Tuyết Hoa Và Cây Quạt Bí Mật - Chương 05

Tác giả: Lisa See

Tuyết Hoa

NHỮNG NGÀY TIẾP THEO, TÔI KHÓ MÀ NGỒI yên một chỗ để cho đôi chân liền lại như mọi người căn dặn, bởi tôi chỉ nghĩ tới việc sẽ sớm được gặp Tuyết Hoa. Ngay cả mẹ và thím cũng bị bắt quả tang đang háo hức, gợi ý về những điều tôi và Tuyết Hoa nên viết trong bản thỏa ước mặc dù cả mẹ và thím đều chưa từng nhìn thấy một bản thỏa ước như vậy bao giờ. Khi kiệu của bà Vương đến ngưỡng cửa nhà chúng tôi, tôi đã sạch sẽ tinh tươm trong bộ quần áo nông dân giản dị. Mẹ đưa tôi xuống nhà, rồi ra ngoài. Mười năm sau, khi tôi lấy chồng, tôi sẽ có một chuyến đi bằng kiệu tương tự như vậy. Vào dịp đó, tôi sẽ chỉ thấy sợ hãi về cuộc sống mới phía trước và buồn bã vì phải để lại sau lưng tất cả những gì từng quen thuộc đối với tôi, nhưng trong buổi gặp gỡ này, tôi cảm thấy choáng váng bởi cảm giác kích thích đến căng thẳng. Không biết Tuyết Hoa có giống tôi không nhỉ?
Bà Vương mở cửa chiếc kiệu, mẹ đặt tôi ngồi xuống, và tôi bước vào một không gian nhỏ. Tuyết Hoa xinh hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi. Đôi mắt cô như đôi trái hạnh đào hoàn hảo. Da cô trắng xanh, điều đó cho thấy cô không có nhiều thời gian chạy nhảy ngoài trời như tôi trong suốt tuổi thơ sữa. Tấm rèm đỏ buông xuống gần cô, và ánh sáng màu hồng lấp lánh trên mái tóc đen óng của cô. Cô mặc áo ngoài bằng lụa xanh, thêu hình một đám mây. Bên dưới ống quần của cô ló ra đôi giày tôi đã khâu tặng. Tuyết Hoa im lặng. Có lẽ cô cũng căng thẳng như tôi. Cô mỉm cười với tôi và tôi cũng cười đáp lễ.
Chiếc kiệu chỉ có một chỗ ngồi, nên cả ba người chúng tôi phải ngồi sát vào nhau. Để giữ cho chiếc kiệu được cân bằng, bà Vương ngồi ở giữa. Những người phu kiệu nâng chúng tôi lên, và chẳng mấy chốc họ đã đi qua cây cầu dẫn ra khỏi Phủ Vĩ. Trước nay tôi chưa từng ngồi kiệu. Chúng tôi có bốn người khiêng kiệu, họ cố gắng chạy đúng cách để kiệu lắc lư ít nhất, nhưng tấm rèm rủ xuống, hơi nóng của ban ngày, sự lo lắng của tôi, sự di chuyển nhịp nhàng lạ lùng khiến bụng tôi khó chịu. Tôi cũng chưa bao giờ đi xa nhà, nên kể cả nếu lúc đó tôi có thể nhìn ra bên ngoài qua cửa sổ thì tôi cũng không biết rằng tôi đang ở đâu, và còn bao xa nữa mới tới. Tôi đã từng nghe nói về ngôi miếu ở hội chợ Cô Bà. Mà có ai lại chưa từng cơ chứ? Đàn bà con gái hàng năm vẫn tới viếng nơi này vào mùng mười tháng Năm để cầu xin con trai. Nghe nói, có hàng ngàn người đã tới hội này. Chuyện này nằm ngoài khả năng hiểu biết của tôi. Khi tôi bắt đầu nghe thấy những tiếng ồn ào vọng tới qua bức rèm của chiếc kiệu - tiếng lục lạc phát ra từ những chiếc xe ngựa, tiếng những người khiêng kiệu quát người đi đường, “Tránh ra,” và tiếng rao của những người bán hàng rong trên đường phố đang vẫy tay mời khách mua hương, nến và những lễ vật khác, để mang đến ngôi miếu - thì tôi biết chúng tôi đã tới nơi.
Chiếc kiệu dừng lại và những người khiêng kiệu đặt chúng tôi xuống khá mạnh. Bà Vương ngả sang phía tôi, đẩy cánh cửa, nói chúng tôi ngồi yên đấy, và bước ra ngoài. Tôi nhắm mắt lại, cảm thấy dễ chịu vì không phải đi nữa và chú tâm vào việc xoa dịu cái bụng, chợt một giọng cất lên nói đúng những suy nghĩ của tôi: “Thật thích khi được ngồi yên không phải đi đâu nữa. Mình phát ốm lên rồi. Trông mình thế nào?”
