Quá Thỏa Mãn Yêu Cầu Của Con Sẽ Đem Lại Nỗi Khổ Cho Phụ HuynhCó một câu nhận xét về các bậc phụ huynh Trung Quốc như thế này: Họ quá yêu con nhưng lại không biết cách yêu con. Biểu hiện điển hình là không ít phụ huynh rơi vào thế bị động trong giáo dục gia đình, dù dành tất cả tình yêu thương cho con nhưng đáp lại, những gì họ nhận được vô cùng khiêm tốn. Tại sao cha mẹ càng hiểu, càng chăm bẵm, càng đáp ứng đòi hỏi của con, con càng không hiểu cha mẹ, thậm chí còn giày vò họ?
Muốn giải quyết vấn đề con cái, trước hết chúng ta phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, tiếp đến lựa chọn phương pháp giải quyết phù hợp hơn, đồng thời sáng tạo ra các phương pháp mới, đó là mối liên hệ giữa lý luận và phương pháp. Vì vậy, phụ huynh không nên chỉ nhìn vào những biểu hiện bề ngoài của vấn đề, mà cần phân tích ý nghĩa đứng đằng sau hành vi sai trái của con, đây mới là điểm vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề.
Tại sao trẻ em Trung Quốc không hiểu phụ huynh? Vì phụ huynh Trung Quốc chưa cho con em mình cơ hội hiểu cha mẹ. Với mức sống của người dân cao hơn trước, nên cha mẹ ra sức bảo vệ, che chở cho con, đáp ứng tất cả các yêu cầu của con, không để cho chúng phải khổ như thời của mình. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy, tuy có rất nhiều ưu điểm như, chỉ số IQ cao, tự tôn cao, tự tin cao… nhưng cũng tồn tại không ít nhược điểm. Các bậc cha mẹ Trung Quốc đương thời là những người kiên trì “đặt mình vào vị trí của trẻ” nhất, thấu hiểu mong muốn của trẻ nhất, họ hoàn toàn chiều theo ý con để thể hiện tình yêu thương vô bờ bến mà mình dành cho chúng. Phương thức biểu hiện là: “Con thích cái gì cha mẹ đều đáp ứng. Muốn tiền cho tiền, muốn đồ cho đồ. Cho càng nhiều càng chứng tỏ tôi yêu con sâu sắc.” Chính điều này làm trẻ không có cơ hội hiểu sự vất vả, khó nhọc của cha mẹ, không có cơ hội cảm nhận hạnh phúc của cha mẹ không dễ gì có được, không có cơ hội bồi đắp lòng biết ơn đối với cha mẹ và xã hội, thiếu tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ.
“Đặt mình vào vị trí của trẻ” là kết quả của khoa học quan sát trẻ em, nó cho thấy xã hội ngày nay tôn trọng và thấu hiểu cuộc đời của con trẻ. Nhưng phụ huynh tôn trọng trẻ em chẳng bằng nắm vững phương pháp giáo dục trẻ em. Về quan niệm giáo dục trẻ em trong gia đình, các bậc phụ huynh thường xem nhẹ một phương pháp luận quan trọng là phải tôn trọng trẻ em như thế nào, đó cũng là mệnh đề quan trọng trong giáo dục tâm lý trẻ em, tức là trì hoãn thỏa mãn.
Có thể chia các cách thỏa mãn ham muốn của con người ra làm năm loại sau: Trì hoãn thỏa mãn, khéo léo từ chối thỏa mãn, thỏa mãn trước, thỏa mãn tức thời và thỏa mãn quá mức. Phương pháp giáo dục tốt luôn đề xướng “trì hoãn thỏa mãn” và “khéo léo từ chối thỏa mãn.” Còn “thỏa mãn trước” là việc làm ngu xuẩn, “thỏa mãn quá mức” thì chỉ lãng phí công sức.
Một cuộc điều tra vấn đề xã hội hóa trẻ em ở hơn hai ngàn vị phụ huynh Trung Quốc cho thấy, trong giáo dục gia đình, trẻ em không nghe lời phụ huynh là vấn đề lớn nhất. Song nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ trở thành “tiểu hôn quân” lại liên quan đến việc phụ huynh thỏa mãn trước, thỏa mãn tức thời và thỏa mãn quá mức nhu cầu của trẻ.
Thỏa mãn trước: Trẻ được đặt ở vị trí cao hơn các thành viên khác trong gia đình một bậc, lúc nào cũng được hưởng chế độ chăm sóc đặc biệt. Cho nên chúng tự cho mình là người đặc biệt, quen đặt mình lên trên người khác, từ đó trở thành người ích kỷ, không có lòng cảm thông và không biết quan tâm tới người khác.
