Trời hửng sáng, tôi lại nhập viện lần nữa. Bác sĩ lại rạch đôi lưng áo ngủ của tôi, vài chỗ chỉ khâu bị bục, máu bết lại trên áo, họ phải làm sạch vết thương rồi mới tiến hành khâu. Lần này hình như thuốc tê tiêm không đủ liều, tôi đau đến nỗi xuýt xoa, sụt sịt liên hồi. Bác sĩ vừa dùng nhíp luồn kim, kéo chỉ, vừa hỏi tôi:
- Sao lại ra nông nỗi này?
- Lúc ngủ… không để ý… lật người…
- Lật kiểu gì mà bục cả chỉ? Cô bật tôm đấy à?
Tôi đau đến mức chẳng còn hơi trả lời. Giờ tôi mới biết, người khâu vết thương hôm qua là bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ, vì Mạc Thiệu Khiêm sợ bác sĩ khoa ngoại khâu sẽ để lại sẹo. Bác sĩ khâu cho tôi lần này cũng thuộc chuyên khoa thẩm mỹ, ông ấy đề nghị tôi nên nằm viện với lý do vết thương có dấu hiệu viêm nhiễm.
Được chuyển sang phòng bệnh truyền kháng sinh, tôi gọi cho Duyệt Oánh nhờ cô ấy xin phép nghỉ học vài ngày. Buổi chiều tan học, Duyệt Oánh tức tốc đến bệnh viện thăm tôi. Vừa thấy lưng tôi, cô ấy đã nhảy dựng lên:
- Cậu đến quán bar đánh nhau đấy à? Cứ như bị thằng nào đập lén cả chai rượu vào lưng ấy.
- Tớ mà đi bar à?
- Cũng phải, cậu mà đi thì thể nào cũng kéo tớ đi cùng.
Đột nhiên như sực nhớ ra gì đó, sắc mặt cô ấy bỗng nghiêm trọng hẳn:
- Bạn trai về rồi à? Rốt cuộc anh ta làm gì để cậu bị thương ra nông nỗi này?
Tôi vội nói:
- Tớ làm vỡ cái đèn, sau đó lại vướng dây điện, ngã đè lên đống sứ vụn ấy.
- Hả? Sao dạo này cậu đen thế?
Tôi cười khổ:
- Tớ cũng đanh định đi xem bói đây, phải xem xem dạo này vướng phải vận gì.
Duyệt Oánh ngồi chơi với tôi cả một buổi chiều cho đến khi Triệu Cao Hưng đến đón cô ấy. Triệu Cao Hưng còn mua tặng tôi một bó hoa, đây là lần đầu tiên tôi nhận hoa của bạn nam tặng. Hồi yêu Tiêu Sơn, chúng tôi vẫn còn nhỏ tuổi, anh chưa từng mua hoa tặng tôi. Nên hôm nay, nhận bó hoa của Triệu Cao Hưng, tôi thấy bùi ngùi:
- Không ngờ người đầu tiên tặng hoa tớ lại là cậu.
Duyệt Oánh thốt lên:
- Thôi đi, bạn trai cậu chưa từng tặng chắc?
Tôi nghĩ ngợi một lúc:
- Chưa hề.
Mấy năm gần đây, Mạc Thiệu Khiêm từng tặng tôi khá nhiều quà cáp, quần áo nhưng hắn chưa từng tặng tôi hoa. Tôi nhớ món quà đầu tiên hắn tặng hình như là dây chuyền. Lúc đó, tôi không biết gì về hàng thật, hàng giả, hộp quà được bọc rất đẹp, tôi còn tưởng bên trong là một cuốn sách bìa cứng. Xưa nay tôi đâu biết dây chuyền đắt rẻ thế nào, mở chiếc hộp màu xanh ấy ra, chỉ thấy sợi dây lấp lánh kiêu sa, đẹp đẽ bắt mắt đến nghẹt thở. Tôi luống cuống đóng hộp, đẩy trả lại cho hắn.
