Thật vất vả mới đến được chỗ họp chợ, kéo thẳng thịt đến cửa sau của quán rượu, Loan Loan nói với tiểu ca giữ cửa là nàng tới tìm Dư chưởng quỹ, đồng thời nhân lúc không ai nhìn thấy thì nhét cho hắn ta mấy đồng tiền.
Thời đại nào cũng phải nói chuyện bằng tiền đấy!
Lần nào Loan Loan và Bách Thủ tới đều cho mấy đồng bạc, mặc dù không nhiều, nhưng trong trấn nhỏ này nếu như có thể kiếm được mấy đồng tiền “truyền lời giúp”, gã giữ cửa vẫn rất thích ý.
Cười cười, nói với Loan Loan, bảo nàng chờ một chút, gã giữ cửa liền đi vào trong truyền lời.
Chỉ một lát sau, tiểu ca giữ cửa đi ra ngoài, nói là Dư chưởng quỹ đang bận, bảo các nàng chờ một chút.
Loan Loan nói cảm ơn hắn. Mấy người liền đặt đồ xuống, nghỉ ngơi tại chỗ. Đợi đến nửa khắc đồng hồ còn chưa thấy Dư chưởng quỹ, mẹ Thạch Đầu ở bên cạnh lo lắng nói: “Sao còn chưa thấy người ra đây? Sẽ không phải là đã xảy ra chuyện gì đấy chứ?”
“Đúng vậy, Loan Loan, có cần bảo tên giữ cửa kia lại vào xem một chút không?” Mẹ Nguyên Bảo cũng nói.
“Hẳn là Dư chưởng quỹ có việc, tạm thời chưa có cách nào thu xếp thời gian ra đây, chúng ta chờ thêm một chút nữa thôi.” Loan Loan suy nghĩ một chút nói.
Trong lòng cũng bắt đầu cân nhắc, cứ lỗ mãng như thế này quả thật không ổn, lần sau phải đòi Dư chưởng quỹ tiền đặt cọc trước mới được!
Lúc mọi người đang suy suy đoán đoán, hoài nghi không chắc chắn, thì thấy một người đàn ông mặc trường bào đi ra, Dư chưởng quỹ thấy Loan Loan và Bách Thủ, thiếu ý cười, nói: “Thật ngại quá, vừa rồi có chút chuyện, để mấy vị phải chờ lâu.” Sau đó quét mắt nhìn những người khác, rồi nhìn về phía Loan Loan và Bách Thủ thăm dò.
“Mấy vị này chính là những người cùng làm thịt hun khói với chúng tôi.” Loan Loan lần lượt giới thiệu mọi người, sau đó lại nói: “Dư chưởng quỹ, ông là quý nhân bận rộn nhiều việc, chúng tôi không vội, chờ một chút cũng không sao.”
Dư chưởng quỹ lập tức cười lên, mời mấy người vào hậu viện.
Mọi người đưa thịt khô vào trong hậu viện của quán rượu, Dư chưởng quỹ lần lượt kiểm tra một lần. Cảm thấy rất hài lòng, khi thấy sườn muối và lạp xưởng thì rất tò mò. Loan Loan tỉ mỉ nói cho ông ta biết chỗ đặc biệt của sườn muối và lạp xưởng.
“… Trong cay có ngọt, trong ngọt có mùi, mùi vị đầy đủ, cắt thành miếng. Bóng bẩy. Vừa trông thấy sẽ khiến cho người ta muốn ăn thêm, cam đoan sẽ khiến cho ông đã ăn rồi còn muốn ăn nữa…”
Dư chưởng quỹ nghe vậy không khỏi mở lớn hai mắt, chốc lát sau liền cười nói: “Dù ta đã từng đi qua đại giang nam bắc cũng chưa từng thấy qua thứ này, không biết là có ăn ngon giống như lời ngươi nói hay không?”
