Tìm Tấm Gương Tốt Cho Con Học TậpTôi dắt díu những đứa con của mình trở về quê hương là muốn chúng được tiếp cận với một phương pháp giáo dục tốt hơn, trở thành những nhân tài đa năng. Vì trước sau tôi luôn giữ cách nghĩ của các bà mẹ Trung Quốc: học hành thi cử vẫn là con đường công bằng nhất làm thay đổi số phận con người. Nên dù phải bán hết gia tài, dù phải đi ăn xin, tôi cũng quyết nuôi con theo học trường điểm và lên đại học.
Dĩ Hoa tính tình hướng nội, làm việc điềm tĩnh, đối với vấn đề giáo dục học tập của nó, tôi chọn phương pháp phân tích, thảo luận, tạo cho nó một chút áp lực vừa phải, thôi thúc nó bước lên phía trước. Song, tôi không thể áp dụng phương pháp này với Huy Huy. Thằng bé có chủ ý, tính độc lập và tư chất kinh doanh cao hơn anh trai mình, vả lại Huy Huy đã được nếm trái ngọt trong kinh doanh, liệu nó có trở thành nô lệ của đồng tiền, không yêu tri thức mà chỉ yêu tiền bạc? Dường như tôi cũng lờ mờ nhận ra trong đầu nó có những sợi ý nghĩ học tập chẳng có tác dụng gì, nhưng nếu mỗi ngày tôi đều càm ràm bên tai nó “trung thư tự hữu hoàng kim ốc, trung thư tự hữu nhan như ngọc” thì chỉ e là nước đổ lá khoai.
Phải làm sao đây? Đúng lúc này đã xảy ra một sự việc, tôi chớp lấy cơ hội và thực hiện phương pháp “giáo dục theo từng hoàn cảnh” đối với Huy Huy.
Hôm ấy, sau khi đi học về, Huy Huy tới tiệm bánh mì làm thêm. Qua lớp cửa kính, nó tình cờ trông thấy một anh thanh niên trí thức phong độ, lái chiếc siêu xe lượn một đường cong hoàn hảo rồi tấp vào bên ngoài quán cà phê, điểm đến quen thuộc của các danh nhân nổi tiếng, một cô gái rất sành điệu mở cửa bước lên xe, chiếc xe lại lao ✓út đi. Trở về nhà, Huy Huy kể lại chuyện này cho tôi nghe bằng giọng điệu vô cùng ngưỡng mộ.
Tôi khéo nhắc Huy Huy: “Con trai à, người không có tri thức thì không thể có cuộc sống hiện thực như vậy được. Con chỉ thấy những thương nhân Do Thái có đầu óc kinh doanh giỏi, nhưng con biết không, thương nhân Do Thái có kiến thức sâu rộng đều có trình độ học vấn cao, nếu con không có trình độ văn hóa, thì con chỉ có thể làm một con buôn nhỏ, sống tạm qua ngày, không bao giờ được xếp vào hàng thương nhân lớn. Cũng không có được cuộc sống như con mong muốn.”
Người Do Thái đã sớm đưa tri thức lên làm “vốn liếng”, “của cải”, họ ví tri thức “là của cải lúc nào cũng có thể mang theo bên mình mà không sợ ai ςướק mất.” Trong mắt người Do Thái, những thương nhân không có tri thức không được coi là thương nhân chân chính. Phần lớn thương nhân Do Thái đều có học thức uyên bác, đầu óc mẫn cán, cử chỉ nho nhã, tương tự như “nho thương” của Trung Quốc. Thoạt nhìn họ giống học giả hơn, vì ở họ toát lên phong thái của người trí thức.
Nghe tôi nói vậy, Huy Huy bỗng có động lực học tập: “Mẹ, con nhất định phải đọc sách, hơn nữa phải đọc sách thật giỏi.” Thằng bé lập tức hứa sẽ biến lời nói thành hành động thực tế. Những lúc đi làm ở tiệm bánh mì, nó dán sách photocopy lên giá, có thời gian rảnh là lại ngó mắt nhìn. Ở nhà, nó dán chi chít bảng từ đơn trên đầu giường, trước khi đi ngủ đều học thuộc một lượt các từ vựng học buổi sáng, thậm chí nó còn dở nát nhàu cả một cuốn Khái niệm mới về tiếng Anh mang từ Trung Quốc sang.
Sau này, có lần tôi và Huy Huy làm khách mời chương trình Tham vấn tâm lý của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, sau khi nghe Huy Huy chia sẻ quá trình tự học này với quý vị khán giả, Trần Tuệ, chuyên gia tham vấn tâm lý xúc động nói: “Khi phụ huynh Trung Quốc khuyến khích con em mình cố gắng học tập, họ thường vẽ cho trẻ một viễn cảnh tốt đẹp, nhưng việc phụ huynh vẽ ra viễn cảnh cho trẻ chỉ có tác dụng khích lệ khá nhỏ. Còn viễn cảnh của Huy Huy là do bản thân anh tự vẽ ra cho mình dưới sự khuyến khích của phụ huynh, vì Huy Huy muốn một cuộc sống như vậy, cho nên viễn cảnh của anh không phải là viễn cảnh của người khác, không phải là hư hão, mà đó là viễn cảnh rất cụ thể và thực tế. Dưới sự khích lệ của phụ huynh, viễn cảnh ấy càng tạo động lực cho anh phấn đấu. Vì vậy, khi phụ huynh tạo điều kiện vật chất vô cùng ưu việt cho trẻ, thì trước mắt chúng còn có thứ gì tốt hơn thế, trẻ sẽ không có ước muốn gì nữa. Con trẻ càng được ăn sung mặc sướng thì càng cảm thấy không có mục tiêu.”