Ngày đó, tôi thấy mình thật dũng cảm, không khác gì mấy nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết diễm tình. Cứ đinh ninh không yêu tức là không yêu, ngu ngốc đi xé cả tấm chi phiếu, lại còn khinh kim cương, chỉ vì hắn không phải người tôi hằng mong đợi.
Duyệt Oánh nói:
- Bạn trai cậu rất giàu cơ mà, một đóa hoa hồng cũng chưa từng tặng á?
Tôi nói:
- Có lẽ anh ta không yêu tớ.
Duyệt Oánh bĩu môi:
- Vớ vẩn! Không yêu mà nghỉ xuân dẫn cậu đi ngắm hoa anh đào, nghỉ đông đưa cậu đi tắm suối nước nóng ấy à?
Tôi miễn cưỡng mỉm cười:
- Đấy là chuyện năm ngoái rồi, năm ngoái rảnh rỗi nên mới thế.
Duyệt Oánh nhìn tôi một lúc lâu, sau đó xua Triệu Cao Hưng ra ngoài, đóng cửa xong xuôi mới chạy đến bên giường bệnh, kề tai thì thầm:
- Cậu với anh ta cãi nhau hả?
- Không.
Thậm chí hắn đang ở đâu tôi cũng không biết. Sáng sớm nay là quản gia đưa tôi đến bệnh viện, có lẽ hắn đã tức mình phủi áo ra đi rồi cũng nên, sau đó, hắn cũng chẳng đến thăm tôi. Nhưng tôi có cảm giác hắn không dễ gì buông tha tôi nên tôi vẫn thấy ủ rũ, não nề.
Duyệt Oánh vẫn ngờ vực:
- Không phải là vì tay Tiêu Sơn kia đấy chứ?
Tôi chợt rùng mình, hay đêm qua tôi đã lỡ lời rồi? Trong lúc đau đớn, hình như tôi gọi mẹ, liệu tôi có buột miệng gọi tên Tiêu Sơn không nhỉ? Dù đã vùi sâu, chôn chặt cái tên ấy tận đáy lòng nhưng chỉ cần khẽ gọi là mọi thứ sẽ ùa về sống động như phô bày ngay trước mắt, mà cũng có thể tôi đã lỡ miệng trong lúc mê man thật rồi. Bởi vì đã từng có những lúc không thể dằn lòng được, tôi lại nhớ về Tiêu Sơn, nhớ dáng vẻ của anh. Suốt quãng thời gian dài đằng đẵng, tôi một mực dỗ mình rằng, giá như gặp lại Tiêu Sơn, giá như anh biết, thể nào anh cũng sẽ bảo vệ tôi, giải cứu tôi khỏi mọi sự ức Hi*p.
Tôi luôn lấy anh ra hòng lừa phỉnh chính mình. Những lúc không thể dằn lòng, những lúc tuyệt vọng, tôi lại lôi anh ra làm cái cớ. Tôi vẫn có Tiêu Sơn mà, dù đã chia tay nhưng nếu anh biết, anh sẽ không bao giờ giương mắt nhìn tôi bị kẻ khác làm nhục. Tôi đặt anh ở một nơi rất sâu trong trái tim mình, như một đứa trẻ bần cùng giấu giếm viên kẹo bọc nhiều lớp vỏ. Tôi biết nó đang ở đâu, không cần nếm tôi cũng biết nó có mùi vị rất ngọt ngào.
Ba năm không gặp, dù dối trá lừa mị thì giờ đây cũng thành chuyện nực cười. Rốt cuộc anh đã sánh vai bên Lâm Tư Nhàn, tôi còn lại những gì đây? Bóc từng lớp vỏ kẹo mà xem, bấy lâu nay, bên trong đã trống rỗng chẳng còn lại gì.