Tôi mở mắt nhìn Tuyết Hoa. Làn da trắng xanh của cô trở nên xanh mét y như tôi hình dung ra khuôn mặt của mình lúc đó vậy. Nhưng đôi mắt cô thì thực sự tĩnh tại. Cô so vai lên gần tai đầy bí ẩn, cười theo cái kiểu mà tôi sớm nhận ra thế nghĩa là bất kể những gì nảy ra trong đầu cô đều sẽ khiến chúng tôi gặp rắc rối rồi vỗ nhẹ tấm nệm bên cạnh cô và nói, “Nhìn xem có gì ngoài kia nào.”
Điểm cốt lõi để liên kết tám điểm chung của chúng tôi lại với nhau là chúng tôi cùng sinh vào năm con ngựa. Điều này có nghĩa là chúng tôi đều thích phiêu lưu. Cô lại nhìn tôi, thăm dò độ can đảm của tôi, tôi phải thừa nhận là phẩm chất đó ở tôi rất ít. Tôi hít một hơi sâu và ghé sang chỗ cô trong chiếc kiệu, cô kéo tấm màn lên. Bây giờ, tôi mới có thể đối diện với những giọng nói tôi nghe thấy ban nãy, nhưng ngoài ra, trước mắt tôi còn bao hình ảnh thật đáng kinh ngạc. Những người thuộc bộ tộc Dao dựng lên những gian hàng vải được trang hoàng với những tấm vải bay phấp phới, sặc sỡ hơn bất cứ tấm vải nào mà mẹ và thím từng dệt. Một ban hát với trang phục sặc sỡ đi ngang qua, họ đang trên đường tới một buổi biểu diễn Kinh kịch. Một người đàn ông dắt con lợn đi qua. Tôi chưa từng nghĩ có ai đó lại mang lợn ra chợ để bán cả. Cứ vài phút lại thấy một chiếc kiệu khác đổi hướng đi qua kiệu bọn tôi. Bọn tôi đoán rằng trong mỗi chiếc kiệu lại có một người phụ nữ tới Miếu Cô Bà dâng lễ. Nhiều người phụ nữ khác thì đi bộ trên đường - những chị em kết nghĩa đã lấy chồng ở thôn khác và quay lại gặp mặt trong ngày đặc biệt này. Họ mặc chiếc váy đẹp nhất và đội những chiếc khăn trùm đầu được thêu tinh xảo nhất. Họ cùng nhau bước đi uyển chuyển trên những đôi chân bó dọc theo con phố. Ở đây có quá nhiều cảnh đẹp cuốn hút chúng tôi, cộng thêm mùi thơm ngọt ngào không tưởng tượng được thoảng đến chỗ chiếc kiệu của chúng tôi hấp dẫn cái mũi tôi và khiến bụng tôi trở nên dễ chịu.
“Bạn đến đây bao giờ chưa?” Tuyết Hoa hỏi tôi. Khi tôi lắc đầu, cô tiếp tục. “Mình đến đây với mẹ mấy lần rồi. Mẹ con mình luôn cảm thấy vui vẻ. Mẹ con mình đến viếng ngôi miếu. Bạn có nghĩ là hôm nay chúng ta sẽ đi tham quan ngôi miếu không? Chắc là không. Vì như thế sẽ phải đi bộ quá nhiều, nhưng mình hy vọng chúng ta sẽ được đến quầy bán khoai. Mẹ thường dẫn mình đến đó. Bạn có ngửi thấy mùi đó không? Ông Chu - chủ quầy đó - có món khoai môn rán ngon nức tiếng huyện ta đấy.” Cô đã đến đây nhiều lần? “Ông ấy làm thế này này: ông ấy chiên mấy miếng cho đến khi ruột mềm đi nhưng vỏ ngoài thì cứng lại và giòn tan. Sau đó ông ấy nấu đường trong một cái chảo lớn và để lửa to. Bạn ăn đường chưa Bách Huệ? Đó quả là thứ ngon nhất trên đời này đấy. Ông ấy đun nó cho đến lúc chuyển sang màu nâu, và ông ấy cho khoai chiên vào chảo đường và ông ấy trộn chúng với nhau, đến khi nào những miếng khoai đều được bọc đường. Ông ấy cho chúng vào đĩa và mang đến bàn của bạn, cùng với một bát nước lạnh. Bạn không thể tin được là khoai nóng đến mức nào với lớp đường nấu chảy đó đâu. Nó sẽ làm bạn phỏng cả miệng nếu bạn cứ cố ăn lấy ăn để, thế nên bạn phải dùng đôi đũa gắp từng miếng khoai nhúng vào nước. Rắc! Rắc! Rắc! Đó là âm thanh khi lớp đường bọc cứng lại. Khi bạn cắn miếng khoai, bạn nhai lớp đường trước, rồi tới lớp vỏ khoai chiên giòn rồi mới tới cái lõi mềm trong cùng. Dì sẽ dẫn chúng mình đi, đồng ý không?”
“Dì nào?”
“Bạn nói rồi kìa! Mình cứ nghĩ tất cả những gì bạn có thể làm là viết những từ ngữ tuyệt vời thôi cơ.”
“Có lẽ mình không nói nhiều bằng bạn,” tôi nhẹ nhàng đáp lại, cảm thấy bị tổn thương. Cô là chắt gái của một tiến sĩ và hiểu biết gấp nhiều lần một con bé con nhà nông dân như tôi.
