Vân Nê mơ thấy một giấc mơ dài.
Có lẽ vì gần đây bị bệnh nên cô khó chịu, hoặc là không khí trong xe quá ấm áp. Cô chợt mơ thấy cuộc sống lúc trước khi mẹ Từ Lệ vẫn chưa mất.
Lúc ấy, xe, nhà, tất cả mọi thứ, cái nào có thể bán đều bán tất. Vân Liên Phi mượn bạn một khoản tiền, thuê một căn hộ trong tòa nhà tập thể tại khu phố cổ.
Kết cấu chỉ có một phòng ngủ và một phòng khách. Diện tích phòng vệ sinh nhỏ đến mức nếu có hai người đứng thì sẽ không xoay người được. Không có sân thượng, không có phòng bếp, trong phòng khách thì chỉ có thể để một chiếc ghế sofa và một chiếc bàn.
Trên hàng lang bên ngoài căn hộ bày một cái bếp lò đơn sơ, mỗi lần đến thời gian nấu cơm sẽ rất chật chội ồn ào. Cả khu nhà nồng nặc mùi khói dầu đến nghẹt thở.
Dù là mùa hè nóng hừng hực thì trong căn hộ vẫn luôn toát lên sự u ám ẩm ướt, khắp nơi đều là mùi mốc meo.
Vào năm đó, Vân Nê mới mười một tuổi.
Chuyển ra khỏi căn biệt thự được trang hoàng tuyệt đẹp. Không còn phòng riêng và những bộ váy công chúa xinh đẹp, cũng từ bỏ lớp nhảy mà mình đang theo học.
Vân Nê buộc phải trưởng thành chỉ trong một đêm.
Cô đi học một mình, không cần ba mẹ đưa đón. Học cách giặt quần áo và nấu cơm, chiều thứ bảy mỗi tuần sẽ ngồi một chuyến xe buýt rất dài từ khu phố cổ đến bệnh viện đại học y khoa để đưa mẹ đi hóa trị và lọc máu.
Đối với một cô bé mười một tuổi thì đoạn đường đó thật sự dài đằng đẵng. Vào mùa hè, trên xe không có điều hòa, Từ Lệ sẽ cầm một cây quạt nhỏ nhẹ nhàng phe phẩy suốt cả đường đi.
Đến mùa đông, Vân Nê tựa vào lòng mẹ, nắm lấy bàn tay ấm áp đầy lỗ kim châm của mẹ, trò chuyện về những thứ vụn vặt ở trường học cùng bà, sau đó dần ngủ thi*p đi.
Có lúc cô đột nhiên tỉnh lại, ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, rồi nhỏ giọng hỏi mẹ xem đã đến đâu rồi.
Đoạn đường đó, có ánh mặt trời, có cây xanh. Ngoài cửa sổ có người đạp xe đạp đi trên đường, bên cạnh thì có người mẹ kiên nhẫn và dịu dàng.
Mặc dù cuộc sống khổ cực nhưng trước giờ Vân Nê chưa từng nhắc đến một chữ mệt mỏi.
…
Thoát khỏi giấc mơ, khi cô tỉnh lại, bên tai vẫn là tiếng ồn ào náo nhiệt. Vân Nê nhìn ra ngoài cửa sổ, đường phố, người đi đường, cây khô, thoáng chốc cứ ngỡ vẫn còn ở trong mơ.
Cô nói lẩm bẩm hệt như mỗi lần đi cùng mẹ khi còn bé: “Mẹ…. Chúng ta đến đâu rồi?”
Lời vừa nói ra khỏi miệng, Vân Nê chợt tỉnh táo hoàn toàn. Đường phố trước mắt không còn là con phố cũ mà cô đã đi qua nhiều năm trước, mẹ cũng đã sớm rời bỏ mình rồi.
Nhưng bên tai vẫn là câu trả lời quen thuộc như trước: “Vừa đi qua trạm đường Xuân Đài, trạm kế tiếp là chợ hoa Dụ Phong.”
Vân Nê ngơ ngác sửng sốt một lúc. Sau đó cô ngẩng đầu lên, mở to đôi mắt hai màu trắng đen rõ ràng, dường như đang chìm đắm trong sự đan cài giữa chuyện xưa và thực tế.
