Phần một: Người mở khóa ẩn dậtĐôi rồng đang quấn quýt vờn nhau, kỹ thuật điêu khắc tinh xảo đã khiến chúng trở nên vô cùng sống động và có hồn lạ thường. Mỗi con rồng đều nhô đầu lên khỏi bề mặt chừng vài phân, đối mặt với nhau, miệng rồng há rộng, để lộ ra những chiếc răng nanh hung dữ, ở chính giữa hai đầu rồng là một viên ngọc trân châu rất lớn màu xanh biếc.
Chương 1: Khóa uyên ương bọc tâm giao ứcTôi là Sở Khinh Lan, nữ, chưa kết hôn, sinh ngày 26 tháng 3 năm 1989, là người Trường Xuân tỉnh Cát Lâm.
Từ nhỏ đến lớn, tôi sống cùng ông nội, chưa một lần biết mặt mũi bố mẹ mình ngang dọc thế nào. Chỉ biết ông tôi kể rằng, tôi vừa ra đời thì bố mẹ tôi bị cuốn theo cơn khát đào vàng ở Nga, và từ đó đến nay cứ biền biệt chẳng chút tin tức gì. Ấn tượng duy nhất của tôi về họ là một tấm hình đã cũ bị ố vàng trong quyển album ảnh, đôi vợ chồng trẻ tuổi mà đáng lẽ ra tôi phải gọi là bố mẹ có lẽ còn trẻ hơn cả tôi hiện giờ.
Ông nội đã rất yêu thương chiều chuộng tôi từ khi tôi còn nhỏ, không nỡ để tôi phải chịu khổ, dù chỉ là một chút. Ông không đi làm và cũng rất ít khi ra khỏi nhà, nhưng trong nhà không bao giờ thiếu tiền tiêu, những đòi hỏi của tôi thông thường đều được ông đáp ứng nhanh chóng. Khi đó, tôi không hề cảm thấy lạ, và tuổi thơ của tôi cứ thế bình dị trôi qua như những đứa trẻ khác.
Điều duy nhất khiến tôi cảm thấy hơi thắc mắc là, tuy bình thường ông tôi không mấy khi ra khỏi nhà nhưng trong nhà lúc nào cũng tấp nập người ra kẻ vào. Có rất nhiều loại người, họ ôm túi to, túi nhỏ, thậm chí có cả những người mang quân hàm cảnh sát, hay những tên lưu manh xăm trổ đầy mình. Tất cả bọn họ đều nhất loạt kính cẩn trước mặt ông tôi, nhưng thần sắc lại mang vẻ lo âu, sợ sệt.
Mỗi khi có khách, ông lại bảo tôi ra ngoài chơi rồi dẫn những người khách đó vào trong phòng, đóng chặt cửa lại. Tôi không biết họ đang thì thầm to nhỏ điều gì, đành tha thẩn ngồi một mình trong vườn chơi xếp hình. Tôi quên kể một chuyện, hồi đó, ông cháu tôi có một ngôi nhà với khuôn viên khá rộng ở ngoại ô thành phố.
Thông thường sẽ không mất quá lâu, những vị khách lạ mặt lại vui vẻ khoác túi ra về. Cũng có đôi lần ông đi cùng với họ, trước khi đi ông còn dặn dò tôi:
- Trông nhà cẩn thận, ta phải đi vài ngày có việc.
Tôi không rõ ông đi đâu, làm gì nhưng cũng không hỏi, bởi đó là thói quen của ông cháu tôi.
Vài ngày sau, thậm chí là mười mấy ngày sau, ông bất ngờ trở về, người đầy bụi đường xám xịt, sau đó tôi lại được ăn món thịt kho - món tủ của ông. Bình thường tôi đoán là ông đi kiếm tiền, chứ không hề nghĩ ông đang làm việc xấu, bởi vì ông là ông nội của tôi, người hết mức yêu thương đứa trẻ côi cút này.