Cô cầm lấy tay tôi. Bàn tay cô thật khô và nóng hổi, khí trong người cô đang bừng bừng. “Đừng lo. Mình cũng không để ý đâu nếu bạn vẫn im lặng. Cái tật nói nhiều của mình chỉ tổ luôn gây rắc rối cho mình thôi vì mình thường không suy nghĩ kỹ trước khi nói, còn bạn sẽ là một người vợ lý tưởng, luôn luôn nghĩ kỹ rồi mới nói.”
Thấy chưa? Ngay ngày đầu tiên chúng tôi đã hiểu nhau rồi, nhưng liệu điều này có ngăn chúng tôi về sau không mắc phải sai lầm không?
Bà Vương mở cửa kiệu. “Xuống đây, các cô gái. Mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng. Chỉ mười bước thôi là chúng ta sẽ đến nơi hẹn. Chậc, ta đành phải vi phạm lời hứa với mẹ của các cô thôi.”
Chúng tôi đứng cách hàng giấy được trang trí những băng giấy màu đỏ thắm, đôi câu chúc may mắn, các biểu tượng hạnh phúc nhân đôi đỏ và vàng, và những bức tượng Thánh nữ Cô Bà sơn màu. Chiếc bàn trước cửa chất đầy những món hàng đủ màu sắc để bán. Hai gian hai bên dành cho khách quen đi vào bên trong cửa hàng, hai phía đều có kê ba chiếc bàn dài nhằm ngăn cách hai gian này với sự huyên náo ngoài đường. Ở giữa quầy hàng, một chiếc bàn nhỏ dùng để đặt mực, 乃út lông, và hai chiếc ghế dựa. Bà Vương bảo chúng tôi lựa một tờ giấy để viết thỏa ước. Giống như mọi đứa trẻ tôi thường chỉ chọn những thứ nhỏ, như khi phải chọn miếng rau nào trong chiếc bát lớn sau khi bố, chú, anh trai và các thành viên khác trong nhà đã đưa đũa vào đĩa. Giờ thì cái nào tôi cũng muốn chọn, tôi muốn chạm tay vào tất cả những món hàng, trong khi Tuyết Hoa, cũng là một cô bé bảy tuổi rưỡi như tôi, lại rất biết cách lựa chọn, điều đó cho thấy cô được dạy dỗ tốt hơn tôi nhiều.
Bà Vương nói, “Nhớ nhé, các cô, ta sẽ trả tiền cho mọi thứ hôm nay. Đây chỉ là một quyết định thôi. Các cô còn những việc khác cần làm, nên đừng lãng phí thời giờ nữa.”
“Tất nhiên rồi, thưa dì,” Tuyết Hoa trả lời thay cho cả hai đứa tôi. Cô hỏi tôi, “Bạn thích cái nào?”
Tôi chỉ vào tờ giấy có khổ lớn vì chính cái khổ ấy mới thích hợp cho một dịp quan trọng thế này.
Tuyết Hoa giơ ngón tay trỏ chỉ vào mép vàng của tờ giấy. “Chất lượng của mép giấy vàng này tệ lắm,” cô nói; rồi cô đưa tờ giấy lên soi. “Tờ giấy này mỏng tang và nhìn xuyên qua được như cái cánh ong cánh kiến ấy. Nhìn ánh nắng chiếu qua nó này?” Cô đặt tờ giấy xuống bàn và nhìn vào mắt tôi với vẻ nghiêm túc. “Chúng ta cần một thứ có thể mãi mãi khắc ghi tính cao quý và sự vững bền của mối quan hệ giữa chúng ta.”
Tôi hầu như chẳng hiểu những điều cô nói. Cô nói hơi khác với thổ âm mà tôi quen nghe ở Phủ Vĩ, nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến tôi không hiểu. Tôi là đứa trẻ kém cỏi và ngây ngô; còn cô là người được dạy dỗ tử tế; và những kiến thức cô được học ở nhà còn vượt xa những gì mẹ và thím tôi biết.
Cô kéo tôi vào sâu hơn trong cửa hàng và thì thầm, “Họ luôn luôn để những thứ hàng tốt hơn ở đằng sau này.” Rồi cô nói tiếp, giọng bình thường trở lại, “lão đồng, bạn thấy cái này thế nào?”
Đó là lần đầu tiên có một người đề nghị tôi nhìn - nhìn thật - vào một thứ gì đó, và tôi làm theo. Thậm chí, cặp mắt ngờ nghệch của tôi cũng nhìn ra sự khác nhau giữa tờ giấy tôi chọn ở ngoài kia và tờ giấy ở trong này. Nó nhỏ hơn về kích cỡ và ít lòe loẹt hơn trong cách trang trí.
“Kiểm tra xem,” Tuyết Hoa nói.
Tôi cầm tờ giấy lên - cảm thấy nó chắc nịch trong tay mình - rồi soi chúng dưới ánh nắng như Tuyết Hoa đã làm. Tờ giấy này dày đến nỗi ánh nắng chỉ còn là vệt đỏ mờ ᴆục khi chiếu qua nó.
