Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương - Chương 14

Tác giả: Sara Imas

Có Ý Thức Bồi Dưỡng Kỹ Năng Quản Lý Cho Con
Trong xã hội hiện đại, kỹ năng quản lý là một loại kỹ năng không thể thiếu của những cá nhân tài năng trong môi trường quốc tế hóa. Nhiều năm trước, tạp chí Fortune của Mỹ từng dự đoán: Đến năm 2010, quản lý dự án sẽ trở thành mô thức quản lý chủ lực của chính phủ Mỹ và giới doanh nghiệp; kỹ năng và trình độ quản lý tạo nên năng lực cạnh tranh chủ yếu của các cá nhân và tổ chức trong thời đại kinh tế mới. Dự đoán này là hoàn toàn chính xác, chỉ có điều người Do Thái đã đưa ra dự đoán này từ lâu.
Người Do Thái có kỹ năng quản lý cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới một bậc. Điểm mặt CEO của các công ty nổi tiếng toàn cầu, người Do Thái luôn chiếm vị trí ưu thế. Chẳng lẽ, con cháu của người Do Thái đều học qua Học viện Quản lý sao? Học viện Quản lý không đào tạo kỹ năng quản lý, nếu không Học viện Quản lý sẽ trở nên vô cùng nhộn nhạo! Gia đình chính là nơi bồi dưỡng kỹ năng quản lý của CEO hiệu quả nhất. Phương pháp giáo dục con cái “nhận thù lao theo cơ chế thị trường” rèn luyện kỹ năng quản lý thông tin, kỹ năng quản lý giá thành, kỹ năng quản lý thời gian của con trẻ trên nhiều phương diện. Đứa trẻ được rèn luyện những kỹ năng quản lý như thế sẽ dễ trở thành nhân tài trong môi trường quốc tế hóa tương lai.
Lấy gia đình tôi làm ví dụ, từ khi thực hiện phương pháp nhận thù lao theo cơ chế thị trường, tôi nhận thấy các con ngày càng được luyện tập kỹ năng quản lý dự án. Cùng làm việc nhà và tham gia vào các kế hoạch của gia đình đã trở thành trách nhiệm của cả ba đứa trẻ. Bất kể việc to việc nhỏ trong nhà, tất cả các thành viên trong gia đình đều cùng nhau bàn bạc, trao đổi. Việc lớn bao gồm chọn trường, chọn ngành, sắp xếp công việc trong gia đình, lập kế hoạch tương lai cho cả nhà; việc nhỏ thì như ngày hôm nay ăn những món gì, mọi người cùng đưa ra thực đơn của mình. Phụ huynh đừng coi thường quyền quản lý của con trẻ trong gia đình, rất nhiều việc chúng có thể xử lý êm xuôi. Các bước cụ thể như sau:
(1) Rèn luyện kỹ năng quản lý thông tin của con
Trước đây, ba đứa con tôi đều là tiểu hoàng đế trong nhà, chúng chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình, chẳng hề để ý đến những bước đi và kế hoạch của gia đình. Còn tôi thì ôm đồm hết mọi việc, vì tôi là người lớn mà! Song các bà mẹ Do Thái không suy nghĩ như vậy, họ cho rằng con cái cũng là người chủ nhỏ, có trách nhiệm tham gia vào việc quản lý gia đình, họ khuyến khích con em mình động não thu thập thông tin, bày mưu hiến kế cho gia đình, cả nhà cùng góp sức giải quyết.
Ví dụ, các bậc cha mẹ Do Thái giao cho con mình toàn quyền xử lý kỳ nghỉ phép hằng năm. Con cái chịu trách nhiệm lập kế hoạch đi nghỉ cho cả nhà, chúng tự lên mạng thu thập thông tin liên quan đến địa điểm du lịch. Trong quá trình thu thập thông tin, bọn trẻ phải tiến hành sắp xếp, phân tích, quy nạp các thông tin về đặc điểm du lịch, báo giá và thời tiết của các nơi, cuối cùng hình thành một bản báo cáo nhỏ, thuyết trình trước cả nhà. Phụ huynh Do Thái rất thích nhờ con cái làm “cây Phả hệ” hoặc album ảnh gia đình. Để thu thập thông tin, bọn trẻ phải đi hỏi ông bà của chúng những chuyện từ xa xưa, sau đó diễn đạt lại bằng lời của mình, làm thành một cuốn album gia đình, kết hợp giữa hình ảnh và chữ viết, tặng người thân và bạn bè. Làm “cây Phả hệ” sẽ rèn luyện tích cực cho kỹ năng quy nạp thông tin cho trẻ.
