Chào anh, tôi bán minh tệ, chú ý anh lâu rồi...Trong khi giang cư mận lo chèo thuyền mới một cách thuần thục thì Lan Hà vẫn đang làm khách nhà họ Đậu.
Ông Đậu thấy Lan Hà thì niềm nở lắm, "Cháu ngoại ông đến rồi."
Tống Phù Đàn:... Cháu thì sao?
Các cụ khác tưởng ông Đậu gọi Tống Phù Đàn, vài người trong số họ đã gặp Lan Hà lần trước nên cũng rất chào đón, châu đầu ghé tai kể đấy là cậu nhóc nhà có cao nhân.
Ngặt nỗi lúc anh tiến lại gần, đám chim chóc vốn đang hót líu lo dần tắt tiếng, đến cả chú Alaska cũng kêu một tiếng nghẹn ngào rồi nằm rạp xuống đất rặt vẻ ngoan ngoãn.
"Ủa, sao chúng không hót nữa?" Một ông cụ đứng dậy chọt chim. Không chỉ một mà cả lũ đều im thin thít, cứ như bị nhấn nút im lặng vậy.
Tuy lũ chim chưa chắc đã trông thấy Hồ Bảy Chín nhưng động vật rất nhạy, linh tước cũng sợ cô nàng và Lan Hà hệt đám bồ câu kia, chẳng dám hót tiếng nào.
Cô ta khoanh tay, mắt khinh khỉnh, thản nhiên nói: "Xuân đến ta không kêu, thì chim nào dám hót!!"
Lan Hà vờ duỗi eo, vỗ một cái lên lưng cô ta.
Hồ Bảy Chín chúi người ra trước, "Cái đậu má!"
Cô nàng lườm Lan Hà tóe khói, tại sao không cho mình làm màu cho xong chứ.
Hồ Bảy Chín huýt sáo, tạo thành tiếng chim hót uyển chuyển, chim trong Ⱡồ₦g nghe được, chú chim tước được Hồ Bảy Chín chữa cho hót đầu tiên, nhảy lên cao, hót vang lần nữa, những con chim khác cũng hót theo.
"Hình như ban nãy tôi có láng máng nghe thấy tiếng chim hót..." Một ông cụ nhìn xung quanh, "Sau đó, đám chim này cũng hót theo."
Các cụ hay nói người già và trẻ con dễ gặp quỷ, mặc dù ông không thấy Hồ Bảy Chín thì vẫn loáng thoáng nghe được tiếng kêu của cô ta.
Thế nhưng những người khác lại không nghe được nên nói chắc ông nghe lầm đấy thôi, chả có lẽ ông Đậu không biết ngõ này có nhà ai nuôi chim à.
"Có khi chúng đang chào đón Tiểu Lan đấy." Ông Đậu đắc ý, "Thấy chưa, đây là Tiểu Lan, con chim tước nhà tôi từng sống ở nhà cháu nó một thời gian, hót tuyệt cú mèo."
Đợt này ông đi khoe khắp chốn Bắc Kinh, vụt lên thành ông cụ đắc chí nhất toàn thành phố nhờ con linh tước này, không nhà nuôi chim nào nổi trội hơn ông cả.
Một ông cụ gặp mặt lần đầu nói bằng giọng chua loét: "Không phải huấn luyện hai năm thật à..."
Còn một ông khác lại cạnh khóe ngầm: "Ông chưa bao giờ nghe nói đến cao nhân ấy, nhóc nói ông nghe coi tại sao chim tước nhà ông lại hót lẫn tạp âm thế này. Nhóc sống với cao nhân lâu nên chắc cũng biết ít nhiều chứ."
Lan Hà liếc sang Hồ Bảy Chín.
Cô ta ghé tai anh nói vài câu.
Anh đáp lời ông nọ: "Thưa ông, chắc vì chim nhà ông hót nhảm đấy. Chim chóc muốn thành tài cũng phải dựa vào tư chất, có loài trời sinh chỉ thích hót linh tinh thôi."
Ông cụ: "..."
Người khác cười ha hả.
"Tôi đã muốn nói ông từ lâu rồi, có o ép chim nhà ông đến đâu thì nó cũng chỉ hót mấy cái linh tinh thôi."