Duyệt Oánh nhìn sắc mặt tôi một cách khó hiểu, tưởng mình đã đoán đúng, cô ấy lập tức phê bình tôi:
- Cậu đúng là đồ ૮ɦếƭ bằm! Chẳng qua cũng chỉ là mối tình đầu thôi, cậu đã có bạn trai rồi, tơ tưởng đến hắn làm gì nữa? Bạn trai cậu tốt như thế, chọn toàn đồ đẹp tặng cậu, rảnh rỗi còn dẫn cậu đi chơi. Chẳng qua anh ta bận bịu nên không thường xuyên đến thăm cậu thôi chứ gì? Làm người phải có lương tâm chứ, cậu thôi cái kiểu đứng núi này trông núi nọ đi, cẩn thận có ngày bị sét đánh ૮ɦếƭ cho mà xem.
Thấy tôi câm như hến, Duyệt Oánh hơi bực mình, cốc cho tôi một cái:
- Tớ chúa ghét cái kiểu của cậu, tớ ghét nhất loại “đã ăn trong nồi lại còn trông trong bát”, cậu thực sự không quên được tay Tiêu Sơn ấy, thế thì chia tay đi, rồi tha hồ mà giành Tiêu Sơn về.
- Tớ không bỏ anh ta được.
Tôi uể oải nói với Duyệt Oánh, cũng là tự nói với chính mình:
- Tớ không thể chia tay được.
- Thế thì cậu phải thu trái tim mình lại đi. – Duyệt Oánh bực dọc nói. – Đối xử với người ta cho tử tế vào.
Trái tim ư?
Mạc Thiệu Khiêm đâu cần trái tim này của tôi. Tôi chỉ có thể đợi, đợi đến khi hắn phát chán, phát ngấy, mất hứng với mình, đợi hắn buông tha mình, quên mình đi.
Đã gần ba năm rồi, tôi vẫn chờ, bất kể tôi có ngoan ngoãn, duyên dáng hay giận dỗi, nũng nịu, hắn vẫn vậy. Bao nhiêu chiêu trò hữu dụng tôi đều lôi ra cho đến khi chẳng còn kế nào khả thi. Có những lúc tôi khiến hắn vô cùng bực bội, nhưng qua cơn giận, hắn vẫn không nỡ để tôi khăn gói ra đi.
Nhiều lúc tôi tự hỏi, tóm lại hắn thích tôi ở điểm nào? Chẳng lẽ hắn lại ưa khuôn mặt của tôi sao?
Cũng có thể hắn từng yêu một người, yêu đến cuồng si nhưng họ không thể đến được với nhau, mà vừa khéo tôi lại hao hao giống cô ta chăng? Phim truyền hình và phim điện ảnh bây giờ đều thế cả, tiểu thuyết cũng thường xuất hiện loại tình tiết bắc cầu này, nhưng hôm qua, tôi cũng thử thăm dò rồi đấy thôi, kết quả là khiến hắn nổi điên lên. Hắn giận không phải vì tôi đoán trúng mà vì tôi dám cả gan gặng hỏi hắn.
Bấy lâu nay, tôi luôn có cảm giác hắn coi tôi như trò hề. Hắn kiên nhẫn xem tôi còn trò gì chưa chơi, ban đầu thì khóc lóc, vùng vẫy trong tuyệt vọng, về sau lại cố tình khúm núm nhưng vẫn dè dặt. Hắn luôn bàng quan, thờ ơ như một kẻ đang xem trò vui, tôi chẳng khác nào con dế trong bao diêm, thỉnh thoảng bị hắn lôi ra đùa nghịch rồi gào toáng lên vì chẳng thấy địch thủ đâu.
Tôi không hiểu gì về Mạc Thiệu Khiêm, trong khi hắn nắm quá rõ nhược điểm của tôi. Ngay từ lúc bắt đầu, cuộc chơi này đã không hề công bằng, tôi phải làm thế nào mới chia tay hắn được đây?
Chỉ khi hắn chọn ngừng chơi mà thôi, chứ tôi làm gì có quyền chọn lựa.