Ngoài ra, những vị phụ huynh am hiểu về cổ phiếu còn chủ động hướng dẫn con em mình cùng chú ý tới những tin tức liên quan đến công ty đầu tư, cho chúng biết thông tin nào sẽ thúc đẩy cổ phiếu tăng giá hoặc giảm giá và làm ảnh hưởng tới khoản tiền đầu tư. Những phương pháp nhỏ này dường như rất đơn giản, bình thường, nhưng lại ẩn chứa dụng tâm giáo dục gia đình của người Do Thái, rèn luyện hiệu quả kỹ năng quản lý thông tin của con em họ.
Con trai cả Dĩ Hoa của tôi vốn là đứa mù mờ thông tin, không ngờ quá trình rèn luyện theo nguyên tắc có làm có hưởng đã khiến nó lột xác, trở thành người thông thạo tin tức. Những thông tin thằng bé cung cấp trực tiếp đã làm tăng “GDP’’ cho gia đình chúng tôi.
Tri thức cũng là một loại thông tin, chịu khó bồi đắp tri thức ngày sau ắt sẽ có đất dụng võ. Khi nhà trường giảng đến luật di dân của Israel, trong đầu Dĩ Hoa chợt liên tưởng đến hoàn cảnh nhà mình, nó lập tức giơ tay hỏi thầy giáo về những điều luật có liên quan. Kết quả, nó phát hiện ra tôi chưa đi lĩnh khoản tiền phúc lợi nhằm hỗ trợ ổn định cuộc sống cho dân di cư. Sau khi tan học, thằng bé chạy thẳng về nhà, ban đầu nghe con trình bày, tôi còn không tin. Trước giờ người Do Thái làm việc gì cũng chắc chắn, nói một là một, hai là hai, sao lại quên trả tiền phúc lợi cho tôi được chứ? Nhưng, nghe Dĩ Hoa nói đến các kiến thức liên quan đâu ra đấy, lại có căn cứ xác thực, tôi bán tín bán nghi đi hỏi. Không ngờ Dĩ Hoa nói đúng, tôi lĩnh được 12.000 agorot tiền ổn định cuộc sống từ Cục Di dân. Thời điểm đó, đối với gia đình tôi mà nói, đây không phải là một khoản tiền nhỏ. Tôi vẫn luôn muốn mở một quán cơm Trung Quốc ở Israel, vừa kinh doanh các món ăn Trung Quốc, vừa bán nem rán. Tôi tính một hai năm nữa mình mới thực hiện được ước muốn này, nào ngờ con trai tôi vận dụng tri thức và trí tuệ của mình mau chóng giúp tôi hoàn thành ước nguyện. Dẫu chỉ là một tiệm trân châu nhỏ tới mức không thể nhỏ hơn, nhưng nó cũng làm tăng nguồn thu của cả nhà, đó cũng là trái ngọt đầu tiên của “cuộc cách mạng” giáo dục trong gia đình tôi.
Con trai thứ Huy Huy của tôi chưa tới ba mươi tuổi đã trở thành triệu phú trên thế giới, trước hết là nhờ kỹ năng quản lý thông tin của nó. Những người bạn học Israel đặt cho nó biệt hiệu là cuốn danh bạ điện thoại kèm bản đồ thông tin. Như chúng ta đều biết, kỹ năng quản lý thông tin của những người bạn nhỏ Israel xuất sắc vượt bậc, người được chúng tán thưởng nhất định phải giỏi thật sự. Bất luận đi đến đâu, Huy Huy cũng nghe nhiều, nhìn nhiều, quan sát nhiều, hỏi nhiều. Làm những việc chi tiết này một cách quy củ giúp nó tạo thành thói quen sắp xếp các loại thông tin. Nó giống như một đầu máy VCR, ghi lại rõ ràng quy trình làm việc và yêu cầu xử lý thông tin căn cứ vào nhu cầu của mình. Những thói quen tốt ấy vẫn đi theo Huy Huy cho đến ngày nay.