Lý Thanh Đàm tắt điện thoại, quay đầu nhìn cô. Giọng nói rõ ràng hơn trước rất nhiều: “Sao vậy?”
“Không sao.” Vân Nê lắc đầu, nhắm mắt lại. Cô cố gắng đè những chuyện cũ phiền não đang trào dâng kia xuống. Có lẽ bị bệnh khiến con người ta trở nên nhạy cảm và yếu đuối hơn, sự xúc động khiến cô bỗng muốn khóc.
Chiếc khẩu trang che kín hơi thở và tiếng hít mạnh lúc mũi cay cay, nhưng không giấu được đuôi mắt ửng đỏ và nỗi buồn man mác trong ánh mắt cô.
Lý Thanh Đàm không hỏi gì cả.
Không phải là cậu không nghe tiếng lẩm nhẩm khi cô vừa tỉnh ngủ, cũng không phải là không chú ý đến tiếng hít thở khác thường của cô, càng không phải không nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe của cô.
Nhưng cậu vẫn không hỏi gì cả.
Người đời đều có những bí mật cá nhân, nhưng có một số điều riêng tư và kín đáo không thể tùy tiện nhắc đến. Những thứ phải dùng máu và nước mắt của quá khứ để chôn vùi thường sẽ luôn khắc ghi vào tận xương cốt, nếu tùy ý kéo một cái sẽ xé rách vết sẹo trông như đã khôi phục hoàn hảo kia.
Đau khổ sẽ không thể bị xóa nhòa bởi dòng thời gian. Nó mãi tồn tại trong một góc nhỏ nào đó, bị phủ bụi và mờ nhạt, nhưng vĩnh viễn sẽ không bao giờ biến mất.
Lý Thanh Đàm theo chân Vân Nê xuống xe.
Hoàng hôn lúc sẩm tối cuối thu mang theo vẻ vắng lặng, gió lạnh len lỏi mọi ngõ ngách. Ở khu phố cổ có rất ít những tòa nhà chọc trời, ngay cả bức tường của khu nhà dân cư đổ nát cũng loang lổ. Có thể nhìn thấy những quảng cáo nhỏ ở đầu đường cuối hẻm, bụi bặm bám đầy những dây anten nối liền nhau.
Ngay cả bầu trời cũng mờ tối.
Vân Nê xuống xe, không khí quen thuộc đập vào mặt. Cô kéo khẩu trang xuống, giọng nói đã trở lại bình thường: “Không phải em muốn đi tìm bạn học của mình sao?”
Lý Thanh Đàm cũng kéo khẩu trang xuống, để lộ khuôn mặt trắng trẻo và bờ môi đo đỏ, nói rất tùy ý: “Em đói.”
“….” Vân Nê nhớ đến bữa cơm mình nợ cậu, nghĩ lại thì chọn ngày không bằng gặp ngày, cô nói: “Chị mời em ăn cơm tối ha, em muốn ăn cái gì?”
Cậu bày ra dáng vẻ ung dung thoải mái: “Gì cũng được.”
Vân Nê đưa cậu đến một quán ăn nhỏ chuyên về những món ăn đặc sắc của các thành phố xung quanh Lư Thành. Mùi vị vừa phải, không quá thanh đạm nhưng cũng không nhiều dầu mỡ và cay nồng.
Thời điểm này đã có không ít người ngồi trong quán, đều là công nhân đang làm việc ở công trường gần đây.
Bà chủ quán đưa hai người đi lên lầu, ngồi bên cửa sổ có thể bóng dáng của những tòa nhà chọc trời đang được xây dựng. Nắng chiều như màu máu nhạt, gắng gượng tỏa ra những tia sáng nóng bức cuối cùng.
Hình như Lý Thanh Đàm rất ít khi đến những nơi như vậy để ăn cơm. Sau khi ngồi xuống, cậu cứ gãi gãi mặt, nhìn trái một hồi, ngó phải một lúc.
Vân Nê tháo chén đũa cho cậu, sau đó rót nước nóng vào tráng qua một lần, “Em xem thực đơn đi, có gì muốn ăn không.”
Lý Thanh Đàm “à” một tiếng, cầm thực đơn xem một lượt. Cuối cùng cậu chỉ vào hai chữ gà kho [1] và hỏi: “Món này là gì vậy?”
