Chương 33: Cái món lẩu quỷ quái nàyCó lẽ mùa đông và lẩu đúng là tuyệt phối, cũng có thể là vì khẩu vị của đồng bào cả nước qua hàng trăm năm vẫn có tính nhất trí, cho nên món lẩu đông khách hơn cả mong đợi, khách tới muộn thường không được ăn vì đã hết nồi, Thẩm Thiều Quang lại vội vàng đi đặt làm thêm mấy cái nồi nữa.
Lúc đi đặt làm nồi, người thợ thủ công kia nói với Thẩm Thiều Quang: “Mấy hôm nay cũng có người cầm bản vẽ tương tự tới đặt làm.”
Người cùng nghề sao? Thẩm Thiều Quang cười hỏi: “Đặt làm mấy cái?”
Người thợ thủ công kia nói: “Năm cái, nhìn dáng vẻ giống như tôi tớ nhà giàu có.”
Thẩm Thiều Quang hiểu ra, tám phần mười là khách hàng tới quán ăn thấy ngon nên cũng muốn tự chuẩn bị để ăn trong nhà. Nói cho cùng thì cũng là kẻ có tiền, nồi đắt như vậy mà mua một lúc hẳn năm cái.
Ở thời đại này còn chưa có ý thức gì về bản quyền, hơn nữa nồi lẩu này cũng không phải do nàng tự sáng chế, cũng không có ý định độc quyền nó, Thẩm Thiều Quang cười nói: “Ngươi cứ làm cho bọn hắn là được.”
Lúc đầu người thợ thủ công kia cũng không từ chối, chỉ biết rằng cô nương này là chủ quán rượu, sáng tạo ra thứ đồ đặc biệt này, bây giờ bị người ta bắt chước thì sợ là sẽ gây trở ngại cho nàng nên mới nói với nàng một tiếng, ít nhiều gì trong lòng cũng nhẹ nhõm hơn một chút. Bây giờ nghe nàng nói có thể làm cho người khác thì người thợ thủ công kia cười: “Cô nương thật là rộng lượng.”
Được người ta tặng cho cái thẻ người tốt, Thẩm Thiều Quang vui vẻ nhận lấy.
Thực ra không chỉ có lò rèn này nhận được đơn đặt hàng làm nồi lẩu mà lò rèn khác ở Tây Thị cũng được người ta đặt làm cái nồi tương tự thế này, chỉ là nồi này cao thấp lớn bé thế nào, kích thước khoang nồi ra sao đều đã trải qua sự kiểm chứng lâu dài của thời gian, nhìn qua thì có vẻ như không có yêu cầu gì cao, nhưng nếu nắm không rõ làm không tốt thì sẽ hoặc là không rút được lửa, hoặc là bị cháy dưới đáy nồi.
Cho dù khách nào may mắn được cái nồi thích hợp thì cũng phát hiện ra là sao của nhà mình ăn không ngon như ở quán rượu Thẩm Ký.
Cho nên ấy à, nồi chỉ là bước đầu tiên thôi! Còn có cả nước lẩu, gia vị, nguyên liệu…
Bọn ta là quán rượu chuyên nghiên cứu sáng tạo ra cái mới! Thẩm Thiều Quang không ngừng sửa cũ thành mới, làm ra cái nào bị bắt chước cái đó lại chẳng cái nào vượt qua được*.
Nghe xong câu danh ngôn thời hiện đại này của Thẩm Thiều Quang, A Viên ra sức gật đầu lia lịa, cảm thấy cô nương nhà mình đúng là chẳng có chỗ nào không tốt, người đẹp tấm lòng lại lương thiện, biết viết chữ biết tính toán, nấu ăn ngon mà vẽ tranh cũng đẹp, đến cả nói chuyện cũng có đạo lý.
* Câu nói tương tự: We create, others copy. We lead, others follow.
Vẻ mặt của A Xương không khác A Viên là mấy, cũng cười híp mắt gật đầu, Thẩm Thiều Quang thấy hai người này như vậy thì không khỏi nghĩ tới mấy con chồn mèo đứng xếp hàng ăn trái cây…
Thẩm Thiều Quang lúng túng giải thích với hai người họ: “Mấy lời này không phải do ta nói, là do ta đọc được thôi.”
Bây giờ tài ăn nói của A Viên đã khá hơn trước kia nhiều: “Vậy thì cũng là cô nương uyên bác.”
Bây giờ đổi lại người gật đầu lia lịa là A Xương.
Vu Tam nhìn mà bực mình, quay người đi vào trong bếp.
