Ưu Điểm Của Việc Mô Phỏng Hoàn Cảnh Gia ĐìnhThông thường chúng ta nói đến câu “chưa có điều kiện thì hãy tạo ra điều kiện” trong trường hợp khắc phục hoàn cảnh khó khăn. Ít ai ngờ rằng, các bậc cha mẹ Do Thái lại sử dụng câu nói này để áp dụng vào hoàn cảnh sống hiện tại chưa có những khó khăn, vất vả. Nhưng dù là tự tạo điều kiện đi nữa, họ cũng muốn con em mình hiểu cực khổ là gì, mồ hôi là gì và đâu là chân lý cuộc sống.
Người Do Thái có ba ngày lễ lớn là lễ Vượt qua, lễ Ngũ tuần và lễ Lều tạm. Khác với ngày lễ thắng lợi, ăn mừng của đa số các dân tộc, ngày lễ trọng đại nhất của người Do Thái là ngày kỷ niệm khổ nạn, tức lễ Vượt qua. Lễ Vượt qua được cử hành vào dịp thu hoạch vụ mùa, các bậc cha mẹ kể lại lịch sử dân tộc cho con trẻ nghe để chúng tưởng niệm những gian khổ xưa kia của cha ông, bồi đắp ý chí vươn lên. Trên bàn tiệc có rau thơm non tượng trưng cho mong muốn mùa xuân vạn vật sinh sôi nảy nở; nước mặn tượng trưng cho nước mắt người Do Thái bị áp bức, rau đắng biểu thị nỗi khổ nô dịch và bánh không men là thực phẩm các vị tổ tiên từng ăn khi đi tìm tự do. Lần đầu tiên con gái tôi tham gia ngày “lễ Vượt qua” ở Israel, nhà trường cũng phát cho nó loại bánh mì và rau rất khó ăn ấy. Các thầy cô giáo còn dành riêng ngày hôm đó giảng cho học sinh nghe những đạo lý sâu sắc.
Ở Israel, bất luận là gia đình giàu có hay là gia đình bình thường, dù có điều kiện kinh tế như thế nào cũng không nuông chiều con cái, họ có ý thức “sáng tạo” một vài hoàn cảnh khó khăn cho trẻ rèn luyện ý chí của mình, từ đó trẻ biết cách thích nghi với những sóng gió bất ngờ ập đến trong cuộc sống sau này.
Thậm chí những người cha giàu có còn cất công đưa con mình tới trường quý tộc, tiếp nhận giáo dục ý chí. Các trường quý tộc như thế này ở Israel khác hẳn các trường quý tộc mang đến cho trẻ một cuộc sống sung sướng của Trung Quốc. Nhà trường không cung cấp thức ăn ngon, quần áo đẹp, họ cho trẻ ăn những bữa cơm đạm bạc nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Ở trong ký túc, trẻ em nam phải tắm nước lạnh và không được đắp chăn quá dày. Thầy giáo cố ý đưa trẻ ra sân tập thể dục trong tiết trời xấu. Ngoài ra, nhà trường còn thiết kế những bài học đặc biệt như, yêu cầu trẻ giặt quần áo bằng tấm bảng giặt, dùng đòn gánh gánh nước hoặc khiêng nước về nấu cơm. Tại sao những người cha giàu có ở Israel lại đang tâm cho con em mình vào “ngôi trường khổ ải” như vậy? Mục đích của họ là hướng cho trẻ loại bỏ sự yếu ớt, có thể coi chịu khổ là vinh quang, coi ý chí kiên định là cao thượng, xây dựng giá trị quan phù hợp với tự nhiên, đồng thời xây dựng bản lĩnh thật sự, biết cách thích nghi với cuộc sống thực tế qua môi trường rèn luyện khắc nghiệt này. Trong mắt những người cha giàu có, mô phỏng hoàn cảnh sống là những gì cha mẹ nhọc lòng vun đắp cho con, so với thỏa mãn quá mức và thỏa mãn trước, thì đây mới là tình yêu đích thực cha mẹ cần dành cho trẻ.
Giải pháp này của người Do Thái giúp con trẻ khi lớn lên sẽ nhận được rất nhiều lợi ích. Trong cuộc sống sau này chúng luôn biết ơn sâu sắc tấm lòng của cha mẹ. Đến khi những đứa trẻ này trưởng thành, chúng cũng đặt ra những yêu cầu tương tự đối với con cái mình, từ đó hình thành truyền thống giáo dục và trở thành một khuôn mẫu cố định về giáo dục gia đình của người Israel.
Thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng là một cơ hội tốt để thế hệ trẻ của Israel tiếp nhận giáo dục sinh tồn. Israel áp dụng rộng rãi chế độ nghĩa vụ quân sự đối với tất cả công dân nam từ mười tám đến hai mươi chín tuổi và công dân nữ từ mười tám đến hai mươi bốn tuổi, những thanh niên không rơi vào trường hợp đặc biệt đều phải đi bộ đội. Năm 2009, cô con gái út của tôi bắt đầu thực hiện nghĩa vụ quân sự, đó là một học trình hay về giáo dục ý chí cho con bé. Lớn lên trong điều kiện kinh tế gia đình khá giả, được chiều hơn so với hai trai anh, nên đôi khi con bé cũng xuất hiện mầm mống của gia tộc dâu tây. Tôi thường xuyên kể câu chuyện Công chúa Hạt Đậu cho nó nghe, nhưng vì thiếu đi hoàn cảnh sống cụ thể nên con bé chỉ cười xòa cho qua chuyện. Cũng may nó đi bộ đội, những bài học lý thuyết thường ngày tôi dạy nó được kiểm nghiệm trong thực tiễn.
Trong thời gian tập huấn, con gái tôi phải chạy ngược chạy xuôi dưới trời mưa tầm tã, phải ngủ trong trại cắm ngoài trời, buổi sáng thức dậy người ướt sương, côn trùng bò cả lên mặt. Con bé hậm hực trách tôi: “Mẹ, sao con xui xẻo vậy, thế nào mà con lại rút thăm vào Bộ Tình báo, rồi bị ném đến chỗ khổ sở này. Con không muốn đi bộ đội nữa đâu”.
Phòng dột lại kèm theo mưa gió suốt mấy đêm liền làm Muội Muội nhà tôi càng sợ khổ, con bé gặp không ít phiền phức. Một sự việc giúp con rút ra được nhiều bài học nhất là, ngày thứ hai con gái tôi tới doanh trại báo cáo có mặt, tối hôm trước, nó chuẩn bị không tốt, vì chỉ mải cằn nhằn oán trách, nên hôm sau đi con bé quên mang theo chăn, trong khi doanh trại quân đội của Israel không có chăn, yêu cầu học viên tự mang đến.
Muội Muội đến doanh trại, trông thấy mọi người đều chuẩn bị chăn đầy đủ, nó mới sực nhớ ra là cần phải về nhà lấy chăn. Nhưng kỷ luật trong quân đội không cho phép tân binh tự tiện rời khỏi doanh trại, con bé báo cáo với giáo quan: “Báo cáo! Tôi có rất nhiều đồ chưa mang tới, xin cho tôi về nhà lấy.” Giáo quan thẳng thừng quát: “Ra ngoài!”
“Mẹ, con chưa mang cái gì tới cả, chăn của con chưa có, đồ lót cũng không mang nhiều. Con hỏi giáo quan nhiều lần rồi nhưng không được. Cô ta sắp cấm cửa con rồi.”
Những lúc như thế này, người mẹ mà mềm lòng, con cái càng xót bản thân hơn. Vì vậy các bà mẹ cần phải giữ vững lập trường của mình. Quả nhiên, tôi vừa lên tiếng, Muội Muội đã khóc bù lu bù loa. Tôi vỗ về con gái: “Muội Muội, con cho rằng giáo quan hà khắc, cho rằng ở trong lều trại rất khổ, vậy con có thể chịu đựng được những chuyện này không? Nếu biết chịu đựng thì con sẽ vượt qua được thôi. Khi nghĩ mình không thể vượt qua nữa, con cần cắn răng chịu đựng, thành công hay thất bại nằm ở khoảnh khắc này đấy con ạ. Cuộc sống trong quân đội sẽ giúp con trở nên kiên cường, sẽ dạy con những thứ ngay cả mẹ cũng không hiểu được. Mẹ tin con gái mẹ sẽ vượt qua được thử thách này, mẹ luôn ở bên con.” Bác sĩ tâm lý trong quân đội cũng cho những tân binh như con gái tôi rất nhiều lời khuyên, nhưng họ không vì bạn có xu hướng chán nản mà buông tha bạn. Họ sẽ nói với chiến sĩ đang ôm đầy oán hận: “Hôm nay bạn có thể nghỉ, nhưng ngày mai mời bạn quay lại đây.”