“Là món gà được xào trong một cái nồi sắt lớn, bên trong sẽ có khoai tây và cần rau cần, sau đó sẽ có một vòng bánh xếp dọc theo miệng nồi.”
[1] Gốc là 地锅鸡 ----
Cậu trông có vẻ rất hứng thú, cười nói: “Vậy thì ăn cái này đi.”
“Được.” Vân Nê đưa thực đơn cho bà chủ quán đang ở trên lầu để gọi món. Ngoại trừ món gà còn gọi thêm một phần rau trộn dưa leo, ngoài ra còn có hai phần cơm.
Bà chủ quán đọc lại các món một lần, sau đó hỏi: “Gà kho có muốn làm cay không?”
Vân Nê nói: “Không cần ạ, kho thường là được.”
“Được, buổi tối khách hơi nhiều, có thể sẽ phải chờ một lúc nhé.” Bà chủ quán cầm thực đơn đi xuống lầu.
Trên lầu còn kha khá chỗ ngồi trống, Lý Thanh Đàm nhìn một vòng, cầm ly uống một ngụm trà nóng rồi mới nói: “Đàn chị.”
“Hửm?”
“Gần đây chị vẫn còn đi làm thêm vào buổi tối sao?”
Vân Nê để điện thoại xuống: “Đúng vậy, thứ hai đến thứ sáu đều làm.”
Lý Thanh Đàm gật đầu, ngón tay vuốt thành ly, cụp mắt không biết đang suy nghĩ gì, Vân Nê cũng không hỏi nhiều. Đến khi thức ăn được bưng lên, hai người chỉ ăn cơm, không nói chuyện với nhau.
Một bữa cơm vừa yên tĩnh vừa ngon lành.
Lúc đi ra khỏi quán, bầu trời bên ngoài đã tối hẳn. Khu phố cổ sáng đèn, ánh neon khắp nơi, không giống sự u tối vắng lặng vào ban ngày.
Lý Thanh Đàm đứng trên đường, một dây khẩu trang đeo bên tai phải, bóng dáng ẩn trong đêm tối, “Vậy em đi trước đây, chị về sớm chút nhé.”
Vân Nê gật đầu, nhìn cậu đi đến hướng trạm xe buýt rồi mới xoay người đi vào tiểu khu.
Đi được nửa đường, Lý Thanh Đàm nhận được cuộc gọi từ Tưởng Dư. Thế là cậu xuống xe buýt, bắt một chiếc taxi để đến chỗ của cậu bạn.
Hôm nay đúng là cậu có hẹn bạn, đoạn đường đi và bữa cơm này đều là một chuyện bất ngờ.
Gặp nhau, Tưởng Dư mắng cậu thấy sắc quên nghĩa. Lý Thanh Đàm ngồi nghiêng ngã bên ghế sofa không giải thích gì, cậu không nói được vào lúc đó mình có cảm giác gì nhưng đơn giản chính là cậu không muốn để cô ngồi xe về nhà một mình rồi ăn cơm một mình.
Có lẽ là cô cũng sẽ không ăn cơm.
Nên cậu xuống xe theo cô.
Căn hộ này là quà sinh nhật do ba Tưởng Dư tặng cho cậu ta, khá gần Tam Trung. Có hai phòng, một phòng khách và một phòng ngủ, còn một căn phòng khác thì bị cậu ta sửa thành phòng game.
Lúc này, hai người đang vừa chơi game vừa tán gẫu.
Tưởng Dư hỏi: “Mấy người bên trường nghề sắp được thả rồi. Gần đây tớ không nghe tin tức gì cả, có lẽ hôm đó chúng không nhìn thấy cậu nhỉ?”
“Có thể là vậy.” Sau khi chuyện đó xảy ra, mỗi ngày Lý Thanh Đàm đều chú ý đến trường nghề bên kia nhưng cũng chẳng có động tĩnh gì.
Ngày đó, chuyện xảy ra đột ngột. Sau đó cậu nghĩ ngợi, mặc dù bình thường người lui tới trong con hẻm đó không nhiều nhưng thỉnh thoảng vẫn có người đi qua đó, có lẽ đối phương cho rằng những nhà ở trong con hẻm đó báo cảnh sát.
Nhưng Lý Thanh Đàm vẫn không dám mạo hiểm. Ít nhất là trong chuyện này, cậu không thể tùy theo ý thích của mình mà chẳng ngó ngàng gì đến như trước đây được.
