Thỏa Mãn Quá Mức Tạo Ra “Gia Tộc Dâu Tây”Thế hệ con một của Trung Quốc được tiếp nhận nền giáo dục tốt hơn những thế hệ trước rất nhiều, nhưng dường như thế hệ này cũng xuất hiện không ít vấn đề, trẻ em trong các gia đình một con không trưởng thành bằng trẻ em trong các gia đình đông con.
Hiện nay có một luồng ý kiến mới cho rằng, một bộ phận con một của người Trung Quốc đã trở thành “gia tộc dâu tây”: Bề ngoài bóng bẩy xinh đẹp, hơi gai góc cá tính, nhưng nội tâm bên trong lại vô cùng yếu đuối, chỉ một chút áp lực là chúng lập tức biến thành một nắm bùn nhão. Cách ví von một bộ phận con một giống như “gia tộc dâu tây” này vừa mới mẻ, độc đáo vừa chân thực xác đáng, khiến người ta phải suy ngẫm về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Tại sao lại xuất hiện “gia tộc dâu tây”? Ai tạo môi trường cho “gia tộc dâu tây” phát triển? Giáo dục gia đình khó có thể chối bỏ trách nhiệm.
Thế hệ con một trước đây sống trong gia đình có kết cấu “421”, tức là một gia đình gồm có bốn người lớn là ông bà, cha mẹ và một đứa trẻ, hiện nay xuất hiện thế hệ con một thứ hai sống trong gia đình có kết cấu “6+1”, vị trí trung tâm của trẻ ngày càng được củng cố, việc của trẻ là việc quan trọng bậc nhất của cả nhà, cha mẹ không cho phép bản thân mình có lỗi với con, họ sẵn sàng đáp ứng rất nhiều ham muốn của con, nên không thể tránh khỏi “thỏa mãn quá mức.” Kỳ thực, phụ huynh “thỏa mãn quá mức” đòi hỏi của con em mình kiểu này chẳng khác nào tước mất cơ hội và quyền nắm bắt những tri thức cuộc sống và kỹ năng sinh tồn của trẻ.
Phụ huynh càng chiếu cố “thỏa mãn quá mức”, trẻ càng khó chịu nổi áp lực, càng dễ trở thành “dâu tây” yếu ớt.
Nhớ năm tôi đưa cô con gái Muội Muội đi nhà trẻ ở Israel, vì muốn hiểu sâu về mô hình “giáo dục sinh tồn” phổ biến trong các trường mẫu giáo của Israel, tôi cũng vào trường tham quan.
Bên ngoài lớp học có sân chơi, bãi cỏ, bãi cát… rất rộng rãi, có điều ở đây không có sân nhựa như chúng ta thường thấy ở các nhà trẻ trong nước. Các bé tỏ ra rất dũng cảm, mạnh bạo khi tham gia các hoạt động ngoài trời, trèo thang cao cũng không rụt rè, sợ hãi. Trong khi đó các cô giáo đứng đằng xa quan sát, hầu như không can thiệp vào hoạt động của trẻ.
Tôi thấy tiết trời đang lạnh, nhưng các bé chơi bên ngoài lớp học không mặc áo bông hay quần áo chống rét, nhiều lắm là mặc một cái áo nhung. Nhìn vẻ mặt kinh ngạc của tôi, cô giáo đi cùng giải thích: “Trẻ em nên mặc ít quần áo hơn so người lớn. Sức lực dồi dào của chúng gần như có thể dùng để ‘phát điện’. Hoạt động nhiều dễ toát mồ hôi, mặc nhiều quần áo sẽ làm trẻ dễ bị cảm lạnh. Hơn nữa, mặc nhiều quần áo cồng kềnh cũng ảnh hưởng tới tính linh hoạt của các bé. Người Do Thái coi trẻ em giống như hạt giống, nếu không chịu nổi gió sương thì hạt giống không thể sinh trưởng khỏe mạnh và sau này nó sẽ trở thành một cái cây yếu ớt, không thể cho quả ngọt”.