Như khi Huy Huy và các bạn cùng lớp đến khu chợ thương mại, nó ghé thăm những quầy hàng bán các mặt hàng nhỏ như rau củ, hoa quả, xem quầy hàng nào bán đắt hàng hơn. Qua quá trình phân tích, quan sát, Huy Huy phát hiện ra, cư dân thành phố Kiryat Shmona rất ưa thích tinh dầu, quạt gỗ đàn hương và khăn tơ tằm của Trung Quốc. Huy Huy cực kỳ phấn khởi, nó gửi số tiền kiếm được từ việc bán nem rán về Thượng Hải, nhờ bạn bè và người thân mua các mặt hàng đó gửi sang Israel. Mua một chiếc khăn tơ tằm trị giá 25 tệ ở Trung Quốc, bán ra được 250 agorot ở Kiryat Shmona, tương đương 500 tệ, lợi nhuận quá lớn.
Tại sao Huy Huy luôn thu được lợi nhuận hậu hĩnh? Từ nhỏ nó đã lấy câu nói sau làm châm ngôn: Dẫu là gió, bạn cũng phải biết nó bắt nguồn từ đâu. Sở dĩ Huy Huy có thể bước vào ngưỡng cửa cao ngất của ngành kinh doanh kim cương, vì nó đã rèn luyện kỹ năng sử dụng thông tin từ nhỏ.
Tôi có đứa cháu họ đã học đến thạc sĩ, một hôm thầy giáo liệt kê một số vật liệu giao cho nó đi mua.
Phản ứng đầu tiên của nó sau khi nhận bản liệt kê là hỏi thầy giáo: “Em phải đi đâu mua những thứ này?”
Thầy giáo ngạc nhiên đáp: “Ở chỗ bán vật liệu xây dựng.”
Nó lại hỏi tiếp: “Thầy nói luôn cho em biết chỗ bán vật liệu xây dựng nằm ở đâu đi ạ?”
Thầy giáo nói cho nó biết địa điểm cụ thể.
Đến buổi chiều, nó quay lại.
Thầy giáo hỏi: “Em mua được chưa?”
Nó thưa: “Em đến chỗ thầy chỉ, nhưng họ nói chỗ họ không bán hàng!”
Thầy giáo hỏi lại: “Vậy em không hỏi xem chỗ nào mua được vật liệu sao?”
Nó hồn nhiên trả lời: “Lần sau tới đó em sẽ hỏi lại!”
Thầy giáo đành bó tay, không nói được gì.
Đó là biểu hiện của việc thiếu kỹ năng quản lý thông tin. Đợi đến khi con trẻ vào Học viện Quản lý mới bắt đầu học kỹ năng quản lý thông tin thì đã quá muộn rồi. Kỹ năng quản lý thông tin thực chất là một loại kỹ năng sinh tồn, nó đến từ sự bồi dưỡng của gia đình ngay từ khi con còn nhỏ.
(2) Rèn luyện kỹ năng quản lý giá thành của con
Trong Hồng đăng ký, Lý Ngọc Hòa có câu hát “con nhà nghèo sớm lo liệu việc nhà.” Vì con em nhà nghèo biết làm việc vặt trong nhà từ thuở nhỏ, thậm chí chúng còn tham gia vào các quyết sách của gia đình. Ngược lại, ở Israel, con em nhà giàu hiểu việc nhà hơn, các vị phụ huynh cố tình cho con em mình thâm nhập vào cuộc sống. Vun vén gia đình là công việc thử thách con người nhiều nhất, đó mới là Học viện Quản lý đích thực nhất của con người.