Hôm sau, Duyệt Oánh và Triệu Cao Hưng lại đến thăm tôi, lần này còn có cả Mộ Chấn Phi. Anh ta cũng mua hoa đến, tôi thấy vui hơn hẳn:
- Em nằm viện thì ai cũng tặng hoa sao? Sao lần trước em cũng nằm viện mà anh lại không tặng?
Mộ Chấn Phi nói:
- Lần trước chúng mình đã thân nhau đâu.
Thân mới tặng hoa ư? Thể loại logic gì thế này?
Về sau, Duyệt Oánh mới nói:
- Đừng tin anh ấy, chiều nay anh ấy làm báo cáo ở trường, hoa này do một em ở hậu đài tặng anh ấy đấy. Con gái nhà người ta thì chan chứa tình cảm là thế, còn anh ấy lại nói: “May quá, tôi có bạn đang nằm viện, hoa này tôi có thể tặng lại cho cô ấy được không?” Làm người ta ức đến ứa nước mắt đấy.
Tôi cười nắc nẻ nên vết thương trên lưng đau âm ỉ, đúng là Mộ Chấn Phi, giẫm chân lên mảnh đất toàn trái tim mỏng manh, vậy mà vẫn thản nhiên như không.
Bốn người chúng tôi ở bên nhau lúc nào cũng rôm rả. Tài xế của Mạc Thiệu Khiêm mang cơm tối đến, gõ cửa nhưng bọn tôi đều không biết, đến khi chú ấy đẩy cửa bước vào, tôi mới để ý có người tới. Lúc đó chú tài xế cũng có vẻ bất ngờ, có lẽ không nghĩ trong phòng lại nhiều người đến thế. Nhưng cũng tự hiểu tất cả đều là bạn học của tôi, chú ấy đảo mắt quanh một lát, có vẻ hơi để ý đến Mộ Chấn Phi. Cũng chẳng thể trách, nhìn Mộ Chấn Phi đẹp trai ngời ngời thế này, đi ngoài đường chưa biết chừng sẽ có người của công ty tìm kiếm ngôi sao đến mời anh ta đóng quảng cáo cũng nên. Chú tài xế đặt cặp Ⱡồ₦g giữ nhiệt xuống tủ đầu giường, nói:
- Đồng tiểu thư, đây là cháo cá, cô nhớ tranh thủ ăn lúc còn nóng.
Tôi nói cảm ơn, chú tài xế lịch sự gật đầu với từng người trong phòng, xem như chào hỏi qua loa rồi ra về.
Triệu Cao Hưng hỏi:
- Người vừa rồi là ai thế?
Có lần Duyệt Oánh đã gặp chú tài xế đến đón tôi rồi nên cô ấy nhanh nhảu đáp:
- Lái xe của bạn trai Đồng Tuyết.
Triệu Cao Hưng giật nảy mình:
- Đồng Tuyết có bạn trai á? Thế cậu với anh tớ là sao đây?
Tôi liếc xéo Mộ Chấn Phi, anh ta lại khoe lúm đồng tiền duyên ૮ɦếƭ người:
- Anh đã nói anh với Đồng Tuyết chỉ là bạn bè bình thường thôi, các chú lại không tin, giờ đã tin chưa?
Dựa vào thâm niên hóng hớt của mình, tôi biết một điều chắc chắn là đương sự càng phủ nhận tin đồn thì tin đồn lan càng nhanh. Tôi trừng mắt với Mộ Chấn Phi, thực sự không hiểu nổi anh ta rốt cuộc có cố ý hay không nữa.
Tôi không ngờ hôm ấy Tiêu Sơn cũng tới bệnh viện. Lúc đó, trời nhá nhem tôi, bọn Duyệt Oánh đã về hết, cô y tá ra ngoài mua cam, mình tôi ngồi trong phòng bệnh chơi đua xe trên PSP. Đang lao vun ✓út qua đoạn nguy hiểm thì có tiếng gõ cửa, tưởng cô y tá đã về nên tôi cũng không ngẩng đầu, chỉ chăm chăm chơi, miệng nói:
- Mời vào.
