Thật ra tôi thấy anh giàu như thế, không cần kiếm tiền cũng chẳng cần nấu nướng thì vợ anh cũng đã đủ ăn sung mặc sướиɠ rồi. Với lại đàn ông như anh bẩm sinh đã đủ hoàn mỹ, hoàn mỹ thêm nữa thì người ta sẽ có cảm giác với mãi không tới mà thôi.
Tôi gật đầu ra vẻ đồng tình, nửa đùa nửa thật nói với anh:
– Có chí tiến thủ.
– Đa tạ.
Hiếm khi chúng tôi có thể nói chuyện với nhau thoải mái như thế, thành ra không khí trong bếp bỗng nhiên cũng trở nên thoải mái vui vẻ. Vũ xếp mấy đĩa thức ăn lên bàn rồi quay sang bảo tôi:
– Lần đầu tiên anh nấu mấy món này, không biết có ăn được không, nếu bụng có vấn đề gì thì lát nữa bảo anh mua men tiêu hoá cho nhé.
– Vâng. Để em làm chuột bạch cho anh thí nghiệm, em tốt bụng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, chắc là không sao đâu.
Lần này anh bật cười:
– Thế anh yên tâm rồi. Ăn cơm thôi.
Trưa hôm đó tôi với anh nói rất nhiều chuyện, tôi hỏi anh bây giờ đang làm gì, công việc có vất vả không. Anh hỏi tôi ôn thi đến đâu rồi, định đăng ký vào khoa gì, học tiếng Anh có tiếp thu được nhiều không? Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh rất nhiều chủ đề, rất nhiều người ở quê, thế nhưng duy chỉ có chuyện hôn nhân của cả hai là tuyệt nhiên không một ai nhắc đến.
Buổi chiều anh đi làm, bác Hòa từ quê lên mang theo rất nhiều quà, còn không quên để dành riêng cho tôi mấy hộp bánh đậu xanh Hải Dương với cả một ít tôm nõn. Tôi định không nhận nhưng bác ấy cứ nhất quyết đưa cho tôi bằng được, còn nói:
– Bác về ít ngày, nhà lại có việc nên chỉ mang lên được từng này thôi. Quà quê đấy, không tốn tiền mấy đâu, nhận đi không phải ngại.
– Bác cho cháu nhiều thế, cháu lấy một hộp bánh đậu xanh thôi.
– Ơ kìa mày giúp bác mấy ngày nay, bác cho thế này là ít đấy. May mà thằng Vũ nó ưng cháu nấu nướng chứ không bác cũng chẳng biết nhờ ai.
– Anh Vũ ấy ạ?
– Ừ. Hôm bác về bác nói với nó là mày đến mà, nó đồng ý luôn. Bình thường là toàn bảo bác về đi, cháu ăn bên ngoài cũng được. Thế mà lần này lại chịu khó về nhà cơm, chứng tỏ nó thích ăn đồ cháu nấu đấy.
Nói xong câu ấy bác Hòa lại thở dài, vẻ mặt phấn khởi lúc nãy cũng bắt đầu trở nên buồn buồn:
– Rõ khổ thân. Bố mẹ nó buôn bán bên Nga bao nhiêu năm nay, bảo nó sang thì nó không sang, nó bảo bà nội còn ở đây nên nó cũng nhất định ở lại bên này. Giờ bà mất rồi mà nó cũng có sang đâu, suốt ngày cứ đi đi về về một mình, bác không nấu thì toàn ăn ở ngoài hoặc ăn mì. Người ta có bố có mẹ đầm ấm, đây có bố mẹ cũng như không.
– Sao lại thế hả bác? Sao anh ấy không sang Nga ạ?
– Bác làm cho nhà nó từ năm tám chín ấy (1989), đến năm 94 (1994) thì bố mẹ nó sang Nga làm ăn, thằng Vũ lúc ấy cũng mới chín tuổi, theo bố mẹ sang đó mấy năm rồi tự nhiên một mình quay về. Mà cháu biết về làm gì không? Ông nội nó lúc đó mất, chỉ còn mình bà nội nó ở Nam Định thôi, mà bảo mãi bà nó cũng không sang Nga nên nó về với bà nó.
