Khi Biệt Ly Cứ mỗi lần tiễn khách ra về, tôi luôn nán lại cạnh khung cửa trò chuyện thêm một hồi, nhìn họ bước dần vào trong thang máy, rồi sau đó mới đóng cửa lại.
Khách khứa vừa bước khỏi cửa nhà, chủ nhân liền lập tức đóng cửa lại, bỏ mặc họ một mình bước trên dãy hành lang tối dài, như vậy quả có chút tàn nhẫn.
Nếu như vị trí của cửa chính không nhìn thấy thang máy, vậy thì cũng nên đợi đến sau khi nghe tiếng thang máy báo đến, nói một lời chào tạm biệt với khách, rồi sau đó trở về phòng, đó chính là tấm lòng nồng hậu của chủ nhân. Khách vừa mới rời đi, cửa đã lập tức sập lại, làm như vậy thực quá lạnh lùng.
Hôm đó tôi đi thăm một người bạn, lúc chuẩn bị đi về, cô ấy nói tạm biệt rồi với tay đóng liền cửa lại, bỏ tôi một mình bên ngoài. Khoảnh khắc đó, hụt hẫng đến vô cùng. Thì ra, cô ấy không có thói quen tiễn khách ra về.
Bạn có biết cảm giác bị nhốt bên ngoài khung cửa cô đơn đến nhường nào? Một mình đứng giữa hành lang chờ thang máy thực sự rất trống trải, huống hồ lại tận tầng 34!
Căn phòng của chủ nhân tốt nhất là nên có ban công, để lúc khách ra về, chủ nhân có thể đứng ngoài ban công nhìn thấy khách bước ra từ chung cư, rồi cả hai cùng vẫy chào từ biệt. Chủ nhân dõi theo, cho tới khi hình dáng khách từ từ mờ dần dưới ánh đèn đường lẻ loi.
Mỗi lần ly biệt đều là một lần rầu rĩ, bởi rồi sẽ có một lần ly biệt nào đó, cả hai sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại.
Tôi thích được người khác dùng ánh mắt tiễn theo khi ra về. Mặc dù tôi vẫn phải một mình lẻ bước trên đường, nhưng, xin đừng để tôi một mình bơ vơ phía bên ngoài căn phòng.
Tôi đã đến, và sẽ rời đi, tại sao không trân trọng giây phút tiễn biệt?
Trừng phạt
Một người vợ sống ly thân cùng chồng đã lâu, nhưng vẫn kiên quyết không chịu ly hôn, chỉ vì muốn gây khó dễ cho chồng mình. Cô ấy bảo rằng:
“Tôi thừa nhận, tâm tính của tôi hiện giờ chẳng khác gì một một đứa con gái mới lớn, chỉ cần thấy anh ta đau khổ là tôi cảm thấy vui sướng, anh ta không muốn nhìn thấy tôi, tôi lại càng lượn lờ trước mặt để anh ta trông thấy, đây là sự trừng phạt lớn nhất đối với anh ta.”
Quẩn quanh mãi không dứt với một người đàn ông đã không còn yêu mình, và mình cũng đã cạn kiệt tình cảm với anh ta, để rồi cả hai đều phải chịu tổn thương dằn vặt, liệu đó là sự trừng phạt đối phương, hay là sự trừng phạt chính mình?
Khi giáng một phát tát lên mặt của đối phương, tay của chúng ta cũng cảm thấy đau đớn chứ? Trừ phi cầm một cái thước để đánh đối phương. Nhưng, muốn so kè đến cùng chỉ vì mục đích khiến anh ta đau khổ, vậy thì không thể dùng một chiếc thước, mà phải dùng đến chính bàn tay của mình. Anh ta chưa chắc đã bị thương, nhưng bạn chắc chắn sẽ thấy đau đớn.
Để trừng phạt một người, ta cũng cần phải trả giá bằng chính sức lực và cảm xúc của mình. Trừng phạt một người mà bản thân đã từng yêu thương, lại càng phải trả giá bằng tình cảm của mình. Đã biết rằng người đàn ông đó ích kỷ đến vậy, bủn xỉn đến thế, vậy có đáng để ta bỏ quãng thời gian xuân sắc của mình để trừng phạt anh ta hay không?