…
Chủ nhật, Vân Nê ở nhà nghỉ ngơi một ngày, triệu chứng cảm đã khá hơn nhiều, chỉ còn hơi ho khan và nghẹt mũi thôi. Thứ hai đến trường học, Phương Miểu đã kết thúc kỳ ôn tập của mình, bây giờ đang gục xuống bàn ngủ bù.
Cô ấy tham gia đội tuyển sinh học của trường. Nếu có thể giành được suất cử đi học một cách thuận lợi thì năm học này, cô ấy không cần đến trường nữa.
Lớp mười hai, tất cả mọi người đều cố gắng vì tương lai của mình.
Vân Nê nhìn những ước mơ mà tất cả mọi người viết trên tấm bảng đen ở bức tường cuối lớp học. Có trường học mà họ muốn đến, cũng có người mà họ muốn gặp, chỉ có duy nhất mình cô là trống trơn.
Tương lai của cô, trống rỗng.
Vân Nê không nhìn thấy được tương lai của mình, cô chỉ muốn làm tốt mỗi bước đi hiện tại. Học tập thật giỏi, cố gắng kiếm tiền, trả hết món nợ thay gia đình.
Nghe thấy tiếng động lúc cô ngồi xuống, Phương Miểu lấy một hộp sữa tươi trong hộc bàn ra đưa đến theo thói quen: “Nghe lão Lưu nói cậu bị bệnh, ổn hơn chút nào chưa?”
“Ổn cả rồi.” Vân Nê nhìn khuôn mặt gầy đi của cô bạn, “Kì ôn tập của cậu kết thúc rồi à? Khi nào thi?”
“Tháng mười hai.” Phương Miểu dụi dụi mắt, “Trước khi thi sẽ còn một lần ôn tập nữa, sau đó mới thi.”
“Có tự tin không?”
“Dĩ nhiên rồi.” Phương Miểu nhíu mày: “Cậu không nhìn xem tớ là ai à.”
Vân Nê cười một tiếng, đâm ống hút vào, uống hai ngụm sữa bò, vô cùng ấm áp.
Cuộc sống lớp mười hai vẫn như cũ, không có sự thay đổi gì. Sau khi bước vào mùa đông, tiết thể dục trước đây luôn bị chiếm dụng được giải phóng lần nữa. Mỗi tuần một lần, điểm danh xong sẽ không cho phép trở về phòng học.
Giờ học thể dục của lớp hai là vào tiết cuối cùng của ngày thứ sáu. Vân Nê và Phương Miểu đang xen lẫn trong hàng ngũ chạy 800m làm nóng người trước khi vào học.
“Tớ tình nguyện, thật sự, tớ tình nguyện không có tiết học này.” Phương Miểu há miệng thở hổn hển, “Bây giờ tớ cảm thấy ngồi trong phòng học nghe lão Lưu dài dòng liên miên cũng vô cùng tốt.”
Vân Nê cũng không khá hơn chút nào, vừa nói vừa thở dốc, “Cửa phòng học có khóa không?”
“Khóa rồi, Lưu Hạo Vũ giữ chìa khóa. Cậu ta là lớp phó thể dục, không bao giờ làm việc thiên tư, cậu đừng mơ mà được về lớp.”
“….”
Kết thúc chạy 800m làm nóng người, nữ sinh lớp hai đều thở hồng hộc. Giáo viên thể dục thổi còi một cái, cả đám đỡ nhau đứng dậy khỏi sân cỏ.
Uông Bình nói: “Các em xem mình đi, mới chạy có 800m đã ra thế này rồi, nhìn cái là biết bình thường không hay vận động. Cứ theo đà này, tôi nghĩ nên đề xuất với nhà trường cho các em tham gia lớp học vừa chạy vừa nghe giảng.”
Vừa dứt lời, một tràng những tiếng than thở bị thương vang lên.
“Thầy Uông, đừng như vậy mà.”
“Làm người phải chừa đường sống, hẹn ngày khác gặp lại nhau.”
Trong lớp bật cười, Uông Bình cũng chỉ nói đùa, không làm khó mọi người gì cả. Ông bảo ủy viên thể dục đi lấy dụng cụ vận động, sau đó vung tay cho mọi người hoạt động tự do.