Thỏa mãn tức thời: Trẻ muốn gì được nấy, ắt tạo thành tính xấu không biết quý trọng đồ vật, đề cao hưởng thụ vật chất và lãng phí tiền bạc, hơn nữa trẻ cũng không hề biết nhẫn nại và chịu khổ.
Thỏa mãn quá mức: Phụ huynh cho phép trẻ có những hành vi ăn uống, ngủ nghỉ, học tập, vui chơi, đối nhân xử thế vượt quá chuẩn mực. Kết quả, bạn càng thỏa mãn quá mức nhu cầu của con, nó càng nhõng nhẽo. Thỏa mãn quá mức khiến trẻ không biết phân biệt đúng sai, tính cách trở nên không có tinh thần trách nhiệm và phóng đãng buông thả.
Thỏa mãn trước, thỏa mãn tức thời và thỏa mãn quá mức là những phương pháp giáo dục có tính chất hủy hoại, nó kìm hãm sự trưởng thành của trẻ, chứ không tạo điều kiện phát triển cho trẻ. Nếu các bậc phụ huynh có một chút nhận thức thì đã tránh được nhiều vấn đề, tôi chỉ sợ đa số các bậc làm cha làm mẹ đều hiểu thỏa mãn kiểu này giống như uống rượu độc giải khát, nhưng họ vẫn không kiềm chế được mình.
Nguyên nhân thứ nhất: Tình thân máu mủ, cầm tù con một
Trong các gia đình đông con trước đây, sự chú ý của cha mẹ bị phân tán vì phải chia đều cho các con. Còn trong các gia đình một con hiện nay, cả nhà đều hướng sự chú ý của mình vào đứa con độc nhất. Nó là đứa con duy nhất, đồng thời cũng là hy vọng duy nhất, tương lai duy nhất của cả nhà. Kể từ ngày đứa trẻ chào đời, cha mẹ đã giam giữ nó trong chiếc Ⱡồ₦g tình cảm của mình, họ không thể ngăn bản thân mình không trao cho con những thứ tốt đẹp nhất.
Nguyên nhân thứ hai: Cho phép mình thỏa mãn ham muốn của con một cách vô hạn
Các bậc cha mẹ ngày nay từng sống trong hai thái cực nghèo khổ và sung túc. Mấy chục năm trước, kinh tế Trung Quốc vẫn ở giai đoạn lạc hậu, cha mẹ muốn chiều chuộng con cũng không có điều kiện, vật chất, ăn uống vui chơi đều tương đối thiếu thốn. Còn trong xã hội Trung Quốc hiện nay, kinh tế phát triển vượt bậc, vì thế chúng ta lại ra sức bù đắp cho con cái. Nhất là những bậc cha mẹ thuở nhỏ không được hưởng thụ những gì mình mong muốn, nên bây giờ họ có một ý nghĩ mãnh liệt là bù đắp cho đứa con duy nhất của mình. Không riêng gì những gia đình khá giả mới đáp ứng mọi đòi hỏi của con, mà các gia đình chỉ có điều kiện kinh tế bình thường cũng thắt lưng buộc bụng để cho con có một cuộc sống đầy đủ hơn. Trong tiềm thức, các bậc cha này coi con cái là hiện thân của mình hồi nhỏ, thỏa mãn quá mức yêu cầu của con cũng là cách họ bù đắp cho những thiếu thốn trước đây của mình. Có thể nói, cha mẹ bù đắp kiểu này, tuy nhận được sự an ủi nhưng lại làm hại con.
Nguyên nhân thứ ba: Không tiêu hóa quan niệm giáo dục
Có một cương vị cao cấp mà bạn không cần dựa vào bằng cấp để đạt được, đó là cương vị làm mẹ. Rất nhiều cha mẹ dựa vào “thực chiến” để thay thế các phương pháp nuôi dạy con cái, tự mình mò đá qua sông, nhưng đến khi sang đến bờ bên kia họ thường tiếc bờ bên này. Các bậc phụ huynh không tránh khỏi nuối tiếc, bởi tình yêu là vô tận. Nhưng liệu những sự tiếc nuối này có thể sưởi ấm trên một diện tích nhỏ hơn một chút hay không?