Loan Loan khẽ mỉm cười. Rất có lòng tin nói: “Lát nữa Dư chưởng quỹ nấu thử một đoạn nhỏ rồi tự mình nếm thử chẳng phải sẽ biết sao? Lại nói, ông và chúng ta phải chiếu cố nhau lâu dài, nếu như ta lừa gạt ông, thì đối với ta có cái gì tốt? Vì một tí tẹo lợi ích nhỏ như thế, thiếu một khách hàng lớn như ông chẳng phải là chúng ta bị thiệt hại sao?”
Dư chưởng quỹ nghe vậy cũng âm thầm gật đầu, tiếp xúc với Loan Loan và Bách Thủ mấy ngày nay, ông cũng nhìn ra hai người này là người tử tế. Chỉ có điều Loan Loan ranh mãnh quái đản, chủ ý cũng có nhiều, nhưng đối với lạp xưởng mà nàng nói, quả thực ông vẫn có chút nghi ngờ.
Tục ngữ nói “được cái này, mất cái nọ”(*), Dư chưởng quỹ rất dứt khoát mua hết tất cả thịt heo khô, xương còn có cả lạp xưởng nữa.
So với hai nhà khác, heo nhà Loan Loan nhỏ hơn, thịt heo khô với xương đương nhiên là ít hơn một chút. Nhưng mà, xương muối so với thịt heo khô lại bán được giá cao hơn, giá của lạp xưởng đương nhiên là cao. Cho nên tổng cộng nhà Loan Loan kiếm được ba mươi lượng bạc, mà nhà Nguyên Bảo với nhà Thạch Đầu cũng phải được hơn hai mươi lượng bạc, cái này là cực kỳ ngoài dự đoán của hai nhà, thịt lợn sống đánh ૮ɦếƭ cũng không bán được nhiều bạc như vậy đâu nha!
Lão Trụ Đầu ở bên cạnh cũng thấy ngẩn ngơ, đây chính là ba mươi lượng bạc trắng bóng đấy nhá, dễ dàng tới tay như vậy sao?
Bán xong thịt, mấy người liền rời khỏi quán rượu.
Loan Loan rất hào phóng mà gọi một bình Thiêu đao tử cho Lý Trụ Đầu, lại bỏ ra mười lăm văn tiền mua một ít táo khô cho ông ta mang về, coi như là cảm ơn ông vì đã giúp bọn họ chở thịt khô tới chợ.
Lý Trụ Đầu cười đến nỗi các nếp nhăn trên mặt đều lộ ra, mặc dù ông khôn khéo, nhưng vẫn là người thực thà: “Ôi, thế này làm sao được, cũng chỉ là thuận đường thuận xá, như vậy đi, rượu thì ta giữ lại, táo thì cháu cứ giữ lại ăn đi.”
Loan Loan đẩy táo lại: “Táo là cháu mua cho Đại nương ăn.”
Lúc này Lý Trụ Đầu mới chịu nhận lấy, sau đó kéo xe bò đi lo chuyện của mình.
Bây giờ bán thịt heo được nhiều tiền như vậy là nhờ có phương pháp của Loan Loan, mẹ Nguyên Bảo và mẹ Thạch Đầu liền bàn bạc: “Cái này là phải cảm ơn Nhị muội, chúng ta mới có thể đi theo kiếm được nhiều bạc, thế này đi, chúng ta mời hai người các ngươi đi tới tiệm ăn?”
“Phải, phải rồi, vất vả một khoảng thời gian như vậy, chúng ta đi uống một chút rượu thôi.” Cha Nguyên Bảo cũng phụ họa nói, cha Thạch Đầu thì nắm vai Bách Thủ: “Sao? Hôm nay mấy huynh đệ chúng ta cũng đến tiệm ăn uống chút rượu, cũng thế cả phải không?”
Bách Thủ lại hơi lúng túng, gãi gãi đầu: “Đệ là người chỉ hơi dính chút rượu thôi là đầu óc mơ mơ màng màng rồi, lát nữa không biết đường trở về thì làm sao giờ?”
Mấy người cười ha ha, Loan Loan cũng cong môi cười khẽ.