Mọi chuyện cứ như thế trôi qua cho đến năm tôi tròn mười sáu tuổi và vừa tốt nghiệp cấp Hai. Do học lực không tốt nên tôi trượt kì thi cấp Ba, và bắt đầu chuỗi ngày nằm dài ở nhà, tụ tập chơi bời cùng bạn bè. Ông tôi tuyệt nhiên không mắng mỏ lấy một câu nhưng nhìn nếp nhăn xô nhau trên khuôn mặt già nua của ông, tôi biết ông đang rất lo cho tương lai của tôi.
Tết Nguyên Đán năm 2005. Một trận bão tuyết lớn đổ xuống thành phố, trời rét căm căm, tuyết phủ kín trời, chưa năm nào Trường Xuân lạnh giá như năm đấy cả. Tối hôm đó, ông nội tự tay chuẩn bị rất nhiều món ngon, lại còn hâm nóng một bình rượu trắng. Tôi ăn uống no nê còn ông thì hầu như chẳng ăn gì, chỉ nhấm nháp cốc rượu trắng, rồi thi thoảng quay sang nhìn tôi đầy trầm ngâm. Tôi cầm chiếc đùi gà ngon lành cắn một miếng thật to, rồi quay sang hỏi vì sao ông không ăn.
Ông thở dài rồi nói:
- Con bé ngốc này, ta không thể nuôi con cả đời được, giờ không biết làm gì cả thì sau khi không có ta, con sẽ sống như thế nào đây?
Lúc đó, mặc dù tôi còn nhỏ nhưng vẫn hiểu những điều ông nói. Mà cũng đúng thôi, nếu như một ngày ông thực sự ra đi, tôi biết phải làm sao đây? Tôi lập tức nắm lấy bàn tay nhăn nheo của ông, thề thốt:
- Ông à, ông nhất định phải sống lâu trăm tuổi đấy. Nếu như ông ốm, con nhất định sẽ nấu cơm, bón cháo, tắm rửa, đổ bô hầu hạ ông.
Ông cười khà khà, trìu mến vỗ đầu tôi:
- Cái con nhỏ này, không phải đang ăn cơm hay sao, toàn nói những điều vớ vẩn.
Tôi vui vẻ nói tiếp:
- Ông à, hay là con thử ra ngoài tìm việc gì đó để làm, coi như dốc sức học một cái nghề nào đó để kiếm tiền nuôi thân vậy.
Ông nghe xong liền đặt cốc rượu xuống, đặt hai tay lên vai tôi, rồi nghiêm nghị nhìn thẳng vào mắt tôi như đang dò tìm điều gì đó rồi lên tiếng:
- Bé con, ta sẽ truyền cho con một nghề, để sau này khi ta không còn nữa, thì con cũng không phải chịu cảnh đói rét.
- Nghề gì hả ông? - Tôi đột nhiên rất hào hứng.
Ông mỉm cười không nói gì, chỉ bảo tôi ra ngoài mang cái ổ khóa sắt vào đây. Cái ổ khóa đó rất to, nặng tầm hai ba cân, do dùng đã lâu nên bên trên bám đầy gỉ sét.
Ông tôi thận trọng đưa tay ra đỡ lấy cái ổ khóa, tỉ mẩn dùng vạt áo lau qua, lật qua lật lại quan sát cái cục sắt vô tri vô giác ấy rồi bấm chốt khóa lại, rút chìa khóa để lên trên mặt bàn. Sau đó, ông rút một que tăm trong lọ ra, quay đầu lại nói với tôi.
- Con nhìn đây!
Nói rồi ông mỉm cười, nheo mắt như đang xâu chỉ qua lỗ kim, cẩn trọng đút đầu tăm vào lỗ khóa khổng lồ kia, ngón cái và ngón trỏ giữ chặt que tăm rồi nhẹ nhàng xoay đều. “Cạch!” chỉ trong nháy mắt, cả ổ khóa bật tung trước mắt tôi.