Ban đầu, Muội Muội vẫn chưa thay đổi tư tưởng, tôi vừa nhấc điện thoại lên đã nghe thấy những tiếng sụt sùi của con bé ở đầu dây bên kia. Về sau tôi nghĩ, tôi không thể làm ba-toong của Muội Muội, tôi có thể lau nước mắt cho nó một lần nhưng tôi không thể lau nước mắt cho nó cả đời. Và thế là tôi nói dứt khoát: “Muội Muội, nếu con vẫn cằn nhằn chuyện ngủ trong lều trại, thì từ sau mẹ sẽ không nghe điện thoại của con nữa đâu.” Mặt khác, tôi cũng trực tiếp đến nói chuyện với giáo quan của nó, tôi bày tỏ quan điểm: “Chào cô! Cảm ơn các cô đã đưa bọn trẻ ra ngoài rèn luyện, tuy con gái tôi cảm thấy nó không chịu được cực khổ, nhưng làm mẹ, tôi quyết không bỏ dở giữa chừng. Chúng ta hãy cùng cố gắng.”
Muội Muội đi bộ đội được hơn một năm, từ một cô gái suốt ngày kêu khổ, hơi một tí là khóc nhè, càng ngày con bé càng biết chịu đựng và nhẫn nại. Đêm trước hôm diễn ra sự kiện World Expo, con bé gọi điện thoại quốc tế đường dài cho tôi từ Israel: “Mẹ ơi, World Expo tổ chức ở Thượng Hải vào tháng năm đúng không mẹ?
“Sao vậy con?”
“Con muốn ℓàм тìин nguyện viên cho World Expo Thượng Hải.” Cho dù lý do của con gái là gì đi nữa, việc nó gọi điện thoại quốc tế đường dài để truyền đạt những lời ấm áp, ngọt ngào này đều khiến người làm mẹ như tôi cảm thấy được an ủi.
Đấu tranh sinh tồn không chỉ là cuộc đọ sức về tri thức và trí tuệ, mà còn cần nhiều hơn đến ý chí và nghị lực. Theo phụ huynh Do Thái, nếu thời niên thiếu con trẻ được tiếp nhận giáo dục sinh tồn mang tính dự phòng, thì chúng sẽ có kỹ năng phát triển bản thân; nếu không đến khi gặp sóng gió cuộc đời, chúng rất dễ “khủng hoảng.” Những bậc làm cha làm mẹ hãy suy nghĩ lâu dài cho con mình, rèn luyện ý chí và niềm tin cho trẻ để chúng chịu được phong ba bão táp, ngày sau lớn lên nhất định chúng sẽ cảm kích tài sản quý giá ấy của cuộc đời mà cha mẹ ban tặng.
Tôi từng đọc câu chuyện người cha của ba chị em nhà họ Tống dạy con trong một cuốn hồi ký, rất lôi cuốn. Theo lý mà nói, ông Tống hoàn toàn có khả năng “thỏa mãn trước”, “thỏa mãn quá mức”, “thỏa mãn tức thời” tất cả yêu cầu của các con, song ông chỉ “thỏa mãn quá mức” ở khía cạnh giáo dục học tập, ủng hộ con cái học ở những trường nổi tiếng. Còn về cuộc sống, ông lại nghĩ cách mô phỏng hoàn cảnh, sáng tạo điều kiện chưa có, từ đó rèn luyện tính kiềm chế và sức chịu đựng, bồi dưỡng tinh thần vững vàng cho con, chứ ông không muốn con mình trở thành đồ ăn hại “trông thì bóng bẩy ngoài da, bề trong vụn lở, kim la tám tầng’’.
