Hay tin đôi vợ chồng xa nhà lần này có thể nghỉ phép nửa tháng, mẹ già con thơ ở nhà luôn trông ngóng họ vui mừng vô cùng.
Ngu Trĩ Nhất mặc quần áo mới mẹ mua, lên lớp dùng đồ dùng học tập mới.
Bạn ngồi cùng bàn thấy cô bé dùng đồ mới, ngạc nhiên hỏi: “Nhất Nhất, món này đẹp ghê ấy, cậu mua ở đâu thế? Tớ cũng muốn mua.”
“Mẹ tớ mua ở chỗ khác mang về cho tớ.”
“Thế à.”
Bạn cùng bàn bây giờ của Trĩ Nhất chính là cô nàng mái ngố năm đó, cô bé có cái tên vô cùng dễ thương, Kiều Lạc Chỉ.
Biệt danh là Xảo Lạc Tư(1).
(1)Biệt danh này có phát âm gần giống tên Kiều Lạc Chỉ và nó cũng là tên một hãng kem bên TQ. (Ảnh minh họa loại kem đó)
kem
Kiều Lạc Chỉ thò tay vào ngăn bàn mò mẫm, lấy ra cái túi trong suốt, “Mai sinh nhật cậu nhưng thứ bảy bọn mình lại được nghỉ nên tớ tặng quà sinh nhật cho cậu trước, chúc cậu sinh nhật vui vẻ nha.”
“Cảm ơn Kiều Kiều.”
Làm bạn cùng lớp sáu năm lại chơi thân với nhau, lần đầu tiên Kiều Lạc Chỉ biết sinh nhật Trĩ Nhất đã tặng một món quà nhỏ cho cô bé. Đương nhiên, đến sinh nhật cô bạn, Trĩ Nhất cũng làm điều tương tự.
Chơi đùa cùng nhau hàng ngày, cứ đến sinh nhật lại tặng quà cho nhau, tuy chỉ là mấy món đồ nhỏ thường thường nhưng chứa chan rất nhiều tình cảm.
Lúc tan học về nhà Thời Dịch hỏi cô bé ngày mai định đón sinh nhật như thế nào?
“Năm nay bố mẹ em ở nhà chắc sẽ tổ chức sinh nhật cho em nhỉ?”
“Vâng, bố mẹ còn bảo sẽ mua cho em một cái bánh gato to ơi là to nữa.”
“À… Năm nay không cần anh mua nữa rồi.”
Hồi Ngu Trĩ Nhất còn nhỏ, mỗi lần đón sinh nhật, bà ngoại chẳng bao giờ mua bánh gato cho cô bé. Không phải là bà đối xử với cô bé không tốt, mà vì bà đã nếm trải quá nhiều cái khổ trong cuộc sống, cảm thấy mua bánh gato chả ích lợi gì, thà rằng đi mua thêm ít thịt về cho cháu ăn còn hơn.
Thế nhưng đứa trẻ nào chả muốn sinh nhật có bánh gato, không có bánh gato thì không phải là sinh nhật. Thế nên Thời Dịch sẽ lấy tiền tiêu vặt của mình ra mua bánh gato cho cô bé.
Trong lòng Ngu Trĩ Nhất bây giờ vô cùng phấn khởi. Bố mẹ sẽ mua cho cô bé cái bánh gato thật to, có thể chia cho rất nhiều người ăn cùng.
Càng nghĩ càng mong chờ. Hai tay cô nắm lấy tay Thời Dịch, thắm thiết mời: “Anh ơi, đến lúc ấy anh và cô chú sang nhà em cùng ăn bánh gato nhé.”
“Được, nhưng ban ngày bố mẹ anh phải đi làm, đến khi tan làm mới sang được.”
“Không sao ạ! Bố mẹ em bảo sáng mai còn phải đi vào trong thành phố mua bánh, cũng phải đến tối mới ăn được.”
*
Đây là lần đầu tiên Ngu Trĩ Nhất được đón sinh nhật cùng bố mẹ trong bảy năm qua. Vì quá hào hứng nên cô bé dậy rất sớm.