Tôi kêu lên đầy kinh ngạc, vội vàng cầm lấy ổ khóa nhìn kĩ càng từng bộ phận. Không có gì đặc biệt! Tôi thử uốn cong que tăm xem điều bí ẩn có nằm trong đấy không. Rắc! Que tăm gẫy làm đôi.
Trong khi tôi đang săm soi từng li từng tí xem có phát hiện ra được gì không thì ông tôi điềm nhiên nhấp một hớp rượu rồi chậm rãi giải thích:
- Mở khóa là biệt tài được lưu truyền trong dòng họ Sở chúng ta, bao đời nay chỉ truyền cho con trai chứ không truyền cho con gái, nhưng tiếc rằng bố con…
Nói đến đây, giọng ông bỗng trầm xuống, tay nắm chặt cốc rượu, một nỗi phiền muộn thấp thoáng trên gương mặt già nua.
Tôi chui đầu vào vòng tay ông nũng nịu:
- Ông nội, ông mau dạy cho con đi, cái này hay quá.
Lúc đó, tôi hoàn toàn bị tài nghệ của ông cuốn hút đến nỗi không hề để ý đến những lời ông nói, cơ hội hiếm có để được nghe kể về bố mẹ tôi cũng vì thế đã vuột mất.
Ông nội khẽ gật đầu, nói tiếp:
- Ta còn có cái này muốn cho con xem.
Nói rồi ông dắt tay tôi, chầm chậm bước ra khỏi phòng.
Bên ngoài trời rất lạnh, gió bấc quất rin rít bên song cửa, cả mảnh vườn im lìm trong màn mưa tuyết mù mịt của trời đông, ánh trăng bàng bạc phản chiếu dìu dịu trên nền tuyết trắng xóa. Chiếc xe đạp màu đỏ hãng Giant mang số hiệu 24 của tôi đang dựng ở sát góc tường, cả thân xe phủ đầy những bông tuyết trắng phau còn đằng sau xe đã được khóa cẩn thận bằng chiếc khóa hình móng ngựa rất to.
Chúng tôi chật vật bước từng bước trên lớp tuyết dày, khi đứng trước chiếc xe đạp, ông nội đưa tay tháo một chiếc cặp ghim trên đầu tôi xuống, nhẹ nhàng bẻ thẳng chiếc cặp ghim ra. Ông ngồi sụp xuống, tay trái cầm chiếc khóa hình chữ U, tay phải phủi nhẹ lớp tuyết trên chiếc khóa, nói:
- Con nhìn cho kỹ này! - Rồi nhẹ nhàng nhét chiếc cặp tóc vào lỗ khóa.
Điều thần kỳ lại một lần nữa xảy ra. Cạch! Chiếc khóa lại được bật tung.
Trời ạ, sao lại có thể thần diệu đến thế cơ chứ! Tôi hoàn toàn bị thôi miên, từ trước đến nay tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, ông nội lại có biệt tài thần kỳ đến vậy, không thể tin được, thậm chí còn điêu luyện hơn cả những nhà ảo thuật hay biểu diễn trên tivi.
Ông nội chắp tay sau lưng đi về phòng, tôi bước theo sau, vừa đi vừa ngoái đầu lại. Sau khi ngồi xuống ghế, không đợi tôi nói gì, ông đã hỏi luôn:
- Thế nào, có muốn học không?
- Muốn ạ! - Tôi vui sướng nhảy cẫng lên, ôm chặt lấy cổ ông. - Ông nội, mau dạy cho con đi. Lan Lan học xong, nhất định sau này sẽ không lo ૮ɦếƭ đói nữa.
Ông nội mỉm cười, ấn vai tôi ngồi xuống ghế, sau đó ông nhìn thẳng vào mắt tôi, chậm rãi hỏi:
- Để học được tài nghệ này con sẽ phải khổ luyện, vậy có còn muốn học nữa không?
Tôi lập tức đứng bật dậy, nghiêm túc trả lời ông:
- Con không sợ khó, không sợ khổ. Con là con cháu của nhà họ Sở, tuy không có anh em, nhưng con nhất định sẽ không làm tài nghệ của dòng họ mình bị thất truyền đâu.