"Thiên phú đấy."
Ông cụ quạu, song vì Lan Hà nói chuẩn quá nên ông không thể cãi được gì. Nuôi chim là vậy, không phân thứ tự người lớn hay trẻ nhỏ, chỉ dựa vào chim mà nói.
Có tay nuôi chim già đời như Hồ Bảy Chín ở đây, anh trả lời hết tần tật câu hỏi làm ông Đậu được dịp vểnh râu cáo, hếch cằm cao chưa từng thấy. Sau khi tiễn mấy ông bạn già đi rồi, ông gạt phăng Tống Phù Đàn: "Dạt ra dạt ra. Nào, Tiểu Lan, uống trà hoa lài này cháu."
Ngữ điệu như bảo anh đại uống coca ướp lạnh.
Tống Phù Đàn: "..."
Loại trà thịnh hành tại Bắc Kinh là trà hoa lài, ông Đậu pha Bạch Long Châu, thả mười mấy hai mươi viên vào tách tráng men, lá trà bung ra trong nước trà trong vắt, tỏa mùi thơm thanh nhã.
Anh bị dí xuống ghế trúc, cầm tách trà tráng men mà uống, ông Đậu sai Tống Phù Đàn đi làm đồ ăn, "Ông hái vài lá hương thung rồi, cháu đi nấu trứng xào hương thung rồi nấu nồi cà, mấy món còn lại tùy cháu lo."
Tống Phù Đàn: "...... Dạ."
Coi như hắn mất hết địa vị rồi, đoán chừng nếu hắn không rước Lan Hà về, ông ngoại cũng sẽ tìm cơ hội bắc nối với Lan Hà, tiện bề làm quen với cao nhân xưng anh đại các thứ.
Lan Hà căng thẳng hết biết, thế nhưng ông Đậu chẳng hề nhắc đến chuyện anh và Tống Phù Đàn mà chỉ tâm sự về chim chóc với đời sống cá nhân như thể ông thật sự thân thiết với anh vì nuôi chim vậy.
Anh chợt thả lỏng hơn, dạy ông Đậu dùng điện thoại. Ông bảo chữ trên điện thoại không to, đọc tin tức không rõ, anh bèn chỉnh cỡ đến mức to nhất.
"Được, cỡ này đọc rõ." Ông Đậu dùng tạm sõi, khổ nỗi lúc ấn hay ấn nhiều lần theo thói quen nên thường ấn nhầm sang vài giao diện khác.
Cỡ chữ rất to, Lan Hà liếc một cái bèn nhìn thấy dòng tin tức: Có người tự cho là đã chụp được rồng ở Bắc Kinh.
"Lại chụp được rồng à?" Ông Đậu tay thì nhấn vào, miệng thì xỉa xói, "Hai năm trước có người chụp được rồng rồi, cơ mà tấm ảnh kia mờ choẹt."
Anh phì cười, đúng thật là vậy.
Mặc dù thế, người dân vẫn hăng hái đi tìm rồng. Mỗi khi có ảnh thật được chụp lại thì vẫn thu hút người vào bàn tán lắm.
"Để ông đọc coi... Mấy ngày qua, một cư dân mạng @Thác Tháp Thiên Vương tung tin rằng đã chụp được rồng xuất hiện tại Bắc Kinh. @Thác Tháp Thiên Vương là một người ham mê nghiên cứu văn hóa rồng, anh ta tin rằng loài sinh vật này thật sự tồn tại trên đời. Anh ta giới thiệu trên đời chỉ còn ba con rồng, một con trong đó thường trú ở vùng Hoa Bắc, nhưng không phải nghiệt long trấn áp dưới cầu Bắc Tân mọi người vẫn biết, mà là một con khác. Thực chất anh ta cho rằng dưới cầu Bắc Tân không có rồng thật." Ông Đậu đọc. Đương nhiên lúc ông đọc đến @ vẫn đọc thành a còng.
Mở video lên, đó là một ngày trời dông tại Bắc Kinh, những tầng mây đen ngòm như bị ai quấn lại bằng sợi chỉ đỏ, caption ghi đó là rồng đang bay.
