Nghe tiếng tôi, anh ta khẽ quay đầu lại nhìn, cũng chẳng buồn hỏi tôi bất kỳ lời gì mà chỉ nói:
– Đi thôi.
– Vâng.
Sau bốn năm dài đằng đẵng, tôi không nghĩ lần đầu tiên gặp mặt lại là ở trước cổng đồn công an thế này. Anh ta bay từ Mỹ về để bảo lãnh cho tôi, còn tôi thì vẫn giống hệt như nhiều năm trước đây, luôn gây đủ chuyện phiền phức khiến anh ta phải đi theo sau xử lý hậu quả.
Tôi lẽo đẽo theo anh ta ra xe để về nhà, suốt dọc đường đi chẳng có ai lên tiếng nói với ai câu gì. Mãi sau, khi không khí trong xe quá ngột ngạt, tôi cuối cùng cũng chịu đầu hàng. Tôi nói:
– Sếp về từ bao giờ?
– Vừa mới xuống máy bay lúc 4h chiều.
– À… Thật ra thì không cần sếp phải đích thân về đâu, công an đang điều tra rồi, chắc vài ngày nữa có kết quả là họ sẽ thả ra thôi. Tự nhiên lại làm phiền sếp mất công về một chuyến. Xin lỗi sếp.
– Không cần phải giả vờ khách sáo với tôi, nói năng bình thường đi.
Tôi cười, không đáp nữa, mà thực ra là không biết phải xưng hô thế nào nên mới không nói gì.
Mười mấy năm trước tôi gọi anh ta bằng chú, đến khi trưởng thành rồi tôi mới phát hiện ra khoảng cách tám tuổi cũng không xa lắm. Một đứa nhóc mười ba tuổi thì có thể gọi một người đàn ông hai mươi mốt tuổi bằng chú được, nhưng bây giờ tôi đã hai mươi sáu rồi, anh ta cũng chỉ mới ba mươi tư, xưng hô chú cháu nghe không phù hợp, cho nên tôi mới cố ý gọi sếp.
Mỗi tội không phải lúc nào cũng có thể gọi sếp, mà anh ta cũng không thích như vậy, thành ra tôi cũng không biết phải làm sao. Đúng là càng trưởng thành càng lắm băn khoăn, không có được sự vô tư như hồi còn nhỏ. Ngay cả cách xưng hô cũng khiến người ta cảm thấy áp lực.
Không thể nói chuyện, tôi đành tựa đầu vào ghế, nhắm mắt cho đến tận khi về tới nhà mới lục đυ.c ngồi dậy định xuống xe. Thế nhưng, tôi sợ mình xuống rồi thì anh ta sẽ đi mất nên tháo dây an toàn xong thì ngoái đầu lại hỏi:
– Chú có vào nhà không? Muộn rồi, giờ chắc cũng không mua được vé máy bay về luôn, hay là ngủ lại một đêm?
– Lần này ở lại vài hôm.
– Vâng.
Nghe thế tôi mới an tâm xuống xe, nhanh chóng mở cửa để anh ta đi vào nhà.
Lần này tôi ở trại tạm giam hai ngày, cũng không biết Hưng sẽ về nên không kịp dọn dẹp gì cả, lúc bước vào thấy nhà cửa bừa bộn, giấy tờ vung vãi từ trên bàn xuống đất, giày dép vứt khắp nơi, anh ta ngay lập tức nhíu mày.
Tôi biết tính anh ta ưa gọn gàng nên ngượng ngập giải thích:
– Dạo này công việc bận quá, phải ôm cả tài liệu về nhà làm, mấy hôm rồi bận cũng chưa dọn được gì. Chú đi tắm đi, cháu dọn dẹp một tý là sạch ngay.
– Để đó đi. Vào trong tắm rửa rồi làm cái gì ăn trước. Tôi đói rồi.
– Chú chưa ăn tối à?
– Chưa kịp ăn gì.
– Thế chú đợi cháu một tý. Cháu tắm rồi ra nấu đồ ăn, nhanh thôi.