Mấy người không đi đến tiệm ăn nữa mà đi dạo một vòng quanh chợ, thừa dịp hôm nay có nhiều người rảnh tay, mua sắm thêm một vài món cần dùng. Mẹ Nguyên Bảo với mẹ Thạch Đầu lại mua cho con nhà mình một chút đồ ăn, còn mua thêm vài thứ hiếu kính cha mẹ già.
Loan Loan mua thêm hai bộ bát đũa, mua hai cái chậu đồng, đến cửa hàng đồ khô thì lại mua táo, đậu tằm, đậu phộng, sau đó lại chọn hai loại đường Thiên Nghi khác nhau, mua lấy một bọc.
Cách tết còn có mười lăm ngày, chờ thêm chừng mười ngày nữa thì mua sắm những đồ tết khác, nhà bọn họ chỉ có nàng và Bách Thủ, cũng không ăn hết bao nhiêu.
Hôm nay tất cả mọi người đều vô cùng vui vẻ, giải quyết xong một tảng đá lớn ở trong lòng, mấy người cũng không vội về nhà mà đi dạo đủ rồi mới từ từ đi về nhà.
Thời gian luôn không thuận theo tâm tình của người ta, tâm trạng tốt thì lúc nào cũng trôi nhanh đặc biệt, mọi người cười cười nói nói, chẳng mấy chốc đã đến đầu thôn, rồi tách ra ai về nhà nấy.
Buổi tối, Loan Loan lấy vại đựng tiền tiết kiệm ra, lần trước bán thịt lợn rừng được năm lượng bạc, cộng thêm ngày nào cũng bán bánh, mỗi ngày có thể kiếm được chừng trăm văn tiền, chi tiêu ở bên ngoài, hiện tại tính ra trong tay còn dư ba mươi lượng bạc. Loan Loan dùng vải bố gói kỹ bạc lại rồi bỏ vào trong vại đất, chôn ở dưới giường. Trên tay còn có hơn một trăm văn tiền, lấy ra cho Bách Thủ hai mươi văn, bản thân nàng chỉ giữ năm văn ở trên người. Đàn ông mà, trên người sao không thể giữ một ít tiền phòng thân được.
Nhưng mà Bách Thủ không cần, chỉ lấy ra năm đồng, còn lại thì trả cho nàng. Loan Loan bảo hắn giữ lại, không phải lúc nào đi ra ngoài cũng cần.
Bách Thủ liền nói: “Ta suốt ngày không phải là ở trong nhà thì là ở trên núi, vạn nhất bị mất chẳng phải là lãng phí sao? Nếu như quả thật muốn đi ra ngoài, ta sẽ hỏi nàng.”
Loan Loan gật đầu, thật đúng là như vậy. Cầm tất cả bạc giấu ở đáy hòm.
Bắt đầu từ ngày hôm sau, Loan Loan và Bách Thủ lại bắt đầu bán bánh, lần này nàng thay đổi cách làm vị ngọt. Hòa tan đường ở trong nước, rồi cán bánh thành từng miếng mỏng, quét nước đường ở bên trên, lại nhào bánh, rồi lại cán thành hình tròn.
Như vậy, vị ngọt sẽ đồng đều hơn. Đường có thể thẩm thấu vào bên trong bột mì. Lúc ăn sẽ không bị ở giữa thì ngọt, bên cạnh thì chẳng có vị gì nữa.
Gần cuối năm, người đi chợ đặc biệt nhiều, bánh cũng bán được nhiều.
Buổi chiều hai người ở nhà, Bách Thủ dùng cái mảnh gỗ lần trước xây chuồng heo còn thừa để làm thành một cái bàn, hai cái ghế, lại làm cái hàng rào, đóng vòng quanh nhà để đánh dấu phạm vi nhà mình. Thời cổ đại có điểm này tốt. Cho dù bạn có xây nhà, trước sau gì thì cũng không có ai quản bạn. Đổi lại là thời hiện đại, xây dựng ở nông thôn hay thành trấn, chưa tới hai ngày đã có người tới “hỏi thăm” rồi.
Vườn rau ở bên cạnh một mảnh đất lớn rất đẹp. Đó là chờ đến mùa xuân thì trồng ớt, sau nhà có thể quây một khoảnh thành chuồng gà có cửa ra vào, như vậy có thể nuôi thả gà rồi, nếu nuôi mười con nữa thì chỗ nào cũng đủ. Chờ sang năm nhà bọn họ sửa sang lại phòng ốc, thêm hai gian nữa, đến lúc đó cũng sẽ không phải phiền não vì chuyện tắm rửa. Hơn nữa nếu có người đến thì cũng có chỗ ở.
Chẳng qua, có vẻ như là không còn có ai đến nhà bọn họ ở đi!
Loan Loan mừng khấp khởi, thầm nghĩ.
Cách lễ mừng năm mới càng gần, bầu không khí vui mừng náo nhiệt kia càng đặc. Trên mặt ai cũng đầy ý cười. Ngày nào cũng nghe thấy tiếng trẻ con trong thôn cười nói vui vẻ. Đối với đám trẻ mà nói, dịp tết là dịp phải chờ đợi rất lâu, không chỉ có đồ ăn ngon mà còn có quần áo mới để mặc.
Trong thôn có rất nhiều người bận rộn bán heo, Loan Loan và Bách Thủ chỉ cần đi chợ buổi sáng, buổi chiều thì rúc ở trong nhà, rất là thoải mái vui vẻ.
Rất nhanh đã đến hai mươi ba tháng chạp, bắt đầu từ hôm nay mọi người sẽ phải bận rộn hơn rồi.
Buổi sáng, hai người vẫn đi bán bánh, mua xong đồ tết liền mua thêm ít hoa quả, vì buổi tối phải cúng ông Táo.
Thời đại này cúng ông Táo cũng chính là cúng ông Táo Vương gia, mọi người gọi vị tôn thần này là “Bồ Tát tư mệnh” hoặc “Táo quân tư mệnh”, theo truyền thuyết, Ngọc Hoàng đại đế phong ông là “Cửu thiên đông trù tư mệnh táo vương phủ quân”, phụ trách quản lý bếp của mọi nhà, với tư cách là làm thần hộ mệnh của gia đình mà được sùng bái.
Rất nhiều nhà đặt bài vị của “Táo vương gia” ở trong bếp.
Đương nhiên là cả một năm, từ dịp giao thừa đến nay, vị Táo vương gia này vẫn ở trong nhà để bảo vệ và giám sát gia đình này, đến ngày hai mươi ba tháng chạp Táo vương gia phải lên trời, đi báo cáo với Ngọc Hoàng đại đế là gia đình đó làm việc tốt hay việc xấu, lễ đưa tiễn ông Táo được gọi là “tiễn Táo” hoặc là “tạm biệt Táo”. Ngọc Hoàng đại đế căn cứ vào báo cáo của Ông Táo, sẽ giao vào trong tay Táo vương gia vận mệnh cát hung, họa phúc mà nhà này được nhận trong một năm.
[*Tống Táo: tiễn Táo, Từ Táo: tạm biệt Táo.]
Bởi vậy nên lúc tế bái, mọi người đều nói chút lời hay với Táo vương gia, thí dụ như “lời hay nói nhiều, lời xấu đừng nói” hoặc là “…xin trình với Ngọc Hoàng những lời hay”.
Buổi tối, Bách Thủ mang một cái bàn vào bếp, nhà bọn họ không có tượng Táo vương gia, nên hướng về phía bếp mà dâng hương, dâng kẹo mua ở chợ lên, dâng cả hàng mã(được làm từ nan trúc mà ngoài chợ có bán) và cỏ khô cho gia súc ăn. Ý là bảo ông ấy khéo miệng một chút, bảo ông đừng có nói bậy.
Sau khi dâng xong, trong nhà có tượng thần thì hạ xuống, cùng giấy và khói bay lên trời(*).
Đây chính là tiễn Táo vương gia về trời!