Nói đến vấn đề giảm bớt “sự thỏa mãn quá mức” ở trẻ, tôi chợt nhớ tới một người bạn Israel. Nơi dừng chân đầu tiên của mẹ con tôi khi chuyển nhà từ thành phố Kiryat Shmona nhỏ bé đến thủ đô Tel Aviv chính là nhà anh bạn này. Anh ấy được xem là một “phú ông” ở Tel Aviv, một mình điều hành một tòa soạn, sự nghiệp rất thành công. Một tuần ngắn ngủi ở nhờ nhà anh ấy để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng sâu đậm về một người cha có hai cậu con trai ngoan ngoãn, luôn hào phóng đóng tiền công ích, vô cùng thương xót trẻ em nghèo, nhưng lại chẳng “xót” con mình chút nào.
Khi đó đang vào kỳ nghỉ hè, ban ngày ở Tel Aviv nóng như thiêu như đốt, ánh nắng chiếu vào da rát như kim châm. Không ngờ hai cậu con trai của anh ấy vẫn phải đạp xe đạp, đưa báo tới từng nhà dưới cái nắng gay gắt ấy. Nhà có cha là chủ tòa soạn, thế mà hai cậu con trai mười mấy tuổi vẫn đội nắng đội gió đi đưa báo, thật khó tưởng tượng. Không những vậy, buổi chiều hai đứa trẻ còn tới điểm bán hàng, phụ trách việc bán lẻ, dù gặp khách hàng mất lịch sự, đọc báo xong không móc tiền ra trả, chúng cũng phải niềm nở tiếp đón người ta. Kết thúc một ngày làm việc bận rộn, bọn trẻ trở về nhà khi trời đã nhá nhem tối, khuôn mặt nhỏ nhắn phơi ngoài nắng đen sạm, nhưng vẫn hiện lên niềm vui và cả sự mãn nguyện. Thấy các con hăng hái hoàn thành nhiệm vụ, người cha cảm thấy rất tự hào: “Đi đưa nhiều báo như vậy không phải chuyện đơn giản, phải dậy từ rất sớm, bất luận mưa gió thế nào cũng không được nghỉ, thế nhưng từ trước tới giờ các con anh chưa bao giờ làm sai. Có ngày, con cái sẽ phải lăn lộn vào thế giới rộng lớn hơn. Để chúng có thể đối mặt với những khó khăn, trở ngại sắp tới, nhất định chúng ta phải bồi dưỡng cho bọn trẻ kỹ năng thích nghi với hoàn cảnh”.
Người Do Thái coi “sự thỏa mãn quá mức” là một kiểu bạo hành tinh thần trong giáo dục gia đình, đồng thời xếp nó vào danh sách đen của phép tắc gia giáo, nó thường xuyên nhắc nhở tôi, không được làm một bà mẹ thiếu hiểu biết, Ϧóþ nghẹt nhân cách kiện toàn và sự tự tin của con cái…
Dĩ Hoa và Huy Huy lớn lên trong môi trường giáo dục gia đình như vậy nên cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc về mặt tính cách, chúng tạo thành thói quen không gây áp lực cho người lớn. Những khi đau đầu, sổ mũi bọn trẻ luôn nói cảm cúm hay sốt cũng có quá trình, khuyên tôi không nên quá lo lắng. Sau khi tới Israel, tôi thường có cảm giác mình biến thành “con nít”, vì nhiều khi đều là bọn trẻ chăm sóc tôi.
Trong phòng của Dĩ Hoa và Huy Huy luôn đặt một cái cặp nhiệt độ. Mỗi khi các con tôi cảm thấy trong người khó chịu, chúng đều tự đi đo nhiệt độ cơ thể. Khi mới tới Israel, tôi đã nói với các con: “Mùa mưa ở Israel rất dài, nếu các con cảm thấy cơ thể không khỏe, thì cần phải báo ngay cho mẹ biết. Vì xe hỏng phải sửa, ghế hỏng phải vứt bỏ, người có bệnh nhất định phải sớm phát hiện, sớm chữa trị.” Các con tôi rất hiểu chuyện, chúng rất biết chăm sóc sức khỏe bản thân. Một khi phát hiện ra cơ thể hơi nóng, trước tiên chúng sẽ đi cặp nhiệt độ.
“Con hơi sốt mẹ ạ, hơn 370, hôm nay con muốn ăn cháo và dưa muối. Con còn phải uống thuốc hạ sốt nữa.”
Ở Israel không bán dưa muối, tôi lấy muối bắp cải, dùng viên gạch đè lên, cuối cùng còn bỏ thêm một chút dầu mè, làm thành món dưa muối cho bọn trẻ. Nếu nhiệt độ cơ thể chúng chưa vượt quá 38.50, tôi dùng thuốc hạ sốt, cho chúng uống nhiều nước để toát nhiều mồ hôi.