Tiếng bước chân rất nhẹ gợi tôi sực nhớ đến một điều. Tôi nghĩ có lẽ mình nghe lầm rồi, hoặc tôi đang nằm mơ, đáng lẽ ngón tay phải giữ chặt phím bấm, nhưng không rõ từ lúc nào đã buông lỏng.
Bao năm nay, tôi vẫn nhận ra tiếng bước chân của anh.
Màn hình hiển thị OVER, mất vài giây, tôi mới ngẩng được lên, đúng là Tiêu Sơn. Vẫn bộ quần áo thể thao thoải mái, anh xách theo một túi đồ. Ánh đèn tuýp trong phòng bệnh sáng đến khác thường, tôi có cảm giác anh vừa cao vừa xa, đứng ngay đó thôi mà dường như xa xôi vô cùng.
Mãi tôi mới nghe thấy tiếng mình cất lên:
- Là anh à?
Anh nhoẻn miệng cười:
- Hôm qua nghe Cao Hưng nói em ốm, trùng hợp quá, bà ngoại anh cũng đang nằm ở bệnh viện này, ngày nào anh cũng ghé thăm. Lúc đầu không biết em nằm ở phòng nào, may có cô y tá giúp anh tra tên.
Anh đặt túi giấy lên chiếc tủ lạnh đầu giường, bên ngoài túi có in logo một tiệm bánh ngọt, anh nói:
- Anh mua ở một cửa hàng gần bệnh viện, không biết có ngon không.
Anh vẫn nhớ thói hảo ngọt lúc ốm của tôi, nhưng tôi không dám tự suy diễn, hình như năm xưa, chúng tôi đã nói rõ với nhau rồi: chia tay, nhưng vẫn làm bạn.
Tôi cười giả lả, kiếm được một câu để nói:
- Lâm Tư Nhàn sao rồi? Cô ấy vẫn khỏe chứ?
Anh ngồi im một lúc, lát sau mới nói:
- Hôm nay cô ấy có tiết học.
Thực ra tôi thấy mình nhìn anh bằng một ánh mắt rất thản nhiên, giống như chưa từng xảy ra bất cứ chuyện gì. Rõ ràng tôi đang có chịu đựng, nhưng điều này chẳng là gì so với những khó khăn tôi đã từng gắng gượng vượt qua.
Không khí trong phòng bỗng chùng xuống, bởi tôi không biết nên nói gì với anh. Có lẽ anh cũng cảm thấy khó xử, thế nên chưa đầy một phút, anh đã lên tiếng:
- Vậy… Tối nay anh có việc, anh về đây.
- Em tiễn anh.
- Không cần, em là người bệnh mà.
Anh rời căn phòng được khoảng hai, ba phút, tôi mới trượt khỏi giường, lao thẳng ra ngoài, chạy một mạch đến đầu hành lang, ở đó có một ban công nho nhỏ, có thể nhìn xuống sân.
Sân trước bệnh viện trồng toàn cây hòe gai, mùa này lá đã rụng hết, những chạc khô thon thon xiên ngang ánh đèn đường như rong tảo bồng bềnh trong chậu thủy tinh trong suốt. Qua đám rong tảo chằng chịt ấy, tôi kiếm tìm một bóng hình quen thuộc, dù rất xa, rất ca, nhưng tôi vẫn tìm thấy anh từ cái nhìn đầu tiên. Dáng dấp ấy, tôi vừa đưa mắt nhìn là đã tìm thấy ngay.
Anh chậm rãi cất bước, bóng lưng hơi gầy, ba năm qua anh chẳng béo lên tẹo nào, chỉ ngày càng cao. Trời tối, gió lùa lạnh lẽo nhưng tôi không cảm thấy lạnh, giống như năm xưa, mỗi lần sắp vào tiết, tôi chỉ muốn nán lại ngoài hành lang, dõi mắt theo bóng anh từ sân cỏ chạy vào.