Có lần, ông Tống đưa các con tới chùa Long Hoa vào một ngày mưa to gió lớn. Nhưng ông không cho ba chị em tham quan ngôi chùa cổ, bất ngờ ném bay chiếc ô trong tay họ đi, bắt họ đứng đầu trần dưới mưa ở chân tháp. Ông chỉ vào tháp Long Hoa cao chót vót: “Các con nhìn ngọn tháp đi, tại sao hơn một ngàn năm nay nó không sợ mưa gió? Vì nó có nền móng kiên cố, khung trụ vững chắc. Sau này các con muốn dấn thân vào cách mạng thì phải đặt nền móng, dựng khung trụ ngay từ thuở còn nhỏ. Bây giờ chúng ta cùng thi chạy sáu vòng quanh bảo tháp nhé!” Ông chạy trước dẫn đầu, các con ông lần lượt đuổi theo sau, họ ngã dúi dụi trong bùn đất lầy lội, rồi lại mau chóng bò dậy chạy tiếp, không chịu rớt lại phía sau… Nhà họ Tống còn có một cách khác rèn luyện sức chịu đựng của con trẻ là cùng con nhịn ăn một ngày. Ngày hôm đó, trẻ ngồi nhìn những món ăn ngon hấp dẫn bày la liệt trước mặt trong lúc bụng đói cồn cào, trẻ kiềm chế cơn thèm, thà nhịn đói cũng không động vào một miếng.
Phương pháp mô phỏng hoàn cảnh “chưa có điều kiện thì hãy tạo ra điều kiện” không những rèn cho con cái chúng ta kỹ năng đương đầu với biến cố cuộc đời, mà còn rèn cho chúng ý chí học tập.
Nguyên nhân rất nhiều trẻ em hiện nay học hành chểnh mảng thường liên quan đến việc phụ huynh thiếu giáo dục ý chí cho con. Phẩm chất ý chí của một đứa trẻ được coi là bài kiểm tra quan trọng nhất trong giáo dục thi cử, việc đặt ra các môn thi, đề thi chỉ xuất phát từ nhu cầu tuyển sinh, chứ không hoàn toàn xuất phát từ hứng thú của con trẻ. Tại sao tuyệt đại đa số trẻ em không có hứng thú đối với chuyện học hành thi cử? Nhìn vào phẩm chất ý chí, chúng ta không khó nhận ra những đứa trẻ bộc lộ tài năng qua giáo dục thi cử, bất luận có nhồi nhét kiến thức hay không, chúng đều có một điểm chung là ý chí khá kiên cường. Chính vì chúng biết nhẫn nại, biết khắc phục khó khăn, biết kiên trì, nên mới thi đỗ vào các trường trung học và đại học trọng điểm. Ngược lại, không ít trẻ em có chỉ số IQ rất cao nhưng học hành tùy hứng, không chú tâm, ra điều kiện, sợ chịu khổ, chưa nhẫn nại, kết quả thành tích học tập không tốt, đó là biểu hiện điển hình của những đứa trẻ có ý chí kém cỏi.
Người Nhật Bản coi học tập là hành động “miễn cưỡng”, tức là chúng ta phải tự khép mình vào khuôn khổ học tập, tránh nảy sinh tâm trạng lười biếng, đồng thời nỗ lực học thật giỏi một môn. Còn người Do Thái coi học tập là hành động “lặp lại.” Xét về mặt chữ, ý nghĩa của nó là tự mình tập đọc, tập nói, tập nghe nhiều lần, cuối cùng ghi nhớ toàn bộ nội dung bài học. Thật ra “lặp lại” ngầm phản ánh một chân lý là: Tính bền bỉ trong sinh tồn. Hầu hết trẻ em Do Thái đều có tính bền bỉ này.
Câu chuyện của Anne, một cô bé Do Thái mà mọi người dân Israel đều biết đến là tài liệu giảng dạy mẫu mực về bồi dưỡng sức nhẫn nại cho trẻ. Trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, Anne sống trong căn phòng tối tăm chật hẹp, không nhìn thấy mặt trời suốt một thời gian dài, làm sao cô bé có thể kiên trì như vậy? Mãi đến khi đọc xong cuốn Nhật ký Anne Frank tôi mới nhận ra, thì ra ghi chép cũng là một cách cô bé khích lệ ý chí của mình trong nghịch cảnh éo le: Tôi cho rằng tôi nhất định phải kiên trì đến cùng.
Chẳng lẽ chỉ một số ít người giống như Anne mới có ý chí kiên trì và nghị lực phi thường như cô bé? Câu trả lời là không, ý chí là sức mạnh nội tại của con người, mỗi đứa trẻ khỏe mạnh về tinh thần và thể chất đều có phẩm chất căn bản này, nó không phải là tố chất thiên bẩm của số ít trẻ em, nhưng việc nó có thể tỏa sáng hay không lại phụ thuộc vào quan niệm và phương pháp giáo dục của phụ huynh.