Có lần bệnh ho của Huy Huy tái phát, tôi dùng cách trước đây cha từng dạy tôi, nhúng khăn bông vào nước nóng, vắt khô, sau đó lau lưng thằng bé để làm ấm lưng nó. Quả nhiên sáng hôm sau thức dậy, nó đỡ ho hơn rất nhiều. Hồi nhỏ, chân tôi bị thấp khớp, nhiều lúc không hiểu tại sao lại bị chuột rút. Đây là bệnh di truyền, tôi bị, Huy Huy bị và con gái của Huy Huy cũng bị. Năm đó, cha tôi lấy dầu thông, xoa Ϧóþ chân cho tôi, đặc biệt là những chỗ bị chuột rút. Đối với một số bệnh di truyền qua nhiều thế hệ như thế này, cách xử lý đều giống nhau.
Huy Huy thích đá bóng, đầu gối lúc nào cũng trầy xước tôi bảo thằng bé, con phải ra dáng một cậu con trai dũng cảm. Mỗi lần ngã không quá nghiêm trọng, tôi lấy nước muối rửa vết thương cho nó, rắc thuốc đỏ lên trên, để cho vết thương tự khô là được. Trông thấy đầu gối con trai xây xát, đương nhiên tôi rất xót con, nhưng tôi không thể hiện tâm trạng đó trên khuôn mặt, nếu không sẽ vô tình làm ảnh hưởng và khiến bọn trẻ trở nên nhạy cảm, không thể chịu đựng được một chút đau khổ. Tôi có thể trực tiếp bày tỏ quan điểm hoặc ngầm ra hiệu cho các con tôi hiểu chúng cần phải đối diện với khó khăn, trở ngại bằng tinh thần dũng cảm và tích cực, làm gương cho các con biết phải đối diện với nỗi đau nhỏ ra sao. Tôi ẩn giấu một nửa tình yêu thương, mục đích là để cho con phát triển mạnh mẽ.
Mỗi khi các vị phụ huynh Do Thái gặp nhau, họ lại nói chuyện rôm rả về chủ đề thà nuôi con trong nghèo khó, còn hơn là thỏa mãn quá mức yêu cầu của con, nói bao nhiêu lần cũng không chán. Vốn dĩ, “trẻ em cần chịu ba phần đói và lạnh” “nghé mới sinh không sợ hổ”, đều là truyền thống gia huấn của dân tộc Trung Hoa, nhưng ngày nay chúng ta lại lãng quên.
Xét lại việc “thỏa mãn quá mức” yêu cầu của con là hiện tượng thường thấy ở các bậc phụ huynh Trung Quốc. Cách đây không lâu, tôi đi taxi, anh tài xế trông thấy tôi vẫy tay liền dừng xe lại. Trước tiên anh ta hạ cửa kính xe xuống, hỏi tôi muốn đi đâu, sau khi biết nơi tôi cần tới cũng tiện đường đi của mình, anh ta mới mở cửa xe cho tôi vào. Thấy vậy, tôi tò mò hỏi: “Anh sắp thay ca à?”
“Không, tôi đi đón con.” Anh tài xế thản nhiên trả lời.
“Con anh học lớp mấy tiểu học?”
“Cháu đang học cấp Hai!”
“Cháu lớn như vậy rồi mà anh vẫn phải đưa đón sao?”
“Cũng không còn cách nào khác, con tôi nói đi xe buýt vừa mất thời gian lại cực khổ. Mà nó đi học đã mệt, ngủ không đủ rồi.”
“Anh đưa đón con như thế này cũng không vất vả sao? Lại còn ảnh hưởng tới việc kiếm tiền nữa.”
“Chúng tôi chỉ có một mụn con, nên không nỡ để nó chịu khổ, đành vất vả một chút vậy!”
Tôi hiểu ý anh tài xế nói, đáng thương cho tấm lòng cha mẹ, đặc biệt là các bậc cha mẹ Trung Quốc thời nay, họ là người cha người mẹ giàu đức hy sinh nhất trên đời, vì con cái, dù phải nhảy vào nơi nước sôi, lửa bỏng họ cũng cam lòng.
Tôi không chỉ gặp một trường hợp cá biệt, buổi sáng tôi ra ngoài, vừa khéo gặp chị hàng xóm họ Trương đang cầm ô đứng ở cổng khu chung cư, trông chị có vẻ rất lo lắng, sốt ruột.
