COI CHỪNG CÁC THÀNH KIẾN !Trong thế giới hiện đại, muốn thành công lâu bền thì phải biết sống điều độ. Các nhà hoạt động đều biết rằng hi sinh sức khoẻ tức là hi sinh tuổi thọ của mình, mà mỗi năm có một giá trị lớn trong đời sống của ta. Cho nên họ biết tự vệ, không để kẻ thù tấn công.
Sự can đảm về tinh thần một phần do trí óc mà một phần cũng do bao tử. Thiếu sự can đảm đó, nhà kinh doanh chỉ là hạng rất tầm thường. Cho nên sự điều độ là một trong những bí quyết để thành công.
Trước hết, tôi nhiệt liệt khuyên những thanh niên có cao vọng nên ít uống rượu. Tôi không muốn rằng luật pháp quy định phong tục, nhưng điều tôi nói đây không phải vô căn cứ đâu; không một người nào có thể thành công lớn được nếu mang cái tật rượu chè be bét; nhưng một nhà kinh doanh mà gia nhập hội chống uống rượu thì cũng khó thành công được.
Xã hội hiện đại phức tạp buộc chúng ta phải biết điều độ. Khoa học tiên tiến đem lại những điều kiện sống với nhiều phương tiện dành cho con người. Chúng ta không thể từ chối những tiện nghi đó.
Con người vừa làm chủ vừa là nô lệ những máy móc mình dùng như điện tín, điện thoại, máy ghi âm. Trong cảnh ồn ào bất tận ở nơi làm việc, muốn giữ cho sự phán đoán được sáng suốt, thần kinh được thăng bằng, tinh thần được thảnh thơi thì phải biết tự chủ, nghĩa là tự kiểm soát được mình và sống có điều độ. Đó là cái giá mà ta phải trả cho khoa học.
Tôi cũng tha thiết xin thanh niên phải kiểm soát và điều tiết thái độ, cử chỉ, ngôn ngữ và công việc của mình nữa. Nhất là phải tránh thái độ ngạo mạn vênh váo.
Thái độ đó phát sinh ra sao? Ban đầu, một thanh niên nhờ hoạt động mà bắt đầu có địa vị trong xã hội rồi có vẻ coi thường những người khác. Thế là đã khởi sự xuống một cái dốc nguy hiểm rồi đấy.
Thái độ đó không phải là thói tự đắc, vì tự đắc là tự đánh giá một cách đúng hay sai quyền hành cùng trách nhiệm của mình; cũng không phải là thói tự đại, tự phụ vì tự đại tự phụ là tự cho mình những đức mà mình không có.
Thái độ ngạo mạn, vênh váo còn nguy hiểm hơn những tật đó nhiều. Nó là cảm giác cho rằng chỉ mình mới có tài năng, còn chung quanh toàn là những kẻ ngu ngốc, vậy thì chỉ cần làm theo ý mình, bất tất phải quan tâm tới quyền lợi, cảm xúc của kẻ khác: họ buồn, giận, mủi lòng cũng mặc họ.
Hồi trẻ ta thành công mà chỉ làm thương tổn lòng tự ái của một người thôi, thì tới tuổi xế bóng ta sẽ có cả trăm kẻ thù bất động đái thiên với ta đấy.
Họ sẽ đem những lỗi nhỏ lỗi lớn của ta, từ những lỗi thiếu tế nhị, giám thức, lỗi quen áp chế, tới lỗi diệt thần tượng cũ để dựng thần tượng mới, mà tấn công ta.
Trong lúc hăng hái tranh đấu cho công việc làm ăn, ta không để ý tới những cái đó, cũng như trên chiến trường, hăng tiết chém Gi*t nhau, người ta không để ý tới vết thương của địch. Nhưng rồi kẻ bại trận nhớ lại hết và uất hận ngấm ngầm về thái độ ngạo mạn của kẻ đã thắng mình.
Nhiều năm trôi qua, khi mà có vẻ như mọi sự đều đã rơi vào lãng quên, chính kẻ thắng cũng chỉ còn lờ mờ nhớ những chuyện trước kia, thì thình lình bị một kẻ mình tưởng là thân thiện với mình, đập mình một cách bất ngờ.
Như bị kẻ ném đá sau lưng, người đó lảo đảo, la lên: “Tại sao hắn bỗng xuất hiện từ bóng tối để đánh tôi? Tôi có làm gì hắn đâu?” Rồi cố tìm trong dĩ vãng, mới sực nhớ ra rằng, đã từ lâu lắm mình có lần tỏ ra ngạo mạn - lúc trẻ mình tự cho là có quyền như vậy - và bây giờ, về già, phải trả giá cho những lỗi lẫm của mình hồi trẻ.
Một số thành kiến cũng là dấu hiệu của tinh thần thiếu điều độ.
Thói có thành kiến còn tai hại hơn thói ngạo mạn, vì thói ngạo mạn chỉ xuất hiện sau khi mình đã thành công ít nhiều rồi, và như vậy còn có chút lí do, chứ thói có thành kiến thì chẳng đợi khi đã thành công rồi mới có. Thói quen thành kiến cơ hồ như do di truyền, do lây những người chung quanh mà ta mắc cái tật đó nặng từ hồi nhỏ; muốn diệt được nó phải trải đời và nhận định cho đúng rồi cương quyết tự cải.
Vì vậy óc thành kiến là một tật rất lớn. ảnh hưởng của nó còn tai hại hơn tất cả những tật khác nữa.
Nó có tính cách phá hoại óc phán đoán của ta, làm cho óc ta hóa hẹp hòi. Diệt được nó thì cũng như gỡ được một cái gông cùm ghê gớm cho tâm hồn ta.
Không diệt được nó thì nó có thể mỗi ngày mỗi cứng mạnh lên và biến thành tật bướng bỉnh mà không có gì nguy hiểm bằng định kiến. Không có gì ngốc bằng tuyên bố: “Ông muốn nói gì cứ nói, ý tôi đã định, không bao giờ tôi đổi ý đâu”. Thường thường người ta đưa lí lẽ đó ra để che đậy một sự thất bại rõ rệt của mình.
Con người bướng bỉnh đâu có nhìn thấy được sự thực. Họ không để ý tới biến cố, lịch sử, thời đại, không để ý tới người ngoài đường. Con người có định kiến luôn luôn chỉ dùng mỗi một tiêu chuẩn để xét tất cả những biến chuyển trên thế giới, hoàn cảnh trong vũ trụ.
Người nào thành công thì không có định kiến, mà biết tuỳ theo cảnh, sửa đổi ý kiến của mình, nhờ có một lương thức luôn luôn tỉnh táo.