Qua mối quan hệ với bạn bè Israel, tôi nhận ra phụ huynh Do Thái lao tâm khổ tứ mô phỏng hoàn cảnh gia đình hoặc tặng con cái một chuyến đi chịu khổ ở trường quý tộc, mục đích là để cho trẻ không rơi vào cạm bẫy ngọt ngào của “thỏa mãn quá mức”, “thỏa mãn trước.” Có lẽ những tai họa trong lịch sử khiến dân tộc Do Thái không bao giờ quên quá khứ đau thương của mình, nên họ mới có dũng khí và nghị lực hiếm thấy, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp trên mảnh đất cát phèn khắc nghiệt, thiếu hụt tài nguyên nghiêm trọng, chiến tranh liên miên và còn sản sinh ra lớp lớp anh kiệt, các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, phân bố ở khắp năm châu.
Trong xã hội tương lai, nền kinh tế Trung Quốc vẫn trên đà phát triển, tố chất con người đều rất cao, ngoài ra những hành vi, tư tưởng và tình cảm của con người cũng sẽ có sự chuyển biến lớn lao. Bởi vậy, các bậc phụ huynh nhất định phải tính toán kỹ lưỡng, hôm nay bạn có thể cho con ăn ngon mặc đẹp, có thể thỏa mãn trước, thỏa mãn quá mức, thỏa mãn tức thời mọi đòi hỏi của con, nhưng mười năm, mười lăm năm nữa, chúng bắt buộc phải phát huy hết khả năng của mình để thích nghi với cuộc sống xã hội. Nếu tình yêu thương con cái của bạn làm lỡ dở quá trình trưởng thành của con thì đến lúc đấy, chúng sẽ gặp rất nhiều vấn đề, đường đời sẽ gập ghềnh, trắc trở hơn, hoàn toàn đi ngược lại mong muốn của bạn. Cho nên các bậc làm cha làm mẹ cần phải tỉnh táo, đừng thấy để cho trẻ sống sung sướng thoải mái trong xã hội chỉ có ba người, mà quên mất hiện thực sau này.
Trắc nghiệm ý chí của con
Bài kiểm tra dưới đây có hai mươi câu hỏi, mỗi câu có năm đáp án, phụ huynh hãy để con trẻ tự chọn đáp án dựa vào tình hình thực tế của bản thân (chỉ chọn một đáp án duy nhất).
1. Tôi rất thích hoạt động thể dục thể thao như chạy cự li dài, du dịch đường dài, leo núi, không phải vì điều kiện sức khỏe của tôi phù hợp với các hoạt động này, mà vì chúng có thể rèn luyện ý chí của tôi.
(Rất đồng ý, Khá đồng ý; Nói không đúng; Đồng ý ở mức độ vừa phải; Không đồng ý.)
2. Tôi lên kế hoạch cho mình, vì nguyên nhân chủ quan không thể hoàn thành công việc đúng hạn.
(Gặp tình huống này rất nhiều; Khá nhiều; Không rõ; Đồng ý ở mức độ vừa phải; Không đồng ý.)
3. Nếu không có lý do đặc biệt, hằng ngày tôi vẫn thức dậy đúng giờ, không ngủ nướng.
(Rất đồng ý; Khá đồng ý; Không rõ; Đồng ý ở mức độ vừa phải; Không đồng ý.)
4. Bản kế hoạch định trước cần có tính linh hoạt nhất định, nếu gặp khó khăn trong quá trình hoàn thành thì có thể thay đổi hoặc từ bỏ.
(Rất đồng ý; Khá đồng ý; Vô nghĩa; Đồng ý ở mức độ vừa phải; Phản đối.)
5. Khi nảy sinh mâu thuẫn giữa học tập và vui chơi, cho dù hoạt động vui chơi ấy có sức hấp dẫn đến đâu đi nữa, tôi cũng sẽ lập tức quyết định đi học.
(Luôn luôn như vậy; Tương đối thường xuyên; Thỉnh thoảng như vậy; Khá ít khi như vậy; Không phải như vậy.)
6. Khi gặp khó khăn trong học tập và công việc, cách tốt nhất là lập tức cầu cứu đồng nghiệp hoặc bạn học.
(Đồng ý; Khá đồng ý; Vô nghĩa; Không quá đồng ý; Phản đối.)
7. Khi thấy khó chịu trong quá trình chạy đường dài, cảm giác không thể chạy nổi, tôi luôn cắn răng chịu đựng, kiên trì đến cùng.
(Luôn luôn như vậy; Tương đối thường xuyên; Thỉnh thoảng như vậy; Khá ít khi như vậy; Không phải như vậy.)