Tôi quan tâm hỏi: “Chào chị Trương, chị đứng đây đợi ai vậy?”
“Ồ, Sara! Hôm nay con chị quên mang ô, trời đang mưa to, nó đi đường chắc là ướt hết rồi, người ngấm nước mưa dễ bị cảm lắm. Chị đang định tới trường, mang quần áo khô cho nó.” Nhìn vẻ mặt thương con của chị Trương, tôi chợt nhớ đứa con trai đang học cấp ba nhà chị là đứa phổng phao, cao những mét bảy, mét tám.
Tôi vừa đợi xe vừa nói chuyện với chị Trương về vấn đề giáo dục cùng với một số phương pháp, thái độ cư xử với con.
Phần lớn trẻ em bây giờ đều là con một nên các bậc cha mẹ dồn hết tâm huyết của mình vào con, hễ con gặp chút chuyện là cha mẹ lại thấp thỏm lo âu. Đối với cha mẹ mà nói, điều khó chịu nhất là trông thấy con mình chịu khổ. Nhưng cuộc đời đâu phải mãi suôn sẻ, con cái vẫn phải bước ra ngoài xã hội, nếu chúng quen với việc được bạn “thỏa mãn quá mức”, quen kiểu phục vụ của bạn giống như nô bộc hầu hạ công chúa thái tử, thì đến khi gặp trở ngại chúng sẽ trở tay không kịp.
Một đứa trẻ được thỏa mãn quá mức, được cha mẹ nuông chiều, ông bà nội ngoại thương yêu, cùng lúc được nhận nhiều sự quan tâm, càng tự cho mình là nhất, đề cao lòng tự trọng, khó chấp nhận người khác phá hỏng địa vị của nó. Vì vậy, khi người khác không đáp ứng đủ yêu cầu của nó, nó thường không thể hiểu và tiếp thu những điều đúng đắn, mà thường cảm thấy tủi thân, từ đó chọn một cơ chế tự vệ để phản kháng, chống đối.
Mọi người đều nói giáo dục là một nghệ thuật, tại sao không gọi giáo dục là kỹ thuật mà cứ phải gọi là nghệ thuật? Theo tôi là vì giáo dục là một trình độ chỉ có thể tự lĩnh hội, không thể truyền đạt bằng lời. Chúng ta không thể cụ thể hóa quá trình giáo dục, trong đó khó nắm bắt nhất là tâm trạng. Đối với Dĩ Hoa, Huy Huy và Muội Muội, tôi học tập các bà mẹ Do Thái, “giấu đi phân nửa yêu thương”, tránh “sự thỏa mãn quá mức” mang tới cho các con những nhận thức sai lầm. Nhưng với cô cháu gái, tôi hoàn toàn làm ngược lại.
Mỗi lần Bối Bối, con gái Huy Huy bị ốm, tôi vô cùng lo lắng, sốt ruột. Ví dụ, Bối Bối mới khúc khắc ho đôi ba tiếng, tôi đã lập tức đưa con bé tới bệnh viện kiểm tra, chụp chiếu. Về nhà, không kịp nghỉ ngơi tôi lại sắc thuốc bắc, vừa kể chuyện cho cháu nghe, vừa bón thuốc cho cháu uống.
Ngược lại, Huy Huy là cha nó lại rất không đồng tình với cách làm của tôi. Qua nhiều năm tiếp xúc với phương pháp giáo dục gia đình của người Do Thái, nó tán đồng quan điểm cho con cái “nắm bắt kỹ năng sinh tồn từ thuở nhỏ.” Điều kiện kinh tế của Huy Huy rất tốt, song nó vẫn kiên trì theo đuổi phương châm mình, có giàu thế giàu nữa cũng không được để con sống trong nhung lụa. Thấy con gái ho, Huy Huy nhẹ nhàng nhắc tôi: “Ho, sốt đều có quá trình, mẹ không cần quá lo lắng.”
Cho nên, tôi muốn cảnh báo tất cả những người làm ông làm bà rằng, xin các vị đừng ôm đồm mọi việc của cháu mình, làm vậy là chúng ta đang mang lại những điều không tốt cho bọn trẻ.