Chúng tôi lặng lẽ thỏa thuận với nhau, rồi đưa tờ giấy đến chỗ người bán hàng. Bà Vương trả tiền cho món hàng đó và cả cho chúng tôi để chúng tôi được ngồi viết thỏa ước ở chiếc bàn giữa gian hàng. Lúc ấy, Tuyết Hoa và tôi ngồi xuống đối diện với nhau.
“Bạn nghĩ là đã có bao nhiêu cô gái từng ngồi ở chiếc ghế này để viết thỏa ước?” Tuyết Hoa hỏi. “Chúng ta phải viết một thỏa ước hay nhất từng có.” Cô nhíu mày một chút, rồi hỏi, “Bạn nghĩ mình nên viết gì bây giờ?”
Tôi chợt nhớ đến những điều mà mẹ và thím tôi gợi ý. “Chúng ta là những cô gái,” tôi nói, “nên chúng ta luôn phải tuân theo quy tắc.”
“Đúng, đúng, tất cả những điều thông thường,” Tuyết Hoa nói, có vẻ hơi sốt ruột, “nhưng chẳng lẽ bạn không muốn thỏa ước này dành riêng cho hai đứa mình?”
Chính tôi cũng không chắc lắm, còn cô thì có vẻ biết rất nhiều chuyện. Cô đã từng đến đây, trong khi tôi chưa từng đi bất cứ đâu. Có vẻ như cô biết thỏa ước của chúng tôi nên viết những gì, còn tôi thì chỉ có thể dựa vào những gì mà mẹ và thím hình dung về nó. Mỗi ý kiến tôi đề xuất lại thành ra một câu hỏi.
“Chúng ta sẽ là lão đồng suốt đời chứ? Chúng ta luôn chân thành với nhau chứ? Chúng ta sẽ cùng làm những công việc nhà trong căn buồng trên gác với nhau chứ?”
Tuyết Hoa nhìn thẳng vào tôi như lúc nãy ở trong kiệu. Tôi không đoán nổi cô đang nghĩ gì. Tôi có nói điều gì sai trái không? Tôi có nói sai cách hay không?
Một lát sau, cô với cây 乃út lông và chấm mực. Nếu không tính đến việc nhận thấy những thiếu sót của tôi ngày hôm đó, thì nhìn chữ tôi viết trên chiếc quạt cô cũng đã biết rằng khả năng viết nữ thư của tôi không bì với cô được. Nhưng khi cô bắt đầu viết thì tôi lại nhìn thấy cô viết ra những lời tôi đề xuất. Tình cảm của tôi và những dòng chữ viết rất đẹp của cô hòa quyện vào nhau, gắn chặt cả hai đứa con gái và tạo ra một ý nghĩ giống nhau.
Chúng tôi tin tưởng rằng những tình cảm trên tờ giấy này sẽ tồn tại mãi mãi, nhưng chúng tôi không thể lường trước được sự đời vật đổi sao rời đang chờ phía trước. Tuy vậy, tôi vẫn nhớ được rất nhiều từ trong bản thỏa ước đó. Sao có thể không nhớ kia chứ? Chúng đã khắc sâu vào trong trái tim tôi.
Chúng tôi, Tuyết Hoa ở thôn Thông Khẩu cùng Bách Huệ ở thôn Phủ Vĩ, sẽ chân tình trọn đời với nhau. Chúng tôi sẽ an ủi nhau bằng những lời ân cần. Chúng tôi sẽ xoa dịu cho nhau vợi bớt ưu phiền. Chúng tôi sẽ cũng nhau tâm tình thủ thỉ và thêu thùa trong buồng phụ nữ. Chúng tôi sẽ vâng theo Tam Tòng, Tứ Đức. Chúng tôi sẽ thuận theo giáo huấn trong Nữ Kinh của Nho gia và hành xử như những người phụ nữ đức hạnh. Ngày hôm nay, chúng tôi, Tuyết Hoa và Bách Huệ, đã trao cho nhau những lời chân tình. Chúng tôi nguyện thề gắn bó với nhau. Dù cách xa vạn dặm, chúng tôi cũng vẫn như hai dòng suối cùng đổ về một sông. Vạn năm sau, chúng tôi cũng sẽ vẫn như hai đóa hoa cùng nở một vườn. Không bao giờ rời xa nhau nửa bước, không bao giờ nói nặng nhau một lời. Chúng tôi sẽ là lão đồng của nhau cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Chúng tôi thật lòng vui sướng.
Bà Vương quan sát chúng tôi với vẻ long trọng khi cả hai chúng tôi ký tên bằng nữ thư ở phía dưới cùng của tờ thỏa ước. “Ta rất vui với cuộc kết giao lão đồng này,” bà ta nhận xét. “Giống như cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà, người tử tế đi với người tử tế, người đẹp sẽ sánh đôi cùng người đẹp, người thông minh sẽ sánh đôi cùng người thông minh. Nhưng không giống với hôn nhân, mối quan hệ này sẽ không chấp nhận bất kỳ một ai xen vào giữa. Không” - và lúc này bà ấy tự cho phép mình cười khúc khích - “lấy thêm vợ lẽ ấy mà. Các cô có hiểu ý ta nói không? Trong mối quan hệ này, trái tim hai cô sẽ luôn đồng điệu bất kể xa cách, bất đồng, cô đơn, có một cuộc hôn nhân cao sang hơn, hay có những cô gái khác, sau này sẽ là những người đàn bà khác, xen vào giữa các cô.”