Thì ra việc anh ở với bà nội và đi học muộn hơn bình thường hai năm là vì thời gian trước Vũ ở bên Nga. Chẳng trách Vũ tự nhiên lại về một nơi hẻo lánh như ở quê tôi để học, mà ở trường không có ai biết tý thông tin gì về anh cũng vì thế.
Tôi gật đầu:
– Vâng, anh ấy có vẻ thương bà bác nhỉ?
– Ừ. Nó học xong cấp 3 thì bà cũng mất, nhưng rồi chẳng hiểu tại sao bà mất rồi mà nó vẫn nhất định không đi, cứ ở lì ở đây.
– Chắc bố mẹ anh ấy đi mấy năm nữa cũng về hẳn chứ hả bác?
– Không. Định cư luôn bên đó rồi, nhà này vẫn thuê bác dọn dẹp, sau rồi thằng Vũ lên thì nó ở đây luôn.
Khi đó tôi không nghĩ nhiều, cũng đoán đại khái là anh có lý do gì đấy hoặc quen ở Việt Nam rồi nên mới không sang Nga với bố mẹ, thế thôi. Tôi cười cười, nói đùa với bác Hoà:
– Anh ấy cưới vợ rồi, kiểu gì cũng có người ở cùng cho ấm cửa ấm nhà ấy mà. Lúc đó bác tha hồ bế cháu nhé.
– Nghe nói nhà con bé đó cũng sang Nga với bố mẹ thằng Vũ ấy, nhưng mà bố mẹ con bé đó về trước, giờ hai nhà mai mối cho hai đứa lấy nhau đấy chứ. Bác thấy con Thúy cũng được, mỗi tội nhà giàu thế chẳng biết có biết cơm nước, làm việc nhà gì không.
– Có bác dạy là biết ngay. Bác nấu ăn ngon thế cơ mà.
– Ôi cái con này, khéo mồm thế chắc chồng yêu lắm đây hả?
Lúc tôi nộp hồ sơ xin việc, để tránh phiền phức nên vẫn ghi vào ô quan hệ hôn nhân là đã kết hôn rồi. Bác Hòa vẫn tưởng tôi có chồng nên đùa thế, còn tôi thì chỉ cười trừ:
– Vâng. Thôi cháu về để tối đi học tiếng Anh đây bác ạ. Khi nào rỗi có dịp sang đây, cháu đến thăm bác nhé.
– Ơ từ đã, mày làm mấy ngày nay, phải trả công cho mày chứ. Đứng đây đợi bác lát đã.
– Thôi cháu không lấy tiền đâu bác ơi. Cháu có làm gì đâu, nấu mấy bữa cơm thôi.
– Cái này không lấy không được nhé, mày cứ đứng ở đây đợi bác.
Nói rồi bác Hòa chạy vào phòng, tôi cứ tưởng bác ấy lấy tiền nhưng không ngờ lát sau bác ấy quay lại, lại đưa cho tôi một chiếc voucher học tiếng anh miễn phí ở ngay Mipec Long Biên.
– Cái này là bạn thằng Vũ làm giảng viên ở đấy nên tặng nó. Bác thì chả hiểu gì về tiếng anh nhưng nghe nói chỉ cần có cái này là được vào học miễn phí đấy. Thầy cũng toàn người nước ngoài nữa, cháu cầm lấy rồi học cho đỡ mất tiền.
Nhìn chiếc voucher màu xanh mà bác Hòa cầm, tự nhiên tôi cảm thấy cực kỳ xúc động, sống mũi trở nên cay xè. Anh lúc nào cũng chu đáo cẩn thận như thế, biết nếu trả tiền cho tôi thì mối quan hệ của tôi với anh đương nhiên thành người thuê – kẻ bị thuê, lúc đó thân phận rạch ròi với nhau, tôi kiểu gì cũng sẽ thấy mặc cảm. Thế nên Vũ mới đưa cho tôi chiếc voucher miễn phí này, vừa để tiết kiệm tiền cho tôi, vừa giúp tôi có được điều kiện học hành tốt nhất mà không phải ngại với anh, tôi không có lý do gì để từ chối cả.
Bác Hòa thấy tôi đứng thần người ra suy nghĩ lại tưởng tôi không muốn nhận, lại dúi voucher vào tay tôi:
– Cầm lấy mà đi học chứ. Cái này không mất tiền, với cả để ở đây cũng có làm gì đâu, bằng cấp của thằng Vũ treo đầy nhà rồi, bác thì biết quái gì tiếng anh tiếng em đâu. Cháu nhận lấy rồi cố học cho tốt vào, đừng có phụ tấm lòng của thằng Vũ.
