CON NGƯỜI ĐỀU CÓ SỐ KIẾP CẢ
Đông năm nay tuyết phủ trắng xóa lưỡng quốc, báo hiệu một mùa xuân tràn trề sức sống của năm sau. Tú Ly khoác thêm cho ta chiếc áo lông chồn, thật ra ta vốn đã chẳng biết lạnh là gì rồi cho dù có khoác thêm vài ba cái nữa cũng vô ích nhưng ta lười chẳng muốn mở miệng từ chối.
Trong sân nhà, cây đào già đã nhú nụ xanh, màu xanh hiếm hoi giữa đất trời bạt ngàn trắng xóa, năm nay chắc ta không còn cơ hội ngắm hoa đào nở nữa rồi vì người trong cung Đại Mạc gửi thư khẩn lệnh ta về kinh.
“Hoàng thượng đã mời được thần y đợi sẵn trong kinh để chữa bệnh cho công tử rồi, cớ gì người cứ lần lữa mãi không hồi thư?” Tú Ly cứ luôn miệng bảo ta vô tâm không để ý đến tấm lòng của Hoàng thượng bệ hạ. Thực ra ta biết bản thân đã đi đến giới hạn nào rồi, mỗi người có số mệnh của riêng họ, hà tất gì phải trốn tránh số mệnh của ta bằng mấy thứ thuốc đắt tiền đó, chi bằng cứ lấy số tiền đó mà phân phát cho nạn dân Tuyền Châu bị hạn hán đổi lấy mấy cân gạo còn có ích hơn.
“Ngươi và Nam Điền đi chuẩn bị hành lý đi ba ngày nữa xuất phát, ta phải chuẩn bị quà gặp mặt Hoàng thượng.”
Tú Ly tưởng ta đổi ý nên cười hớn hở vâng dạ chạy vào trong nhà, ta ngồi ngoài hiên ngắm mấy nụ đào xanh mơn mởn bỗng thấy nhói lòng. Ký ức tự nhiên ùa về như chỉ mới ngày hôm qua ta vẫn còn là cô bé mười bốn tuổi, mặc áo quần nam tử chạy lông nhông ngoài phố Chu Tước chơi ném tuyết với mấy đứa trẻ đầu đường xó chợ đến tận nửa đêm mới về. Bị cha phát hiện liền hứng chịu một trận đòn nhừ tử, vậy nhưng khi ta rưng rưng nước mắt lấy ra cành đào giấu trong lớp áo dày ra thì ông liền ngừng đánh, chỉ nhìn chăm chăm vào cành đào trong tay ta rồi mới giơ cao chân đá ta ra ngoài cửa, còn ác ý đóng sầm cửa phòng một cái thật mạnh nữa. Ta biết ông đang nghĩ gì. Ông là đang nhớ mẹ ta.
Trước chiến tranh cha ta chỉ là một tên mổ thịt, hồi ấy mẹ ta là con gái nhà Nho nhỏ nhưng kiến thức cùng cầm kỳ thi họa đều giỏi cả, thế mà không biết ông làm cách nào mà khiến cho bà dám cả gan cãi lời phụ mẫu bỏ cả gia đình để theo ông. Cho nên mỗi lần ông tức giận mắng ta không biết học tập ý chí cầu tiến của ông chỉ suốt ngày lông bông ngoài đường, ta liền lôi chuyện cũ ra thọc gậy bánh xe.
“Con học cha để khiến công tử nhà người ta bỏ nhà theo con chạy chơi ngoài đường luôn hả?”
Sau đó ta liền vọt thật nhanh ra cổng, tránh cho ông tức giận rồi lại vơ lấy cái gì gần đấy ném ta nữa thì khốn. Nhưng ta biết ông rất tốt với mẹ ta, từ khi bà theo ông về chưa bao giờ phải chịu khổ gì cả, lúc bà mang thai ta ông còn xuống tận bếp làm cơm nấu cháo mặc dù ta biết thứ ông nấu còn chẳng tốt lành hơn của ta là bao.
Đùng một cái chiến tranh xảy tới, Hoàng đế Đại Phù mới lên ngôi dã tâm mở rộng bờ cõi tấn công đến Đại Mạc, cha ta bị bắt đi lính đánh giặc. Lúc đánh đến Nham Thành, cha ta đã lên tới chức tướng quân đứng đầu bạch quân Dã Kỳ, tin thắng lợi vừa về thấu kinh là lúc ta ra đời. Nhưng đợi cha ta khải hoàn trở về không phải là người phụ nữ ông yêu bên cạnh đứa con nhỏ mà chỉ có ruộng vườn tiêu điều, cờ trắng treo trước cửa phất phơ trong gió và người vợ mỉm cười nằm im trong áo quan lạnh ngắt, vậy mà ông không khóc.