Thẩm Thiều Quang còn có thể nói cái gì? Chỉ có thể vui mừng vì số từ ngữ mà A Viên nói càng lúc càng nhiều, uyên bác… vậy thì cứ uyên bác đi.
A Xương là tôi tớ Thẩm Thiều Quang mới mua mấy hôm trước, mười bảy tuổi, người hơi nhỏ, đầu tròn mặt tròn, nếu không phải là hơi gầy thì đúng là có nét giống huynh muội ruột với A Viên. A Xương là tôi tớ nhà thương nhân, chủ nhân nhà họ đổi một người phu nhân mới, vị phu nhân mới này bán sạch đám tôi tớ cũ, bao gồm cả A Xương giữ nhiệm vụ trông cửa và quét sân.
Thẩm Thiều Quang để A Xương giúp việc vặt trong bếp như nhóm lửa, thái đồ ăn, rửa chén bát.
A Xương rất vui mừng trước công việc mới: “Làm trong bếp thì đúng là tốt quá!” Ngoại trừ những người hầu thân tín bên cạnh a lang, tiểu lang quân hoặc là người chạy việc cho phu nhân thì phòng bếp, phòng thu chi đều là sự lựa chọn tốt nhất đối với bọn nô bộc.
Với A Xương, làm trong bếp còn tốt hơn cả đi theo các lang quân hay phục vụ trong phòng thu chi, không phải dầm mưa dãi nắng, ai bị đói thì mặc kệ chứ chắc chắn người trong bếp sẽ không bị đói, với thời tiết thế này mà được làm tổ bên cạnh bếp lò, nếu còn có thể vùi vài củ khoai sọ trong than nữa thì thật là, chao ôi, có cho đổi làm thần tiên cũng không đổi!
Nói đến nỗi Thẩm Thiều Quang cũng phát thèm, đúng là đi mua về thật, ngoại trừ một ít để làm khoai sọ ngào đường ra thì đều đưa đi nướng cả. Đợi đến lúc nướng vừa thơm vừa mềm rồi, Thẩm Thiều Quang kéo theo A Viên và A Xương vây quanh bếp lò bóc ra ăn.
Bóc lớp vỏ bên ngoài đi, phần bên trong vẫn đang bốc hơi nóng, ăn thì nóng bỏng lưỡi, nhưng càng nóng thì lại càng muốn ăn, ăn tới nỗi cả miệng cả tay đều đen thui.
Vu Tam thấy ba người bọn họ thật chẳng khác gì ăn xin, bĩu môi, vẻ mặt một lời khó nói hết.
Thẩm Thiều Quang ăn xong, hơi hơi tiếc, tiếc là ở thời này còn chưa có khoai lang, nếu không thì còn ngon hơn nữa.
Công chúa Vu Tam dù không chịu “thông đồng làm bậy”, nhưng mà tài bếp núc thì quả thật là có thiên phú.
Thẩm Thiều Quang đang dạy Vu Tam hút nước dùng.
Nước dùng là một thứ thần kỳ, nhìn qua thì trong vắt nhưng lại vừa thơm vừa ngọt, hoàn toàn khác xa canh sữa vừa đặc vừa trắng, giống như một cái là một mỹ nhân trang điểm cầu kỳ, một lại chỉ phủ một lớp phù dung nhẹ nhàng, thực ra lớp trang điểm phù dung này không hề đơn giản hơn lớp trang điểm cầu kỳ kia chút nào, dù sao cũng phải đánh lừa con mắt người ta mà.
Lúc mới nhìn thấy canh sữa thì Vu Tam đã rất kinh ngạc, không ngờ có người có thể nấu canh thịt thành màu trắng như sữa bò như vậy, rồi đến lúc nhìn thấy nước dùng này thì lại càng cảm thấy thần kỳ hơn, nước canh lại có thể trong suốt như vậy!
Thẩm Thiều Quang kể cho hắn nghe câu chuyện nàng nghe được ở kiếp trước.
“Đầu bếp trong một quán rượu nọ giỏi nhất là làm đậu phụ, được mời tới nhà của một quý nhân làm đồ ăn chay. Nhà họ sợ hắn mang theo đồ không sạch, bị dính đồ mặn nên chủ nhà chuẩn bị đầy đủ mọi thứ nguyên vật liệu, ngay cả dao thớt cũng không cho hắn mang theo. Người đầu bếp kia đến đúng hẹn, dẫn hai người đồ đệ, trên vai chỉ có mỗi một tấm khăn trắng, đến tay không.”
“Món đậu phụ củ cải hôm đó thơm ngon không gì sánh được, chủ nhà khen, thưởng thêm tiền.”
Vu Tam nhìn nàng.