Mấy hôm rồi không được tắm rửa tử tế, cả người tôi dính đầy mồ hôi nhớp nháp, giờ về nhà được tắm nước nóng thì tinh thần sảng khoái hẳn, muốn ôm bồn tắm ngâm vài tiếng cho sướиɠ nhưng vì hôm nay người đó về nhà, tôi còn phải nấu cơm cho anh ta nên chỉ tắm qua loa một chút, cũng không kịp sấy tóc đã vội vã đi ra.
Đặt chân ra ngoài phòng khách mới thấy Hưng đang lom khom nhặt giấy tờ, người anh ta rất cao nên khi cúi xuống trông có vẻ hơi chật vật. Cái người này thấy bẩn sẽ khó chịu, tôi biết rõ nhưng cũng không dám để anh ta phải động tay động chân vào những việc như vậy, đành rảo bước đi lại gần:
– Để cháu làm cho.
Anh ta giữ lấy tờ giấy tôi vừa nhặt lên, lạnh nhạt đáp:
– Sấy tóc trước đi, tóc ướt, hỏng giấy tờ.
– À… vâng.
Tóc ướt, cúi đầu một cái là mấy giọt nước thi nhau rơi xuống, vài giọt còn rơi cả vào mấy tài liệu quan trọng để trên bàn. Tôi sợ làm hỏng giấy tờ nên cũng không nhặt nữa, quay người đi lấy máy sấy tóc, xong xuôi mới tiện qua bếp mở tủ lạnh ra xem thì thấy bên trong trống trơn, ngoài nước lọc ra thì chẳng còn đồ ăn gì khác, đến cả trứng gà cũng chẳng có.
Tôi chán nản đi ra phòng khách lần nữa, lúc này nhà cửa đã sạch bóng không còn một hạt bụi, giấy tờ cũng đã được phân loại và đặt ngay ngắn trên kệ, ngay cả giày tôi quăng bừa ở ngoài cửa cũng đã được anh ta cất gọn gàng vào trong tủ.
Sau bốn năm sang Mỹ, anh ta vẫn chẳng thay đổi nhiều so với trước đây, vẫn sạch sẽ đến mức một đứa con gái như tôi cũng phải tự thấy xấu hổ.
Nhưng có lẽ anh ta cũng quá quen với sự bừa bộn của tôi rồi, tôi cũng chẳng muốn mất công tỏ vẻ khách sáo làm gì, chỉ nói:
– Trong nhà hết thức ăn rồi, cháu ra siêu thị mua ít đồ đã. Chú muốn ăn gì không?
– Dạo này không ăn cơm ở nhà à?
– Việc hơi bận, cháu toàn ăn ở công ty luôn. Tủ lạnh mới hết thức ăn cách đây hai hôm, định đi mua rồi nhưng chưa mua kịp.
Anh ta hơi liếc đồng hồ, ngẫm nghĩ vài giây rồi nói:
– Muộn rồi, trong nhà còn mì thì nấu tạm cũng được.
– Vâng, thế để cháu nấu mì.
Tôi quay lại bếp, bắc một nồi nước lên nấu mì. Trong bát của anh ta, tôi cố ý bỏ thêm thật nhiều ớt, không cho gói rau, đũa muỗng dùng để ăn cũng phải trùng qua nước nóng ba lần.
Suốt nhiều năm nay, tôi chưa từng phục vụ ai một cách tỉ mỉ như vậy, cũng không sợ ai, chẳng cần lấy lòng ai, chỉ riêng đối với người đó là mọi khái niệm trong tôi đều bị bẻ gãy.
Không còn giương cung bạt kiếm, không còn phóng túng bất cần, không còn ngông nghênh không sợ trời đất, tôi như một con diều đang bay vẫn sẵn sàng thu dây về trong tay người ấy.
Lý do tôi đối xử với Hưng khác biệt như vậy là bởi vì anh ta là ân nhân của tôi. Là người đã cứu tôi ra khỏi những ngày tháng tăm tối nhất của cuộc đời, cũng là người đã cho tôi cuộc sống này.