Tôi bật cười, sau đó cũng cầm lấy voucher trong tay bác Hòa:
– Cháu biết rồi ạ. Cháu cảm ơn bác. Bác cho cháu gửi lời cảm ơn anh Vũ nữa ạ.
– Học ở ngay Mipec, cách đây có một đoạn thôi, lúc nào rỗi thì qua nhà chơi với bác nhé.
– Vâng ạ, kiểu gì cháu cũng qua.
Hôm đó, tôi không chờ anh tan làm mà tạm biệt bác Hòa rồi về bên Mỹ Đình luôn. Lần này ngồi trên xe bus trở về, tôi đã không còn cảm giác chua chát như lúc cầm tiền lương thử việc nữa mà cảm thấy rất nhẹ nhàng thoải mái, cũng giống như chiều mưa năm xưa đã nhận lấy chiếc ô mà anh đưa. Sau bao nhiêu năm gặp lại tôi mới nhận ra rằng, dẫu anh cho tôi bất cứ thứ gì, anh cũng có đủ khả năng khiến tôi đón nhận mà không cảm thấy đó là gánh nặng. Và đó cũng là điều mà tôi cảm thấy kính phục nhất và cũng là rung động vì anh nhất trong suốt những năm quen biết nhau.
Chúng tôi từng gặp gỡ rồi chia xa, chia xa rồi lại gặp lại, hôm nay không nói lời tạm biệt cũng tốt, ít ra thế này tôi và anh không phải khó xử mà tôi thì có thể vẫn biết anh ở đâu, biết anh vẫn sống cuộc đời tốt đẹp. Chỉ thế thôi là tôi vui rồi.
Mơ mộng nhiều cũng có thành hiện thực được đâu, có phải không?
***
Nửa tháng sau, tôi đến trung tâm tiếng anh ở Mipec Long Biên để học theo chương trình trên voucher miễn phí mà Vũ đã cho tôi.
Khi nộp voucher cho lễ tân, cô ấy cứ nhìn đi nhìn lại tôi từ đầu đến chân mấy lượt rồi mới niềm nở đứng dậy:
– Người may mắn lắm mới có chiếc voucher này đấy. Bên em chỉ phát hành có đúng một cái này thôi.
– À vâng. Thế ạ.
– Vâng. Từ khi thành lập trung tâm đến giờ, tặng voucher nhiều nhưng voucher miễn phí toàn phần như chị thì chưa có tiền lệ. Chị may mắn thế thì nhất định phải học hết chương trình đấy nhé, bỏ buổi nào là tiếc lắm đấy.
– Vâng, em cảm ơn chị ạ.
– Chị tên gì để em ghi vào danh sách?
– Em tên Đỗ Ngọc Phương chị ạ.
– Chị có mang theo chứng minh thư không? Đi theo em đến bàn làm thủ tục rồi nhập học nhé.
– Vâng, có ạ.
Tôi đưa chứng minh thư cho bên trung tâm làm thủ tục nhập học, không phải nộp bất kỳ một khoản lệ phí gì cả mà được sắp xếp lớp học luôn. Tôi học ca từ hai giờ cho đến năm giờ chiều, thời gian trống còn lại tôi xin bán quần áo cho một shop ngay trên đường Ngọc Lâm, cách chỗ học tiếng anh mấy trăm mét. Khi đó sáng tôi đi làm, chiều đi học, tối lại tranh thủ ôn thi đại học, mà ở bên Mỹ Đình thì xa nên tôi thuê một phòng trọ bên này rồi chuyển hẳn sang ở để tiết kiệm chi phí và đỡ phải ngồi xe bus đi đi lại lại.
Cuộc sống của tôi cứ bình bình trôi đi như thế, không có bạn bè, không có người thân, cũng không gặp lại Vũ. Tôi luôn tự nhủ mình rằng người đàn ông ấy là người mà tôi mãi mãi không bao giờ có thể với tới, từ giờ về sau phải tìm cách quên đi thôi. Thế nhưng, khi tôi học tiếng Anh thì lại luôn chọn vị trí ngồi gần cửa sổ, thỉnh thoảng giả vờ như vô thức nhìn xuống ngã ba đường ngay dưới chân Mipec, không kìm được lòng mình mà vẫn cứ luôn mong đợi một lần tình cờ có thể nhìn thấy xe của anh đi qua.
Tôi biết anh đi làm sẽ luôn phải đi qua con đường này nên bao giờ cũng ngồi trên cao nhìn xuống chờ đợi, thế nhưng ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác cũng chưa từng nhìn thấy xe anh một lần nào. Có hôm, tôi đang ngơ ngơ ngẩn ngẩn nhìn đường thì có người vỗ vai bộp một cái khiến tôi giật mình, suýt nữa hét ầm lên.
– Làm gì mà ngây người ra nhìn đường thế, cậu chờ anh nào à?
Ngồi bàn trên tôi là một bạn gái tên là Nhung, ở lớp học hay nói chuyện với tôi nhất. Cậu ấy nhà cũng ngay bên Long Biên này, nghe nói bố mẹ là dân buôn bán nên con cũng giống thế luôn, con gái nhưng sống phóng khoáng và mạnh mẽ khỏi nói.
Tôi quay lại nhìn Nhung, thở hắt ra một hơi dài thườn thượt:
– Giật cả mình. Tớ đang nhìn đường xem có anh nào đẹp trai đi ngang qua không?
– Ở đây đầy trai đẹp nhưng đi ô tô hết rồi, ngắm kiểu này chỉ thấy mấy thằng trẻ trâu nhuộm tóc đỏ chạy Dream chiến thôi.
Nghe cô ấy nói thế, tôi bỗng nhiên bật cười:
– Thế sao cậu không nói sớm. Làm tớ mất công ngắm mấy hôm nay.
– Mấy hôm á? Từ khi học đến giờ hôm nào cậu cũng ngắm chứ có phải riêng mấy hôm nay đâu.
– Sao cậu biết.
– Tớ để ý cậu mà. Mặt cậu viết bốn chữ “tương tư trai đẹp” to đùng kia kìa.
– ૮ɦếƭ thật, sáng nay ngủ dậy quên lau mặt. Lộ hết cả bí mật rồi.
– Thôi bí mật làm gì. Từ giờ tớ làm bạn cậu, chúng ta chia sẻ bí mật đi. Tiện thể chia sẻ trai đẹp luôn. Nộp ảnh đây cho tớ ngắm với.
Bắt đầu từ hôm ấy, tôi với Nhung nói chuyện nhiều hơn rồi dần dần còn rủ nhau đi học, rủ nhau ngắm đường, có hôm giữa giờ nghỉ giải lao cô ấy còn xuống tầng 5 mua mấy ly trà sữa ném cho tôi, bảo tôi uống đi cho no bụng và theo kịp thời đại. Ở Hà Nội rộng lớn này, thật ra tôi rất cô đơn nhưng bản thân lại tự bọc mình vào một chiếc kén, không dám tiếp nhận người nào trở thành bạn bè hay ai đó tiến vào cuộc sống mình. Kể từ sau chuyện của Linh và chồng cũ của tôi, tôi đâm ra sợ hai chữ “bạn thân”, tôi sợ niềm tin và tình cảm của mình lại đặt nhầm chỗ, sợ đến lúc mất đi lại thêm một lần ân hận. Thế nên mối quan hệ của tôi với Nhung thường là cô ấy nói nhiều, tâm sự và bày trò nhiều, còn tôi thì chỉ thường xuyên lắng nghe, đôi khi động viên chứ không chia sẻ bất kỳ điều gì cả.
Bẵng đi một thời gian nữa, hôm ấy là sinh nhật tôi mà lại trúng vào thứ 3, Mipec giảm giá vé xem phim nên tôi quyết tâm bỏ tiền ra mua một chiếc vé, tự thưởng một bộ phim làm quà sinh nhật cho mình.
Giờ trưa rạp phim chỉ có lác đác vài người, mà hầu hết đều là những cặp đôi muốn có không gian riêng tư với nhau nên thường ngồi chỗ tách xa người khác. Tôi cũng chọn một chiếc ghế trống ở riêng một góc vắng lặng rồi ngồi xuống, chăm chú xem từ đầu đến cuối. Bộ phim chiếu hôm ấy là phim tình cảm hiện đại, nam chính và nữ chính là một đôi thanh mai trúc mã lớn lên từ nhỏ bên nhau, sau này nam chính đã phản bội lại tình yêu của nữ chính để kết hôn với chính bạn thân của cô ấy. Cuối cùng, dù bị tổn thương như thế nhưng nữ chính vẫn chấp nhận hiến đôi mắt của mình cho nam chính, đổi cho anh ấy một cuộc đời hạnh phúc, sau đó bỏ đi đến một vùng biển hẻo lánh, sống cô đơn đến cuối đời.