"Rồng quái gì, đó là mây mà." Chất lượng hình ảnh vẫn tệ lậu như xưa, ông Đậu bực mình thoát khỏi video.
Anh mới lấy làm lạ: "Ủa mà nghiệt long dưới cầu Bắc Tân được nhắc tới là gì ạ?"
Anh biết cầu Bắc Tân, còn từng đến gần đó, nhưng nghiệt long là gì?
"Ấy là câu chuyện cũ của Bắc Kinh rồi. Ngày xưa người ta đồn rằng ở Bắc Kinh có bốn con rồng, dưới cầu Cao Lượng trấn một con, dưới Hắc Long Đàm có một con bị trấn bởi chùa Đàm Chá, dưới biển Hoa Bắc có một con, con còn lại ở dưới cầu Bắc Tân. Nghe nói vào thời Minh, có một con rồng ác quấy phá dân lành. Có bản kể Lưu Bá Ôn, Diêu Quảng Hiếu nhốt nó xuống giếng khóa rồng (tỏa long tỉnh), dưới giếng là mắt biển. Cũng có bản đồn rằng nó đã bị Lưu Dung giam giữ ở thời Thanh. Nhưng điều giống nhau ở đây là, sau khi rồng bị trấn áp, nó gào lên há có chuyện ta mãi mãi không thoát được khỏi đây, người giam nó bèn đáp, đợi bao giờ nơi đây xây cầu mới thay cầu cũ, ngươi sẽ bay ra được. Sau đó người ta mới đổi tên cầu thành "cầu Bắc Tân", mãi mãi là cầu mới, rồng sẽ chẳng bao giờ ra được."
"Giếng khóa rồng lắp những sợi xích sắt to. Nghe nói hồi chiến tranh, bọn giặc lay sợi xích đó mà không đứt, kéo mãi cũng chẳng thấy đầu xích đâu, chưa kể dòng nước đen tanh hôi bắt đầu tràn ra ngoài làm chúng sợ không dám kéo nữa."
Ông Đậu vừa rủ rỉ kể chuyện vừa nhớ lại: "Khi ông còn bé cũng từng nhìn thấy. Thời ấy giếng bị chặn bởi một tảng đá to ơi là to, hình như sau đó đã bị lấp đất rồi. Mười mấy năm trước khi xây tuyến đường số 5, người ta còn sửa lại đường bộ vì một cái giếng cổ, các cụ bảo đó là miệng giếng khóa rồng."
"Chất lượng ảnh chụp rồng này chả ra làm sao, nhưng ông vẫn tán thành việc người ta nói dưới giếng không phải rồng thật. Tuy bây giờ ông không thể chứng minh được, song lúc ông còn trẻ từng nghe cao nhân kể, lão xem quẻ, thượng ly hạ càn, quẻ càn là rồng. Quẻ tượng là một cái nắp đậy giếng, trấn áp lũ lụt để phát triển kinh tế chính trị, tuy nhiên đó chỉ là hư cấu, cho nên rồng là giả, là chỉ phong thủy hoặc hình rồng."
Hồ Bảy Chín bĩu môi, "Giả mà, khi người ta xây giếng thì ta đã sinh ra rồi. Dưới giếng từng là vật trấn thuộc Kim được đặt dưới nước. Các trấn vật cùng thời đại còn có cặp rùa đá thi*p vàng khắc hai chữ thọ mệnh chôn dưới chùa Long Phúc,... Những vật trấn cũ này đã được thay mới từ lâu rồi. Còn về việc khu vực Hoa Bắc có rồng không thì... Ha ha, trong Môn cũng có nhiều phiên bản đồn đãi lắm. Ta nghĩ dẫu trước đây có tồn tại thì giờ cũng biến mất rồi."
Bắc Kinh nhiều yêu quái, nhưng đến cả Hồ Bảy Chín cũng khó đáp rốt cuộc có rồng hay không.
Lan Hà nghe say sưa. Đúng như lời Bà Vương Tam đã nói, đây là thời đại phục tức của quỷ thần, kể cả có thì chắc hẳn sẽ không lộ mặt ra đâu.
Tống Phù Đàn xào thức ăn xong xuôi rồi bưng ra, ngoài món trứng xào hương thung và cà xào tỏi, hắn còn làm món sườn kho, mùi thơm ngào ngạt, hơi cháy cạnh, thịt mềm ngon.