Ông nội chăm chú nhìn tôi mỉm cười, cùng lúc đó, hai cổ tay của ông vặn xoắn lại với nhau, sau một cú giật mạnh, lớp da tay đã bị lột bỏ tựa như ông vừa tháo chiếc găng ra khỏi tay mình vậy.
Tôi há hốc mồm khi chứng kiến cảnh tượng trước mắt, đang định mở lời thì ông lắc đầu và bình thản nói:
- Không có chuyện gì đâu, đây chỉ là lớp da giả thôi, con hãy nhìn kỹ hai bàn tay của ta đi.
Nói rồi ông vứt miếng da giả lên mặt bàn, xòe hai bàn tay ra trước mặt tôi.
Tôi cúi đầu nhìn xuống lòng bàn tay ông, lập tức đờ đẫn cả người.
Chắc do thường xuyên đeo lớp da giả nên lòng bàn tay của ông tôi có màu trắng rất lạ và cũng không hề thô ráp. Nhưng điều làm tôi cảm thấy đáng sợ nhất là lòng bàn tay và mười ngón tay ông chằng chịt những sẹo. Có những vết sẹo chỉ là một vệt dài, có vết lại mang hình tròn, hình tam giác, hình móng ngựa, thậm chí có cả những đường rãnh lõm sâu, to có, nhỏ có. Một vài vết sẹo có màu như màu da, viền sẹo trơn và mịn, phân bổ theo quy luật, còn những vết sẹo khác trong hai lòng bàn tay thì lại có vị trí không hề giống nhau, cứ như là nó được khắc một cách có chủ ý vậy.
Tôi há hốc mồm, kinh ngạc nhìn trân trân vào những vết sẹo. Cảm giác tò mò, hồi hộp dâng lên đến cực độ. Tôi thực lòng không thể hiểu nổi những vết sẹo đó nói lên điều gì, và tại sao ông tôi lại phải khắc chúng vào lòng bàn tay như thế.
Ông xoa xoa hai bàn tay, đôi mắt mở to bình thản, hỏi tôi với chất giọng trầm ᴆục khác thường:
- Đã nhìn thấy chưa, đây chính là cái giá phải trả để học được tài nghệ lưu truyền của dòng họ chúng ta.
Thật là khủng khi*p! Bỗng dưng tôi thấy lạnh sống lưng, đây đâu phải là học tài nghệ gì, mà là tự hành xác thì đúng hơn! Nhưng tôi chợt nhận ra rằng, đã phải chịu đau đớn để khắc lên bàn tay, thì chắc chắn nó phải có một công dụng đặc biệt gì đó. Nghĩ đến đây, tôi lại ngồi yên lặng, đợi ông nói tiếp.
Ông nội chầm chậm xoa hai bàn tay vào nhau, thư thả nói tiếp:
- Người xưa có câu “chìa nào ổ ấy”, điều này cho thấy bất cứ chiếc khóa nào được chế tạo ra cũng có chìa khóa để mở. Đặc biệt là những chiếc khóa nổi tiếng từ ngày xưa chuyên sử dụng để chống trộm tại lăng mộ của vua chúa hay những căn phòng bí mật chuyên cất giữ vàng bạc châu báu. Những chiếc khóa kỳ quái này đều có một kết cấu vô cùng phức tạp.
Nói đến đây, ông nhặt chiếc khóa sắt trên mặt bàn lên, lật qua lật lại rồi nói:
- Vạn vật trên đời này đều có tính tương sinh tương khắc, đã có người tạo ra chiếc khóa thì đương nhiên sẽ phải có người mở được chiếc khóa đó. Và nghề của chúng ta là đi mở khóa. Tuy nhiên, đối với người khác thì chúng ta lại là những tên trộm, khó nghe hơn chút nữa thì là những tên ăn cắp.