Chúng tôi đi độ mười bước để quay trở lại kiệu. Lâu nay, việc đi bộ làm tôi đau đớn tột cùng, nhưng ngay sau đó tôi lại cảm thấy mình giống như Yểu Nương, người bó chân đầu tiên. Khi người đàn bà huyền thoại này múa trên đóa sen vàng, người ta cứ tưởng như bà đang lơ lửng trên đám mây trôi. Mỗi bước đi của tôi, vì thế, lại dịu bớt nhờ niềm hạnh phúc khôn tả.
Những người khiêng kiệu đưa chúng tôi đến giữa hội chợ. Lần này, khi chúng tôi xuống kiệu, chúng tôi đã ở ngay chính giữa khu chợ. Dưới ánh sáng nhè nhẹ, tôi có thể nhìn thấy những bức tường màu đỏ, những hình khắc trang trí được thi*p vàng, và mái ngói xanh rêu của ngôi miếu. Bà Vương dúi vào tay hai đứa chúng tôi hai đồng xu và bảo chúng tôi mua quà để kỷ niệm ngày hôm nay. Nếu tôi chưa bao giờ có cơ hội được chọn lựa cho riêng mình, thì tất nhiên tôi cũng sẽ chưa một lần được chịu trách nhiệm tiêu tiền. Một tay tôi cầm đồng xu, tay kia nắm tay Tuyết Hoa. Tôi cố nghĩ xem cô gái đang đi bên mình thích thứ gì, nhưng có quá nhiều thứ tuyệt vời ở khắp xung quanh làm tôi rối tinh lên, không biết chọn cái nào.
May sao lần này Tuyết Hoa cũng lại nhận lấy trách nhiệm. “Mình biết một thứ rất tuyệt!” cô reo lên. Cô bước vội gần như chạy rồi khập khiễng và dừng lại. “Đôi khi mình quên béng mất đôi chân của mình,” cô nói, nét mặt nhăn nhó vì đau.
Đôi chân tôi ắt hẳn mau lành hơn chân cô, và tôi cảm thấy chút rùng mình thất vọng vì chúng tôi sẽ không thể khám phá như chúng tôi - à, tôi - thích vậy.
“Bọn mình đi chậm thôi vậy. Lần này mình chưa cần phải xem hết mọi thứ đâu,” tôi đề nghị.
“…Vì mình sẽ còn quay lại đây hàng năm trong suốt quãng đời còn lại kia mà.” Tuyết Hoa kết thúc hộ tôi, và cô siết chặt tay tôi.
Một cảnh hài hước làm sao: hai lão đồng trong cuộc du ngoạn đầu tiên, gắng bước đi, nhớ tới đôi chân mà chỉ sự phấn khích mới giữ cho mình khỏi ngã, và một bà già ăn mặc lòe loẹt đang hò hét khản cổ với chúng, “Thôi ngay hành động ngu ngốc đó đi, nếu không ta cho về hết bây giờ!” Rất may, chúng tôi không phải đi xa lắm. Tuyết Hoa kéo tôi đi vào quầy hàng bán những đồ dùng cần thiết cho việc thêu thùa.
“Bọn mình giờ đang là hai cô bé con,” Tuyết Hoa nói, mắt cô nhìn chăm chú vào những cuộn chỉ bảy màu. “Cho tới khi đi lấy chồng, bọn mình sẽ phải ở trong buồng phụ nữ, đến thăm nhau, cùng nhau thêu thùa may vá, thì thầm trò chuyện. Nếu biết mua cẩn thận, bọn mình sẽ có thể cùng nhau gây dựng những kỷ niệm đẹp trong nhiều năm.”
Riêng về khoản thêu thùa chúng tôi rất hợp nhau. Chúng tôi cùng thích màu sắc như nhau, nhưng chúng tôi vẫn chọn một số thứ mà chúng tôi đều đồng ý là chả thích mấy nhưng lại cần thiết cho việc thêu một tiểu tiết trên chiếc lá hay cái bóng đổ của bông hoa. Chúng tôi trả tiền và quay trở lại chiếc kiệu, tay ôm những thứ vừa mua được. Lúc vào kiệu, Tuyết Hoa nài nỉ bà Vương chiều chúng tôi thêm một việc nữa. “Dì à! Cho bọn con đến chỗ ông bán khoai đi. Đi mà, dì!” Đoán là Tuyết Hoa đang dùng mấy lời kính cẩn này để làm mềm vẻ cứng rắn của bà Vương, và một lần nữa được sự táo bạo ở người lão đồng của tôi khuyến khích, tôi cũng phụ họa theo. “Đi mà, dì!” Bà Vương không thể nói không với hai cô bé đang kéo hai bên tay áo bà, nài nỉ thêm một việc phung phí quá đáng mà chỉ những đứa con trai cả mới có quyền đòi hỏi.