Lúc đó, nhất định anh sẽ ngẩng đầu, từ đằng xa, nhoẻn miệng cười với tôi.
Nhờ nụ cười của anh mà bầu trời trong tôi xanh hơn bao giờ hết.
Kia đúng là Tiêu Sơn của tôi rồi.
Tôi nhìn bóng anh khuất sau góc rẽ, giống như mỗi giấc mơ của tôi. Xi măng dưới chân thoạt đầu còn cứng cáp, về sau đã mềm nhũn, tôi như giẫm lên một miếng bông, khó giữ được thăng bằng, vết thương cũng nhói đau, gió lùa vào khiến người tôi run lẩy bẩy.
Tôi đứng đó mãi, đến khi cái lạnh ngấm vào xương tủy mới chịu về phòng. Cô y tá đã về từ lâu, đang dáo dác đi tìm tôi. Thấy tôi đi chân trần, cô ấy giật mình, vội đi lấy nước cho tôi rửa chân.
Tôi nhúng chân vào chậu nước, nước nóng giãy như kim chích nhưng cũng chẳng buồn xuýt xoa. Tôi nhớ Tiêu Sơn, nhớ từng cử chỉ và những lời anh nói ngay tại căn phòng này. Thực ra, anh chỉ nán lại một lúc ngắn ngủi nhưng chỉ cần một giây thôi, anh đã khiến tôi có cảm giác sống không bằng ૮ɦếƭ.
Tôi không ăn bánh kem anh tặng, chỉ sợ ăn rồi sẽ ứa nước mắt, không thì cũng hóa rồ rồi làm điều gì đó dại dột. Tôi đành cho cô y tá, cô ấy rất vui, nói là sẽ đem về cho con gái ăn.
Ngày trước, bất cứ thứ gì Tiêu Sơn đưa, tôi đều giữ như báu vật, dù là cục tẩy hay cái kẹp sách. Nhưng giờ đây, tôi phải nghiêm khắc hơn với bản thân mình, vì anh đâu còn là của tôi nữa. Tôi phải quên anh, bằng bất cứ giá nào, tôi phải quên được anh.
Tiêu Sơn kể, ngày nào anh cũng tới thăm bà ngoại, nhưng sau hôm đó, tôi không hề gặp lại anh, mà tôi cũng không đủ can đảm để đi hỏi xem bà Tiêu Sơn đang nằm phòng nào, khoa nào. Dù năm đó, bà đối xử với tôi hết mực ân cần, nhưng tôi sợ đối mặt với anh. Ngày nào Duyệt Oánh và Triệu Cao Hưng cũng đến thăm, nhưng tôi không hề nhắc đến Tiêu Sơn.
Tôi sẽ quên được anh thôi.
Ngày xuất viện, tôi cũng tránh luôn cả Duyệt Oánh, vì Mạc Thiệu Khiêm đột nhiên gọi điện, nói là sẽ đến đón tôi về.
Tuy thường ngày tôi chỉ biết xem báo lá cải nhưng thỉnh thoảng vẫn xem tin tức tài chính, đương nhiên tôi thừa hiểu làm gì có chuyện hắn tốt bụng đột xuất, muốn tới đón tôi. Chẳng qua công ty hắn đang định thu mua một công ty kỹ thuật ở vùng này, tôi đoán hắn đến đây để chỉ đạo công việc. Có điều, hắn tiện thể ghé qua đón tôi thế này khiến tôi vừa mừng vừa lo. Lần trước làm trước hắn giận đùng đùng, tôi còn tưởng hắn sẽ cho tôi vào quên lãng, suốt nửa năm không thèm ngó ngàng, như người ta vẫn thường nói “bị ra rìa” ấy mà.
