Chiều thứ hai, Cơ Quân Đào có lịch giảng dạy tại Viện mĩ thuật. Vì một thời gian dài ngủ không ngon nên buổi sáng anh ta thường dậy muộn, thông thường thì phải ăn xong bữa sáng kiêm bữa trưa rồi mới đến trường. Số lần đã đến phòng triển lãm tranh vào buổi sáng như hôm nay quả thực là cực kì ít ỏi.
Cơ Quân Dã đang cầm cốc ngồi uống cà phê đen trợn mắt nhìn anh trai một hồi lâu mới phản ứng lại được. Cơ Quân Đào cau mày nói: "Uống nhiều cà phê đen như vậy không sợ dạ dày không chịu được à? Nếu buồn ngủ quá thì về ngủ đi".
"Sắp mở triển lãm tranh đến nơi rồi, có bao nhiêu là việc cần làm. Vất vả lắm mới thuyết phục được bố mang các tác phẩm bố vẽ mấy năm nay ra, không thể để lần triển lãm này thất bại được". Cơ Quân Dã vừa tìm cốc pha trà cho anh trai vừa nói, "Hôm qua đến quán bar Vân Vân, đã lâu không đến nên về muộn một chút, hơn ba giờ sáng mới ngủ. Hôm nay mắt sưng hết cả lên, đúng là hối hận".
Cơ Quân Đào buồn cười nhìn cô một cái, "30 tuổi rồi mà cứ như mới 3 tuổi ấy, anh thấy lo thay cho A Thích, sau này vợ kêu con khóc không biết nó sẽ sống thế nào được. Trưa nay, anh hẹn nó cùng đi ăn cơm, nhân tiện bàn luôn chuyện cưới xin cho xong".
Cơ Quân Dã lắc đầu liên tục, nói: "Em với A Thích đã thống nhất rồi, anh còn chưa cưới thì bọn em cũng sẽ không cưới. Nếu anh thương em không muốn em thành gái già thì tìm một bà chị dâu về cho em đi".
Cơ Quân Đào nhấp một ngụm trà, trầm mặc nhìn một bức thư pháp trên tường văn phòng chằm chằm: "Dã độ vô nhân châu tự hoành". Không có kí tên nhưng anh ta có thể nhận ra đó là chữ của mẹ, nho nhã mềm mại, chữ cũng như người. Mẹ để lại không nhiều thư họa, tất cả đều được anh ta cất kỹ trong phòng vẽ. Nhưng đây là lần đầu tiên anh ta nhìn thấy bức thư pháp này.
"Bố kẹp trong các tác phẩm đưa ra triển lãm lần này mang tới đây". Cơ Quân Dã nhẹ giọng nói, "Phòng triển lãm này là tâm huyết của mẹ, em muốn giữ lại một tác phẩm của mẹ ở đây. Lát nữa em dặn người treo nó lên trong văn phòng anh".
"Anh cũng chẳng mấy khi đến đây, cứ treo ngoài này đi. Bức thư pháp này mẹ viết bao giờ?" Cơ Quân Đào hỏi. Mấy năm cuối cùng, mẹ bị bệnh trầm cảm hầu như không động đến 乃út, nhưng qua 乃út pháp có thể nhận ra đây là một tác phẩm thời kì sau.
"Em đã hỏi bố rồi nhưng bố không nói". Cơ Quân Dã lén liếc mắt nhìn anh trai.
Tác phẩm tiêu biểu "Trừ Châu tây giản" của nhà thơ đời Đường Vi Ứng Vật viết: "Chỉ thương nhánh cỏ sống bên khe, trên cây có chim vàng anh hót. Xuân triều mang mưa xuân đến muộn, bến hoang không người đò quay ngang". Cả bài thơ mượn cảnh tả tình, có thẻ cảm nhận được lòng dạ không màng danh lợi và tâm trạng buồn bã của thi nhân. Có điều, khi viết câu này thì tâm tình của mẹ như thế nào?
Cơ Quân Đào sầm mặt không nói gì, trong lòng ngổn ngang như tơ vò.
"Anh, nhân tiện hôm nay anh đến đây thì xem xem mấy bức em chọn giúp anh thế nào. Anh thấy nên để cùng tranh của bố hay là..." Thấy sắc mặt anh ta không vui Cơ Quân Dã vội dừng lại.
"Em muốn làm thế nào thì làm". Hiển nhiên Cơ Quân Đào không hề để ý.
Nếu không phải Cơ Quân Dã cứ nhất quyết yêu cầu thì anh ta sẽ không đồng ý tham dự lần triển lãm tranh này. Bố anh ta, Cơ Trọng Minh đã chìm đắm trong giới hội hoạ vài chục năm, là một nhân vật hết sức quan trọng trong giới hội hoạ. Bây giờ ông ta từ từ lạnh nhạt với giới hội hoạ nhưng ngoại giới lại càng đổ xô vào săn đón các tác phẩm của ông ta, có thể nói tấc giấy tấc vàng. Lần triển lãm tranh này đã hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư, đồng nghiệp và những người yêu thích quốc hoạ trong và ngoài nước.
Lúc đầu, Cơ Quân Dã nảy ra ý định tổ chức triển lãm tác phẩm của cha con nhà họ Cơ tại phòng triển lãm này nhưng cả hai cha con đều đồng thanh phản đối. Sau đó, không biết Cơ Quân Dã làm thế nào thuyết phục được bố, nhưng điều kiện duy nhất Cơ Trọng Minh đưa ra là tác phẩm của Cơ Quân Đào phải chiếm một phần ba trở lên. Cơ Quân Đào biết ý bố là muốn dìu dắt mình nhưng trong nội tâm anh ta không hề muốn nhận được loại dìu dắt này. Mấy năm nay, chuyện duy nhất anh ta muốn làm chính là vứt bỏ lối vẽ của bố, tránh ra càng xa càng tốt.
"Làm sao mà có thể mặc kệ hết mọi việc như vậy được? Đừng quên nhé, phòng triển lãm này là mẹ để lại cho anh đấy, em chỉ quản lý giúp anh mà thôi". Cơ Quân Dã không vui, nói, "Cho dù lúc đầu em mặt dày ép anh mang tác phẩm của anh ra nhưng anh cũng không thể thật sự đứng nhìn một mình em vất vả như thế chứ. Mấy ngày nay em đã già hơn bao nhiêu rồi đấy, da dẻ cũng khô hết cả rồi".
Mấy năm nay, Cơ Quân Đào vẽ tranh thường thường bỏ dở nửa chừng, các tác phẩm càng vẽ càng u ám. Khi đó cô nói phải mạo hiểm một lần làm triển lãm tranh để ép Cơ Quân Đào đưa ra trạng thái của mình, buộc anh ta thoát ra khỏi trạng thái không tự tin sau một thời gian dài mắc bệnh trầm cảm. Vốn kiên quyết không đồng ý nhưng sau khi nghe vậy, bố cô đã đồng ý không chút do dự. Cô biết mặc dù nói là đã thoát khỏi hồng trần nhưng trong lòng bố trước sau vẫn lo lắng cho Cơ Quân Đào.
Thấy em gái nổi giận, Cơ Quân Đào chỉ cúi đầu uống trà không nói.
Ông ngoại anh ta là phú thương Singapore, dù rất nhiều con cái nhưng lại chỉ có mẹ anh ta là con gái nên bà luôn được nâng niu như hòn ngọc quý trên tay, cầm kỳ thi họa môn nào cũng tốn rất nhiều tiền mời thầy giỏi hết lòng chỉ bảo. Trong một lần về nước du lịch mẹ anh ta đã gặp Cơ Trọng Minh, khi đó mới lộ tài năng trong giới hội hoạ. Tài tử giai nhân vừa gặp đã yêu, viết nên một đoạn giai thoại trong giới văn nghệ sĩ.
Ai ngờ bản tính tài tử phong lưu trăng gió khắp nơi, nền giáo dục truyền thống của gia đình được tiếp nhận từ thuở nhỏ đã gò bó mẹ anh, cả đời bà đều cố gắng duy trì một loại giả tượng hai vợ chồng vẫn quý nhau như khách, dùng loại giả tượng này lừa gạt con cái, lừa gạt bố mẹ anh em, thậm chí lừa gạt cả chồng mình. Cho đến khi bà tự sát vì bệnh trầm cảm thì Cơ Trọng Minh mới vừa kinh hoàng vừa hối hận không thôi nhưng tất cả đều đã quá muộn.
Phòng triển lãm này do ông ngoại đầu tư xây dựng, ý định ban đầu là để con gái vốn yêu thích thư họa được ngắm nhìn mỗi lúc nghỉ ngơi, không ngờ cuối cùng lại trở thành cọng rơm cứu mạng giúp mẹ trốn tránh hiện thực và khép kín nội tâm mình. Đặc biệt là sau khi con bà đã trưởng thành thì hầu như bà đã dồn toàn bộ tâm huyết vào đây nên cũng rất có danh tiếng trong giới thư họa.
Sau khi mẹ qua đời, phòng triển lãm được mang tên anh ta, anh ta không thích kinh doanh cho nên trước giờ vẫn do Cơ Quân Dã lo liệu. Cơ Quân Dã không hề theo truyền thống gia đình, cô học đại học ngành quản lý kinh tế, trong tay cô phòng triển lãm cũng phát triển rất tốt. Anh ta biết thực ra em gái chỉ tận tâm vì mẹ mà thôi, nếu không một gia đình như gia đình họ, trong nhà có rất nhiều tranh cổ, các tác phẩm của bố, di sản của mẹ, còn có cổ phần công ty của mấy ông cậu mà ông ngoại đã tặng, cho dù có tiêu xài mấy đời cũng không hết. Một cô gái như cô cần gì phải vất vả như vậy.
"Được rồi được rồi, đừng có xịu mặt xuống nữa. Em không nên nổi cáu thế, anh là Cơ Quân Đào, nếu đám fan nữ của anh đó biết em bắt nạt anh thì chắc chắn sẽ không bỏ qua cho em". Cơ Quân Dã cười cười cầm chiếc cốc trên tay anh trai mang đi lấy thêm nước.
Chính cô cũng không biết vì sao, rõ ràng anh trai hơn mình nhiều tuổi như vậy nhưng trong lòng mình vẫn luôn có cảm giác thương hại anh ta. Từ nhỏ mỗi khi cô chơi đùa thì anh ta vẫn lẳng lặng vẽ tranh, mỗi khi trên người cô đầy mồ hôi và bùn đất thì anh ta vẫn sạch sẽ thơm tho. Cô biết anh ta từng khóc thầm rất nhiều lần nhưng trước mặt mẹ, anh ta vĩnh viễn giữ được nụ cười điềm đạm.