Tôi nhìn ông, gật gật đầu như đã thấu tỏ mọi chuyện nhưng trong lòng lại thầm nghĩ rằng: Chẳng trách, hóa ra ông nội là người bẻ khóa, nhưng cái từ “ăn cắp” nghe cũng không được hay ho cho lắm.
Ông lại nhấp một ngụm rượu, tiếp tục nói:
- Thật ra, kỹ nghệ mở khóa không cần chìa đã có từ vài nghìn năm trước rồi, khởi nguồn sớm nhất là từ Đạo môn, một trong mười tám tuyệt nghệ của phái đạo tặc. Đó chính là “trộm không để lại dấu vết, thó không để lại dấu chân”, nói một cách dễ hiểu là trộm đồ của người khác mà không để họ phát hiện. Trong phái đạo tặc, bẻ khóa chính là kỹ năng quan trọng nhất. Kỹ thuật bẻ khóa sau này được Hầu Thất - một thần trộm đời Đường mở rộng và phát huy, dần dần tách khỏi Đạo môn và tự mình lập thành một phái môn khác là Kiện môn.
Tôi tò mò hỏi ông:
- Kiếm môn? Tại sao lại lấy cái tên lạ như thế? Lẽ nào mở khóa còn phải dùng đến kiếm sao?
Ông nội cười ha hả một tràng rồi cốc đầu tôi đau điếng:
- Nói năng linh tinh cái gì thế, chỉ giỏi lanh chanh ngắt lời người khác thôi. Là Kiện môn chứ không phải Kiếm môn. Chữ “Kiện” trong tiếng Hán cổ có nghĩa là khóa.
Tôi ngại ngùng vỡ lẽ, nhưng trong lòng vẫn không ngừng thắc mắc, sao không gọi là ổ khóa mà cứ phải là “kiện” cơ chứ? Các cụ ngày xưa cũng rõ thật lắm chuyện.
Ông tôi không để tâm đến cái vẻ mặt ngờ nghệch của tôi, vẫn tiếp tục thao thao bất tuyệt:
- Công việc của người mở khóa là phải giải mã được những chiếc khóa trấn giữ nơi hiểm yếu, chính là phải “lấy cái tâm sáng suốt để hóa giải những điều huyền diệu”. Để làm được điều này, người mở khóa phải có trí tuệ, tài năng và lòng gan dạ, đồng nghĩa với đó là phải chấp nhận khổ luyện. Muốn trở thành một người mở khóa xuất chúng thì từ đôi mắt cho tới tâm hồn đều phải tập trung một cách cao độ. Một người mở khóa tài ba cần phải hợp nhất được ánh mắt, đôi bàn tay và tâm hồn. Phải dùng tất cả nội lực tập trung vào chiếc khóa, tuyệt đối không được coi nó là một vật vô tri vô giác lạnh ngắt, mà phải coi nó như một sinh mệnh, đối xử với nó bằng cả tâm hồn và lý trí của mình. Trong mắt ta, chiếc khóa không phải là một cục sắt mà là một sinh mệnh sống, ta phải tôn trọng và nâng niu nó, phải tìm mọi cách để khiến nó phục tùng ta, tuân lệnh ta.
Thấy tôi nghe có vẻ nhập tâm, ông khẽ gật đầu nói tiếp:
- Trong thiên hạ có rất nhiều người mở khóa, mỗi người đều được học theo một phương thức khác nhau và đa số là theo phái Kiện môn. Nhưng sau này phái Kiện môn đã gặp phải một biến cố lớn, dần dần đã bị chia làm hai phái môn. Tuy đều là mở khóa nhưng mỗi phái lại có nét đặc thù riêng, điểm khác nhau chủ yếu là ở phương thức mở khóa. Một trong hai phái gọi là phái Võ giải, tức là dùng ngoại lực tác động mạnh lên khóa, nói thẳng ra là một cách phá khóa, làm vỡ lõi khóa để đạt được mục đích của mình. Phái còn lại là phái Văn giải, tức là dùng kỹ thuật và công cụ để mở khóa, nhưng không làm hỏng lõi khóa và ổ khóa để chiếc khóa vẫn có thể tiếp tục sử dụng, sau khi bị khuất phục.