Lúc ăn sáng, Ngu Trĩ Nhất dỏng tai lên nghe bố mẹ bàn lát nữa vào thành phố mua đồ, đến đoạn mẹ nhắc: “Mua bánh gato và quà cho Nhất Nhất nữa.” thì cười tươi như hoa nở.
Đến khi Ngu Khải và Nguyễn Tinh đi ra ngoài, Ngu Tâm Nghiên nằng nặc đòi đi cùng. Cuối cùng, bọn họ không thể không đưa đứa trẻ dính người này theo.
Bài tập của Ngu Trĩ Nhất khá nhiều nên sau khi tiễn bố mẹ, cô bé ở nhà làm bài tập.
Bà ngoại cầm trứng gà đến lăn một vòng trên người cô bé: “Ăn quả trứng gà này thì không bệnh không họa, bình an yên ổn.”
Đây là thói quen được người đời trước truyền lại, sinh nhật năm nào bà ngoại cũng làm như vậy, bảo có thể mang lại may mắn.
Ngu Trĩ Nhất rất thích thói quen chúc mừng này, vì nó thể hiện cho việc cô bé được chúc mừng sinh nhật.
Cô bé học hơi chậm nên lúc làm bài cũng chậm, đến khi làm xong bài tập thì đã là buổi chiều.
Ngu Trĩ Nhất đi qua đi lại bên cửa, nhưng mãi chưa thấy bóng dáng bố mẹ.
“Bao giờ bố mẹ mới về…” Muốn biết bao giờ bố mẹ mới mang bánh gato về quá đi mất.
Chờ mãi đến khi trời sẩm tối, cái cô bé nhận được lại là một cuộc điện thoại.
“Mẹ à, Nghiên Nghiên bỗng nhiên đổ bệnh, bọn con đang ở bệnh viện, mẹ cứ cho Nhất Nhất ăn cơm trước đi! Đừng đợi bọn con.” Bố mẹ cô bé ở đầu bên kia điện thoại nói như vậy với bà ngoại.
“Đứa bé không sao chứ?”
“Bị viêm dạ dày cấp tính, bác sĩ đã cho uống thuốc rồi, mẹ đừng lo lắng.”
Ngu Trĩ Nhất nghe được hết cuộc trò chuyện ấy.
Nhưng vẫn hỏi lại: “Em gái cháu sao thế ạ?”
Bà ngoại xoa đầu cô bé, thở dài: “Em gái bị bệnh, có thể tối nay mới về đến nhà, Nhất Nhất đói chưa? Bà đi nấu cơm cho cháu nhé.”
Nhìn theo bóng lưng bà ngoại đi vào bếp, trong lòng cô bé đắng ngắt, không thể nói rõ được loại cảm giác này.
Trời mùa đông nhanh tối, lúc này vợ chồng nhà họ Thời đã tan làm về đến nhà.
Thấy Thời Dịch ở nhà một mình, Ninh Tố Nhã để túi xuống đi về phía cậu: “Hôm nay sinh nhật Nhất Nhất sao con lại ở nhà một mình?”
“Con không biết, hình như bố mẹ Nhất Nhất chưa về.” Cậu lén đi sang bên đối diện hai lần rồi nhưng không nghe thấy âm thanh gì. Dù vậy, cậu cũng không thể không biết xấu hổ vào thẳng nhà họ.
Vừa dứt lời, chưa kịp đóng cửa thì có cái đầu nhỏ thò vào.
Bố Thời bước đến cửa phát hiện ra cô bé: “Nhất Nhất vào nhà đi cháu.”
Ngu Trĩ Nhất mím môi đi hai bước vào bên trong phòng, nhìn ba người một chút rồi lập tức cúi đầu áy náy nói: “Cháu xin lỗi cô chú, xin lỗi anh, bố mẹ cháu vẫn chưa về nên tạm thời chưa thể mời mọi người sang nhà cháu ăn bánh gato.”
Cô bé không giữ được lời hứa với mọi người nên trong lòng vô cùng áy náy.