“Bí quyết nằm ở tấm khăn màu trắng kia. Nó đã được ngâm trong nước dùng, đến phòng bếp thì vắt nước dùng ra, dùng nước dùng này để hầm đậu phụ, đương nhiên là mùi thơm rồi.”
Vu Tam cau mày: “Vậy thì phải dùng khăn lớn cỡ nào mới có thể ngâm đủ nước dùng cho một bữa tiệc?”
“Nếu quá ướt, nước nhỏ giọt xuống thấm lên áo, vậy thì chẳng phải sẽ làm chủ nhà phát hiện ra sao?”
“…” Thẩm Thiều Quang thật sự không ngờ rằng Vu Tam lại là người chú ý logic như vậy!
Nghĩ ngợi một lúc, Thẩm Thiều Quang nói: “Thực ra lúc trước khi ta nghe người ta kể chuyện này thì trong đầu có một suy nghĩ là cái khăn đó vắt trên vai, cọ xát với y phục, có lẽ còn dính cả mồ hôi và bụi bặm – thế thì hơi bẩn.”
“…” Lần này đổi thành Vu Tam không nói được lời nào.
Nhưng Thẩm Thiều Quang cảm thấy điều này cũng không làm mất cái hay của câu chuyện, so với tính hồi hộp và tình tiết câu chuyện thì tính logic và đạo đức cũng không coi là cái gì!
Thẩm Thiều Quang lại quay trở về với đề tài cũ: “Nước canh của chúng ta không gặp vấn đề này, số lượng đủ nhiều mà cũng đủ sạch sẽ, cũng đủ cho chúng ta hầm rất nhiều đậu phụ rau xanh và rất nhiều nồi lẩu.”
Hút nước dùng còn phiền phức hơn cả hầm canh sữa, bởi vì có thêm một bước “hút”.
Chọn xương lợn, thịt gà, ninh lên bằng lửa nhỏ để nước canh luôn sôi lăn tăn – nếu để lửa lớn thì sẽ thành canh sữa, để lửa nhỏ quá thì lại không thể lấy được hết vị ngọt bên trong tủy xương, trong lúc ninh thì phải dùng muôi cẩn thận vớt sạch bọt, đến lúc ninh xong là đã có một nồi nước dùng thông thường rồi.
Nước dùng thế này là đã đủ để dùng bình thường rồi, nếu muốn đạt được hiệu quả trong veo trong vắt thì dùng một cái túi bằng vải bố chứa ức gà băm nhỏ bỏ vào trong nồi nước dùng để nó hút hết những thứ lơ lửng trong nồi nước dùng, nếu lặp lại bước này thêm một lần nữa thì gọi là “hút kép”, nồi nước dùng trở nên trong veo.
Có Thẩm Thiều Quang hướng dẫn, Vu Tam vừa làm lần đầu đã hút nước canh rất thành công, Thẩm Thiều Quang nở nụ cười hiền lành vui mừng như bà mẹ già, Vu Tam quay đầu nhìn thấy. Tài nấu nướng của cô nương đúng là tốt thật, nhưng mà cái tính cách này… Nghĩ tới hai tên khờ khạo ngoài kia, Vu Tam lắc đầu, thôi bỏ đi, thôi bỏ đi.
Nước dùng này là thích hợp nhất cho những người ăn chay kĩ tính, nhìn bên trong không có gì lạ nên ăn rất là ngon miệng.
Ngoài nước lẩu là canh sữa lúc ban đầu và cả nước dùng trong vắt này, Thẩm Thiều Quang lại lần lượt thêm các loại nước lẩu hải sản, nước lẩu nấm, nước lẩu từ đầu cá xương cá, rồi nước táo đỏ câu kỷ tử long nhãn… Có chay, có mặn, có hải sản thủy sản, có thuốc bắc, thích hợp để ninh lẫn lộn chung một nồi, thích hợp cho những người quái đản kiên quyết chỉ ăn một loại đồ nhúng như Lâm thiếu doãn. Lúc nào cũng luôn có đủ bảy tám loại, ha ha, chỉ cần ngươi tới thì chắc chắn có thể tìm được loại thích hợp với bản thân mình nhất.
Đồ nhúng cũng phải tìm ra cái đặc sắc của mình – các loại viên. Các loại thịt thái lát thì dễ bắt chước, nhưng nặn thành viên thì không dễ bắt chước như vậy.
Sao mà viên cá còn non mềm hơn cả đậu phụ nữa? Mỗi người gọi viên cá thì đều sẽ được nhắc nhở là “nhúng vào nồi rồi vớt ra ngay, nếu không thì sẽ bị tan”; viên thịt bò thì ngấm nước canh, vừa nóng vừa thơm; khác với viên cá, viên gà lại giòn giòn…
Lại còn đủ loại nước chấm…
Những người tự đặt làm nồi đồng phát hiện ra muốn ăn lẩu vẫn phải tới Thẩm Ký ăn, tự mình làm không làm ra được mùi vị như người ta.
