng sau thu hút sự chú ý của cô. Cô nhớ trong các bộ phim thời dân quốc những giỏ hoa tặng đều được đưa vào từ cửa sau.
Cách cổng sau chỉ khoảng hai mươi mét, cô nhìn thấy một bóng người bước ra từ hậu trường tối mờ mờ.
Thanh Tranh tưởng đó là Tiểu Triệu liền rảo bước về phía trước, đang định vẫy tay ra hiệu thì nhìn thấy đối phương đeo khẩu trang và đội mũ lưỡi trai màu đen, mặc bộ quần áo thể thao màu đen, tay thon dài, chân dài thẳng tắp, trông rất được... Có điều, ăn mặc như vậy để đến đón người ta không phải là quá kỳ lạ hay sao?
Nhìn kĩ lại, cô mới phát hiện người đó đang gọi điện thoại, bước đến cổng, người đó dừng lại, nhìn lướt qua mấy lẵng hoa.
Thanh Tranh nghĩ, người này chắc chắn không phải là Tiểu Triệu, do vậy cô không bước qua đó làm phiền người ta gọi điện thoại nữa. Thế là cô đứng đợi bên đường, trời chiều hoàng hôn bao phủ một màu xanh đậm nhạt đan xen, ở giữa có những vệt phớt hồng, vàng rực, Thanh Tranh bất giác ngẩng đầu lên nhìn.
Khi cô nhìn về phía cổng sau của Nhà hát lớn lần nữa thì thấy người mặc áo đen vừa nãy đã gọi xong điện thoại, đang nhanh nhẹn đổi vị trí hai lẵng hoa to đặt gần cổng sau nhất, sau đó mới quay người bước vào bên trong.
Thanh Tranh nhìn mà chẳng hiểu gì, có điều đối phương đã đi rồi nên cô cũng dứt khoát bước vào trong.
Cô thấy ở cổng sau không có ai, không biết có thể vào trong không nhỉ? Thử xem sao!
Ai ngờ cô vừa bước lên bậc thềm của Nhà hát lớn thì một bác bảo vệ to cao mặt đen như Bao Công, đột ngột xuất hiện, chặn ngay cô lại.
"Mời cô xuất trình thẻ công tác."
"Bác ơi, cháu tìm đạo diễn Hứa."
“Tìm đạo diễn Hứa mà không có thẻ công tác thì cũng không được vào. Đây là lời của ông ấy.” Bác bảo vệ thiết diện vô tư, thật đúng với khuôn mặt của bác.
Thanh Tranh chẳng còn cách nào khác, đành cười với bác bảo vệ rồi kiên nhẫn đứng cạnh cửa đợi Tiểu Triệu, nhân tiện quan sát lẵng hoa mà người đó vừa xê dịch. Cô thấy một lẵng hoa ghi băng rôn “Thủy mạt chính âm Phong Nhã Tụng – Chúc buổi biển diễn của Thẩm Già Công thành công tốt đẹp!", còn một lẵng khác thì ghi “Phong động nhất sơn xuân sắc – Chúc buổi biểu diễn của Hạ Tô Phách thành công tốt đẹp!”.
Hai lẵng hoa đều được viết chữ to đẹp, giữa lẵng hoa cắm cẩm tú cầu nhiều màu sắc, bên trên là hoa hồng, bên dưới là hồng môn, còn có những bông hoa nhỏ và lá điểm xuyết mà cô nhìn rất quen nhưng không nhớ ra tên.
Thanh Tranh quan sát tỉ mỉ một hồi, thấy lẵng hoa của Thẩm Già Công cao hơn một chút so với lẵng hoa của Tô Phách. Nhưng trước đó, vì lẵng hoa của Tô Phách đặt ở trên bậc thềm nên cao hơn hẳn lẵng hoa của Thẩm Già Công, tuy nhiên, sau khi được người mặc áo đen đó đổi lại, lẵng hoa của Thẩm Già Công rõ ràng đã cao hơn lẵng hoa của Tô Phách một gang tay.
Hình như có ẩn tình gì đó, Thanh Tranh nghĩ thầm.
Mặc dù cô không hiểu lắm những chuyện như thế này nhưng nếu có người để ý đến vị trí cao thấp của những lẵng hoa thì cô đoán, trong chuyện này nhất định là so đo vai vế gì đây.
Dù sao trong lúc chờ đợi cũng không có việc gì làm, cô bèn lấy di động ra, tra tìm người có tên là Thẩm Già Công.
Thẩm Già Công và Tô Phách là bạn học cùng trường, đều tham gia học cân sinh và quán sinh. Thẩm Già Công trông dáng vẻ nghiêm túc, chững chạc, lớn hơn Tô Phách hai tuổi, vào trường kịch sớm hơn Tô Phách, nên Tô Phách gọi anh ta là sư huynh.
Có điều, diễn viên nổi tiếng hay không không phụ thuộc vào trường trước hay sau, nhìn khắp nơi đều thấy hoa tặng nam nữ chính là đủ biết, Thẩm Già Công vẫn kém hơn chút. Độc giả trên mạng cũng bày tỏ, trong vở Tây lâu ký phiên bản thanh xuân lần này, mặc dù Thẩm Già Công đóng hai vai, nhưng một vai chỉ là vai phụ lúc mở màn, bước ra xướng mỗi khúc Tiêu mục - lâm giang tiên, còn một vai quan trọng hơn, nhưng cũng là vai phụ, diễn công tử chơi bời của nhà tướng quốc.
Thế nên mới có người không thích Tô Phách, đi đổi lẵng hoa ư?
Hay nói cách khác, đó chính là Thẩm Già Công ư? Người vừa nãy quả thực có tư chất của một diễn viên, cho dù không nhìn thấy mặt, nhưng nhìn vóc dáng cũng có thể biết được...
Cô chưa kịp suy đoán lung tung gì thêm thì bên trong thấy có một người vội vàng chạy ra.
"Xin lỗi, xin lỗi!" Người này chạy ào đến trước mặt Thanh Tranh như một cơn gió. "Cô là cô Hứa phải không? Xin lỗi đã để cô đợi lâu."
"Anh Tiểu Triệu?" Thanh Tranh lịch sự mỉm cười.
Tiểu Triệu cười ha hả, lấy thẻ công tác trong túi ra, đưa cho Thanh Tranh. "Cô cất kĩ nhé, vì mấy hôm trước có fan lẻn vào bên trong nên đạo diễn Hứa thắt chặt kỷ luật hậu trường, tất cả mọi người ra vào đều cần có thẻ công tác."
"Vâng, tôi biết rồi, cảm ơn anh."
"Vậy tôi đi làm việc đây, cô cứ tự nhiên nhé." Nói xong, Tiểu Triệu rời đi nhanh như một tia chớp.
Ngoảnh đầu nhìn lại lẵng hoa, Thanh Tranh bật cười, rồi giơ tấm thẻ công tác cho bác bảo vệ, sau đó ung dung bước vào trong hậu trường.