Bởi vì chúng ta luôn cảm thấy không an tâm với cháu, luôn chiều chuộng cháu quá mức, tình cảm huyết thống quá khăng khít nên hy sinh quá nhiều. Chúng ta cần giữ khoảng cách với cháu, cố gắng đừng làm “hại” cháu mình.
Năm xưa, Huy Huy bị ho, tôi biết dùng khăn ấm lau lưng cho nó. Nay tôi không thể lau lưng cho Bối Bối, vì tôi lo lắng, “Ôi trời, lau lưng cần phải ϲởí áօ ra, không khéo còn bị cảm lạnh, ngộ nhỡ làm bệnh con bé nặng thêm, cha mẹ nó sẽ trách mình cho mà xem.” Nghĩ đi nghĩ lại, lựa chọn đầu tiên của tôi là lập tức đưa cháu tới bệnh viện.
Ông bà nội không nhẫn tâm, tình yêu thương dành cho cháu trai, cháu gái cũng không thể kết trái.
Một sinh linh bé bỏng vừa chào đời cố nhiên là chuyện đáng mừng nhất, nhưng nếu tình yêu thương cha mẹ dành cho con vượt quá chuẩn mực khoa học, thỏa mãn quá đáng yêu cầu của chúng thì lợi bất cập hại. Như vậy, thủ phạm hủy hoại tiền đồ của con không ai khác chính là cha mẹ! Việc giáo dục con một cũng có những thiếu sót tự nhiên, trong quá trình trưởng thành, chắc chắn trẻ sẽ nhận được nhiều yêu thương hơn, nên khi nuôi dạy con một, phụ huynh cần phải nắm bắt nghệ thuật dạy con, nhấn mạnh đến chất lượng của tình yêu thương. Đừng biến thành người hại con vì yêu con, đừng để con gia nhập “gia tộc dâu tây.”
Thời điểm cần nói “không” với con
Khi con làm việc nguy hiểm
Đề phòng những việc chưa xảy ra là biện pháp an toàn nhất. Các bậc phụ huynh phải cương quyết ngăn cấm những hành vi nguy hiểm của con em mình như: chọc tay vào ổ cắm điện, nghịch diêm, càng không được cho trẻ nhoài người ra ngoài cửa sổ ban công. Khi phát hiện ra trẻ làm những việc nguy hiểm như vậy, người lớn tuyệt đối không được dung túng nuông chiều trẻ, mà phải kiên quyết nói “không được” ngay lập tức.
Khi con vượt quá quy tắc
Cha mẹ cần đặt ra một số quy tắc nhất định đối với con cái để giúp trẻ hiểu được thế nào là đúng sai phải trái, ngoài ra còn bồi dưỡng kỹ năng kiềm chế, kiểm soát bản thân cho trẻ. Khi bạn giới hạn đâu là quy tắc con buộc phải tuân thủ, trẻ sẽ biết đó là việc nó không được phép đi quá giới hạn. Còn nếu con muốn đi quá giới hạn ấy, bạn có thể nghiêm mặt nói “không” với nó.
Khi con đe dọa đến sự an toàn của bản thân mình hoặc người khác
Chỉ cần người lớn không chiều theo ý mình, trẻ sẽ cấu véo người khác, thậm chí còn cắn người khác. Đó là một số biểu hiện chống đối và tấn công người khác cơ bản nhất ở trẻ em. Lúc này người mẹ cần nắm chặt tay con và nói “không được”.
Khi con đùn đẩy trách nhiệm
Khi con đùn đẩy trách nhiệm, nói dối để tránh hình phạt, phụ huynh cần phải nói “không” đối với những hành vi không đúng này của con. Phụ huynh không cho phép con em mình “đá bóng” sang người khác, đồng thời giải thích cho chúng hiểu làm như vậy là sai, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình.
Khi con mới có những biểu hiện của tính buông thả
Thông thường, các bậc cha mẹ cần bắt đầu nói “không” với những yêu cầu vô lý của con trẻ từ khi chúng lên ba, lên năm. Nếu như cha mẹ nói “không” với trẻ trước lúc sáu tuổi (muộn nhất đừng vượt quá mười tuổi), chúng sẽ cảm thấy đau khổ vì bị bạn từ chối, nhưng nhiều nhất cũng chỉ khóc nức nở rồi thôi. Nếu đến mười hai, mười bốn tuổi, bạn mới nói “không” với con thì chúng đã có đủ mọi cách đối phó với sự từ chối của bạn.