Bố mẹ Thời Dịch không ngờ cô bé lại đến xin lỗi bọn họ, mỉm cười nói: “Cháu làm cô chú cứ tưởng có chuyện gì to tát lắm.”
“Bố mẹ cháu đi đâu thế?”
“Dạ, bố mẹ cháu vào trong thành phố mua đồ.”
“Thế chắc là mua cho Nhất Nhất rất nhiều đồ nên mới về muộn.” Họ cho rằng đứa bé sốt ruột đón sinh nhật nên mới nói như vậy để dỗ cô vui vẻ.
Ngu Trĩ Nhất cúi đầu, không thừa nhận cũng chẳng phản bác.
Bố mẹ Thời Dịch rất hiểu tính tình cô bé. Hai người bật cười rồi cùng nhau vào bếp chuẩn bị cơm tối.
Không còn sự quan tâm của người lớn, cô bé bước chầm chậm đến trước mặt Thời Dịch, gọi nhỏ: “Anh ơi.”
Lúc này Thời Dịch mới bỏ máy chơi game trong tay xuống, đứng lên dịu dàng xoa đầu cô bé: “Đến phòng anh lấy quà đi.”
Chính giữa bàn sách ngay ngắn gọn gàng để một cuốn sách rất dày, bìa ngoài xanh thẫm vô cùng nổi bật.
Ngu Trĩ Nhất tò mò nhìn thoáng qua người bên cạnh.
Thời Dịch chỉ vào cuốn sách đó, ý bảo cô bé đi đến cầm lên.
Tiêu đề sách màu vàng ghi to dòng chữ “Sách đáp án”
“Anh, cuốn sách này là quà của em à?” Trong lòng ôm ấp tia hi vọng mỏng manh, xin đừng để cô bé đọc sách!
Cô bé ghét nhất là phải đọc sách đó…
“Ừm.” Thời Dịch hơi nâng cằm lên, không phủ nhận.
Ngu Trĩ Nhất khóc không ra nước mắt: “Em có thể không nhận quà này được không?”
Mí mắt Thời Dịch giật giật. Cậu hoàn toàn có thể đoán ra cô ngốc này đang suy nghĩ cái gì.
“Em mở ra xem đi.”
Hướng dẫn sử dụng cuốn sách nói rằng lấy hai tay gập cuốn sách lại, tập trung suy nghĩ vấn đề mình muốn hỏi, rồi giở một trang bất kỳ ra, dựa vào cảm giác của mình để tìm được đáp án mình cần.
“Ồ…” Hình như không giống với sách trong tưởng tượng của cô bé.
“Có muốn thử một chút không?” Thời Dịch hỏi cô.
Thế nhưng, trong chốc lát, cô bé chưa nghĩ ra vấn đề gì.
Thời Dịch bèn nói: “Cứ hỏi thử Nhất Nhất ngốc nghếch khi nào sẽ trở nên thông minh?”
Sách đáp án: [Ai cũng không thể cam đoan.]
Ngu Trĩ Nhất: “…”
Được lắm, chị đây nhớ kỹ rồi nhé.
Cô bé lấy lại quyển sách, gập vào rồi nhắm mắt hỏi: “Để em hỏi, anh đã phá đảo được hết trò chơi chưa?”
Sách đáp án: [Chưa một lần]
“Há há há.” Đáp án nhận được làm Ngu Trĩ Nhất vô cùng hài lòng. Nhưng cô bé biết, Thời Dịch rất thông minh, nhất định có thể chơi qua hết các trò chơi, thế nên đáp án của cuốn sách này không chính xác.
Cô bé chỉ vào cuốn sách nói: “Anh ơi, rõ ràng nội dung cuốn sách chẳng liên quan gì đến câu hỏi mà.”
Thấy biểu cảm đắc ý của cô, Thời Dịch bình tĩnh nở nụ cười đáp: “Đúng thật là nó không thể cho em một đáp án chính xác, nhưng nó có thể giúp em tìm ra đáp án chính xác.”
Khi em mở cuốn sách này ra, trong tiềm thức đã xuất hiện đáp án rồi, đó chính là sự lựa chọn của em.