Năm tôi mười hai tuổi bị ném ra khỏi nhà, hai mẹ con thuê một căn phòng trọ ẩm thấp chật hẹp, mẹ tôi xin làm lao công quét dọn ở đường phố, không được bao lâu thì bị mấy thằng mất dạy đua xe đâm vào rồi qua đời.
Khi ấy tôi chỉ là một đứa trẻ, không có cha cũng chẳng còn mẹ, không có việc cũng không có tiền, cả ngày lang bạt khắp nơi kiếm miếng ăn, đã từng có lúc ở đầu đường giành cơm với chó. Sau cùng, tôi gặp được anh ta trong một lần bị người ta đuổi đánh, chạy thục mạng không nhìn thấy người trước mặt, lúc đâm sầm vào anh ta xong thì ngã lăn ra đất.
Lúc đó vội quá nên tôi không nghĩ ngợi được nhiều, vừa đứng dậy được đã vội vàng dùng bàn tay bẩn thỉu túm ống quần người đó, trốn sau lưng anh ta.
Chủ quán bánh mì chạy đến nhìn thấy tôi thì chỉ tay quát ầm lên:
– Con ranh con này… tao để ý rồi nhé, mày ăn trộm bánh mì của tao mấy lần rồi nhé, hôm nay thì tao bắt tận tay xem mày còn cãi được không. Dám ăn trộm bánh mì của tao à? Hôm nay tao tóm được mày tao cho mày nhừ đòn. Còn tý tuổi đã sinh tật trộm cắp rồi, đúng là cái ngữ mất dạy.
– Mày ra đây mau, mày còn trốn phải không? Ra đây tao đánh gãy chân mày cho chừa cái thói ăn cắp.
Tôi nhất quyết không ra, tôi không muốn bị ăn đòn nhưng vì quá đói, không có gì bỏ bụng mấy ngày nên tôi mới phải ăn trộm bánh mì. Mụ chủ quán thấy tôi cứ núp sau lưng người kia mới hùng hổ xông lại, nhưng bà ta đuổi phía sau tôi lại chạy về phía trước, cứ như thế một lớn một nhỏ chạy quanh người anh ta.
Người đó cau mày nhìn tôi lăng xăng chạy dưới chân đến vòng thứ năm mới lạnh lùng nói hai chữ:
– Bỏ ra.
Tôi mím môi, nhất quyết không bỏ mà cứ túm lấy ống quần anh ta chạy vòng vòng như thế, chủ quán thì cứ oang oác chửi phía sau. Khi chạy tới vòng thì mười thì người kia cuối cùng cũng hết chịu nổi, bất lực nói với mụ chủ quán:
– Bao nhiêu tiền, tôi trả.
– Gì cơ?
– Tôi hỏi bao nhiêu tiền. Tôi trả cho con bé này.
Bà ta hơi ngơ ra vài giây, sau đó hiểu ra anh ta muốn làm việc tốt, cho nên không ngần ngại phát giá 300 nghìn đồng cho 3 ổ bánh mì. Anh ta không nói nhiều, cũng không thắc mắc giá tiền, chỉ rút ví ra lấy mấy đồng tiền màu xanh đưa cho bà ta, sau đó bực bội quay người bỏ đi.
Từ nhỏ đến khi đó, ngoài mẹ ra chưa từng có ai cho tôi một xu một hào nào, chưa một ai mua bánh mì cho tôi ăn. Một đứa con gái như tôi luôn bị mấy thằng nhóc đánh giày bắt nạt, mấy miếng bánh gato nhặt được cũng phải giành giật với lũ trẻ ở xó chợ, lần đầu tiên gặp được người sẵn sàng trả tiền bánh mì cho tôi, lần đầu tiên gặp một người sẵn sàng giúp tôi, tất nhiên tôi sẽ thấy cảm kích và biết ơn vô cùng.
Lúc đó, trong đầu tôi đột nhiên cũng xuất hiện một ý nghĩ rất mãnh liệt, đó là muốn đi theo anh ta. Anh ta đi một bước, tôi lẽo đẽo theo một bước, người đó ban đầu cũng không thèm bận tâm nhưng tôi dai quá, đến tận lúc ra đến chỗ đỗ xe ô tô mà tôi vẫn cứ bám như đỉa, anh ta mới khó chịu bảo:
– Đi theo làm gì?
– Chú…
Tôi đói ăn, suy dinh dưỡng nên mười ba tuổi mà chiều cao chỉ bằng một con nhóc tám, chín tuổi, cả người gầy đét. Anh ta năm đó hai mươi mốt, cao ráo ưa nhìn, tôi đứng còn không đến иgự¢ của người đó nên gọi bằng chú.
Thấy tôi ấp úng mãi không nói, anh ta cũng chẳng buồn chờ mà quay người định leo lên xe bỏ đi. Tôi thì sợ người đó đi mất nên cuống quít giữ lấy cửa ô tô, lúng túng nói:
– Chú… cho cháu đi theo với. Cháu biết làm việc nhà. Cháu biết nấu cơm rửa bát. Cháu biết giặt quần áo. Cháu biết làm hết. Chú cho cháu theo chú với.
– Khỏi.
– Cháu hứa sẽ nghe lời chú, chỉ cần chú cho cháu ăn cơm thôi. Một ngày cháu không ăn ba bữa đâu, một ngày cháu chỉ ăn một bát cơm thôi, không tốn nhiều tiền của chú đâu, mà cháu còn làm được việc nhà. Chú cho cháu đi theo đi. Cháu sẽ ngoan.
Tôi không nhớ rõ hôm đó mình đã nói những gì, xin xỏ những gì, thế nhưng cuối cùng người đó không chịu được tôi lải nhải nên đành phải bất lực cho tôi đi cùng. Anh ta đưa tôi đến một căn biệt thự to thật to, cho tôi ăn, cho tôi đi học, sau này khi tôi tốt nghiệp đại học rồi, anh ta còn cho tôi đến Trường Giang làm việc.
Lúc bắt đầu đi làm tôi mới biết, Hưng không phải là con nhà giàu bình thường mà con nhà cực kỳ giàu, rất giàu, giàu tới nỗi gia đình bố tôi nhiều tiền đến mấy cũng không thể nào so được. Tôi còn biết gia đình của Hưng có một công ty lớn kinh doanh bên Mỹ, Trường Giang chẳng qua chỉ là một công ty nhỏ trong sản nghiệp đồ sộ của gia đình anh ta mà thôi.
Tôi ở Trường Giang chăm chỉ làm việc, nỗ lực học hỏi, vì anh ta mà học cách kiềm chế, học cách nhẫn nhịn, tôi không muốn trả ơn anh ta bằng sự vô dụng nên đã cố gắng rất nhiều. Chỉ là khi tôi còn chưa chứng minh được cho anh ta thấy tôi đã không còn là con bé ăn trộm bánh mì năm xưa chỉ biết dựa vào anh ta nữa, thì Hưng đã sang Mỹ quản lý cơ nghiệp của gia đình, bỏ lại Trường Giang và tôi ở đây.
Suốt bốn năm nay anh ta chưa từng về nước, cũng ít khi ngó ngàng đến Trường Giang, thậm chí anh Minh còn hay đùa rằng Trường Giang chỉ là một đứa con ghẻ mà Hưng chẳng buồn ngó ngàng đến, nhưng tôi thì vẫn một lòng trung thành như vậy, vẫn tận tuỵ vì đứa con ghẻ đó, chưa từng thay đổi.
Đang suy nghĩ vẩn vơ thì có tiếng bước chân từ trên tầng đi xuống, tôi hơi giật mình, cúi xuống mới thấy nước trong nồi đã sôi sùng sục từ bao giờ. Vội vàng đổ nước vào hai tô mì, vừa đặt lên bàn xong thì thấy Hưng đi vào phòng bếp.
Mới tắm xong nên người anh ta thoang thoảng hơi nước mát lạnh, mấy sợi tóc ướt rũ xuống trán, trông vừa sạch sẽ lại vừa lười biếng. Lúc này, tôi mới có dịp quan sát kỹ anh ta, dường như so với mấy năm về trước Hưng chẳng già đi bao nhiêu, thậm chí còn trẻ hơn nhiều, chẳng hề giống một ông chú 34 tuổi gì cả.
Tôi cười bảo anh ta:
– Chú tắm xong rồi à? Mì được rồi, ăn luôn đi không nở bung ra mất.
– Cũng ngồi ăn luôn đi.
– Vâng.
Tôi kéo ghế ngồi xuống, định mở đĩa úp trên tô mì ra thì tay anh ta đã vươn đến trước, lật đĩa lên cho tôi, sau đó lại lật đĩa trên bát của anh ta.
Thói quen này vẫn giữ từ hồi tôi còn nhỏ, lúc ấy tay tôi bé, mỗi lần mở đĩa úp mì đều bị nóng, nhưng lại sợ làm vỡ đĩa của anh ta nên dù phỏng đỏ cả tay cũng không dám buông. Có một lần Hưng nhìn thấy bàn tay tôi đỏ ửng mới cau mày, lẩm bẩm bảo tôi “phiền phức”, nhưng sau đó lần nào ăn mì cũng chủ động lật đĩa lên giúp tôi.
Bây giờ tôi trưởng thành rồi, cũng không ở cạnh anh ta 4 năm, cứ nghĩ thói quen này Hưng đã lãng quên từ lâu, nhưng không ngờ anh ta vẫn còn nhớ.
Trong lòng có chút vui vẻ, tôi cũng nhanh chóng cầm đũa và muỗng lên, đặt ngay ngắn trên bát của anh ta, tiện miệng hỏi chuyện:
– Công việc của chú bên đó thế nào? Vẫn tốt chứ?
– Cũng bình thường. Chuẩn bị đầu tư một số hạng mục mới, hơi bận nên không có thời gian để ý đến công ty bên này.
– Vâng. Không sao đâu, anh Minh vẫn điều hành tốt, mọi thứ vẫn ổn. Có vấn đề gì cháu sẽ thông báo cho chú ngay.
– Ừ.
Sau đó, chúng tôi không nói chuyện nữa, cả hai ngồi đối diện nhau, lặng lẽ ăn mì trong bát.
Tôi biết lần này mình gây chuyện rồi bị tạm giam, chắc chắn anh ta sẽ không hài lòng. Nhưng cái người này sẽ không bao giờ hỏi trước mà để tôi tự nói, tôi cũng không dám không giải thích, cho nên sau một hồi lâu đành ngẩng lên bảo:
– Chuyện bị tạm giam… hôm đó cháu đến quán Bar nghe nhạc với mấy đứa bạn, đi nhầm phải khu VIP. Lúc công an đến thì có người giấu ma t úy vào trong túi của cháu, lúc đó loạn quá nên không phát hiện ra, mãi đến khi bị đưa về đồn, người ta bảo phải ở lại điều tra thì cháu mới biết.
– Dạo này công ty không có việc, rảnh rỗi quá nên hay đến mấy nơi như thế để gϊếŧ thời gian à?
– Không có. Lâu lâu mới đến một lần. Cũng không nghĩ là mọi việc lại thành như thế.
Anh ta dừng đũa, chậm chạp ngẩng lên nhìn tôi, thái độ lạnh nhạt, không rõ là giận hay không giận, nhưng lời nói thì đủ khiến một đứa không biết trời cao đất dày như tôi phải thấp thỏm:
– Có những việc làm sai có thể sửa, có những việc thì không. Trưởng thành rồi thì cũng nên tự biết phân biệt phải trái, không phải lúc nào cũng có thể bảo lãnh được, hiểu không?
– Vâng, cháu biết rồi. Lần sau cháu sẽ chú ý, xin lỗi chú.
Thấy tôi ngoan ngoãn thế, anh ta cũng không truy cứu đến cùng, mà căn bản trước giờ dù tôi gây chuyện thế nào cũng chưa bao giờ mắng tôi, chỉ bảo:
– Ở trong đó có vấn đề gì không?
– Dạ? À… Không. Phòng tạm giam bây giờ tách thành hai khu biệt lập rồi, hôm đầu thì có mười mấy nữ chung một phòng, hôm thứ hai một mình cháu một phòng, ăn ngon ngủ ngon, không bị ai phá đám.
– Hình như tôi về hơi sớm.
Tôi nhìn anh ta, bỗng dưng lại ngửi thấy mùi thuốc súng nồng nặc trong không khí, chưa kịp phản ứng thì vài giây sau quả nhiên trúng đạn:
– Phá đám việc nghỉ dưỡng của cô.
– Không, đâu có. Trong đó không được dùng điện thoại, không được tắm rửa tử tế, hai ngày là chịu không nổi rồi. May mà có chú về đúng lúc.
– Không cần phải nịnh tôi. Ăn đi.
Ăn uống xong xuôi, chúng tôi chia nhau mỗi người về một phòng đi ngủ. Sau nhiều đêm phải trằn trọc rất lâu mới có thể ngủ được, hôm ấy chẳng hiểu vì có anh ta trở về hay vì mấy ngày rồi không được ngủ nghỉ tử tế, tôi vừa đặt lưng xuống giường đã nhắm mắt ngủ một giấc thật ngon.
Tôi mang theo tinh thần phấn chấn đi xuống nhà, định tranh thủ chạy ra siêu thị mua ít đồ về bỏ tủ lạnh và làm đồ ăn sáng. Cứ nghĩ mới năm giờ thì Hưng vẫn còn ngủ, nhưng xuống đến nơi thì anh ta đã đứng tưới mấy chậu xương rồng tôi để khô héo trong sân từ bao giờ rồi.
Thấy tôi, Hưng chỉ liếc một cái, tôi thì mặt mũi tươi tỉnh đi lại gần, cười bảo:
– Chào ngày mới, chú.
– Dậy sớm thế à?
– Vâng, tối qua ngủ ngon nên sáng nay dậy sớm. Hôm nay có việc gì mà chú cũng dậy sớm thế?
– Lệch giờ, không ngủ được.
– À. Bên Mỹ lệch Việt Nam mình 12 tiếng nhỉ?
Hưng không trả lời, chỉ lẳng lặng kéo mấy chiếc gai ra khỏi phần thịt xương rồng đã bị thối rồi bảo tôi:
– Định ra ngoài à?
– Vâng, cháu ra mua ít đồ nấu ăn sáng. Chú đợi tý, chờ ăn sáng xong rồi hãy đi ngủ.
Thấy anh ta không từ chối, tôi lon ton chạy ra siêu thị mua cả đống thực phẩm tươi về nhà nấu nướng, ăn uống xong xuôi, Hưng vẫn không có ý định đi ngủ mà còn cùng tôi đến công ty làm việc.
Hôm ấy, sếp tổng đến công ty mà nhân viên ai cũng mắt tròn mắt dẹt, từ trên xuống dưới được một phen náo loạn hết cả lên. Anh Minh thì khỏi phải nói, vừa thấy bóng Hưng đến thì cười tươi như hoa, mặt mày nham nhở:
– Gớm, đúng là có chuyện mới mời được sếp tổng về có khác. Bay liên tục từ Mỹ về đây rồi lại đi làm việc tốt mà trông vẫn khỏe khoắn nhỉ? Đêm qua chắc ngủ ngon lắm à?
Hưng lạnh lùng liếc anh Minh một cái, không thèm trả lời mà chỉ bảo:
– Cậu dạo này rảnh rỗi quá nhỉ? Có thời gian thì đi mua thêm đôi dép đi biển nữa, quần đùi áo hoa thì phải đi dép đó mới hợp.