Trước nay, tôi chưa từng thấy Mạc Thiệu Khiêm lên ti vi, thậm chí cũng hiếm khi bắt gặp tên công ty hắn xuất hiện trên tin tức tài chính, có chăng cũng chỉ là mấy dòng sơ sài, hời hợt, ví dụ như lần thu mua quy mô trung bình này. Mạc Thiệu Khiêm làm ăn rất kín kẽ, trước nay không thích phô trương. Thế nên, tôi vẫn luôn thắc mắc tại sao lần trước hắn lại xuất hiện cùng Tô San San, đã thế còn tình tứ nắm tay nhau băng qua đường nữa chứ, việc này không giống tác phong hằng ngày của hắn.
Về đến nhà, tài xế đuổi theo, đưa cho hắn một chiếc túi. Hắn sực nhớ ra, rồi chuyền cho tôi:
- Cho em đấy!
Dường như đã thành lệ, mỗi lần nguôi giận là hắn lại mua quà tặng tôi, tôi cũng chẳng hiểu điều đó hàm ý gì, có thể hắn quen dùng cách này để biểu thị hắn không thèm chấp tôi nữa.
Tôi đón lấy:
- Cám ơn anh!
Đang định cất đi, Mạc Thiệu Khiêm bất ngờ hỏi:
- Không mở ra xem à?
Tôi vâng lời mở chiếc hộp, bên trong là nhẫn đá quý. Viên đá quý có màu đỏ không sậm lắm, tuy viên đá khá to nhưng ước chừng giá cả cũng chỉ tầm tầm. Trái lại, hình thức khảm nạm khá đẹp, xung quanh viền nhiều viên kim cương nhỏ xíu, nhìn giống hệt chiếc nhẫn “trứng chim bồ câu” từng xuất hiện trong một bộ phim điện ảnh.
Tôi đóng chiếc hộp lại, chợt nhận ra hình như hắn đang nửa cười nửa không, cũng không hiểu hắn cười cái gì.
Đợt nghỉ lễ Quốc khánh, tôi theo hắn sang Hồng Kông, chúng tôi từng đi xem bộ phim ấy. Hôm đó, chuyện làm ăn đã bàn bạc xong xuôi, hắn cùng tôi ngồi ở khách sạn dùng trà chiều, hiếm lắm mới có dịp được nghỉ ngơi. Không hiểu sao lại nhắc đến phim ảnh, thế là chúng tôi đi xem Sắc giới. Rạp phát tiếng Quảng Đông, tôi nghe chẳng hiểu nổi một câu, giữa chừng đã lăn ra ngủ. Lúc choàng tỉnh, đập vào mắt tôi là hình ảnh đặc tả của Thang Duy trên màn hình, nhìn cô ấy buồn rười rượi ngồi trên một chiếc xe kéo, đưa tay vuốt lại cổ áo, tôi nhớ mãi hình ảnh chiếc nhẫn khá to trên ngón tay cô ấy, còn vẻ mặt cô ấy lại nhạt nhòa và xa dần, chẳng biết lúc đó cô ấy đang nghĩ gì.
Tôi lơ mơ ngủ, nhưng vẫn biết phim sắp hết. Trên đường về, Mạc Thiệu Khiêm hỏi:
- Thấy phim thế nào?
Tôi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Chiếc nhẫn to mà đẹp quá.
Trước kia, hắn từng tặng tôi mấy chiếc nhẫn, bét nhất cũng phải kim cương sáu carat, thông thường trên đó sẽ khắc tên tôi. Nói thật, kim cương cũng là đá cả thôi, nhiều khi tôi vẫn tự hỏi, mấy cái nhẫn khắc tên ấy liệu có bán được không? Không được thì bán đá mặt đá thôi vậy. Tôi cất chiếc nhẫn vào két an toàn, Mạc Thiệu Khiêm vỗ vào két sắt, hỏi bâng quơ:
- Trong này để những gì rồi?
Tôi cố tình ẽo ợt, nói:
- Thì toàn đồ anh tặng.
Hắn nhướn mày:
- Nhưng bình thường có thấy em đeo đâu.