Ông Đậu xơi cả một bát cơm to, đoạn để ý đến Lan Hà, "Tiểu Lan ăn thêm bát nữa đi nhé. Hồi ông bằng tuổi cháu, một bữa phải ba bát cơ!"
Lan Hà: "Dạ... Sắp vào đoàn nên không được ăn nhiều ạ."
"Cháu bảo Phù Đàn viết cho cháu mập thêm tí là được ấy mà!" Ông Đậu nói làm Lan Hà phì cười, ăn thêm nửa bát cơm.
Lát sau lại thấy Tống Khởi Vân gọi điện video hỏi thăm ông.
Tống Khởi Vân không biết chuyện Lan Hà và Tống Phù Đàn, ông Đậu cũng chưa nói, cứ tưởng hai người chơi thân với nhau nên lên tiếng chào hỏi.
Ông Đậu hỏi: "Nghe nói bên mấy đứa sắp vào đoàn đúng không?"
Tống Khởi Vân: "Vâng, có chuyện gì hả bố?"
Ông Đậu: "Bố nhờ mày làm một chuyện. Mày nhớ quay Lan Hà gầy đi đấy, bố muốn thằng bé ăn nhiều lên tí."
Tống Khởi Vân: "???"
Ông Đậu cân nhắc đến chuyện viết mập lên thì khán giả sẽ không thích, thời buổi này toàn xem mặt cả, nên đành đổi sang chiêu khác.
Ông nhìn Tống Khởi Vân lom lom, Tống Khởi Vân kêu lên: "Con có phải quay phim đâu, mà quay phim chứ đâu phải ma pháp sư..." Kêu được nửa thì thấy mắt ông Đậu, giọng lí nhí: "Thôi được, con sẽ bàn với quay phim và ánh sáng, sẽ cố hết sức."
Ăn uống xong, ông Đậu đích thân tiễn cả hai ra đầu ngõ, đúng lúc gặp một hàng xóm đi về. Bà hàng xóm này mặc bộ đồ thời dân quốc vạt cân đối kiểu cách tân, tóc hoa râm, trông rất có khí chất.
Ông Đậu nhỏ giọng nói với Lan Hà: "Đấy là một hương đầu, cháu biết người đỉnh tiên không?"
Lan Hà: "... Cháu có nghe nói ạ."
Ông Đậu hóng hớt lắm: "Ban đầu bà ấy không sống ở đây đâu, bà kiêu kỳ lắm, từ chồng đến con trai đều nương nhờ bà cả. Lúc mới chuyển tới, tín chúng còn đến dâng hương, một ngày kiếm hơn bảy vạn vào túi!"
Lan Hà: "Trời ơi."
Mặc dù nay là thời đại phục tức của quỷ thần và các pháp sư, nhưng nếu pháp sư lăn lộn và gây dựng được quyền uy tốt trong thời đại "vô pháp sư" này thì vẫn kiếm được bộn tiền.
Chỉ là so với quá khứ thì còn khuya mới bằng. Chẳng hạn ngày xưa Bắc Kinh có câu, hòa thượng trong kinh, quan ra phía ngoài. Quan viên ra khỏi kinh đô thì oai đấy, nhưng ở trong kinh thành thì phải kể đến sự lợi hại của hòa thượng.
Ngày ấy cả cái Bắc Kinh có danh sách ngót nghét hơn hai nghìn chùa miếu, đạo quán, các nhà sư và quan lại quyền quý qua lại với nhau, ngay cả người trong cung cũng hết sức kính trọng, hằng năm triều đình còn trích tiền cho miếu chùa.
Tín ngưỡng Tứ Đại Môn thời ấy phải nói là thịnh vượng, chúng có hẳn nơi cung phụng trong Tử Kim Thành. Trong cung gọi Hồ, Hoàng, Bạch, Liễu là "Thần điện", truyền thuyết về thần điện nhiều vô số kể. Nếu thái giám muốn đi vào một điện phủ vắng người, phải hô "Mở điện" để tránh ᴆụng chạm đến thần điện. Cho đến ngày nay, khi nơi đó trở thành viện bảo tàng rồi, các nhân viên thế hệ trước vẫn giữ thói quen này.