Cuối cùng, bà ta đành nhượng bộ song vẫn cảnh báo rằng không được đòi hỏi như thế này lần nữa. “Ta chỉ là một bà góa nghèo, và việc phải chi trả cho hai chi họ yếu kém sẽ hạ thấp địa vị của ta trong huyện này. Các cô muốn biến ta trở thành kẻ nghèo hèn sao? Các cô muốn ta ૮ɦếƭ một mình sao?” Bà ta nói tất cả những điều đó với cái kiểu lấc cấc thường thấy, nhưng thực ra mọi thứ đã sẵn sàng hết cả khi chúng tôi bước tới quầy hàng. Một cái bàn ngắn đã được kê sẵn ở đó cùng với ba chiếc ghế nhỏ hình tròn để ngồi.
Ông chủ hàng mang ra một con gà sống và dốc ngược lên. “Tôi luôn chọn cho bà những con ngon nhất đấy, bà Vương ạ,” ông lão Chu nói. Vài phút sau, ông ta lôi ra một cái ấm được đun nóng bằng than ở cuối gian nhà. Nước luộc gà, gừng, hành tươi, và những miếng thịt gà được chặt mà chúng tôi vừa mới nhìn thấy lúc nãy trước khi chúng sôi sùng sục trong bát. Nước chấm có gừng, tỏi, hành tươi băm nhỏ, trộn lẫn với dầu nóng được bày ra bàn. Một đĩa đậu xào cùng những lát tỏi làm phong phú thêm cho bữa ăn. Chúng tôi ăn uống một cách nhiệt tình, khuấy đũa tìm những miếng thịt gà ngon lành, gặm một cách sung sướng và nhả xương xuống đất. Nhưng thú vị hơn tất cả những thứ đó cộng lại, đĩa khoai mà Tuyết Hoa đã nhắc đến lúc trước là tôi vẫn còn dành bụng để xơi. Những chuyện mà cô kể đều là sự thật - lớp đường nóng rạn tanh tách khi thả vào nước, những tiếng nhai lạo xạo không tránh được và ruột miếng khoai mềm xốp trong miệng tôi.
Như vẫn làm khi ở nhà, tôi cầm lấy cái ấm trà và rót trà cho cả ba chúng tôi. Khi tôi đặt chiếc ấm xuống, tôi nghe Tuyết Hoa hít một hơi tỏ vẻ chê trách. Tôi lại làm sai điều gì nữa rồi, nhưng tôi không hề nhận ra. Cô đặt tay lên tay tôi và đặt lên ấm trà, cả hai đứa cùng xoay đi để cái vòi ấm không còn chĩa về phía bà Vương nữa.
“Chĩa vòi ấm vào người khác là khiếm nhã,” Tuyết Hoa nói nhẹ nhàng.
Lẽ ra tôi phải thấy ngượng chín cả người. Nhưng thay vì vậy, tôi lại hết sức khâm phục sự chỉ bảo của lão đồng.
Những người khiêng kiệu đang ngủ ngay dưới chân kiệu khi chúng tôi quay lại, nhưng tiếng vỗ tay và cái giọng oang oang của bà Vương đã đánh thức họ dậy rồi chẳng mấy chốc chúng tôi đã lên đường về nhà. Lúc về, bà Vương để chúng tôi ngồi cạnh nhau, mặc dù làm thế sẽ khiến kiệu bị lệch về một bên và làm các phu kiệu khó đi hơn. Tôi lại suy nghĩ về chuyện lúc nãy và thấy rằng chúng tôi đúng là còn quá trẻ con - chỉ là hai con bé chẳng có lý do gì cũng cười khúc khích, đi tìm chọn chỉ thêu, nắm tay nhau, lén nhìn trộm qua bức rèm khi bà Vương lơ mơ ngủ, và quan sát mọi vật trôi qua khung cửa sổ. Lần này chúng tôi mải mê đến mức không đứa nào còn cảm thấy sự khó ở khi những người phu kiệu rảo chân bước nhanh và chen lấn trên con đường gập ghềnh.
Đó là chuyến đi đầu tiên của chúng tôi đến Xá Hạ và Miếu Cô Bà. Bà Vương sẽ đưa chúng tôi quay lại đây vào năm tới, và chúng tôi sẽ dâng lễ cúng lần đầu tiên ở ngôi miếu. Hàng năm, bà sẽ hộ tống chúng tôi tới đây cho đến khi chúng tôi qua thời con gái. Một khi tôi và Tuyết Hoa đi lấy chồng, chúng tôi sẽ gặp nhau ở Xá Hạ mỗi năm một lần nếu hoàn cảnh cho phép, dâng lễ cúng thần ở ngôi miếu này để cầu xin sinh được con trai, ghé qua cửa hàng của người bán sợi để có thể tiếp tục những công trình của chúng tôi với những sợi chỉ có màu sắc y như chúng tôi đã mua lần đầu, hồi tưởng lại những chi tiết của chuyến đi đầu tiên, và dừng lại để thưởng thức món khoai tây caramen của ông lão Chu vào cuối ngày.