8. Tôi luôn muộn giờ đi ngủ vì đọc một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn.
(Luôn luôn như vậy; Tương đối thường xuyên; Thỉnh thoảng như vậy; Khá ít khi như vậy; Không phải như vậy.)
9. Trước khi làm một việc, tôi luôn nghĩ đến kết quả khác nhau nếu tôi làm hoặc không làm, để có mục đích làm việc.
(Luôn luôn như vậy; Tương đối thường xuyên; Thỉnh thoảng như vậy; Khá ít khi như vậy; Không phải như vậy.)
10. Nếu không hứng thú với một việc nào đó, cho dù nó là việc gì, sự tích cực của tôi đều không cao.
(Luôn luôn như vậy; Tương đối thường xuyên; Thỉnh thoảng như vậy; Khá ít khi như vậy; Không phải như vậy.)
11. Khi gặp một việc nên làm và một việc không nên làm nhưng lại hấp dẫn, tôi luôn đấu tranh tư tưởng mạnh mẽ, nghiêng về việc nên làm.
(Đúng; Đôi khi đúng; Trung lập; Rất ít khi như vậy; Không đúng.)
12. Đôi khi nằm trên giường, tôi hạ quyết tâm ngày mai phải làm một việc quan trọng (như học ngoại ngữ), nhưng sáng hôm sau thức dậy, tinh thần ấy lại tiêu tan.
(Luôn luôn như vậy; Tương đối thường xuyên; Thỉnh thoảng như vậy; Khá ít khi như vậy; Không đúng.)
13. Tôi có thể làm một việc quan trọng nhưng tẻ nhạt vô vị trong thời gian dài.
(Đúng; Đôi khi như vậy; Trung lập; Rất ít khi làm vậy; Không đúng.)
14. Khi gặp tình huống phức tạp trong cuộc sống, tôi luôn lưỡng lự, không quả quyết.
(Đúng; Đôi khi như vậy; Lúc có lúc không; Rất ít khi như vậy; Không đúng.)
15. Trước khi tiến hành một công việc, đầu tiên tôi nghĩ đến tầm quan trọng của nó, tiếp đến mới nghĩ nó có khiến tôi hứng thú hay không.
(Đúng; Đôi khi như vậy; Trung lập; Rất ít khi như vậy; Không đúng.)
16. Khi gặp tình huống khó, tôi luôn mong muốn người khác quyết định giúp tôi.
(Đúng; Đôi khi như vậy; Trung lập; Rất ít khi như vậy; Không đúng.)
17. Khi đã quyết định làm một việc nào đó, tôi luôn nói là làm, quyết không trì hoãn hoặc bỏ dở giữa chừng.
(Đúng; Đôi khi như vậy; Trung lập; Rất ít khi như vậy; Không đúng.)
18. Khi cãi nhau với người khác, tuy là biết tôi không đúng, nhưng tôi không nhịn được nên vẫn nói một hai câu quá đáng, thậm chí còn chửi người ta.
(Luôn luôn như vậy; Đôi khi; Rất ít khi như vậy; Không đúng.)
19. Tôi muốn làm một người có ý chí kiên cường vì tôi tin tưởng sâu sắc “có chí thì nên”.
(Đúng; Đôi khi; Trung lập; Rất ít khi; Không đúng.)
20. Tôi tin rằng gặp thời cơ thì làm việc thuận lợi hơn nhiều, đôi khi thời cơ có tác dụng lớn hơn nỗ lực của con người gấp nhiều lần.
(Đúng; Đôi khi; Trung lập; Rất ít khi; Không đúng.)
Cách tính điểm và đánh giá:
1. Đối với những câu lẻ (1, 3, 5…), năm đáp án từ 1 đến 5 sau mỗi câu tương ứng với 5, 4, 3, 2, 1 điểm. Đối với những câu chẵn (2, 4, 6…), năm đáp án từ 1 đến 5 sau mỗi câu tương ứng với 1, 2, 3, 4, 5 điểm.
2. Điểm số của hai mươi câu hỏi có liên quan đến phẩm chất ý chí như sau:
81-100 điểm: Ý chí rất kiên cường.
61-80 điểm: Ý chí khá kiên cường.
41-60 điểm: Ý chí bình thường.
21-40 điểm: Ý chí khá kém cỏi.
0-20 điểm: Ý chí rất kém cỏi.