Tôi khai thật:
- Anh tặng em toàn đồ quý giá, em là sinh viên quèn, chẳng nhẽ lại đeo tới trường?
Hình như hắn vừa bật cười rồi kéo tôi vào lòng. Nhiều lúc hắn thích ôm tôi như vẫn thường ôm Đáng Yêu, nhưng lần nào hắn cũng siết chặt vòng tay khiến người ta thấy ngộp thở. Hơi thở hắn thoảng lướt qua má, gợi cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Hắn nói:
- Tối nay cho em cơ hội để đeo, chúng mình ra ngoài dùng cơm.
Có lẽ đây là lần đầu tiên hắn tự tay chọn quần áo cho tôi, tôi nghĩ bụng, tâm trạng hắn phấn khởi thế chắc là công việc làm ăn thuận lợi lắm. Thông thường những lúc thế này, tôi luôn biết điều nịnh nọt thêm một chút cho hắn vui, đơn giản vì hắn vui thì tôi sẽ dễ sống. Hắn chọn cho tôi một bộ đầm màu xanh ngọc trễ иgự¢, nói:
- Đeo chuỗi vòng sapphire năm ngoái tôi tặng em đi.
Tôi thay váy xong, ra ngoài đã thấy hắn chọn xong cho tôi đôi giày đi kèm.
Nói thật, tôi mua quần áo chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, có lúc lượn lờ với Duyệt Oánh, nhưng thỉnh thoảng vẫn đi mò mẫm ở mấy tiệm nhỏ lẻ với bạn học, loại áo phông ba mươi lăm tệ một chiếc cũng rất đẹp. Thế mà Mạc Thiệu Khiêm lại dám khinh thường mắt thẩm mỹ của tôi, cho nên, nhiều khi cửa hàng gửi catalogue đến, tôi chỉ chọn bừa lấy vài cái. Đằng nào thì hệ thống phục vụ ở mấy cửa hàng ấy cũng khá chu đáo, chỉ cần tôi từng mua quần áo ở đó, size gì họ cũng nhớ hết.
Tôi chẳng nhớ nổi mình đã mua đôi giày cao gót này khi nào nữa, xỏ vào chân là cả người cao ngất ngưởng. Nhưng nhờ nó mà tôi đứng cạnh Mạc Thiệu Khiêm không đến nỗi quá thấp.
Tại hắn quá cao, nếu tôi đi giày bệt, chắc cả đời chỉ biết nghểnh cổ nhìn hắn.
Hắn dẫn tôi tới một nhà hàng mới khai trương tọa lạc trên tòa nhà cao nhất trong thành phố, họ làm nền bằng thủy tinh khiến cả nhà hàng như lơ lửng giữa không trung, người sợ độ cao tốt nhất đừng nên vào. May mà trong nhà hàng có thả băng khô, dường như toàn bộ sàn nhà đều chìm trong lớp mây mù.
Giám đốc nhà hàng thân chinh ra chào hỏi chúng tôi, còn tặng thêm champagne. Chỗ ngồi của chúng tôi nhìn xuống khu buôn bán sầm uất như bàn cờ của thành phố, từ độ cao này ngó xuống, cảnh vật hiện ra lúc tỏ lúc mờ, tựa như phông nền. Mạc Thiệu Khiêm xem xong menu, đưa cho người phục vụ:
- Cho tôi món đặc biệt của nhà hàng.
Người phục vụ hỏi:
- Thưa Mạc tiên sinh, có mang lên luôn không ạ?
Mạc Thiệu Khiêm thoáng tỏ vẻ hờ hững:
- Còn một người nữa, đợi đến đủ đã.
Thật không ngờ, ngoài tôi ra, còn có thêm người khác khiến Mạc Thiệu Khiêm phải chờ, có vẻ ngông nghênh đây. Tự dưng tôi có linh cảm chẳng lành, trộm nghĩ, hắn không nhạt nhẽo đến mức mời Tô San San tới ký tặng tôi thật đấy chứ?