Nghe ông nội kể đến đây, tôi thấy vô cùng hứng thú, sao kĩ nghệ mở khóa mà lại giống truyện kiếm hiệp vậy, liệu có còn những bí mật nào nữa không?
- Phái Võ giải sau khi phá khóa xong, mặc dù đầu khóa trông khá nguyên vẹn nhưng vẫn để lại dấu vết, chính vì thế nên sau này phái Võ giải cũng bị lụi dần. Lưu truyền đến bay giờ, theo như ta biết chỉ có Tôn gia ở Hàng Châu là còn theo nghề. Còn ông nội con… - Ông dừng lại một lúc, rồi chầm chậm nói tiếp. - Ông nội con là truyền nhân của phái Văn giải, ở vùng Đông Bắc này cũng được coi là có chút danh tiếng.
Nói đến đây, ông nội ngẩng cao đầu, nét mặt tỏ rõ vẻ tự hào, ông nghiêng đầu ra phía ngoài cửa sổ nhìn xa xăm, trầm tư tựa như đang ôn lại những ngày xưa huy hoàng.
Thấy ông nội trầm tư suy nghĩ, tôi cũng không nỡ gặng hỏi, chỉ âm thầm hồi tưởng lại từng câu từng chữ mà ông vừa kể, thì ra gia đình chúng tôi từ lâu đã lưu truyền kĩ nghệ mở khóa, thậm chí còn rất nổi tiếng, vậy tại sao từ trước đến nay, ông không hề cho tôi biết?
Một hồi lâu sau, ông nội bỗng chốc quay đầu lại phía tôi, thở dài:
- Nhưng mà để làm một người thợ mở khóa không để lại dấu vết thì sẽ phải chịu rất nhiều gian khổ. Nhìn đôi bàn tay của ta đây, những vết sẹo này được… được… khắc lên tay từ khi còn nhỏ, mục đích chỉ là để cố định dụng cụ mở khóa, phải giữ sao cho chúng kết hợp ăn ý với nhau.
Ông cầm nửa que tăm trên mặt bàn lên.
- Con nhìn đây!
Nói rồi ông nhẹ nhàng đặt chiếc tăm vào giữa đường rãnh trên ngón tay trở bàn tay phải, chiếc tăm nằm vừa vặn trong kẽ rãnh đó, dù ông có lúc lắc ngón tay thì chiếc tăm vẫn nằm im bên trong mà không hề rơi ra.
Ông lại đưa bàn tay trái ra trước mặt tôi, nói:
- Lan Lan, con thử đặt chiếc cặp tóc của con vào trong khe nhỏ xem sao, thử cảm giác thế nào.
Tôi rút chiếc cặp tóc mà vừa nãy ông đã dùng để mở khóa, chọn một lỗ nhỏ trong lòng bàn tay ông, thận trọng nhét từng chút từng chút một vì sợ ông bị đau. Khi chiếc cặp được đẩy vào tầm nửa phân tôi chợt có cảm giác chiếc cặp ghim chạm phải một vật cưng cứng, một âm thanh xào xạo phát ra khi tôi cào cào chiếc cặp ghim vào vật đó.
Ông nội cười cười, nhịp nhịp ngón tay xuống mặt bàn gỗ:
- Không phải cào nữa, đây là xương khớp tay đấy, khe rãnh này khắc sâu tới tận xương tủy đấy. Một vài dụng cụ mở khóa cần phải có sự cảm nhận hết sức tinh tế mà phần cơ thịt trên tay ta không thể có được, vì vậy người mở khóa phải cần đến xương cốt để cảm nhận những rung động nhỏ nhất.
Tôi sợ đến rụng rời chân tay, nhìn chằm chặp vào chiếc cặp ghim nằm gọn trong cái rãnh nhỏ trong lòng bàn tay ông, như một phần cơ thể tồn tại ở đó. Năm ngón tay ông vẩy vẩy vài cái, chiếc cặp ghim giống như một mũi tên bắn ra khỏi lòng bàn tay rơi xuống mặt bàn.