Qua sự việc này có thể thấy, hiệu quả của việc trẻ yêu thích học tập, tự hoạch định lý tưởng của mình so với việc cha mẹ thúc ép trẻ học tập, xây dựng lý tưởng, khác nhau một trời một vực. Phụ huynh giúp con cái thực hiện mục tiêu học tập trong hoàn cảnh trẻ đã có lý tưởng và mục tiêu của đời mình, thì chúng sẽ không nảy sinh tâm trạng chống đối.
Tôi tình cờ đọc được tự truyện của Jack Welch, nguyên Tổng Giám đốc của Tập đoàn General Electric, người từng được ca ngợi là “CEO vĩ đại nhất trong lịch sử”, ông viết trong cuốn tự truyện như sau: Năm tôi chín tuổi, theo lời khuyên của cha, tôi nhận công việc vác gậy và nhặt bóng ở sân golf. Cha tôi không bảo tôi đi làm công việc này vì thù lao cao, sau chuyện này ông giải thích với tôi, ông hy vọng tôi đến nơi những người thành công thường lui tới nghỉ ngơi, thư giãn, nhận được sự khích lệ qua quá trình quan sát lời nói cử chỉ của họ, từ đó tìm được lý tưởng và tấm gương của cuộc đời mình, tìm được người mà mình cũng muốn trở thành người như thế. Quả thật, Jack Welch không phụ lòng dạy bảo của người cha, nhờ khả năng học hỏi, noi gương người khác cộng với những sự cố gắng, trau dồi của chính bản thân mình, ở tuổi bốn mươi lăm, ông đảm nhiệm chức vụ CEO của một công ty đã có lịch sử hàng trăm năm tuổi, đạt được ước mơ tốt đẹp mà ông đã đề ra từ thời niên thiếu.
Tôi quan sát rất nhiều gia đình Trung Quốc và nhận thấy, các bậc phụ huynh thường theo sát con em mình từng bước, đặt gánh nặng lên vai chúng. Tôi sử dụng cụm từ “rối loạn hành vi cưỡng chế” để miêu tả hành vi của một số phụ huynh là không quá chút nào. Vừa đi làm về đến nhà, những vị phụ huynh này đã chạy vào kiểm xem con em mình có ngồi bên bàn học hay không, nếu thấy trẻ xem ti vi, họ sẽ thúc giục chúng mau đi làm bài tập. Nếu trẻ không nghe lời ngay tức khắc, họ sẽ nổi giận lôi đình cho đến lúc chúng chịu cầm sách bài tập lên mới thôi. Còn nếu trẻ răm rắp ngồi vào bàn học, họ sẽ cảm thấy khoan khoái, trong lòng tràn đầy hy vọng. Không ít phụ huynh không biết rằng, những hành vi lặp lại kiểu này sẽ khiến trẻ hình thành phản xạ có điều kiện không tốt, giảm hiệu quả học tập, hễ cha mẹ mở miệng, phản ứng trực tiếp nhất của trẻ là không muốn nghe, bực dọc và dần sinh ra phản ứng chống đối.
Có lẽ từ trước tới giờ những vị phụ huynh này chưa từng nghĩ, lùi một bước có thể giúp con em họ nhận thức mối quan hệ quan trọng giữa học tập và gia đình đối với tương lai của chúng. Theo tôi, bất luận con cái bao nhiêu tuổi, phụ huynh đều phải cho chúng nhận thấy mình là một phần của gia đình, nhận thấy mối liên hệ mật thiết giữa số phận của mình và những nỗ lực hiện tại. Thật ra, đây cũng là một cách để cha mẹ bồi dưỡng tinh thần tự chịu trách nhiệm về cuộc đời cho con trẻ. Nếu có cơ hội, cha mẹ hãy cùng con tìm kiếm một người xuất sắc, tài đức vẹn toàn trong lĩnh vực chúng ta có hứng thú để cho trẻ noi theo. Đương nhiên, chúng ta không nên hiểu định nghĩa khái niệm thành công theo nghĩa hẹp, xung quanh chúng ta có rất nhiều người ưu tú có thể làm hình mẫu và lý tưởng cho con em mình.
Tôi liên tưởng đến một chương trình truyền hình nước ngoài có tên gọi là Con cái trong thực tiễn được các bậc cha mẹ vô cùng ủng hộ. Nội dung chương trình là trẻ đi theo nhóm người làm nghề nào đó, quan sát để tìm ra những khó khăn, thành tựu trong công việc của họ, cuối cùng những điều này gợi cho trẻ những suy nghĩ gì.