Thế nhưng khi đón lấy ta từ tay người họ hàng ông lại òa khóc ngon lành, hồi đó chưa có trí nhớ nên ta không biết bộ dáng ông khóc ra sao, càng lớn lên lại càng không cơ hội thấy nữa. Nhưng ta chắc lúc đó ông xấu lắm, đến nỗi mà ta được bế cũng khóc theo, cảnh tượng lúc ấy trông buồn cười vô cùng, Bàng thúc – một thuộc hạ cùng chiến đấu với cha – kể lại cho ta như vậy.
Ngày chôn mẹ, cha ta đã bứt một cành hoa đào nhuốm đầy tuyết trắng đặt trên mộ bà vì hồi trước bà thích nhất là kéo tay ông đạp lên tuyết trong sân ngắm hoa đào nở. Nhưng từ đấy về sau ta chẳng còn thấy ông ngắm hoa đào nữa, cả trời tuyết xuân ông cũng chê phiền rồi, ta lúc đó còn nhỏ nên suy nghĩ đơn giản cứ tưởng ông không còn yêu mẹ ta nữa, bây giờ mới biết là ông sợ nhìn cảnh sẽ nhớ người rồi lại đau lòng.
Nỗi đau ấy hẳn là lớn lắm cho nên người đàn ông chinh chiến trận mạc đến kiếm chém thương đâm cũng không kêu rên mà lại phải chùn bước trước nó.
“Công tử, người làm rơi áo choàng rồi.” Giọng Nam Điền trầm thấp kéo ta khỏi hồi ức xưa cũ.
Lúc này ta mới phát hiện mình đang đứng giữa sân, ngắm mãi những hạt tuyết đọng trên nụ hoa nhỏ xíu che mất đi màu xanh của nó, mái tóc của ta cũng bị tuyết che trắng cả đầu, bộ y phục màu trắng xám càng làm cả người ta dường như chìm vào trời đất, vậy mà hắn vẫn có thể nhận ra được. Nhìn chiếc áo khoác lông bị ta vô thức làm rơi khi bước ra ngoài, màu đỏ rực rỡ như máu trên nền đất tuyết cứ như muốn làm trung tâm của nơi đây vậy, thật chói mắt, ta thẳng chân đạp lên nó bước vào nhà.
Nam Điền thương hoa tiếc ngọc định nhặt chiếc áo lên thì bị ta cản lại.
“Nó muốn rực rỡ như thế, muốn làm trung tâm của cả vũ trụ này thì cứ để nó nằm đó mà làm, nhưng với ta nó cũng chỉ là thứ đồ nhìn không vừa mắt, chủ nhân ta đây muốn vứt bỏ nó.”
Nam Điền cười bất lực bước theo sau ta, chắc hắn nghĩ ta ác độc đến độ một cái áo khoác vô tri vô giác cũng bị ta đối xử tàn nhẫn, nhưng ai bảo nó lại mang màu đỏ chứ hoặc giả có trách thì trách Tú Ly màu gì không chọn lại chọn màu đỏ cho ta. Ta ghét nhất là màu đỏ.
“Tiểu nhân nghe Tú Ly nói công tử muốn mua quà cho Hoàng thượng nên đã chuẩn bị xe ngựa đợi sẵn trước cổng, chẳng hay công tử muốn đến phường nào?”
Ta thả bức thư gửi từ hoàng cung vào lò sưởi, lưỡi lửa nóng rực liếm gọn mảnh giấy, chỉ trong chớp mắt đã biến nó thành đóng tro xám xịt. Mang danh là con dân Đại Phù mà lại bị phát hiện nhận được thư tay từ Hoàng đế Đại Mạc thì đúng là dùng đầu gối cũng suy ra được thân phận của ta.
“Phường Xuân Vũ.” Ta nhàn nhạt trả lời hắn. Đã ba năm rồi mới về lại cố hương, chuyến này không thể trở về tay không được nhất định phải chuẩn bị quà lớn cho Hoàng đế bệ hạ.