Trí thông minh của trẻ thường làm người lớn phải kinh ngạc. Theo lý mà nói, tôi làm nem rán cũng được coi là thạo nghề, tôi từng nghĩ không biết bao nhiêu cách giảm giá thành nhưng đều không hiệu quả, vậy mà Dĩ Hoa mới hơn mười tuổi đầu, vừa mới bắt tay vào làm nem rán đã nghĩ ra bí quyết nhỏ làm giảm giá thành. Bí quyết nằm ở gia vị làm nhân nem. Người Israel thích ăn các loại rau thanh đạm như cà chua, ớt xanh, không ăn thịt lợn và các loài động vật sống dưới nước như tôm. Tôi làm nhân nem theo khẩu vị của họ, tôi băm hành tây, cà rốt, bắp cải, giá đỗ, rắc gia vị là hạt tiêu và bột nêm gà, sau đó lại cho thêm đường vào cho có màu, nhân bên trong trông vừa đẹp mắt lại còn thơm ngon. Nhưng bột nêm dùng rất nhanh hết, ở Israel lại không tiện mua nên giá thành bị đẩy lên cao.
Phương pháp nhận thù lao theo cơ chế thị trường kích thích Dĩ Hoa suy nghĩ về vấn đề giảm giá thành nem rán, thằng bé trầm ngâm nói với tôi rằng: “Mẹ ạ, chúng ta không nên cho ba loại gia vị vào cùng một lúc. Ở Israel không mua được bột nêm gà, chúng ta mang từ Thượng Hải sang đây rất phiền phức, cần phải dùng tiết kiệm. Nếu bỏ ba loại gia vị vào rau, khi gặp nước bột nêm gà bị dính rất nhanh, làm vậy rất lãng phí bột nêm gà của chúng ta. Nếu bỏ bột nêm gà vào sau cùng rồi cuốn bánh đa nem lại, thì không những giữ được mùi vị thơm ngon, mà còn tiết kiệm chi phí.”
Trong tay Dĩ Hoa có một cuốn sổ nhỏ, ghi chép rõ ràng từng việc. Ví dụ, số bột mì hôm nay mua về đáng lý làm được năm mươi lăm cái bánh đa nem, gói năm mươi lăm cái nem. Nhưng khi trải bánh đa nem ra, nó không cẩn thận làm hỏng vài cái nên chỉ còn lại năm mươi cái. Sau đó nó làm ra bao nhiêu cái nem rán, bán hết bao nhiêu, còn lại bao nhiêu, đều được ghi lại rõ ràng trong cuốn sổ tay.
Thật không ngờ, từ khi có tinh thần trách nhiệm những đứa con của tôi vốn quen cơm bưng tận miệng lại có thể lột xác như vậy. Trong giây phút ấy, tự đáy lòng mình tôi đã dấy lên sự khâm phục cách giáo dục sinh tồn của quê hương mình.
Dĩ Hoa rất có tinh thần trách nhiệm, nhỡ hôm nào không bán hết nem rán, nó không bao giờ ăn hết hoặc tùy tiện tặng cho người khác, nó nhất định sẽ mang về nhà, kiểm điểm trước mặt mọi người, sau đó mới lựa chọn có ăn nem rán hay không. Còn Huy Huy, nếu bán nhầm mất một cái nem rán, nó tự giác bỏ ra 1 agorot tiền bồi thường.
Khi có người đặt nem rán, Huy Huy luôn tranh thủ thời gian mang cho người ta lúc nem còn nóng, vì sợ ảnh hưởng đến cảm nhận khi ăn của khách hàng.
Tôi lo Huy Huy đói bụng, nên dặn nó: “Huy Huy, trên đường đi, con nhớ lấy mấy cái ra ăn nhé.”
Huy Huy lắc đầu đáp: “Không được đâu mẹ. Con và anh đã phân chia công việc rồi, làm bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, số lượng nem rán có hạn, nếu con ăn nem rán trên đường đi thì đến khi về nhà sẽ cảm thấy có lỗi.” Huy Huy cho rằng ba anh em nó đã giao kèo với nhau rồi thì không được tùy ý làm trái quy định. Nó mang toàn bộ số nem rán đi giao, nếu như còn thừa, nó mang về nhà rán lại rồi mới ngồi ăn.
Ở Israel, tôi từng bắt gặp một cảnh tượng vô cùng xúc động như sau:
Vào trong toilet, tôi nghe thấy căn phòng nhỏ bên cạnh phát ra âm thanh kỳ lạ, tiếng động kéo dài, lại quá lạ lùng, nên tôi không khỏi tò mò.
Tôi ghé mắt nhìn qua khe cửa, những gì đập vào mắt làm tôi rất xúc động.