Cũng có người tới quán rượu Vân Lai gọi món.
“Tại sao Vân Lai không có nồi lẩu? Quán rượu này còn to hơn Thẩm Ký cơ mà.”
Tiểu nhị bưng bê bối rối, chuyện này liên quan gì tới quán to quán nhỏ?
Hắn đi bẩm báo cho nhị chưởng quỹ Ngụy Tam, lần này Ngụy Tam không dám tự làm càn, cẩn thận đi bẩm báo cho Phùng chưởng quỹ.
“Hay là chúng ta sai người đi xem nồi lẩu rồi cũng đi đặt làm vài cái?”
Phùng chưởng quỹ nguýt hắn một cái: “Không biết khôn ra!” Hôm trước có người dò la về báo lại là Lâm thiếu doãn cùng một ông cụ đặt bao hết quán, Lâm thiếu doãn rất cung kính với người đó, chỉ sợ là quan to trong triều.
Chẳng mấy chốc nữa là tới tháng chạp, tổng quản phủ Triệu Vương là Lục quản sự theo Tào trưởng sử vào cung tặng đồ cống cho thánh thượng và tặng lễ mừng cho chư vị hoàng thân quốc thích, cũng tiện thể gặp người trong kinh một lần.
Phùng chưởng quỹ giấu chuyện trước đó, chỉ bẩm báo lại chuyện Thẩm Ký vi phạm quy củ và chuyện Lâm thiếu doãn cùng một vị có vẻ là quan to trong triều bao hết quán rượu.
Lục quản sự cảnh cáo: “Tuyệt đối không được trêu chọc quán rượu Thẩm Ký này, nghe ngươi miêu tả vị khách quý kia thì có vẻ như là Lý tướng công.”
Phùng chưởng quỹ chột dạ liên tục nói được.
Bây giờ nghe Ngụy Tam nói vậy thì vội vã trách cứ, dặn đi dặn lại rằng tuyệt đối không được có cái ý định này.
Thực ra cho dù không được Lục quản sự dặn dò thì Phùng chưởng quỹ cũng sẽ không đi đặt làm nồi lẩu như Thẩm Ký – học theo người chẳng thành còn quên cả cái vốn có.
Hết lần này tới lần khác bị người ta hỏi có món lẩu không, Phùng chưởng quỹ cười khổ, có cảm giác bị món lẩu quỷ quái này tấn công.
Một người khác cũng có cùng cảm giác bị món lẩu tấn công là Lâm thiếu doãn.
Đã sắp hết năm, phủ Kinh Triệu có mấy vụ án phải bàn giao cho bộ Hình. Bàn giao xong rồi, Lâm Yến và Tống thị lang bộ Hình cùng nhau đi ra khỏi nha môn, lại cùng đường về nhà.
Tống thị lang nói hắn có thứ tốt nhất định phải mời Lâm Yến đi nếm thử.
Tống thị lang là dòng chính của Tống thị ở Thái Nguyên, cha ông đều đứng hàng tam công*, bản thân hắn cũng xuất sắc hơn người cho nên bình thường khá kĩ tính, qua lại với Lâm Yến cũng coi như là thân thiết hơn các đồng liêu khác.
* Tam công là ba chức quan cao nhất thời phong kiến gồm thái sư, thái phó, thái bảo.
Tống thị là nhà quyền quý giàu có chân chính, cái gì có thể khiến hắn khen là “thứ tốt”? Lâm Yến bị hắn khơi dậy tính tò mò, đi nhìn xem thì là… lẩu, hơn nữa kiểu ăn của Tống thị lang còn là kiểu cái gì cũng ném hết vào trong nồi.
“Tiện mà dễ dùng hơn mấy cái đỉnh nhiều! Nghe nói là bắt nguồn từ một quán rượu, có người tặng ta hai cái, tốt lắm, tốt lắm luôn!”
Lâm Yến: “…”
Về đến nhà, tới chỗ bà nội ăn bữa chiều thì trên bàn ăn cũng bày một nồi lẩu, vẻ mặt bà nội rất hưng phấn: “A Yến, ngươi mau tới đây xem cái nồi lạ lùng này, hôm nay Bùi Thập Nhị mới cho người đưa tới.”
Lại nhìn một loạt đĩa chứa đủ thứ đồ nhúng bày bên cạnh, Lâm Yến: “… Rất tốt, rất tốt.”