Nói thật, khi anh ta đã chẳng còn yêu cô ấy, vậy thì đối với anh ta, sự tồn tại của cô ấy không phải là sự trừng phạt, mà là sự phiền nhiễu.
Một thiếu nữ trẻ tuổi cũng hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu khi bước qua một cuộc tình. Buông tay một cách hòa nhã, là thể hiện một sự cao thượng và phong độ. Anh ta không chịu trả tiền, đó là bởi anh ta không có khí phách, nếu bạn không phải chật vật vì cuộc sống, vậy hà tất cần đến tiền của anh ta? Không đếm xỉa đến một xu của anh ta, đó mới là sự sỉ nhục đối với anh ta.
Một người phụ nữ có thể khiến cho đàn ông đau khổ, đó chính là bản lĩnh. Còn nếu cô ấy đã có bản lĩnh như vậy, nhưng lựa chọn bỏ qua anh ta, thì lại càng là bản lĩnh.
Mùi vị của hồi ức
Một cô bạn của tôi gần đây vừa mới chia tay người yêu. Sau khi chia tay, cuộc gọi đầu tiên mà cô dành cho anh ta, chỉ vỏn vẹn có hai từ:
“Trả tiền!”
Cô ấy nói một cách tức tối:
“Là anh ta có lỗi với tớ, giờ lại đã muốn ở bên người khác, vậy thì kiểu gì cũng phải trả hết tiền lại cho tớ!”
Tiền là của cô ấy, chúng ta rất khó để nhận xét rằng cô ấy làm như vậy đúng hay sai, còn anh chàng chỉ biết tiêu bằng tiền của bạn gái kia cũng chẳng có gì đáng thương. Chuyện tiền bạc của các đôi lứa, nhiều khi khó có thể phân rõ rạch ròi. Khi còn tốt đẹp, chuyện gì cũng có thể không tính toán, của em cũng là của anh, tất cả mọi thứ đều có thể chia sẻ. Khi mọi thứ chuyển biến xấu, thì sẽ cân đo đong đếm, chi ly từng hào, thứ gì thuộc về tôi phải trả lại cho tôi, còn thứ gì thuộc về cả hai thì cũng phải phân chia rạch ròi, tốt nhất là không ai nợ ai.
Khi chia tay, sở dĩ một trong hai người muốn đòi lại những khoản tiền trước kia của mình, không phải do cảm thấy tiền bạc “đáng yêu”, mà vì cảm thấy đối phương “đáng ghét”.
Có những lúc, con người tranh giành nhau chỉ vì một hơi thở, thế nhưng, hơi thở này thường kèm theo vị chua xót, không phải là vị chua khi ăn giấm, mà là vì chua hôi của món ăn đã hư hoại, ôi thiu, ngay bản thân ta khi ngửi cũng chẳng mấy dễ chịu.
Thế nhưng, dù chẳng mấy dễ chịu cũng vẫn phải làm vậy, chỉ để khiến cho anh ta cũng cảm thấy khó chịu như mình.
Tôi chợt nhớ về một cô gái mà mình quen biết, người bạn trai nợ cô ấy rất nhiều tiền, khi chia tay, cô ấy chẳng mảy may đòi lại. Có lẽ, cô ấy thật ngốc nghếch, thế nhưng, trên người cô ấy sẽ không toát ra thứ mùi chua hôi kia, mà chỉ có vị mặn của nước mắt. Và mùi vị này cũng sẽ dần phai mờ vào quá khứ.
Có thể chúng ta không hề giàu có, thế nhưng, với một cuộc tình, chúng ta vẫn có thể lãng mạn được chứ?
Chẳng lẽ chúng ta không thể để cho bản thân phóng khoáng một chút sao? Khi chúng ta phóng khoáng hơn một chút, mùi vị của hồi ức cũng sẽ đẹp đẽ hơn đôi phần.