Thì ra, có một cô bé tầm bảy, tám tuổi đang kỳ cạch sửa bồn cầu. Hỏi ra mới biết, sau khi con bé đi vệ sinh xong, vì bồn cầu gặp trục trặc, nước vẫn tiếp tục chảy ra, nên một mình nó ngồi chồm hỗm trong đó, nghĩ cách sửa bồn cầu, ngăn không cho nước chảy hết ra ngoài gây lãng phí. Lúc đó không hề có cha mẹ hay thầy cô ở bên cháu bé.
Không ngờ một cô bé mới bảy, tám tuổi đã có ý thức tiết kiệm tài nguyên môi trường như vậy.
Có thể có phụ huynh sẽ nói: “Bây giờ con vẫn còn nhỏ, chỉ cần sau này lớn lên nó biết nên làm gì là được rồi, không cần yêu cầu quá cao đối với một đứa trẻ.” Tuy nhiên, chúng ta đừng xem nhẹ giai đoạn đầu đời của trẻ, vì bất kỳ một sự tương tác nào giữa bạn và con cái đều ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời sau này của chúng. Vì vậy, ngành giáo dục có quan niệm rất quan trọng đó là “cẩn thận khi bắt đầu.” Ngay từ ban đầu bạn đã có cách xử sự không đúng với con, có lẽ cả đời bạn cũng không thể làm lại được. Quản lý giá thành cũng là một loại tinh thần trách nhiệm, mà tinh thần trách nhiệm của con cái lại được vun đắp trong cuộc sống hằng ngày. Bình thường khi con đánh đổ can dầu nhưng không chịu dọn dẹp, bạn đừng mong có một ngày nó đột nhiên thay đổi thành người có tinh thần trách nhiệm. Tinh hoa của nguyên tắc có làm có hưởng khiến con trẻ nhận thấy bản thân chúng rất có năng lực, đồng thời khiến chúng hiểu về chi phí giá thành, hiểu về trách nhiệm.
(3) Rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian của con
“Các con, mẹ có câu hỏi như thế này: nếu có 86.400 tệ chuyển vào tài khoản của các con hằng ngày và buộc phải tiêu hết trong ngày hôm ấy, vậy các con sẽ sử dụng số tiền này như thế nào?”
Trên đời này thật sự có chuyện tốt như vậy sao?
Đúng vậy, bạn thật sự làm chủ một tài khoản thần kỳ như vậy, đó là “thời gian”. Mỗi ngày mỗi người chúng ta đều có 86.400 giây được chuyển vào tài khoản của mình. Đối diện với của cải lớn như vậy, bạn dự định sử dụng chúng như thế nào?
Trước khi rèn luyện kỹ năng quản lý tài sản cho trẻ, phụ huynh Do Thái thường dạy con em mình bài học đầu tư đầu tiên là đầu tư thời gian!
Họ nói cho trẻ biết, nếu con muốn giàu có thì nhất định phải đầu tư vào thứ có giá trị hơn vàng bạc, đó là thời gian. Hầu hết mọi người trên thế giới đều muốn trở nên giàu có, nhưng rất nhiều người không muốn đầu tư cho thời gian trước nhất. Họ viện cớ, tôi chưa có thời gian, tôi rất bận, tôi phải làm việc... Những quan điểm và cách bào chữa thường thấy này là nguyên nhân lý giải tại sao thế giới chỉ có số ít người giàu.
Quản lý thời gian là bài học đầu tư đầu tiên mà trẻ em Do Thái được học từ cha mẹ. Không ít phụ huynh Trung Quốc than phiền kỹ năng quản lý bản thân của con mình quá kém, luôn thua ở tính ỷ lại. Thật ra, bản chất của kỹ năng quản lý bản thân là một loại kỹ năng quản lý thời gian, nó liên quan đến năng suất làm việc và sự thành công hay thất bại của con trẻ trong sự nghiệp.