“Chơi thế nào thì tùy các em, nhưng không được phép về phòng học và đi ra thao trường, bị tôi bắt được sẽ phạt chạy đấy, nghe rõ chưa?”
Học sinh bên dưới tụm năm tụm ba đáp lời, “Nghe rõ rồi ạ.”
Nam sinh ở ban tự nhiên rất nhiều, mặc dù bình thường bận bịu học tập nhưng khi ᴆụng vào bóng rổ sẽ bùng cháy nhiệt huyết. Một hai người ôm bóng chạy đến sân bóng rổ.
Vân Nê và Phương Miểu đang đánh cầu Ⱡồ₦g. Lớp phó văn nghệ trong lớp chạy đến từ phía xa, trên mặt đầy vẻ kích động: “Mau đi mau đi thôi, nam sinh lớp chúng ta và lớp mười một đánh nhau!”
“Đậu xanh!” Phương Miểu ném vợt cầu lông đi, “Bây giờ lớp mười một ngông cuồng vậy sao? Dám đánh nhau với đàn anh lớp mười hai hả?”
“Không phải không phải.” Tôn Nguyệt Lê thở mạnh: “Không phải đánh nhau, mà là thi đấu, thi đấu bóng rổ. Lưu Hạo Vũ bảo chúng ta qua đó cổ vũ.”
Phương Miểu nhặt cây vợt cầu lông mới vứt lên, “Vậy còn chờ đi nữa, đi mau thôi.”
So với việc đi xem náo nhiệt thì Vân Nê tình nguyện ngồi ngây ra tại một góc hơn, nhưng không thể cản được sự kích động của Phương Miểu nên cô cũng bị kéo đến sân bóng rổ.
Trận đấu đã bắt đầu.
Sân bóng rổ thường xuyên có những trận đấu ngẫu nhiên như vậy. Giáo viên thể dục của những lớp khác cũng đến tham gia cuộc vui, cầm còi làm trọng tài.
Một vòng người chen lấn xung quanh sân bóng. Nam sinh nữ sinh, ai cũng reo hò hoan hô.
Vân Nê và Phương Miểu chen vào trong, đứng bên cạnh những nữ sinh trong lớp quan sát rõ đội hình trên sân. Đội lớp mười hai không chỉ có nam sinh lớp hai mà còn có ba nam sinh của lớp khác.
Còn về lớp mười một.
Ánh mắt cô lướt quanh một vòng, từng khuôn mặt hăm hở phấn chấn kia đều rất xa lạ đối với cô.
Tiếng còi vang lên.
Bóng rổ bằng cao su va chạm với mặt đất, các nam sinh lần lượt ghi điểm. Tiếng hoan hô sắp phá vỡ cả sân bóng, những nữ sinh phải đứng cẩn thận vì không có chỗ trốn.
Hiệp một nhanh chóng kết thúc, mấy người nhóm Lưu Hạo Vũ ra khỏi sân, đầu đầy mồ hôi. Họ nhận lấy nước do nữ sinh đưa đến, nở nụ cười phóng khoáng hào hứng.
Dường như Vân Nê hoàn toàn khác biệt với họ, không hoan hô cũng không kích động.
Cô đang chuẩn bị đi nhưng trong lúc lơ đãng, ánh mắt nhìn lướt qua vị trí của lớp mười một và bỗng chốc ngây ra.
Nam sinh bị đồng đội kéo lên khỏi mặt đất. Cậu đứng bật dậy, bắt đầu ϲởí áօ khoác đồng phục, nghiêng đầu nghe bạn mình nói chuyện, sau đó ném áo của mình cho bạn học.
Những nữ sinh xung quanh thấy cậu ra sân thì không kìm được hoan hô kêu gào lên.
Cậu giơ tay nhận lấy đồ bảo vệ cổ tay do đồng đội ném đến. Khoảnh khắc cánh tay giơ lên, một góc áo bị gió thổi bay, để lộ một phần đường eo.
Tiếng hoan hô càng thêm to hơn.
Dường như cậu chẳng thèm để ý đến những thứ này, vẫn cúi đầu nghiêm túc mang đồ bảo vệ cổ tay vào. Vài sợi tóc đen trên trán rủ xuống, khung xương và gương mặt đẹp trai nổi bật.
Đột nhiên Vân Nê không muốn đi nữa.