Xem đến những phân cảnh cuối, tự nhiên tôi lại nghĩ đến bản thân mình bây giờ, dù không có ý định hy sinh gì cho chồng cũ và bạn thân cũ cả, nhưng cuộc sống hiện taii của tôi có lẽ cũng không khác cô gái kia là mấy. Đều từng bị tổn thương, đều phải sống cô đơn, và đều yêu đơn phương một người không thể yêu nữa.
Lúc ấy, cảm xúc bỗng nhiên ùa đến làm tôi không kìm chế được, cứ thế ngồi khóc tu tu giữa rạp, khóc giống kiểu vừa tủi thân vừa tức tưởi, cũng may xung quanh không có ai ngồi cạnh, nếu không kiểu gì họ cũng tưởng tôi bị dở hơi.
Đúng lúc đang khóc ngon lành thì bỗng nhiên có một tờ khăn giấy chìa đến trước mặt, tôi thì nước mắt nước mũi vẫn đang nhòe nhoẹt nên cũng chẳng kịp nhìn xem là ai đưa, chỉ sụt sịt nói một câu “cảm ơn” rồi cầm lấy lau nước mắt.
Cầm giấy trong tay khóc thêm một lúc nữa, đến khi thoát khỏi nhập tâm bộ phim rồi tôi mới chợt nhớ ra người đã đưa cho tôi mấy tờ giấy, sau đó thử ngoái đầu lại nhìn, cuối cùng phát hiện ra Vũ ngồi ngay sau hàng ghế của tôi.
Tôi ngạc nhiên đến ngẩn cả mặt ra nhìn anh, chẳng hiểu tại sao anh lại xuất hiện ở đây, còn ngồi ngay sau lưng tôi như thế được. Tôi có mơ không nhỉ? Hay là khóc quá nên mắt bắt đầu có vấn đề rồi?
Vũ thấy tôi tròn mắt nhìn mình mà không nói được câu nào, có vẻ cũng hơi buồn cười. Anh đưa thêm một chiếc khăn giấy nữa cho tôi rồi nói:
– Lớn rồi ai lại ngồi khóc như thế.
– Anh, sao anh lại ở đây?
– Trưa nay anh ký hợp đồng ở gần đây, tiện đường nên vào Mipec xem phim luôn. Hôm nay thứ ba được giảm giá mà.
– À vâng.
Lúc ấy tôi cũng không nghĩ nhiều mà cứ tưởng anh tiện đường thật. Mãi bây giờ nghĩ lại mới thấy kiểu tiện đường này cũng kỳ thật đấy, sao anh không tiện đường về nhà ăn cơm mà lại tiện đường vào hẳn hầm gửi xe của Mipec, sau đó tiện đường lên tầng 6, mua vé xem phim rồi vào rạp này tình cờ ngồi ngay sau lưng tôi?
Vũ lấy một hộp bỏng ngô ở bên ghế rồi đưa cho tôi, anh bảo:
– Anh mua bỏng ngô nhưng mải xem phim quá, chưa kịp ăn. Em có ăn không?
Tôi nửa đùa nửa thật:
– Cái này cũng là đồ giảm giá thứ 3 hả anh?
– Không, miễn phí đấy. Anh đi xem phim, tích điểm để đổi bỏng ngô miễn phí mà.
– Thế từ giờ về sau cái gì anh chịu khó tích điểm vào nhé, em ăn đồ miễn phí hộ cho.
– Thật không? Bụng có đủ sức ăn không đấy?
– Có chứ. Nhìn em thế thôi nhưng ăn được hơi bị nhiều đấy.
Nghe tôi nói thế, anh bỗng nhiên đứng dậy, dúi túi bỏng ngô vào tay tôi rồi nói:
– Thế thì đi thôi. Hôm nay Kichi Kichi ở tầng 4 đang khuyến mãi, hai người ăn được khuyến mại một suất. Em để dành bụng đi, mình đi ăn đồ miễn phí.