Ban đầu Huy Huy nhà tôi cũng là một đứa trẻ không biết quản lý thời gian, đầu tư thời gian, tôi càng cho nó nhiều thời gian, nó càng không biết quý trọng. Sau khi thực hiện nguyên tắc có làm có hưởng trong gia đình, Huy Huy nhận ra nó cần phải sắp xếp quỹ thời gian của mình mỗi ngày. Ví dụ, trong năm tiếng đồng hồ sau khi đi học về, nó phải hoàn thành việc nhà ghi trên lịch trực nhật, còn phải ôn lại một số bài tập cần thiết trên lớp và đi đá bóng cùng các bạn nhỏ ở tầng dưới. Sắp xếp ba việc này ra sao đây? Ưu tiên việc nào trước? Việc nào cũng muốn hoàn thành thì năng suất làm việc phải như thế nào?
Huy Huy chạy tới hỏi tôi: “Mẹ, có cách nào hay không mẹ?”
Nghĩ đến ngày trước cả nhà thường lãng phí thời gian làm bữa trưa, con trai tôi đột nhiên cảm thấy tiếc thời gian, trong lòng tôi ánh lên niềm vui. Để Huy Huy biết quản lý thời gian, tôi không giúp thằng bé làm hết việc nhà, tiếp tục làm nồi cơm điện và máy giặt cho nó giống như trước đây nữa, tôi nói: “Con trai, thiếu thời gian là chuyện hết sức bình thường. Khi chúng ta không thể nào có được nhiều thời gian hơn người khác, thì cách duy nhất là làm sao lập kế hoạch sử dụng quỹ thời gian của mình một cách hiệu quả.” Tôi còn kể cho thằng bé nghe câu chuyện về Âu Dương Tu, một học giả lớn của Trung Quốc: “Âu Dương Tu là một người vô cùng bận rộn, thoạt nhìn con sẽ thấy ông ấy không có thời gian viết văn làm thơ, song ông ấy lại biết quản lý thời gian của mình, sáng tác văn chương ở ‘tam thượng’. Con có biết ‘tam thượng’ là ở đâu không? Đó là trên lưng ngựa, trên gối ngủ và trên nhà xí!”
Từ khi có ý thức rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian của các con, tôi nhận ra muốn nâng cao kỹ năng quản lý thời gian của bọn trẻ, các bậc cha mẹ cần cho chúng hiểu rõ ba kiến thức thông thường. Thứ nhất, thời gian là tài sản hao mòn; thứ hai, có việc nặng việc nhẹ, việc gấp gáp hay việc thong thả; thứ ba, thời gian có tính phân loại. Cha mẹ có trách nhiệm dạy con trẻ phân bổ thời gian theo tính chất của sự việc, để cho chúng hiểu mình cần phải làm việc quan trọng trước và đặt ra thời gian cố định mỗi ngày để thực hiện những công việc dài hạn.
Có thể sẽ có ý kiến phản biện, để con gánh vác một số kế hoạch của gia đình chỉ làm mất thời gian của nó, thậm chí còn làm mệt óc con vì phải quản lý thời gian, sao phải tự chuốc lấy phiền hà? Truyền thống giáo dục gia đình của người Do Thái càng muốn tìm đến những sự phiền hà như vậy, quan niệm giáo dục gia đình của họ là đào tạo ra một nhân tài gắn kết với xã hội, chứ không phải là một học sinh học nghề chỉ biết đọc sách. Học sinh học nghề thật đáng sợ, vì chúng chỉ kỳ vọng vào độ cao của trình độ học vấn.
Thời đại học, Huy Huy chưa từng học chuyên ngành quản lý, nhưng nó lại trở thành một nhà quản lý thực thụ, điều hành công ty quy củ, hơn nữa nó vẫn giữ được sự cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Phần lớn mọi người không đạt được trạng thái này, vì họ không rèn kỹ năng quản lý thời gian từ khi còn nhỏ. Một số nghiên cứu chứng minh: Sự chênh lệch về năng suất làm việc giữa một người có năng suất làm việc cao và một người có năng suất làm việc kém là hơn mười lần, điểm chung của những người thành công là biết khéo léo sử dụng thời gian nhằm nâng cao hiệu quả lao động. Trên thực tế, tất cả mọi người đều phải nắm vững phương pháp và quan niệm quản lý thời gian.