Ngu Trĩ Nhất ôm sách đi về nhà, dành riêng một vị trí đặc biệt cho cuốn sách thần kỳ này, nhưng vừa mới đặt xuống lại cầm lên.
Hai tay cô bé gấp sách lại nghĩ thầm một câu hỏi.
Đáp án mà cuốn sách đưa ra là: [Đương nhiên]
—
Hơn 8 giờ tối, bà ngoại lại gọi điện hỏi han tình hình của em gái, bố mẹ bảo rằng sắp về đến nhà rồi.
Hơn 9 giờ tối, Ngu Trĩ Nhất ngồi chờ đã thấm mệt nhưng vẫn kiên trì đợi ở cửa.
“Nhất Nhất à, cháu đi ngủ trước đi.”
Cô bé cố chấp lắc đầu: “Cháu muốn đợi bố mẹ về, còn cả em gái nữa.”
Không biết bệnh tình của em gái đã khá hơn chưa, không biết bố mẹ có mang quà gì với bánh gato về không.
Đến 9 rưỡi, cuối cùng Ngu Khải và Nguyễn Tinh cũng ôm con gái nhỏ về, trong tay còn cầm theo mấy túi nilon.
Bà ngoại đi ra đón, quan tâm hỏi han cháu gái: “Nghiên Nghiên vẫn ổn chứ?”
“Không sao đâu mẹ, uống thuốc bác sĩ kê xong thì ngủ suốt đường về.”
Ngu Trĩ Nhất không phải là đứa trẻ hoạt bát nói nhiều, nghe mẹ bảo em gái không sao nữa thì không hỏi han gì thêm. Tầm mắt cô bé nhìn sang mấy cái túi bố mẹ mang về. Mấy cái túi đó đều khá nhỏ, tuyệt đối không thể đựng được bánh gato.
Nguyễn Tinh thuận tay đặt lên bàn còn Ngu Khải bế con gái út đi vào phòng, mọi người quan tâm nên cũng đi vào theo.
Cô bé thấy bố đặt em gái lên giường còn mẹ thì cẩn thận đắp chăn cho em.
Sợ đánh thức em gái nên bọn họ đều đi ra bên ngoài rồi mới nói chuyện.
Bà ngoại hỏi nguyên do đứa trẻ bị bệnh, Nguyễn Tinh giải thích rằng: “Hôm nay lúc vào thành phố mua đồ Nghiên Nghiên cứ đòi ăn mấy đồ bày bán bên lề đường, ăn xong thì bị đau bụng, lại không chịu được lạnh nữa. Đến viện kiểm tra thì mới biết là bị viêm dạ dày cấp tính, lúc đó bọn con hoảng hốt vô cùng.”
“Thế quà với bánh mua cho Nhất Nhất đâu?”
“Còn chưa kịp mua nữa, cũng chỉ có vài đồ ăn này thôi. Ban đầu định tối đi mua nhưng không ngờ lại về muộn như này.”
Bà ngoại biết Ngu Trĩ Nhất đã đợi cả một ngày nên không đành lòng nhìn dáng vẻ thất vọng của đứa bé.
Nguyễn Tinh nhìn giờ, nhắc nhở: “Sao Nhất Nhất còn chưa đi ngủ thế? Cũng sắp đến 10 giờ rồi, mau đi ngủ đi con, trẻ con ngủ muộn không tốt đâu.”
Nguyễn Tinh buột miệng nói ra cũng là vì quan tâm đến con.
Nhưng bọn họ lại chẳng hề biết điều thật sự cô bé mong muốn là gì.
Ngu Trĩ Nhất nén nước mắt chạy về phòng của mình.
Cô bé rất đau lòng, còn hơi tức giận nhưng cô bé không biết trách ai đây.
Nói đúng ra thì dường như cô bé không nên trách bất kỳ ai.
Vì em gái bị bệnh nên bố mẹ mới quên đi lời hứa với cô bé, nhưng vì sao… lại cứ phải vào lúc này.
Được đón sinh nhật cùng bố mẹ là mong đợi trọn bảy năm của cô bé, thế nhưng cuối cùng lại uổng công chờ mong.