Nhìn đôi bàn tay kỳ quặc của ông nội, tôi nuốt nước bọt đánh ực, thực tình không thể tưởng tượng được rằng, chỉ vì tài nghệ này mà ông đã phải chịu bao đau đớn, bao khổ cực đến vậy. Nhìn lại hai bàn tay vừa trắng vừa mũm mĩm của mình, nếu như phải khắc lên đấy những đường rãnh sâu như của ông thì sẽ đau đớn thế nào. Hay là không học nữa? Cảm giác háo hức và say mê ban đầu giờ đã bị nỗi sợ hãi của tôi nuốt trọn.
Nhìn bộ dạng của tôi, ông nội cũng đoán ra được tôi đang lo lắng điều gì, ông cười to, như cố tình đưa tôi trở lại với thực tế:
- Ta không muốn làm khó con, con học hay không đấy là quyền quyết định của con. Thực ra, nếu chỉ muốn học để làm cần câu cơm thôi, thì chỉ cần học vài đường cơ bản là có thể đảm bảo cho cuộc sống của con sau này rồi. Hiện nay các loại khóa hầu hết đều do máy móc chế tạo hàng loạt nên lõi khóa có cấu tạo hết sức đơn giản, để mở những loại khóa này không có gì là khó khăn cả. Chỉ có những chiếc khóa từ ngày xưa mới thực sự khó, ví dụ như chiếc khóa vân da của Từ Hi Thái hậu hay chiếc khóa xương thú tại lăng mộ Hán Dương, nếu không có đôi bàn tay như thế này thì coi như vĩnh viễn không có ngày mở được.
Mấy cái tên khóa kỳ quái này khiến tôi cứ lùng bùng như vịt nghe sấm, nên đành ngắt lời ông:
- Chúng là loại khóa như thế nào ạ? Có phải ông đã mở được chúng rồi không?
Ông nội chau mày, tỏ vẻ thiếu kiên nhẫn trước câu hỏi ấu trĩ của tôi, lắc đầu:
- Đều đã là quá khứ, giờ nhắc lại cũng có ý nghĩa gì đâu. Nhưng mà, con phải suy nghĩ cho rõ ràng, rốt cuộc là có học hay không?
Tôi cúi đầu lưỡng lự một lúc, tuy những vết sẹo trên tay ông vô cùng đáng sợ, nhưng ông nội cũng đã nói rồi, chỉ cần học vài kĩ thuật đơn giản thôi cũng đã đủ để nuôi sống bản thân, hơn nữa kĩ nghệ này cũng thật thần kỳ, nếu quyết tâm học được thì cũng rất hay.
Nghĩ đến đây, tôi lập tức quỳ xuống trước mặt ông, hai tay chắp trước mặt như những ảo thuật gia thường thấy trên tivi, rồi trịnh trọng nói:
- Ông nội, con thực lòng muốn học, ông nội hãy nhận dạy cho Lan Lan đi. - Nói rồi tôi liền cúi lạy ông.
Hành động của tôi khiến ông nội rất bất ngờ, ông cười lớn rồi đỡ tôi đứng dậy:
- Môn phái của chúng ta không áp dụng những lễ nghi này. Đứng dậy đi, sàn nhà lạnh lắm đấy. - Ông nắn nhẹ đầu gối tôi, nắm chặt đôi tay tôi, rồi nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói với vẻ trầm ngâm. - Từ ngày hôm nay, ta chính thức nhận con là đệ tử thứ hai mươi chín của Kiện môn Bắc phái. Còn học được đến cấp độ nào thì phải xem khả năng của bản thân con nữa.
Tôi gật đầu, bừng bừng quyết tâm hứa hẹn:
- Ông nội, ông hãy yên tâm, con sẽ không làm ông thất vọng đâu.