Chúng tôi về đến Phủ Vĩ khi trời đã chạng vạng tối. Hôm ấy, tôi đã có được một người còn hơn cả bạn bên ngoài gia đình tôi. Tôi đã ký vào thỏa ước để trở thành lão đồng với một cô bé khác. Tôi không hề muốn ngày hôm đó kết thúc, nhưng tôi biết nó sẽ hết ngay khi tôi về đến nhà. Tôi hình dung cảnh mình xuống khỏi kiệu, rồi phải trông theo những người phu kiệu mang Tuyết Hoa đi khỏi con hẻm, chỉ thấy bàn tay bạo dạn của cô lén vẫy vẫy dưới bức rèm bay phấp phớp để chào tạm biệt tôi lần cuối cùng trước khi chiếc kiệu khuất dạng sau góc quành. Rồi tôi nhận ra rằng niềm hạnh phúc của tôi vẫn chưa qua mất.
Chúng tôi dừng lại và tôi bước ra. Bà Vương bảo Tuyết Hoa cũng bước ra. “Tạm biệt hai cô. Mấy ngày nữa ta sẽ quay lại để đón Tuyết Hoa.” Bà ta ló ra khỏi kiệu, khẽ bẹo má Tuyết Hoa và nói thêm, “Ngoan ngoãn nhé. Đừng mè nheo nhiều. Hãy học hỏi bằng cách lắng nghe và quan sát. Hãy làm cho mẹ cô tự hào.”
Tôi phải giải thích cảm xúc của tôi thế nào đây khi chỉ có hai chúng tôi đứng trước ngưỡng cửa nhà tôi? Tôi quá vui sướng, nhưng tôi biết điều gì đang chờ đợi trong kia. Mặc dù tôi yêu gia đình tôi và ngôi nhà của chúng tôi lắm lắm, song tôi biết Tuyết Hoa đã quen sống trong một hoàn cảnh tốt hơn ở đây. Và cô không mang theo một bộ quần áo hay đồ dùng vệ sinh cá nhân nào.
Mẹ tôi ra đón chúng tôi. Mẹ thơm tôi; rồi mẹ đặt tay lên vai Tuyết Hoa và đưa cô bước qua cửa vào nhà. Trong khi chúng tôi đi lễ Miếu Cô Bà, mẹ, thím và chị gái đã làm việc quần quật để dọn sạch sẽ căn phòng chính. Tất cả rác rưởi đều tống khứ đi hết, quần áo treo trong phòng lấy xuống cất đi, và chén đĩa được sắp xếp lại đúng chỗ. Sàn nhà bụi bẩn đóng két lại đã được quét dọn và vẩy nước lên để đầm đất xuống cho phẳng và giúp căn phòng trở nên mát hơn.
Tuyết Hoa được gặp tất cả mọi người, kể cả anh trai tôi. Đến bữa tối, Tuyết Hoa nhúng đũa của mình vào tách trà để rửa, nhưng ngoài hành động nhỏ đó, một hành động cho thấy cô có phong cách cầu kỳ trau chuốt hơn bất kỳ ai mà nhà tôi từng biết, cô cố hết sức không để lộ cảm xúc. Nhưng từ trong thâm tâm, tôi hiểu Tuyết Hoa rất rõ. Cô nở một nụ cười mỗi khi phải đối mặt với một tình huống khó xử. Tôi thấy rõ là cô khi*p sợ trước cách sống của chúng tôi.
Đó là một ngày rất dài và chúng tôi đều rất mệt. Khi đến giờ lên gác, tôi lại có cảm giác hơi nôn nao, nhưng tất cả những người phụ nữ trong gia đình tôi đều đã bận rộn trên đó. Những bộ quần áo ngủ đã được phơi phóng và tất cả những đống bừa bộn do những hoạt động thường ngày của chúng tôi đều đã sắp xếp ngăn nắp thành từng chồng một. Mẹ tôi chuẩn bị cho chúng tôi một chậu nước sạch để tắm rửa, ở đó có hai bộ quần áo - một của tôi và một của chị gái, tất cả đều còn mới và đã giặt sạch sẽ - cho Tuyết Hoa mặc khi cô là khách ở nhà tôi. Tôi bảo Tuyết Hoa dùng chậu nước để tắm rửa trước, nhưng cô chỉ nhúng ngón tay vào đó, nghi ngại, tôi nghĩ thế, rằng nó không đủ sạch. Cô dùng hai ngón tay nhón lấy cái áo ngủ tôi đưa cho, để cách xa người mình, rồi nhìn nó săm soi như thể nó là con cá thối trong khi đó là bộ quần áo mới nhất của chị gái tôi. Cô nhìn quanh, thấy mọi con mắt đang dổ dồn vào mình, và lẳng lặng, cô ૮ởเ φµầɳ áo trên người ra để mặc áo ngủ vào. Chúng tôi leo lên giường. Đêm nay, và tất cả những đêm sau này nữa khi Tuyết Hoa đến chơi và ngủ lại đây, chị gái tôi sẽ sang ngủ cùng Mỹ Nguyệt.
Mẹ tôi chúc cả hai đứa ngủ ngon. Rồi mẹ cúi xuống hôn tôi, và thì thầm vào tai tôi, “bà Vương đã dặn chúng ta cần làm những gì rồi. Hãy vui vẻ, con gái bé bỏng. Hãy vui vẻ.”
