ĐỌC SÁCHTôi muốn nhắc những bạn trẻ phàn nàn hồi nhỏ học hành dở dang rằng sự học ta đã hấp thụ được, dù nó thô sơ tới đâu nữa, cũng không thể làm trở ngại cho sự thành công của ta được.
Thế kỷ mười chín đã quá đề cao kiến thức, tôn sùng kiến thức. Những nhà trí thức siêu quần thời đó cho rằng kiến thức có ảnh hưởng lớn nhất trong đời sống. Mà thực ra, một nền giáo dục tiếp thu được của người khác có thể bất tiện cho ta hơn là có lợi. Một thanh niên xông vào đời đừng nên mắc cỡ rằng không có bằng cấp đại học trong tay.
Đành rằng sự đào tạo thanh niên trong các ngôi trường khả kính đó, cũng có giá trị chứ không phải không, nhưng phải là người có óc tìm tòi mới tránh được nguy hại lớn lao của nền giáo dục đại học: nguy hại đó làm cho thanh niên đang ở tuổi mà đầu óc rất dễ bị ảnh hưởng, chỉ tôn trọng, mê say mỗi một phương diện của tri thức mà khinh bỉ tất cả những phương diện khác.
Thực ra, có kiến thức là nhờ có tư cách, mà thành công không phải là nhờ có kiến thức. Điều quan trọng là một người phải tự ý muốn học hỏi thêm vì như vậy sự hiểu biết mới thực là của mình.
Đành rằng một em bé hoặc một thiếu niên phải nhờ thầy chỉ bảo cho tất cả những điều mình có thể học được. Tôi nhìn nhận giá trị của nền giáo dục đại học theo lối cổ và tôi còn khuyên các bạn trẻ nên tiếp thu nó nữa. Hồi còn đi học những bạn nào có tinh thần, có cao vọng, có óc mạo hiểm có thể nắm lấy tất cả các cơ hội học hỏi thêm. Nhưng nếu bạn nào khó ghi nhớ được những lời giáo sư ngồi từ trên bục cao truyền xuống như truyền một giáo điều thì bạn đó cũng đừng nên vội thất vọng. Trái lại, có thể còn lấy làm vinh hạnh rằng có nhiều danh nhân cũng như mình, chẳng hạn ông Churchill, một vĩ nhân của Anh, hồi nhỏ chẳng đã làm cho thầy giáo thất vọng đấy ư?
Sự giáo dục của tôi thô thiển lắm. Một người thời nay khó mà tưởng tượng được đời sống trong làng Newcastle vào khoảng 1880. Chỉ có vài khoảnh nhỏ là trồng trọt được, bốn bề là rừng hoang, một con sông rộng mênh ௱ôЛƓ chảy qua. Suốt nửa năm, mặt đất phủ băng và tuyết, và con sông Miramichi cuốn những tảng băng ra tới tận ngoài vàm. “ở đây mưa chỉ như bụi trắng mà biển thì không khác gì đá xanh”. Vào cái mùa đó và trong những điều kiện như vậy, tất nhiên sự học không được đều đặn, buổi học buổi nghỉ.
Cho nên, ít khi tôi được thầy dạy, nhờ đọc sách và tiếp xúc với người khác mà tôi có được chút kiến thức. Chính sự đọc sách mới là cái nguồn của kiến thức. Điều quan trọng là đọc những sách mình thích đọc chứ không phải là đọc những sách người khác khuyên mình nên đọc. Đọc sách chỉ có lợi khi nào những điều trong sách thâm nhập vào trí óc ta được.
Phải đọc nhiều, đọc đủ loại, như một người có bao tử bằng thép, nuốt cái gì vào cũng tiêu hóa được hết.
Bất kỳ người nào, dù trí óc bình thường, cũng có thể tự luyện cho mình một khả năng lựa chọn sách, nghĩa là luyện cái giám thức. Có những cuốn phải liệng vào sọt rác, có những cuốn nên giữ kĩ để đọc lại, sự lựa chọn loại sách tuỳ mỗi người.
Khi một người đã thích một loại sách nào hợp với mình thì là người đó đã có giám thức rồi mà tự mình không hay, và tất nhiên chẳng cần ai bắt buộc, người đó sẽ tìm tất cả loại sách ấy để đọc.
Có vài môn học và nhiều thanh niên cho là cần thiết để thành công trong công việc kinh doanh. Trước hết là môn toán rồi tới môn ngoại ngữ. Môn toán cao học không thực là cần thiết cho sự thành công, nhưng có điều những người nắm vững môn toán cũng chính là những thành công trong lĩnh vực kĩ nghệ và tài chính.
Tôi tiếc rằng tôi đã được đào tạo trong nghề kinh doanh tại một lục địa mà trong sự giao thiệp trên thương trường, người ta chỉ dùng mỗi một ngôn ngữ từ Bắc cực tới vịnh Mexico. Thành thử tôi mù tịt về những sinh ngữ khác.
Tôi cho rằng sinh ngữ là môn quan trọng nhất cần phải biết để thành công trong việc kinh doanh, nhưng ý kiến của tôi có thể sai vì tôi không biết chút gì về sinh ngữ, như tôi đã nói.
Nhưng suy đi tính lại thì thị trường mới thực là trường đào tạo nhà kinh doanh. ở đó, một thanh niên có lương thức có thể tìm hiểu cá tính của các hạng người và nhờ vậy tự lập được một cái thang giá trị trong giới kinh doanh.
Kinh nghiệm sẽ cho thanh niên đó thấy rằng không phải vì thiếu những tri thức về lí thuyết mà người ta thất bại trong cuộc mạo hiểm là đời sống đâu.
Cách đây đã lâu, Huân tước Bickenhead hỏi tôi định cho các con trai tôi học trường nào. Tôi đáp rằng chưa hề nghĩ mà cũng không quan tâm tới vấn đề đó. Ông tỏ vẻ ngạc nhiên vô cùng.
Nguyên nhân chính của sự thờ ơ đó là tôi thầm tính rằng trẻ phải làm chủ vận mệnh của nó và chỉ có nó mới làm chủ vận mệnh của nó thôi. Nếu nó muốn thành công trong ngành văn học hoặc trong một ngành nào khác thì nó cứ đọc sách, đọc cho thật nhiều, cho tới khi óc mở mang đủ phân biệt được cái xấu và tốt, cũng như một người sành rượu chỉ nhìn qua một thứ rượu nào đó cũng nhận được là rượu ngon hay không.
Có thể rằng người đọc sách và người uống rượu chỉ dùng trực giác mà nhận định được sách này hay, rượu này ngon chứ không đưa ra được một lí lẽ khách quan nào. Nhưng không phải vì vậy mà sự phán đoán của họ sai. Khi họ bảo “Cuốn sách đó viết hay”, “Thứ rượu này dở” thì ta có thể tin họ được.
Cho nên tôi muốn khuyến khích những thanh niên không có bằng cấp trung học hay đại học quyết chí thành công trong việc kinh doanh. Theo tôi nghĩ, có một cái nguy hại là học đường thường đào tạo một hạng thanh niên “tiêu chuẩn”. Một người có cá tính mạnh mẽ phải biết tự đào tạo lấy chứ không trông mong nhiều ở học đường.
Rất có thể rằng tới lúc hành động, hạng người có cá tính mạnh mẽ thắng hạng người “tiêu chuẩn”.
Muốn có một 乃út pháp thì chỉ có cách đọc sách cho nhiều, đọc những sách mình thích. Muốn sành rượu thì không có gì bằng nếm thật nhiều thứ. Không có gì tập cho ta quen công việc kinh doanh bằng cách thực hành nó, thực hành ngay từ hồi trẻ, nửa vì thích, nửa vì muốn có kinh nghiệm.
Con người tạo ra vận mệnh của mình chứ không phải là để cho nó lôi cuốn. Vậy ta có thể thắng nền giáo dục ta đã hấp thụ được. Ta phải tự đào tạo lấy ta.
Thiếu những lí thuyết căn bản thì vẫn có thể tiến trên đường đời được.
Thanh niên nào cũng có cơ hội để làm nên sự nghiệp miễn là chịu quyết chí làm việc, dành dụm một số vốn, sống điều độ, tránh thói ngạo mạn và thói sợ sệt, can đảm đương đầu với các cuộc khủng hoảng, không hề sờn lòng. Lại phải biết thận trọng khi cất cánh bay bổng, dù có là một thiên tài thì cũng không được trái những luật an toàn.
Bí quyết để tạo nên quyền lực là biến nhiệt tâm hồi trẻ thành kinh nghiệm và kiến thức. Tôi đã chỉ cho bạn một con đường tắt để thực hiện điều đó.
Tôi đã trải qua tuổi trẻ. Bây giờ tôi đã có kinh nghiệm. Tôi tin rằng thanh niên có thể đạt nguyện vọng của mình được nếu nhiệt liệt muốn thành công. Tôi cũng tin rằng chỉ cần một chút kinh nghiệm buổi đầu là tránh được những vực thẳm mà những kẻ táo bạo nhất thường gặp trên con đường kinh doanh của mình.
Do kinh nghiệm bản thân mà tôi tin chắc những điều tôi mới biết đó.