Từ ngày hôm sau, ông nội bắt đầu truyền dạy cho tôi hàng loạt những kỹ năng và môn pháp của kĩ nghệ mở khóa, ông còn giới thiệu cho tôi về tính năng, nguyên lí, phương pháp khai mở, những điển tích về các loại khóa cổ quái trong lịch sử hàng nghìn năm của Trung Quốc. Không biết ông nội lấy ở đâu ra rất nhiều loại khóa khác nhau, ông bắt tôi tiếp xúc và thực hành với từng loại một, tận tay hướng dẫn và chỉ bảo cho tôi từng li từng tí.
Vậy mà cũng đã bốn năm trôi qua, những điều được học cũng không ít, điều đó ít nhiều giúp tôi cảm thấy những loại khóa ở thành phố này đều không còn là rào cản đối với mình nữa.
Vào một buổi chiều, khi vừa đi chợ mua thức ăn về, ông nội liền gọi tôi vào trong phòng bảo muốn kiểm tra thành quả học tập của tôi, rồi đưa một chiếc ổ khóa có hình thù rất kì lạ để tôi thử mở nó trong khoảng thời gian ngắn nhất.
Chiếc ổ khóa được làm bằng đồng thau, to gần bằng bàn tay của một người trưởng thành, mang hình một đôi chim uyên ương đang chụm ức vào nhau, đôi mắt khảm ngọc lưu ly và chiếc mỏ mạ vàng óng ánh; từng chi tiết trên ổ khóa được khắc rất sinh động, giống hệt một đôi chim uyên ương thật. Nơi hai con chim uyên ương chạm ức vào nhau có một cái móc khóa bằng đồng, có thể lật qua lật lại, nhưng khi có bất kỳ sự tác động nào từ bên ngoài vào thì lập tức từ mắt khóa trên đầu của con chim uyên ương bên trái sẽ có một thanh sắt dài tự động bật ra, cắm thẳng vào mắt khóa trên đầu con chim uyên ương bên phải. Trên bề mặt của thanh sắt này được phủ kín bởi những khe rãnh xoắn ốc có tác dụng ăn khớp với những đường vân nổi nằm trong mắt khóa, điều này sẽ khiến cho ổ khóa bị khóa lại hoàn toàn.
Ông nội nói rằng đây là loại khóa rất hay được sử dụng trong những căn phòng cất giữ vàng bạc châu báu của các gia đình khá giả thời Minh Thanh, tên nguyên gốc của nó là khóa Uyên Ương bọc tâm giao ức. Khe xoắn ốc trên thanh sắt và những đường vân nổi trong mắt khóa có tính đối xứng lẫn nhau, tượng trưng cho sự kết hợp của hai trái tim, tương truyền rằng nó do một cặp vợ chồng nhà Thanh chế tạo ra. Ngày xưa các bậc tiền bối trong dòng họ cũng dùng thử thách này để kiểm tra kỹ năng của ông nội, lúc đó ông chỉ cần thời gian cháy nửa thẻ hương là đã có thể mở thành công ổ khóa này. Mặc dù là cổ vật của thời xưa nhưng kết cấu của chiếc khóa này khá đơn giản, không phải là loại khó lắm, với khả năng hiện tại của tôi, chắc sẽ không cần hết ba thẻ hương cháy để mở nó.
Nghe ông nội nói thế, tôi thấy không còn lo lắng nữa, lập tức bắt tay vào việc mở khóa.
Mở khóa cũng có những điểm tương tự như việc bắt mạch trong đông y, cũng gồm có những công đoạn như: Nhìn, nghe, bắt mạch.
Nhìn, là dùng mắt để quan sát. Bắt đầu từ bên ngoài ổ khóa, độ to nhỏ của mắt khóa, chất liệu sử dụng sau đó dùng một chiếc kính lúp chuyên dụng mà chỉ người phái Kiện môn mới có để quán sát hình thái bố cục, cấu tạo chủ chốt ở bên trong lõi khóa như: trục khóa, bánh răng… rồi từ đó mới lựa chọn công cụ phù hợp và kỹ thuật cần áp dụng để mở khóa.