Rồi, mẹ để hai đứa tôi ở lại, nằm bên nhau dưới tấm chăn bông mỏng quấn quanh người. Chúng tôi mới chỉ là những cô bé, và mặc dù mệt bã cả người nhưng vẫn không thôi thì thầm trò chuyện. Tuyết Hoa hỏi chuyện về gia đình tôi. Còn tôi lại hỏi về gia đình cô. Tôi kể cho cô nghe em ba của tôi đã mất như thế nào. Cô cũng kể cho tôi nghe rằng em ba của cô đã ૮ɦếƭ vì bệnh phong hàn. Cô hỏi về thôn tôi và tôi trả lời cô rằng Phủ Vĩ có nghĩa là Thôn Chung Xinh Đẹp theo thổ ngữ vùng chúng tôi. Còn cô thì lại giải thích cho tôi thôn Thông Khẩu có nghĩa là thôn Miệng Rừng, và sau này khi tôi đến thăm cô tôi sẽ hiểu được tại sao nó lại có ý nghĩa như vậy.
Ánh trăng chiếu qua khung cửa sổ mắt cáo, soi tỏ khuôn mặt của Tuyết Hoa. Chị gái tôi và Mỹ Nguyệt đều đã ngủ say, riêng tôi và Tuyết Hoa vẫn còn nói chuyện. Nếu đã là đàn bà, chúng tôi thường được dặn dò là không bao giờ được bàn đến chuyện bó chân, rằng nói vậy là không lịch sự và không giống với một quý bà, và nói tới chuyện đó sẽ kích thích Dụς ∀ọηg của đàn ông. Nhưng chúng tôi mới chỉ là những đứa bé gái và vẫn đang trong giai đoạn bó chân. Lúc ấy, những chuyện đó chưa phải là hồi ức, như đối với tôi bây giờ, mà là nỗi đau đớn và khổ sở đang đeo bám chúng tôi. Tuyết Hoa kể chuyện cô đã trốn mẹ và cầu xin bố cô tha cho cô như thế nào. Bố cô sắp nhượng bộ, việc đó cũng có nghĩa là họ sẽ để mặc Tuyết Hoa trở thành bà cô ૮ɦếƭ già trong nhà hoặc người hầu kẻ hạ trong nhà ai đó.
“Nhưng khi bố mình bắt đầu hút tẩu,” Tuyết Hoa giải thích, “ông quên luôn lời hứa với mình. Khi bố đang mơ màng, mẹ và thím tóm mình lên gác rồi trói vào ghế. Đó là lý do tại sao mình, cũng giống như bạn, bị bó chân trễ mất một năm.” Điều đó không có nghĩa là - một khi số phận của cô đã được định đoạt - thì cô sẽ cúi đầu chấp nhận. Không, cô chống cự lại mọi thứ trong những tháng đầu tiên, thậm chí có một lần cô đã xé toạc hết cả mớ vải bó chân. “Mẹ mình bó chân mình - và cột luôn cả người mình vào ghế - càng lúc càng thít chặt hơn.”
“Bạn không thể chống lại số phận được,” tôi nói. “Nó đã được định trước.”
“Mẹ mình cũng nói thế,” Tuyết Hoa đáp. “Mẹ chỉ cởi trói khi mình phải bước đi để làm gãy những khớp xương của mình và khi mình phải dùng đến cái bô trong buồng. Lúc nào mình cũng nhìn ra ngoài song cửa. Mình nhìn theo những cánh chim liệng bay. Mình nhìn theo những đám mây trôi. Mình quan sát vầng trăng tròn dần lên để rồi khuyết đi. Có bao điều đang diễn ra bên ngoài khung cửa làm mình hầu như quên mất tất cả những gì đang diễn ra trong căn buồng đó.”
Những tình cảm đó khiến tôi kính sợ! Tuyết Hoa thật sự có tính cách phóng khoáng của loài ngựa, chỉ có con ngựa của cô mới có được đôi cánh để đưa cô bay lên khỏi mặt đất, trong khi con ngựa của tôi thì chỉ có bản tính ù ì chậm chạp. Một cảm giác chợt nhói lên trong bụng tôi - về một điều gì đó nổi loạn, muốn phá tung những giới hạn của cuộc sống đã được quyết định trước của chúng tôi - gây nên một cảm giác kích thích nhoi nhói từ bên trong, sau này sẽ trở thành một khát vọng mãnh liệt.
Tuyết Hoa xích lại gần tôi, để khuôn mặt chúng tôi kề bên nhau. Cô đặt bàn tay lên má tôi và nói, “mình rất vui khi chúng ta là lão đồng của nhau.” Rồi cô nhắm mắt và chìm dần vào giấc ngủ.
Nằm bên cạnh Tuyết Hoa, nhìn gương mặt cô dưới ánh trăng, cảm thấy bàn tay nhỏ nhắn của cô mềm mại đặt lên má tôi, và lắng nghe hơi thở của cô sâu dần, tôi tự hỏi tôi đã làm thế nào mà lại có thể khiến cô yêu quý theo đúng kiểu mà tôi hằng khao khát.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc