Căn Phòng Của Những Chuyện Lòng Tôi đã từng chủ trì tiết mục đêm khuya của đài truyền hình, nên mỗi tối đều được nghe không ít những tâm sự của độc giả xa gần, một số chuyện tôi vẫn nhớ, nhưng một số đã chìm vào lãng quên. Ấn tượng khó quên nhất trong tôi đó là một đêm, chủ đề của ngày hôm đó là “Em yêu anh”, vị khách mời đã kể cho tôi nghe một câu chuyện, khi còn bé, có một cậu bạn trai từng nói với cô ấy rằng: “Tớ yêu cậu!”, nhưng chẳng hiểu vì sao lúc đó cô chợt khóc tu tu, không phải vì cảm động, mà vì thương cảm, vì cô rất buồn khi chỉ có mỗi mình cậu bạn “xí trai” này nói yêu mình.
Khi đó chúng tôi đều bật cười. Thì ra, dù ngọn lửa tình yêu trong trái tim chúng ta có rực đượm đến mấy, thì cái tâm sự mang tên “I love you” này cũng chẳng thể tùy tiện giãi bày.
Tôi là một người không quen nói ra những tâm sự của mình. Tâm sự của tôi, hoặc là được viết trên những dòng chữ văn chương, hoặc chỉ được thổ lộ cho người thân yêu nhất và tin tưởng nhất. Tôi thật may mắn, khi có được cho mình vài người chịu lắng nghe những lời tâm sự, chịu nghe tôi cằn nhằn, chịu nghe tôi kể chuyện, và cũng có những người bạn chịu nghe tôi khóc cạn một trận trên điện thoại. Đối tượng để tôi thổ lộ tâm sự đều là con người, không phải những chú gấu bông hay chiếc gối ôm. Người lắng nghe tôi tâm sự đều dùng ngôn ngữ hoặc những chiếc ôm để an ủi, chứ không phải là một chú chó nhỏ chỉ có thể vẫy đuôi cọ vào người tôi.
Đối tượng để thổ lộ tâm sự, cũng có thể thay đổi theo cùng năm tháng. Khi 17 tuổi, là những người này. Khi 20 tuổi, lại đổi thành hai người khác. Khi 24 tuổi, có lẽ chỉ còn lại một. Tâm sự của một người thì ngày càng nhiều, người để có thể bộc bạch nỗi lòng thì lại ngày càng ít đi, mãi cho đến một ngày, chúng ta đều đem những tâm sự cất giấu sâu tận đáy tim, đó là nơi an toàn nhất trên thế gian, có thể ngăn được sự khảo nghiệm của tình bạn, và cũng tránh được sự đa biến của ái tình. Sau đó, bỗng nhiên chúng ta hiểu rằng: “Tâm sự của mình, tại sao lại phải kể cho một ai đó?”
Tâm sự, thì ra cũng có thể lắng đọng. Giống như rất nhiều việc, dần dần rồi sẽ biến thành những giọt nước mắt khờ dại, hóa thành nét hồng phớt trên khuôn mặt sau cuộc rượu, thậm chí trở thành một dạng chiều sâu.
Thử hỏi người nào có chút trí tuệ lại chẳng mang tâm sự? Tâm sự, chính là một căn phòng dù cũ nát, nhưng chúng ta lại không nỡ vứt bỏ.
Khuôn mặt giữa đêm tối
Những người mà ban ngày chúng ta quen, có thể giữa đêm lại mang một bộ dạng khác.
Cô bạn đồng nghiệp trông thật ngoan ngoãn, bình lặng và có chút gì đó hay xấu hổ của tôi, đến buổi tối đi hát karaoke, mọi người mới phát hiện thì ra cô ấy uống rất giỏi, rượu hơi ngà ngà là bắt đầu thao thao bất tuyệt, hành động nhanh nhẹn, náo nhiệt, chạy khắp nơi kéo mọi người ra nhảy nhót cùng, thậm chí còn ngồi hút thuốc một cách trầm ngâm thuần thục.
Cô bạn đồng nghiệp mà thường ngày nhìn có vẻ vô lo vô nghĩ, rất hay nhoẻn miệng cười, đến buổi tối khi cùng mọi người đi bar, có lẽ sẽ trở nên âu sầu đa cảm, ngồi lặng lẽ ở một góc, hết ly rượu này đến ly rượu kia tưới đẫm gan ruột, khi say rồi, cô liền khóc lóc thảm thiết. Đến lúc này mọi người mới biết rằng, thì ra cô ấy đang thất tình.
Cô bạn đồng nghiệp hằng ngày rất ít khi cởi mở tâm sự với người khác, dường như chẳng bao giờ lộ ra ái ố nộ hỷ trên khuôn mặt, đến buổi tối khi ngắm mọi người hát karaoke, có lẽ sẽ trầm ngâm kể cho bạn nghe câu chuyện tình yêu của mình, với những tình tiết gây sốc.
Cô bạn đồng nghiệp thường ngày không được chào đón ở công ty, mọi người đều nói sau lưng rằng cô ấy rất ranh mãnh, đến tối khi cạn liền mấy chén Bloody Mary hoặc Martini, có lẽ sẽ bộc bạch tất cả với bạn bằng một bộ dạng đáng thương yếu đuối, nói với bạn rằng, kỳ thực cô ấy không hề giống với những gì mà mọi người bàn tán, cô ấy cũng có nỗi khổ tâm của riêng mình.
Cậu bạn đồng nghiệp ban ngày rất ít nói, luôn toát lên về điềm tĩnh khiêm tốn, nhưng khi đêm về, nốc cạn hai ly rượu trong quán bar, có lẽ bỗng trở nên hoạt ngôn phóng túng, nói với các bạn rằng, cậu ấy coi thường tất cả mọi người, luận tài trí thông minh, chẳng ai trong các bạn có thể so sánh với cậu ấy.
Cậu bạn đồng nghiệp thường ngày luôn nghiêm túc thành thật, khi màn đêm buông xuống, ba ly vừa ngấm bỗng hiện ra một bộ dạng háo sắc…
Thì ra, sống trong cái thành phố nhỏ bé này, rất nhiều người cũng mang trên mình hai khuôn mặt, khuôn mặt ban ngày là để cho người khác xem, khuôn mặt buổi tối là để chính mình xem. Một khuôn mặt cười, một khuôn mặt khóc.
Giường là quê hương
Nói nghe có vẻ lạ lùng, nhưng tôi thực sự thích loại giường có thể tự động điều chỉnh độ cao và góc nằm trong bệnh viện. Ngủ trên chiếc giường này, khi cần ngồi dậy để xem phim hoặc ăn uống đều rất tiện lợi.
Thế nhưng, có lẽ phải đợi đến lúc già, tôi mới có thật nhiều cơ hội để nằm trên chiếc giường này, bây giờ đành ngủ tạm trên loại giường khác.
Khi còn nhỏ, tôi mơ ước có một chiếc giường Lão phu tử. Trong phim hoạt hình Lão phu tử, chiếc giường của nhân vật cùng tên được cất trong tường nhà, khi cần có thể lôi ra rất thú vị. Tôi đã từng thấy kiểu giường này trong nhà của một người bạn học, chiếc giường của chị cậu ấy giống hệt như vậy, khi không dùng có thể đẩy vào trong, rất tiện lợi và không tốn diện tích.
Giường thì càng rộng càng tốt, khi ngủ trên đó, có thể thoải mái lăn lộn tùy thích. Có lần, một chàng trai khi nghe thấy tôi nói như vậy bèn nhăn nhở cười rất hàm ý. Tôi biết cậu ấy đang nghĩ những gì, chỉ thấy cậu ấy thật xấu xa. Chẳng lẽ phải có hai người mới có thể lăn lộn trên giường, còn một người thì không được hay sao?
Giường là một góc riêng gần gũi và ấm áp nhất trong nhà của một người. Khi tâm trạng tốt, chúng ta có lẽ sẽ tạm thời quên bẵng nó. Vậy nhưng, khi mang theo tâm trạng tồi tệ mệt mỏi lê bước về nhà, chúng ta sẽ chạy với tốc độ 9,9 giây/100m để vứt mình vào chiếc giường thân yêu.
Khi thất tình hoặc nhớ da diết một người, chúng ta vùi mình trong chăn, ngủ rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại thi*p đi, lúc thì nằm cuộn bên trái, khi thì co ro ngủ phía cuối mép giường, liên tục thay đổi tư thế, đổi qua đổi lại, chỉ vì muốn nằm một tư thế khiến mình không còn nhớ anh ấy nữa.
Khi đau lòng, chúng ta nằm quằn quại trên chiếc giường cô độc, ôm chiếc gối khóc tới quặn thắt con tim, trở mình một hồi, rồi chìm dần vào giấc ngủ khi dòng nước mắt đã cạn nhòa mơ hồ, khi tỉnh lại ta lại bật khóc. Nếu như không có giường, làm sao có thể khóc một cách thoải mái như vậy?
Giường là thế giới thu nhỏ của một người. Thế giới rộng lớn ở bên ngoài, chỉ có cái thế giới nhỏ giữa hai đầu chăn gối, mới là quê hương của ta mỗi ngày.
Đoạn đường nơi chân trời ấy
Khi đi du lịch ở đâu đó, tôi sẽ không chụp ảnh.
Dù cho phong cảnh nơi đất khách quê người có đẹp đến mấy, cũng chỉ cần thưởng lãm lúc đó là đủ, hà tất phải lưu giữ lại? Rồi hà tất phải cố gắng lựa tìm một vị trí đẹp, mà quên đi việc hưởng thụ phong cảnh trong thời khắc đó?
Một số người bạn của tôi thì hoàn toàn ngược lại. Họ mang theo máy ảnh kỹ thuật số đi khắp mọi nơi, mỗi lần du lịch đến nơi nào đó là lại chụp vô cùng nhiều ảnh, sau đó khi về nhà lại lôi ra chỉnh sửa, làm thành một album điện tử trên mạng, tự mình ngắm nghía, rồi gửi cho bạn bè thưởng thức.
“Những bức ảnh này, mấy năm sau cậu có mang ra xem lại không?” Có lần tôi hỏi cô bạn thích chụp ảnh của mình như vậy. Cô ấy không trả lời được.
“Vậy thì chụp làm gì chứ?”
“Có lẽ một ngày nào đó tớ sẽ xem lại.” Cô ấy trả lời.
Tôi không xem lại những bức ảnh từ ngày trước. Khi ngắm nhìn chúng, tôi chỉ nhìn thấy rằng mình đã già. Tại sao phải tự phát hiện rằng mình đã già nhỉ? Có một số việc, tốt nhất là không nên quay đầu nhìn lại.
“Đi du lịch mà không chụp ảnh, thì mình sẽ quên mất đã từng đi những đâu, và cũng quên rằng nơi đó đẹp thế nào mà!” Cô bạn của tôi lại nói.
Vậy thì tại sao cứ phải nhớ đến?
Nếu quá dễ để lãng quên, thì chứng tỏ rằng chuyến du lịch và phong cảnh nơi ấy thực ra không đáng nhớ đến vậy.
Dù đến bất cứ nơi đâu, những điều cần nhớ cũng sẽ được lưu lại một cách tự nhiên, còn những thứ đã lãng quên thì chứng tỏ rằng nó thực sự không quan trọng.
Phong cảnh là gió, là nước, khi tôi nhìn thấy một phong cảnh, thì phong cảnh đó cũng đang thổi lướt qua những ngày tháng của tôi, chảy trôi qua cuộc đời của tôi, nó mang đến niềm vui cho tôi, còn tôi cũng lưu lại dấu chân của mình trên nó. Có để lại bằng chứng hay không, thực sự đã không còn quan trọng. Điều quan trọng nhất là, phong cảnh tươi đẹp nhất và người bạn đồng hành thương yêu nhất, đều đã cùng tôi đi đến đoạn đường nơi chân trời ấy.