Phường Xuân Vũ là phường ca múa lớn nhất nội thành nằm ở phía tây thành, chiếm cả góc lớn phố Chiêu Dương, phía trước treo đầy Ⱡồ₦g đèn đỏ, ngói xanh tường vàng, nữ nhân mặc váy nhiều tầng tha thướt lượn qua lượn lại trước cổng chính mời khách, khoa trương đến chói mắt. Đây là nơi tứ phương hội về, thương nhân Tây Vực, Ba Tư, Đại Phù, quan lại triều đình đến tìm vui cũng không ít. Không nơi nào thích hợp để mua quà hơn.
Ta để lại Nam Điền ở ngoài xe ngựa, một mình đi thẳng vào gặp tổng quản phường Quế Mai: “Đêm nằm mộng gặp khách lữ hành…”
Bà ta đáp khẽ: “… Ngày vượt thác tiễn mùa đào anh.”
Sau đó ta được dẫn vào một căn phòng nhỏ ở trên lầu ba, bà ta biết ý khẽ khàng lui ra, nữ tử sau bức bình phong hoa mai váy áo thướt tha bước ra, chỉ là trên gương mặt nàng ta không có lấy một tia cảm xúc. Nàng ta ở phường Xuân Vũ được mệnh danh là đệ nhất ca kỹ với ngón đàn tỳ bà thần sầu, Nguyệt Thanh cô nương, nhưng đối với ta nàng ta chỉ có một cái tên: Khách lữ hành.
“Làm gì mà căng thẳng vậy, cô nương không cần tỏ vẻ mình là gián điệp của địch quốc được cài vào để lấy tin tức đâu.” Ta nhếch miệng cười. Người khác nghe vậy nhất định sẽ tức giận nhưng khuôn mặt của nàng ta trái lại lại trở nên hòa hoãn hơn.
“Mấy năm nay chiến sự liên miên, Tuyên thành Đại Mạc bao phen đổi chủ đến độ dân chúng quá nửa bỏ đi tha phương, nạn đói Tuyền Châu, dịch bệnh Bái Dương, vỡ đê ở Bình Giang làm hao tổn lượng lớn lúa gạo cung cấp cho cả nước. Chiến trường Mạc – Phù ở Nham thành cũng vì cớ sự này mà trở nên gay gắt hơn, thây lính chất thành núi không có đất chôn nên phải thiêu xác ngoài đồng, đến phận gián điệp như chúng tôi đây cũng chẳng yên nổi một ngày e rằng lưỡng quốc chỉ có mỗi Diệp cô nương, người, mới thanh nhàn sống phận con dân Đại Phù an yên dưới cái mác thư sinh vô danh mà thôi.”
‘Khách lữ hành’ không phải là người đầu tiên tỏ thái độ khinh thường ta, chẳng phải Tú Ly cũng nói ta sống vô tâm vô tính nhiều lần rồi hay sao, tai ta nghe mãi cũng quen tự động có cơ chế gạt những điều mình không muốn nghe ra ngoài suy nghĩ.
“Ta tự biết thân mình hèn mọn, mạng này nhỏ mà tính lại sợ ૮ɦếƭ nên chẳng có cách nào khác ngoài trốn đến nơi an toàn mà hưởng thụ cuộc sống, ta nào dám mơ tưởng ngày trở thành anh hùng đất nước. Cô nương đánh giá cao ta quá rồi.”
‘Khách lữ hành’ lạnh lùng hừ một tiếng rồi đứng dậy kéo hộc tủ cạnh giường lấy ra cho ta một phong thư và một túi vải nhỏ thêu đóa mẫu đơn Triệu Phấn, cánh hoa hồng nhạt càng về phía trong nhụy càng thẫm màu lại, tầng tầng lớp lớp cánh mỏng như giấy xếp chồng lên nhau cực kỳ sinh động được thêu theo lối thêu chặn truyền thống của thôn Yên Thùy.
Thôn Yên Thùy nổi tiếng với nghề thêu tay truyền thống từ buổi bình minh của Đại Mạc, đến nay đã hơn một ngàn năm trôi qua. Hồi ta còn nhỏ cũng được cha dẫn đến đây chơi, thật lâu rồi mới nhìn thấy lại kỹ nghệ này. Nhưng ngay lúc ta đưa tay ra nhận lấy nó thì của phòng bị mở toang và tiếng Quế Mai hét lớn: “Vương gia xin hãy ngừng tay...”