Erich Fromm, nhà tâm lý học Mỹ từng nói một câu như sau: Yêu là một môn nghệ thuật, chúng ta cần phải học tập thì mới nắm bắt được nó. Mỗi người cha người mẹ phải thông qua quá trình tìm tòi và nỗ lực mới hiểu được thế nào là yêu. Như vậy là ông đang nói đến việc tri thức có khả năng thay đổi số phận, nếu như chúng ta nắm vững tinh hoa chân chính của quan niệm giáo dục gia đình, chẳng phải có thể thay đổi vận mệnh của cả gia đình hay sao?
Đọc đến đây, không ít các vị phụ huynh trẻ Trung Quốc cảm thấy oan ức: Từ khi mang thai, tôi cũng đã đọc vô số các sách hướng dẫn nuôi dạy con mà. Nghĩ kỹ, liệu bạn có thật sự hiểu ý nghĩa của những quan niệm giáo dục trong đó không? Ví dụ như quan niệm “đặt mình vào vị trí của trẻ” khuyến khích các bậc phụ huynh bước vào thế giới nội tâm của con, phải làm bạn với con và ngồi xuống nói chuyện với con trên cơ sở coi trọng cá tính của con. Nhưng quan niệm này không xúi giục phụ huynh cho con “đè đầu cưỡi cổ”, đó là một nhận thức sai lệch. Quan niệm “đặt mình vào vị trí của trẻ” nhấn mạnh sự tương thông tâm hồn giữa cha mẹ và con cái, song không cho phép cha mẹ thỏa mãn vô hạn các yêu cầu của con hoặc thỏa mãn dễ dàng, thỏa mãn quá mức.
Chúng ta đừng xem thường những mối nguy hại từ sự thỏa mãn quá mức, thỏa mãn dễ dàng các yêu cầu của con cái, vì nó giống như tưới thuốc độc vào dòng suối trưởng thành của trẻ, ngày sau những người làm cha làm mẹ chỉ có thể uống nước độc cùng con, dù hối hận cũng không kịp.
Mối nguy hại thứ nhất: Đánh cắp tình yêu của cha mẹ, giày vò cha mẹ
Khi bạn thỏa mãn yêu cầu của con một cách vô hạn, con bạn vô hình chung sẽ tiếp nhận ám thị tâm lý: chỉ cần con phát tín hiệu yêu cầu, nhất định sẽ có người làm con thỏa mãn. Cách thỏa mãn dại dột này ngoại trừ việc biến con trẻ thành kẻ ích kỷ tự lợi, chỉ nghĩ đến bản thân mình, chúng có thể còn cáu gắt, ra oai với cha mẹ, giống như câu nói “chỉ biết hống trong nhà”.
Con cái nhanh chóng nhận được quá nhiều hạnh phúc, nên chúng không nghĩ được rằng hạnh phúc ấy từ đâu đến, càng không hiểu cha mẹ phải đổ biết bao mồ hôi và nước mắt để đổi lấy hạnh phúc cho con, vì thế chúng không biết trân trọng, không hiểu nỗi khổ tâm của cha mẹ. Có thể thấy, việc dựa trên danh nghĩa tình yêu để uy Hi*p, giày vò, làm khổ người mình yêu thường xảy ra ngay giữa những người gần gũi nhất.
Mối nguy hại thứ hai: Khó hòa nhập với xã hội
Trẻ em là trung tâm của gia đình, lúc nào người lớn cũng vây quanh trẻ, tự nhiên khiến chúng nảy sinh ý nghĩ tôi muốn cái gì thì bắt buộc phải có cái đó, tôi muốn làm gì thì phải theo ý tôi. Kết quả là ham muốn của trẻ không ngừng được nhân lên. Nếu chúng không biết kiềm chế ham muốn của bản thân một cách hiệu quả để rồi tạo thành tính cách ăn vào máu, thì sau này trưởng thành chúng sẽ khó thích nghi với cuộc sống xã hội phức tạp vì chúng không biết đạo đối nhân xử thế cơ bản, phụ huynh có thể thỏa mãn vô hạn yêu cầu của chúng nhưng xã hội không phải là phụ huynh của chúng, nên không thể đáp ứng mọi đòi hỏi của chúng. Khi đó, con trẻ giống như chiếc xe ô tô chỉ có hệ thống động lực mà không có hệ thống phanh xe an toàn, chạy xe trên đường ắt xảy ra tai nạn.
Mối nguy hại thứ ba: Không có tính bền bỉ, thiếu năng lực cạnh tranh xã hội
Dân gian Trung Quốc có câu tục ngữ: “Muốn con bình yên, hãy để nó ba phần đói rét.” Người mẹ không khéo léo từ chối yêu cầu của con, không kiềm chế được tình cảm của mình, cuối cùng thường dẫn đến những mối nguy hiểm vô cùng. Đứa trẻ có cảm giác thỏa mãn sẽ thiếu tâm lý chịu đựng, nhất là trẻ mang “tâm lý khổng tước”, dưới cánh cha mẹ, nó quen đi trên đường bằng phẳng, quen nghe những lời lọt lỗ tai, quen làm việc vừa ý, đến khi gặp khó khăn, trở ngại, đành bó tay chịu trói, thể hiện những nét đặc trưng của “gia tộc dâu tây”.
Từ đó có thể thấy, Maksim Gorky nói rất đúng “sinh con là việc ngay cả gà mái cũng biết làm, nhưng yêu con lại là việc khác”, một khi tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái được khoác thêm nhân tố giáo dục, thì tình yêu không còn đơn giản như trước nữa, cha mẹ chỉ biết thỏa mãn vô hạn yêu cầu của con thì không bao giờ là đủ cả, họ cần phải có lý trí và kỹ thuật khi đáp ứng mong muốn của chúng.
Rốt cuộc phụ huynh phải đáp ứng yêu cầu của trẻ ra sao? Một nhà tâm lý học từng làm một thử nghiệm tâm lý nổi tiếng về việc “trì hoãn thỏa mãn”.
Buổi sáng trước khi vào lớp, thầy giáo phát cho mười em học sinh của một lớp cấp Một mỗi em một thanh sô-cô-la. Thầy giáo bảo học sinh: Các em có thể ăn nó bất cứ lúc nào, nhưng nếu em nào nhẫn nại đợi đến khi đi học về nhà rồi mới ăn, thầy sẽ thưởng cho em đó một thanh sô-cô-la giống y như thanh sô-cô-la này.
Sô-cô-la vô cùng hấp dẫn, có một vài học sinh không chịu được nên đã ăn hết ngay, tất nhiên cũng có một nửa số học sinh cương quyết đợi đến lúc tan học để được thưởng. Cuộc thử nghiệm tiếp tục theo dõi những học sinh này đến khi chúng tốt nghiệp đại
học, và kết quả cho thấy, những học sinh biết “trì hoãn thỏa mãn” có thành tích học tập cao hơn những học sinh không kiềm chế được mình trước sức hấp dẫn của sô-cô-la, trung bình là hai mươi điểm và sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ tìm được công việc như ý cũng cao hơn.
“Trì hoãn thỏa mãn” cũng là một phương pháp giáo dục quan trọng của những bậc phụ huynh Israel thông thái.
Tôi rất thích tham gia những buổi họp phụ huynh ở trường học Israel, vì mỗi buổi họp đều đem đến cho tôi nhiều điều bổ ích. Trong một số buổi, các vị phụ huynh sôi nổi đưa ra ý kiến của mình về quan niệm “trì hoãn thỏa mãn” ở trẻ. Một khi phụ huynh đã quyết định trì hoãn thỏa mãn hoặc từ chối yêu cầu của trẻ, bất luận trẻ khóc lóc nài nỉ thế nào, họ cũng không thay đổi ý định, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc này. Trừ phi bạn cố tình dạy cho con mình tính cả thèm chóng chán thì hãy chiều theo nó. Phụ huynh Do Thái còn thảo luận trong một số trường hợp nhất định, chiều theo ý trẻ sẽ được coi là sự phục tùng lý trí. Nói cách khác, lúc này việc đáp ứng yêu cầu của trẻ là quyết định sáng suốt của cha mẹ, nếu không cha mẹ sẽ biến thành người lạm dụng quyền lực.
Bạn đang là người cha, người mẹ yêu thương con cái nhất, con bạn cầu được ước thấy, vậy bạn hãy suy xét xem các kỹ năng thỏa mãn tức thời, thỏa mãn trước và thỏa mãn quá mức của mình có phải là chuẩn mực của các bậc cha mẹ thành công không? Và khi đứa trẻ vốn đắm chìm trong cảm giác được thỏa mãn kia bước ra ngoài xã hội, liệu xã hội có thể dễ dàng đáp ứng mọi yêu cầu của nó không? Nếu đáp án là không thì con bạn sẽ suy sụp tinh thần như thế nào? Thà triển khai các bài học từ chối sự thỏa mãn ở mức độ vừa phải trong phạm vi gia đình, còn hơn phải nộp một khoản học phí kếch xù cho con khi chúng bước ra ngoài xã hội, một mặt khiến trẻ biết kéo lùi hưởng thụ, có kỳ vọng vào cuộc sống, mặt khác tăng khả năng chịu đựng của trẻ sau khi bị từ chối, mua sẵn “bảo hiểm tâm lý” cho trẻ.