Bước vào căn nhà của chúng tôi ở Israel, bạn sẽ nhận thấy phòng Huy Huy trang trí đặc sắc. Trên giường, rèm cửa sổ, giá treo quần áo, tủ, gương, tường… chỗ nào cũng dán kín các mẩu giấy đủ màu sắc và kiểu cách. Bên trên những mẩu giấy ấy ghi từ vựng và những mẫu câu thường sử dụng trong tiếng Hebrew, tiếng Anh. Huy Huy không muốn thời gian trôi đi một cách vô ích, dù chỉ một phút. Vì vậy, trước lúc nhắm mắt ngủ, nó đọc thầm mẩu giấy dán ở đầu giường; sáng hôm sau thức dậy, nó vừa mặc quần áo vừa đọc mẩu giấy dán trên tường; đến khi đi rửa mặt, mẩu giấy trên gương lại đập vào mắt nó. Không riêng gì ở nhà, khi ra ngoài, Huy Huy cũng không dễ bỏ qua từng phút giây nhàn rỗi. Trước khi ra khỏi nhà, nó bỏ mẩu giấy nhỏ vào túi áo, lúc nào cũng có thể tiện tay lấy ra xem, ghi nhớ. Cho dù cuối tuần đi làm thêm ở tiệm bánh mì, nó cũng sẽ dán mẩu giấy nhỏ ở trước giá bánh mì, vừa làm vừa học. Hễ có cơ hội là nó lại nói chuyện với ông chủ để học khẩu ngữ. Đôi khi hai mẹ con tôi đang nằm trò chuyện huyên thuyên, ngoảnh lại thì đã thấy Huy Huy ngủ từ lúc nào rồi, trong tay vẫn giữ khư khư bảng từ vựng.
Quản lý thời gian là một việc thú vị biết bao, nó có thể phát huy tác dụng kỳ diệu đối với sự phát triển của trẻ. Tổ chức và quản lý thời gian của mình một cách hợp lý giúp con bạn biết làm việc có trật tự, từ đó trẻ biết phân bổ thời gian, tinh thần và sức lực để làm việc hiệu quả và giải quyết các vấn đề gặp phải.
Các bậc cha mẹ không cần hâm mộ con nhà người ta sau này lớn lên trở thành CEO, điều hành cả một công ty, vì các CEO bắt đầu bài học vỡ lòng về chuyên môn của mình từ chính gia đình, chứ không phải ở Học viện Quản lý. Tôi thường nghe không ít phụ huynh phàn nàn, vòi nước trong nhà đang chảy, con đi vào cũng chẳng biết đường khóa lại; con đang chơi đồ chơi, bỗng quay sang xem ti vi, không thèm dọn đống đồ chơi bày la liệt dưới đất, làm bố mẹ suýt ngã; con vì ham chơi hoặc hiệu quả học tập thấp nên không hoàn thành bài tập, buổi sáng không dậy nổi, phụ huynh phải soạn sách vở thay con, thậm chí còn làm hộ bài tập. Con cái chưa đi vào nền nếp như vậy, những bậc làm cha làm mẹ có nên xem xét lại bản thân mình hay không. Thiết nghĩ một đứa trẻ ngay đến chuyện ăn mặc của mình cũng chẳng lo xong, vậy bạn làm sao có thể trông mong sau này lớn lên nó sẽ có kỹ năng quản lý số phận của mình và số phận của bao nhiêu nhân viên trong công ty?
Trong thế kỷ XXI, con cái chúng ta sẽ phải đối mặt với môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn và không thể nói trước được điều gì. Các bậc cha mẹ hãy trang bị đầy đủ kỹ năng quản lý như, ý thức quản lý chi phí giá thành, ý thức quản lý thông tin, ý thức quản lý thời gian và kỹ năng quản lý bản thân, quản lý công việc cho con cái ngay từ khi chúng còn nhỏ. Đó là sự chuẩn bị và tích lũy cần thiết cho quá trình trưởng thành, học tập và công việc sau này của trẻ, có như vậy chúng mới có thể ung dung đối mặt với tương lai.
Phương pháp bồi dưỡng kỹ năng quản lý của con
1. Lên kế hoạch cho mỗi ngày
Xác định mục tiêu của mỗi ngày, tạo thành thói quen sắp xếp các công việc phải làm hằng ngày. Buổi sáng thức dậy suy nghĩ xem mình cần làm việc gì trước nhất và bắt tay vào làm cho đến khi hoàn thành. Sau đó lại làm công việc thứ hai, cứ tiếp tục như vậy cho đến hết. Nếu kết thúc một ngày, con vẫn chưa thể hoàn thành tất cả các công việc, phụ huynh nên khuyên chúng đừng quá bận tâm lo lắng.