Dĩ nhiên đó đều là chuyện từ xa xưa, hiện nay hương đầu kia bước lại chào hỏi ông Đậu.
Hương đầu xách hoa quả, lấy một quả đào cho Lan Hà.
Anh ngẩn người, bà không đưa cho hàng xóm là ông Đậu mà đưa cho mình tức là sao. Anh chần chừ: "Cảm ơn bà ạ, bà khách sáo quá, không cần đâu ạ..."
Ông Đậu cũng bất ngờ lắm. Kể từ khi bà hàng xóm này chuyển đến, bà chưa bao giờ gần gũi với ai.
Hương đầu phất tay: "Ta kính trọng thân phận của cậu, chúng ta coi như cùng một hệ."
Tim Lan Hà đánh cái thịch, nín thở nhìn bà với vẻ cảnh giác. Hồ Bảy Chín và Bạch Ngũ đã ẩn nấp kĩ càng, lẽ nào đây là một cao nhân, nhìn là biết thân phận của anh hệt pháp sư Bất Động? Bà ấy nói ra là có ý gì, muốn làm quen?
Ông Đậu cũng nhìn anh đầy thắc mắc...
Hương đầu cười tủm tỉm: "Ta biết cậu là đại sứ quảng bá khu du lịch núi Diệu Cảm, ta là tín chúng ở đó."
Lan Hà: "......"
Những người khác, hồ ly, nhím: "......"
Đệt, mém tí quên béng mất. Phải phải, khu du lịch núi Diệu Cảm có bán sỉ một đại sứ quảng bá cho mình.
Anh nhận quả đào: "Vậy ạ... Ha ha, cảm ơn bà ạ."
"Vất vả cậu rồi." Hương đầu nói xong bèn cất bước thong thả như tiên, tưởng như đang bay.
Ông Đậu hạn hán lời, lầu bà lầu bầu, còn tưởng gì.
Chào ông Đậu và đi xong, anh mới thở phào: "Em giật hết cả mình, tưởng là một cao cao cao cao nhân... Đại sứ quảng bá khu du lịch núi Diệu Cảm còn có công dụng này hở anh?"
Tống Phù Đàn suy nghĩ, "Nói cho cùng hiện nay hương khói trên núi Diệu Cảm đa phần là dựa vào khách du lịch, nghĩa là đại sứ quảng bá du lịch thực ra còn có tác dụng lớn hơn các hương đầu, đối xử tốt với em cũng là chuyện thường."
Lan Hà: "..."
... Thôi được, nhưng đừng bảo giờ các hương đầu Tứ Đại Môn đều biết mình nha?
...
Bên Tống Khởi Vân lục tục hoàn thành công tác chọn vai, Lan Hà cũng bắt đầu gói ghém đồ đạc chuẩn bị vào đoàn. "Quỷ thú" phải quay tầm ba tháng, bao gồm lê lết đi vùng khác lấy cảnh.
Lan Hà lên mạng đặt giấy vàng giấy bạc để gấp đĩnh vàng, chuẩn bị đưa đi đoàn phim.
Ứng Thiều cũng đang nhận đơn đặt hàng dưới tầng, anh ôm một thùng giấy vàng giấy bạc, thấy gã định chào thì có người đã xông lên trước, mời chào Ứng Thiều: "Chào anh, tôi sống ở tầng ba, bán quan tài, đó giờ luôn chú ý đến anh..."
Người giao hàng: "???"
Lan Hà cũng rất muốn cười. Anh có thể hiểu đại khái mọi chuyện rồi, nhưng nom cái dáng sét đánh của anh chàng giao hàng thú vị phết.
Ứng Thiều kết tủa lời: "Anh đừng nói như ngày nào tôi cũng tìm đường ૮ɦếƭ vậy."
"A ha ha, không phải, tôi chỉ đùa cho vui thôi." Cư dân tầng ba nói, "Với cả tôi thật sự muốn hỏi anh muốn mua hàng không, chất lượng hàng nhà tôi cao lắm, ngoài vòng hoa còn bán áo liệm nữa..."
Lúc này Ứng Thiều mới nhìn thấy Lan Hà ôm thùng và đôi mắt ngậm cười kia. Gã toát mồ hôi hột: "Cảm ơn anh, tôi không mua đâu, tôi có nhà buôn cố định rồi."
Hàng xóm tầng ba thất vọng khôn xiết, anh ta cũng muốn vét âm môn, kiếm tiền người ૮ɦếƭ mà khổ cái là không có tài, nên rất muốn hợp tác với một tiên sinh như Ứng Thiều, hàng đặt bán có thể đắt hơn nhiều.
Ứng Thiều trốn vào thang máy, thấy Lan Hà đi tới lại muốn nhường thang máy cho anh. Anh ra hiệu không cần, vào trong bèn nói: "Chào anh, tôi bán minh tệ, chú ý anh lâu rồi..."
Ứng Thiều: "..."
Gã dở khóc dở cười, "Đừng đùa tôi nữa."
Anh cười khúc khích, "Làm ăn ngon nghẻ chứ? Đừng run như cầy sấy thế, hai ngày nữa tôi phải vào đoàn rồi."
Thang máy đến nơi, anh vừa mới đẩy cửa nhà ra thì điện thoại đổ chuông, là cuộc gọi video của Trần Tinh Dương. Anh nghe: "Hi anh."
Anh nghĩ bụng, vì sao Trần Tinh Dương lại gọi đến nhỉ, hình như dạo này đang ghi hình cho chương trình mà ta.
"Chào cậu. Anh hỏi cậu này, hàng xóm cậu... đại sư kia, có nhà không?" Trần Tinh Dương hỏi với giọng gấp gáp.
"Có ạ, em mới gặp anh ấy." Anh đáp.
"Cậu giới thiệu hộ anh với, anh có việc muốn hỏi nhờ ngài ấy." Hiện nay Ứng Thiều đang nổi rần rần, Trần Tinh Dương biết gã, cũng biết gã là hàng xóm của Lan Hà.
"Được chứ." Anh bảo anh ta đợi một lát, Tống Phù Đàn sang phòng đối diện gọi Ứng Thiều.
Trần Tinh Dương nghe hắn có mặt ở đó bèn tặc lưỡi liên hồi.
Lan Hà hỏi anh ta: "Anh làm gì vậy? Muốn nuôi tiểu quỷ phỏng?"
Trần Tinh Dương: "..."
Trần Tinh Dương: "Anh thà tìm cậu học nuôi cổ còn hơn!"
Anh cười ngặt nghẽo.
Trần Tinh Dương đắn đo một chốc rồi nói: "Thôi, anh không kể vụ này cho cậu nghe đâu, cậu là người theo thuyết vô thần duy nhất trong giới có thể bảo vệ anh mà!"
Lan Hà: "..."
Ứng Thiều thấp thỏm đi vào cửa, "Thưa ngài, có chuyện gì không ạ?"
Trần Tinh Dương thắc mắc: "Sao ngài ấy lại gọi cậu là ngài?"
Mặt gã trắng bệch, gã không biết Lan Hà đang nói chuyện video, nghĩ bụng bóc clone của ngài Đến thì thảm rồi.
Cũng may Lan Hà bình tĩnh hơn gã tưởng, chẳng cần nghĩ đã đáp: "Là ông ngoại* cơ. Anh ấy đánh bài thua nên phải gọi em là ông ngoại một ngày."
(*Ứng Thiều gọi Lan Hà là 老爷 |lǎoye|, Lan Hà đáp lại là 姥爷 |lǎoye| phát âm y hệt nhau, nghĩa na ná thôi.)
Ứng Thiều: "..."
"À." Trần Tinh Dương chả nghi ngờ gì nữa, anh ta biết thừa Lan Hà là vua đánh bài. "Vậy, tiên sinh à, tôi muốn xin ý kiến một việc... Ngài có biết giải mộng không?"
"Biết sơ sơ." Gã nhìn sang Lan Hà, đáp cẩn thận.
Trần Tinh Dương nảy sinh thiện cảm ngay tắp lự. Anh ta biết một số tiên sinh suốt ngày chém gió thành bão, tưởng như Ngọc Hoàng Đại Đế là thân thích nhà họ không bằng, chẳng được thật thà như tiên sinh này, "Thế Lan Hà ơi, để anh với tiên sinh nói chuyện riêng nha."
Tống Phù Đàn hết hứng với vụ này, chả liên quan đến hắn, đoạn đi vào phòng khách, ngồi xuống sofa đơn sửa kịch bản trên máy tính. Lan Hà thì muốn xem xem Trần Tinh Dương bị làm sao, đằng nào cũng là bạn anh.
"Anh cứ nói chuyện như thế này đi." Anh nói, "Em giám sát cho anh khỏi bị lừa tiền."
Ứng Thiều: "..."
Trần Tinh Dương cười khì. Tuy Lan Hà không tin tà nhưng nghe cái giọng là biết nói đùa, "Thôi được, thật ra là tại dạo này anh cứ hay nằm mơ, nó xảy ra thường xuyên lắm. Anh mơ thấy mình mặc Đường trang, thi thoảng lại là âu phục cài hoa đỏ thẫm. Ngoài căn biệt thự ba tầng rất to là một cây cầu, có một cô gái bung dù đi lại từ đầu bên kia, khi thì mặc váy cưới, khi thì mặc lễ phục kiểu Trung Quốc, mỗi lần mỗi cô với vẻ ngoài khác nhau. Sau đó có người thì thầm, anh sẽ tay trong tay cầm lụa đỏ đi bái đường với cô dâu, còn được trao giấy hôn thú nữa. Kết hôn với những người khác nhau trong mơ một cách thường xuyên nên anh hoài nghi, đây chả phải trùng hôn thì là gì? Đương nhiên anh đã tỉnh dậy trước khi động phòng! Lễ vừa dài vừa mệt!"
Trần Tinh Dương chưa kết hôn, hiện cũng chưa có bạn gái. Lan Hà mới nghe, tưởng là anh ta ngày nghĩ gì đêm mơ nấy. Nhưng nếu là vậy thì Trần Tinh Dương đâu cần tìm đến Ứng Thiều.
Quả nhiên anh ta nói do hay gặp giấc mơ này, sau khi tỉnh người mệt rũ rượi, cảm thấy quái quái, thành thử sau đó anh ta cố gắng quan sát một số chi tiết trong mơ.
"Lúc đi qua cầu lại có tiếng người văng vẳng, anh vểnh tai nghe kĩ mới rõ. Giọng nói kia như đang bảo: Hai cầu âm dương vừa dài vừa rộng, một cầu tiện âm, một cầu tiện dương..." Trần Tinh Dương nuốt nước miếng, "Khi ấy, đang mơ mà người anh lạnh toát, tỉnh tỉnh mê mê đi vào biệt thự. Anh lên tầng ba nhìn ra ngoài, kết quả phát hiện xung quanh toàn mộ, địa điểm kết hôn trên giấy hôn thú là một nghĩa trang nào đó!"
Kế đó, Trần Tinh Dương choàng tỉnh. Anh ta cứ thấy bất thường, còn lén chạy đến nghĩa trang trong mơ xem.
"Anh đã nhìn thấy gì?" Ứng Thiều hỏi.
Lan Hà cũng nhìn anh ta.
Trần Tinh Dương trưng biểu cảm rất phức tạp, pha lẫn cả nỗi hoảng sợ: "Giống hệt như mơ, nhưng đấy là lần đầu anh đi đến chỗ đó! Điều càng hãi hùng hơn nữa là anh nhìn thấy một số người bán hàng rong thất đức đang bán giấy hôn thú âm phủ của các sao. Anh nhìn thấy giấy của anh có dán ảnh và ghi tên anh, bên còn lại có thể dán ảnh họ rồi đốt. Tờ hôn thú này y như đúc cái anh nhìn thấy trong mơ."
Lan Hà sởn tóc gáy, "Vậy những sao khác có giấc mơ tương tự không nhỉ?"
Anh ta ỉu xìu: "Anh đang muốn hỏi cậu đó, tại người bán hàng đó bảo anh là dạo gần đây, người đứng đầu bảng tiêu thụ là cậu..."
Lan Hà: "..."
Tống Phù Đàn, người mới đầu tưởng chuyện không liên quan đến mình: "???"