Ở một số địa phương thì lại xếp cành cây vừng và cành cây tùng ở trong sân, lại mời tượng Táo quân đã cúng được một năm ra khỏi bàn thờ, rồi châm lửa đốt sạch, trong đó đã bao gồm cả hàng mã và cỏ khô. Cả nhà vừa đốt vừa khấn vái.
Loại tập tục này cũng thường thấy ở nông thôn thời hiện đại. Chẳng qua là khi lưu truyền đến hiện đại, tập quán đã không nghiêm ngặt giống như trước đây, đã bị đơn giản hóa đi nhiều.
Cúng ông Táo xong là phải quét bụi. Có nơi gọi là “phủi bụi”. Ở thời hiện đại, chính là tổng vệ sinh trước tết âm lịch.
Bách Thủ tìm một cây gậy dài, buộc một nắm lá trúc ở một đầu, hắn còn buộc khăn che đầu để tránh cho bụi bặm rơi hết vào tóc rồi bắt đầu quét bụi từ trong nhà ra ngoài sân, từ nóc nhà đến tường nhà.
Sau khi quét bụi xong, lại mang toàn bộ đồ đạc này nọ ở trong nhà ra tẩy rửa một lần, còn có cả chăn đệm mành rèm… vẩy nước quét nhà quét sân, lấy chổi lông gà quét mạng nhện, khơi thông sạch sẽ kênh mương cống rãnh…
Nó ngụ ý quét sạch những cái xui xẻo, vận rủi ra khỏi cửa. Theo “Lã Thị Xuân Thu” ghi lại, thời đại Nghiêu Thuấn của nước ta có phong tục quét bụi vào mùa Xuân.
Loan Loan còn nhớ, khi còn bé, nàng ở quê có theo người lớn chuyển hết đồ đạc trong nhà như ghế đẩu, ghế dựa, bàn, TV vv.vv… ra ngoài sân, sau đó người lớn thì ở trong nhà quét bụi, chủ yếu là mạng nhện ở trên nóc nhà.
Khi đó chỉ cảm thấy rất thú vị.
[Chú giải]
*Cách cúng ông Táo ở TQ cổ đại khác với mình hiện nay, ở TQ cổ đại, có lẽ là đốt cả tranh với vàng mã này nọ. Theo phong tục của mình hiện nay, thay cho tượng ông Táo là mũ ông Táo, mũ ông Táo được mua vào ngày hai mươi ba tháng chạp, cúng xong sẽ đốt cùng với vàng mã và cá chép giấy(nếu nhà nào có điều kiện thì thay cá chép giấy bằng cá chép vàng thật, và thả ra sông sau khi cúng xong).
*Được cái này, mất cái nọ: nguyên văn là舍不得孩(hái·zi)子套不得狼- xá bất đắc hài tử sáo bất đắc lang, có thể hiểu là “không chịu bỏ con, không bắt được sói”.
Thật ra, nguyên gốc của câu này là舍不得鞋(xié·zi)子套不着狼- Xá bất đắc hài tử sáo bất trước lang- không chịu tốn giày, không bắt được sói. Theo giải thích của Baike, sói là loài động vật thông minh lại khỏe mạnh, khi phát hiện ra thợ săn sẽ bỏ chạy rất nhanh và chạy rất lâu, vì vậy để bắt được sói, thợ săn phải chấp nhận mất một vài đôi giày(giày bị hỏng do trèo đèo lội suối). Do tam sao thất bản, nên từ “không chịu tốn giày không bắt được sói” bị biến thành “không chịu bỏ con, không bắt được sói.”
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “nhầm lẫn” này, nó liên quan đến các âm của Hán ngữ cổ, Hán ngữ hiện đại, tiếng địa phương… TVNL sẽ không giải thích cụ thể vấn đề này, vì nó rất khó hiểu, và bản thân người chuyển ngữ lại không biết tiếng Trung.
*Chổi lông gà: 拂尘-phất trần, ‘phất’ là ‘phẩy, phủi’, ‘trần’ là ‘bụi’, gốc là cái phất trần, TVNL đặt là chổi lông gà cho gần gũi và dễ hình dung J