2. Phân biệt tính cấp bách và tính quan trọng
Việc cấp bách chưa hẳn là quan trọng, ngược lại việc quan trọng cũng không hẳn đã cấp bách. Với một đống việc bày ra trước mắt, phụ huynh hãy gợi ý cho con tự hỏi chính mình, đâu mới là việc thật sự quan trọng, cần ưu tiên xử lý trước. Nếu con trẻ bị cuốn vào việc cấp bách, cuộc sống của chúng sẽ có nguy cơ ngột ngạt, quá tải.
3. Tận dụng triệt để thời gian làm việc hiệu quả nhất
Phụ huynh nên cho con biết, nếu con thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất vào thời gian làm việc hiệu quả nhất trong ngày, con sẽ tốn rất ít sức lực mà vẫn hoàn thành được rất nhiều việc. Vậy khi nào mới là thời gian làm việc hiệu quả nhất? Thời gian làm việc hiệu quả của mỗi người không giống nhau, con cái cần phải tự tìm hiểu.
4. Dốc toàn bộ sức lực hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất
Điều quan trọng không phải là làm một việc tiêu tốn bao nhiêu thời gian, mà là có bao nhiêu thời gian con không bị làm phiền. Một khi dốc toàn bộ sức lực vào làm việc, bất cứ khó khăn nào cũng có thể giải quyết dễ dàng, còn cứ nửa vời, vừa làm vừa chơi thì chẳng giải quyết được việc gì. Mỗi lần chỉ có thể suy xét một việc, mỗi lần chỉ có thể làm một việc.
5. Sử dụng mười phút trước khi tan học
Gần đến giờ tan học, rất nhiều học sinh thường đứng ngồi không yên. Thật ra, mười phút trước giờ tan học là “thời gian vàng”, có tác dụng “kế thừa cái cũ, sáng tạo cái mới.”
a. Chỉnh lý vở ghi trên lớp. Vở ghi tóm tắt nội dung bài giảng hằng ngày, bao gồm một số ý quan trọng của buổi học, do ghi vội nên nội dung hơi lộn xộn, học sinh cần sắp xếp lại trước khi kết thúc bài học của một ngày.
b. Kiểm tra bài tập. Học sinh đánh dấu những bài tập đã làm xong, đồng thời nắm rõ số lượng bài tập chưa hoàn thành.
1. Khi bản thân con muốn làm một việc nào đó, dù con làm không hoàn hảo, cha mẹ cũng nên khuyến khích con tiếp tục cố gắng, tuyệt đối không được quát tháo: Đừng làm nữa, mày chỉ làm hỏng việc thôi.
2. Phụ huynh có ý thức tạo cơ hội cho con biết tự lập, có thể bảo con tìm một đồ vật quen thuộc trong nhà hoặc là đặt ra một câu hỏi và để con tự tìm đáp án. Khi bồi dưỡng kỹ năng quản lý của con, phụ huynh phải đi từ dễ đến khó để con có động lực trong quá trình trải nghiệm thành công, chủ động tiến lên phía trước.
3. Kết hợp giữa “quản” và “thả.” Muốn bồi dưỡng kỹ năng quản lý của con, phụ huynh cần phải kết hợp giữa “quản” và “thả.” “Quản” tức là khi con làm một việc nào đó, phụ huynh phải quan tâm hỏi han, dự đoán con gặp khó khăn gì, sẵn sàng hướng dẫn con làm một vài việc cần thiết. “Thả” là buông tay cho con làm. Con sẽ dạn dày hơn trong quá trình thực hiện.
4. Nuôi dưỡng thói quen. Tục ngữ nói: “Mới đầu thói quen giống như tơ nhện, về sau nó giống như dây thừng.” Bồi dưỡng kỹ năng quản lý của con, quan trọng nhất là phụ huynh cho trẻ hình thành thói quen tự lập và thường xuyên đôn đốc con.
5. Khi tâm trạng trẻ không tốt, phụ huynh không nên bắt con em mình tự lập hoặc ép con chịu trách nhiệm.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc