Thần tiên cũng có ngũ cốc luân hồi[1], nhưng Diệp Thế An cả đời làm quân tử thì tất nhiên không thể đánh mất phong độ.
Hắn nhìn cái thùng gỗ, cắn chặt răng rồi nằm trở lại giường. Giữa từng cơn gió lạnh, hắn vừa ôm lấy chính mình vừa kiên cường nhắm tịt hai mắt.
Hắn nhịn tới lúc sao mai mọc lên thì rốt cuộc nghe thấy tiếng bước chân từ bên ngoài truyền đến; Cố Cửu Tư cuối cùng đã quay về. Thẩm Minh đưa Cố Cửu Tư tới, còn mang theo quan bào của Diệp Thế An. Cố Cửu Tư vừa lại gần, Diệp Thế An đã nhảy dựng lên và cầm lấy quan bào. Hắn nhanh chân bước ra ngoài túm lấy ngục tốt rồi thì thào hỏi gì đó, sau đấy biến mất ở khúc quanh trên hành lang.
“Hắn đi đâu vậy?” Thẩm Minh khó hiểu hỏi.
Cố Cửu Tư cũng mù tịt, “Giận đến nỗi không muốn nói câu nào với ta à?”
Nhưng thời gian gấp rút nên Cố Cửu Tư chả kịp tìm hiểu ý tứ của Diệp Thế An, hắn tự vào phòng giam rồi đóng cửa lại và dặn Thẩm Minh, “Mau lên triều đi, có tin gì nhớ báo cho ta!”
Dặn xong, hắn tự giác khóa cửa lại rồi bảo ngục tốt, “Ngài cứ nghỉ ngơi, ta đã khóa đàng hoàng.”
Cùng lúc ấy, Diệp Thế An đi tiểu xong nên bước ra từ khúc quanh. Hắn lạnh lùng liếc Cố Cửu Tư một cái mới rời khỏi nhà lao, Thẩm Minh vội vã đuổi theo. Cố Cửu Tư ngẩn ngơ gãi gãi mũi, hắn không ngờ Diệp Thế An lại cáu tới mức đó.
Diệp Thế An cùng Thẩm Minh lên triều, hôm nay Phạm Hiên tuyên bố thái tử thay mặt thiên tử đi tuần tra phương Nam để xem xét tình hình đê Hoàng Hà và ban ơn khắp thiên hạ. Vì thái tử là độc đinh[2] của Phạm Hiên nên điều động năm ngàn tinh binh từ Đông Đô theo hộ tống.
Mệnh lệnh này khiến tất cả mọi người sững sờ. Lúc hạ triều, rất nhiều đại thần vây quanh Chu Cao Lãng để dò hỏi, “Chu đại nhân, bệ hạ có ý gì?”
Chu Cao Lãng xua tay, “Ta không phải bệ hạ thì sao biết được?”
Lục Vĩnh đứng ở một bên, vẫn luôn giữ vẻ mặt bình tĩnh. Song điểm khác thường là vào những lúc thế này, Lục Vĩnh hay tiên phong đi dò hỏi tình hình. Hiện giờ trông ông ta lại chẳng có vẻ quan tâm việc này dù chỉ một chút.
Chu Cao Lãng âm thầm liếc nhìn Lục Vĩnh, đợi tới cổng cung điện thì ông gọi Lục Vĩnh lại, “Lục đại nhân.”
Lục Vĩnh dừng bước chân, Chu Cao Lãng tiến đến sánh bước bên ông ta mà cười nói, “Ta cảm thấy gần đây Lục đại nhân hình như hơi khác trước kia?”
“Khác ở điểm nào?” Sắc mặt Lục Vĩnh vẫn rất điềm tĩnh.
Chu Cao Lãng cười cười, “Trước giờ Lục đại nhân không phải người thích im lặng như vậy.”
Nét mặt Lục Vĩnh cứng đờ, ông ta thở dài, “Không dám gạt Chu đại nhân, dạo này bận rộn với công việc của Hộ Bộ làm ta quá mệt nhọc. Nếu đắc tội Chu đại nhân thì mong Chu đại nhân thứ lỗi.”
“Ta có gì để người khác đắc tội chứ?” Chu Cao Lãng mỉm cười, ông ngước đầu nhìn bầu trời bên ngoài cung điện. “Lão Lục, chúng ta đã mất vài chục năm để cùng nhau bò từ U Châu lên đây, ngươi nên tin tưởng lão Phạm hơn.”
Lục Vĩnh giấu bàn tay siết chặt trong ống tay áo, ông ta nhắc nhở bản thân không cần căng thẳng. Nhưng Chu Cao Lãng hoàn toàn chẳng nhìn ông ta mà chỉ nói, “Chuyện không nên giấu thì đừng giấu, có giấu cũng chả gạt được. Bệ hạ chung quy vẫn tốt với ngươi, tình cảm mấy chục năm mà, ai nỡ nhẫn tâm chứ.”
Nghe đến đây, trái tim Lục Vĩnh đập điên cuồng. Chu Cao Lãng giơ tay vỗ vỗ vai ông ta rồi bước ra ngoài cung điện.
Chu Cao Lãng đã đi khuất nhưng Lục Vĩnh vẫn đứng tại cổng cung điện trong chốc lát. Ông ta nhắm nghiền mắt, khẽ khàng than một tiếng.
Điều lệnh để thái tử Nam tuần vừa phát ra, Phạm Ngọc tức khắc luống cuống. Hắn vội đi tìm Lạc Tử Thương và sốt ruột hỏi, “Thái phó, phụ hoàng có ý gì khi muốn cô xuống phía nam?”
Lạc Tử Thương cúi đầu nhìn bàn cờ, y không cất tiếng đáp lại. Phạm Ngọc bất mãn lên giọng, “Thái phó!”
“Bệ hạ muốn thái tử xuống phía nam thì ngài cứ đi.”
“Nhưng…”
“Bệ hạ chưa đứng vững gót chân tại triều đình,” Lạc Tử Thương nhàn nhạt nói, “nên phải đạt được vài thành tích chân chính. Năm nay Khâm Thiên Giám[3] dự đoán Hoàng Hà sẽ có lũ lụt. Nơi này hàng năm đều vỡ đê, nếu năm nay sau khi thái tử tuần tra xong mà Hoàng Hà bình an thì địa vị của điện hạ trong lòng dân chúng sẽ tăng cao và đây cũng là thành tích chân chính cho triều đình.”
“Mấy việc này không quan trọng,” Phạm Ngọc nhíu mày, “phụ hoàng chỉ có mình cô là nhi tử, dù đạt được thành tích xác thực hay không thì chẳng lẽ còn tính cho người khác làm hoàng đế?!”
Lời này khiến tay cầm quân cờ của Lạc Tử Thương thoáng dừng lại. Lát sau, y ngẩng đầu và cung kính cười nói với Phạm Ngọc, “Điện hạ hiểu lầm ý của bệ hạ rồi. Bệ hạ không chỉ muốn điện hạ làm hoàng đế mà còn muốn ngài trở thành vị hoàng đế tốt được sử sách lưu danh và vạn dân ca tụng. Tuy điện hạ đã rất ưu tú nhưng vẫn phải làm mọi người biết ưu điểm của ngài mới thỏa đáng.”
Phạm Ngọc nghe vậy thì khoái chí lắm, hắn gật gù, “Ngươi nói rất đúng, cô phải cho mọi người biết mới được. Bản cung thực hiện Nam tuần, vậy ngươi cũng đi theo chứ?”
“Vi thần tất nhiên phải đi theo.”
Lạc Tử Thương quay đầu đi, ánh mắt dừng lại trên bàn cờ.
Công đoạn chuẩn bị cho hành trình của Phạm Ngọc mất ba ngày, sau đấy đội ngũ Nam tuần cuồn cuộn xuất phát.
Vào quãng thời gian này, thuộc hạ của Liễu Ngọc Như đã vận chuyển tới Đông Đô số lương thực được trồng trên mảnh đất nàng mua ở Vọng Đô.
Sau khi trải qua chiến loạn, giá lương thực khắp nơi đều tăng cao. Lúc trước Liễu Ngọc Như thu hoạch tại Vọng Đô xong, lương thực rất sung túc. Tiếp theo có lưu dân khai khẩn nên năm nay được mùa, giá lương thực đạt gấp mười lần lợi nhuận so với Đông Đô. Liễu Ngọc Như đích thân tới cổng thành tiếp nhận lương thực, tình cờ đi ngang đoàn người trùng điệp của thái tử. Nàng ngồi trong xe ngựa mà vén mành lên, dõi theo đội ngũ Nam tuần của thái tử ra khỏi thành. Trong đội ngũ này, phía sau xe ngựa dành cho thái tử là cỗ xe ngựa nhỏ có bề ngoài mộc mạc giản dị. Nàng đang nghĩ ngợi ngồi trong xe là ai thì mành xe đột ngột được vén lên.
Một khuôn mặt nhợt nhạt có phần ốm yếu xuất hiện trước mặt Liễu Ngọc Như. Người nọ vừa thấy nàng thì ánh mắt xuất hiện ý cười thấp thoáng khó diễn tả thành lời. Ý cười này trông vô cùng phức tạp, nó làm Liễu Ngọc Như phải cau mày.
Trong chớp mắt khi hai chiếc xe ngựa lướt ngang qua nhau, Lạc Tử Thương buông mành, tựa như y vén rèm lên chỉ để liếc nhìn cô nương kia một cái.
Ấn Hồng vội vàng lại gần nói với Liễu Ngọc Như, “Phu nhân cách xa y một chút, người này quá đáng sợ.”
Liễu Ngọc Như lặng lẽ cúi đầu nhìn sổ sách, nàng bảo, “Lật sang trang khác cho ta.”
Hiện giờ ngón tay nàng không thể cử động, chỉ đành nhờ Ấn Hồng lật trang để nàng đọc sổ sách. Liễu Ngọc Như xem xét số lượng lương thực được thống kê trong sổ, chẳng mấy chốc, bên ngoài thông báo đội ngũ vận chuyển lương thực đã tới.
Liễu Ngọc Như xuống xe ngựa, nàng tự mình đi gặp đội vận chuyển và cho mỗi người một túi tiền nhỏ lấy hên. Trải qua quãng đường gió bụi mệt nhọc, Liễu Ngọc Như chờ ở cổng rồi tiếp đón thế này khiến mọi người đều phấn chấn lẫn cảm thấy đi chuyến này cũng bõ công.
Liễu Ngọc Như dẫn người tới kho hàng ở ngoại ô Đông Đô, đây là miếng đất được nàng thuê để chuyên dùng cho việc cất giữ hàng hóa lương thực. Nàng giám sát từng túi lương thực được khuân vào kho và cùng mọi người kiểm kê số lượng. Khi tất cả lương thực đã nhập kho, nàng không khỏi nhíu mày.
Thủ lĩnh đội vận chuyển lương thực là lão Hắc, hắn thấy Liễu Ngọc Như nhíu mày thì hơi lo lắng. Liễu Ngọc Như dẫn hắn đến đại sảnh và để hắn ngồi xuống rồi mở lời, “Hắc ca, ta có một thắc mắc.”
Bạn đang �
“Ngài cứ nói.” Lão Hắc vội vàng mở miệng, “Đông gia, nếu ngài có gì chưa hiểu thì hãy hỏi ta, ta nhất định sẽ trả lời rõ ràng để không tồn tại khúc mắc giữa chúng ta.”
Liễu Ngọc Như mỉm cười, “Hắc ca, ta chỉ thấy hơi lạ,” nàng sai Ấn Hồng mở sổ sách ra, “ta yêu cầu ba vạn thạch lương thực từ Vọng Đô nhưng hiện giờ chỉ có một vạn rưỡi. Một nửa số lương thực còn lại đâu?”
Lão Hắc nghe vậy thì chưa uống ngụm trà nào đã hấp tấp giải thích, “Đông gia, mọi người cần ăn cơm trên đường vận chuyển lương thực, ngoài ra cũng có một số lượng bị rơi rớt nên tất nhiên phải chịu tổn thất.”
“Hắc ca,” Liễu Ngọc Như cau mày, “ta từng vận chuyển lương thực. Lúc trước ta vận chuyển một trăm vạn thạch lương thực từ Thanh Châu, Thương Châu, Dương Châu về Vọng Đô; khi đến nơi vẫn còn xấp xỉ chín mươi vạn thạch. Ta không hiểu sao mọi người vận chuyển lại hao tổn đến phân nửa số lượng.”
“Đúng, đúng,” Ấn Hồng ở cạnh bất mãn nói, “ngươi đừng cho rằng chúng ta chưa từng vận chuyển lương thực mà muốn lừa bịp.”
Lời này tức khắc làm mặt mũi lão Hắc sa sầm, hắn đập mạnh chén trà xuống bàn. Hắn đứng dậy rồi quỳ xuống trước Liễu Ngọc Như, “Đông gia, ta biết ngài nghi ngờ ta. Nhưng dù hôm nay phải đâm đầu vào cột ૮ɦếƭ trước mặt ngài thì ta vẫn sẽ nói rằng chúng ta quả thật không lấy trộm số lương thực bị hao hụt.”
“Vậy lương thực…” Ấn Hồng sốt ruột chen ngang.
“Đường đi khác nhau!” Lão Hắc giận dữ trừng mắt với Ấn Hồng. “Tiểu nha đầu như ngươi thì biết cái gì!”
“Hắc ca,” Liễu Ngọc Như thở dài, nàng mau chóng đứng lên nâng lão Hắc dậy, “ngươi đừng cáu gắt với một tiểu cô nương. Ta không nghi ngờ ngươi, ta chỉ muốn biết nguyên nhân thôi. Nếu có khó khăn thì chúng ta cần nghĩ cách, ta làm buôn bán nên phải biết rõ tiền của mình tiêu tốn vào chỗ nào.”
Mấy lời này rốt cuộc khiến lão Hắc bình tĩnh lại. Hắn thở dài rồi nói với Liễu Ngọc Như, “Đông gia, lúc trở về U Châu từ Thanh Châu, Thương Châu, Dương Châu, ngài đều dùng đường thủy. Khi đã tới U Châu thì Vọng Đô cách đó chưa đầy ba mươi dặm. Ngài có nhận thấy một trăm vạn lương thực của mình chủ yếu bị hao hụt ở đường bộ không?”
Liễu Ngọc Như gật đầu, “Chính xác.”
“Đông Đô ở nội địa, không phải vùng duyên hải,” lão Hắc thở dài, “muốn vận chuyển lương thực lại đây chỉ có thể dùng đường bộ. Song đường bộ khác đường thủy, cái khác đầu tiên chính là nhân số cần thiết. Nếu đi đường thủy thì một con thuyền chỉ cần mấy chục người, nhiêu đó đã đủ để vận chuyển rất nhiều lương thực và sẽ không bị rơi rớt gì. Chỉ cần thuyền không chìm cũng như không gặp hải tặc, ngoại trừ lương thực cho mấy chục người ăn thì căn bản chẳng hao tổn gì mấy. Đường bộ lại khác, trên đường chắc chắn sẽ bị rơi rớt lương thực nên đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt. Tiếp theo là nhân lực vận chuyển lương thực có hạn. Cùng số lượng lương thực nhưng đường thủy chỉ cần mấy chục người mà đường bộ có khi cần mấy trăm hoặc thậm chí hơn một ngàn, vì vậy sức ăn sẽ khác biệt. Cuối cùng là đường bộ có nhiều sơn phỉ. Trên đường chúng ta đi, cứ cách một đoạn lại phải giao nộp ‘phí qua đường’. Cứ như vậy thì khi tới Đông Đô làm sao còn thừa lại nhiều được chứ?”
Lão Hắc chua xót nói, “Đông gia, ta biết mình vô dụng nhưng ta đã cố gắng hết sức.”
“Hắc ca,” Liễu Ngọc Như thở dài, “ta không hiểu chuyện khiến ngươi bị oan ức. Ngươi vất vả như vậy mà ta chỉ nghĩ đến lương thực.”
Được lời này của nàng, lão Hắc mới thả lỏng tinh thần.
Hắn gấp rút xua tay, “Đông gia đừng nói vậy, ta tổn thọ mất.”
Liễu Ngọc Như cười cười, nàng bảo Ấn Hồng lấy hai lượng bạc giao cho lão Hắc rồi kính cẩn nói, “Hắc ca, ta không biết các ngươi vất vả, giờ mới thấu hiểu nên đã khiến mọi người buồn bực. Ta vừa khai trương cửa hàng mới nên phải tiết kiệm, hy vọng chút bạc này không làm ngươi cảm thấy ta keo kiệt.”
Ban đầu Lão Hắc từ chối, nhưng Liễu Ngọc Như lịch sự thuyết phục một hồi thì cũng nhận lấy.
Sau khi tiễn lão Hắc, Liễu Ngọc Như và Ấn Hồng cũng rời nhà kho.
Ấn Hồng thở dài thườn thượt trên xe ngựa, “Lương thực chỉ còn lại một nửa thì chúng ta cũng tổn thất một nửa, không biết phải buôn bán thế nào đây. Cô gia đang ở trong tù, kinh doanh lại chẳng thuận lợi, phu nhân xem chúng ta có nên đi cúng vái ở chùa miếu không?”
Liễu Ngọc Như lặng lẽ phe phẩy quạt tròn, nàng quay đầu nhìn bên ngoài cửa sổ và hờ hững đáp, “Chuyện gì cũng có giải pháp.”
Muôn sự đều do người làm nên, chuyện gì cũng có giải pháp.
Chú thích
[1] Ý chỉ việc đi WC, bắt nguồn từ tiểu thuyết Tây Du Ký.
[2] Người con trai duy nhất trong một gia đình.
[3] Nơi quan sát và chiêm nghiệm âm dương bói toán, các hiện tượng thiên văn, thời tiết, làm lịch, coi ngày, và báo giờ để định mùa vụ cho dân.