Cha mẹ rút về hậu phương giúp con cái xây dựng quan niệm học tập có tính tự chủ dựa trên sự hứng thú và ước muốn của trẻ. Một khi đã hình thành, quan niệm này sẽ đi theo trẻ suốt đời. Còn khi trẻ đã không có tính tự chủ, cho dù phụ huynh cho trẻ tham gia lớp học phụ đạo nhiều tiền, mua tài liệu dạy học đắt đỏ, cũng không thể hướng con mình đi theo con đường đúng đắn.
Lại nói đến Huy Huy, tôi dùng cách giáo dục hứng thú và cuộc sống ước mơ, thôi thúc thằng bé tự tạo ra ham muốn học tập. Đến khi Huy Huy vào đại học, tôi có thể khoanh tay ngồi nhìn, hoàn toàn không lo nó xao nhãng việc học. Vì, trong đầu nó đã có quyết tâm “tôi phải trở thành người như thế”, “sau này tôi phải làm…” và nó biết ước muốn ấy không tự nhiên biến thành hiện thực, cho nên nó cần phải vạch ra kế hoạch thật tốt và thực hiện từng bước một.
Quả nhiên, trong thời gian học đại học, Huy Huy không những hăng say học ngoại ngữ, mà còn có hứng thú đối với lĩnh vực giám định kim cương. Để nắm vững những kiến thức về ngành này và sớm trở thành người giám định chuyên nghiệp, thằng bé trân trọng thời gian từng giây từng phút. Huy Huy từng nói với tôi: “Trong ký túc xá ngày nào con cũng là người đi ngủ muộn nhất và dậy sớm nhất. Con quý trọng thời gian hơn các bạn.” Ngoài kiến thức chuyên ngành ra, chỉ cần có thời gian rảnh, Huy Huy lại tham gia các loại hội chợ quốc tế, làm phiên dịch, phân phát tài liệu, tuyệt đối không lãng phí thì giờ mỗi ngày.
“Mẹ ơi, con muốn một cái đồng hồ, đồng hồ của con hỏng rồi.” Huy Huy thủ thỉ.
“Nhưng thôi mẹ ạ. Không cần mua đâu, nhà mình vẫn còn một cái đồng hồ cũ, con dùng cái đó cũng được.” Huy Huy lại bổ sung một câu.
“Đi thôi con, chúng ta đi mua đồng hồ!”
Tôi mua cho con trai một cái đồng hồ Longines tại một cửa hàng đồng hồ nằm ở phía bắc đường Tứ Xuyên.
“Mẹ, đeo chiếc đồng hồ mẹ mua cho con, con càng phải quý trọng từng giây từng phút.”
Sau khi trở thành một thương nhân kim cương có chút tiếng tăm ở khu vực Thượng Hải, Huy Huy vẫn không dừng chân, tiếp tục chạy đua với thời gian. Khi được hỏi về bí quyết thành công của mình, Huy Huy trả lời: “Tìm được con đường mình thích và am hiểu. Vì bản thân tôi có hứng thú đối với ngành kim cương, nên tôi mới tràn đầy nhiệt huyết, không sợ khó không sợ khổ, phấn đấu cho đến khi trở thành người chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực này. Có hứng thú, tôi có thể tập trung tinh thần và sức lực vào làm việc một cách tự nhiên, cảm thấy vui vẻ, đồng thời thành công cũng từ đây mà ra.”
Miosujw, chuyên gia đào tạo nguồn nhân lực Israel, cố vấn cho công ty phát triển đội ngũ quốc tế chỉ ra rằng: “Cần phải cho trẻ biết ‘con muốn học’, ‘con có hứng thú học’, thì đứa trẻ mới có khả năng học tập và suy xét!” Ngày nay là “thời đại thông tin”, tương lai là thời đại “bùng nổ tri thức”, về mặt khách quan, thời đại này sẽ thử thách khả năng học tập suốt một đời của mỗi người.
Cha mẹ không thể lúc nào cũng kè kè bên con, đốc thúc chúng học tập suốt đời, vì nhiều khi trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Như một chuyên gia đào tạo nguồn nhân lực Israel từng nói: khả năng học tập suốt đời được xây dựng dựa trên hứng thú và mong muốn của mỗi người. Cho nên, chúng ta hãy học tập các bậc cha mẹ Do Thái, rút về hậu phương một cách chuẩn mực để tinh thần hứng thú, hăng say học tập của con trẻ thay thế những nỗi lo lắng, bất an trong lòng chúng ta, dẫn dắt con trẻ hướng ra thế giới rộng lớn, giàu lý tưởng hơn, đó chính là điểm mấu chốt thay đổi vận mệnh tương lai của con cái. Đứng ở vị trí hậu phương, việc các bậc cha mẹ chúng ta nên làm là: Phân tích tố chất đặc biệt của trẻ, làm tham mưu và quân sư của chúng, giúp chúng mau chóng tìm được hứng thú và ước muốn của mình.