Phi Lý Trí - Chương 11

Tác giả: Dan Ariely

Vấn đề của sự trì hoãn và tự kiểm soát
Tại sao chúng ta không thể bắt mình làm những việc chúng ta muốn làm?
Bên cạnh thực trạng hiện nay của Mỹ - những ngôi nhà lớn, ô tô to và cả những chiếc tivi Plasma màn hình lớn - là sự xuất hiện của một hiện tượng khác: sự sụt giảm lớn nhất về tỷ lệ tiết kiệm cá nhân kể từ cuộc Đại khủng hoảng.
(Đại khủng hoảng: là thời kỳ suy thoái kinh tế bắt đầu sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Phố Wall vào 29-10-1929, còn được biết đến như Ngày thứ ba đen tối, sau đó lan rộng ra toàn châu Âu và thế giới.)
Cách đây hai mươi lăm năm, tỷ lệ tiết kiệm của người dân Mỹ luôn là một con số có hai chữ số. Năm 1994, tỷ lệ này là gần 5%. Nhưng tới đầu năm 2006, tỷ lệ này ghảm xuống dưới 0, còn -1%. Người Mỹ không những mất thói quen tiết kiệm mà họ còn tiêu nhiều hơn mức mình kiếm ra. Người châu Âu làm việc này tốt hơn rất nhiều - họ tiết kiệm được trung bình 20%. Tỷ lệ của Nhật là 25%. Trung Quốc là 50%. Vậy có chuyện gì với Mỹ vậy?
Tôi cho rằng câu trả lời là người Mỹ đầu hàng chủ nghĩa tiêu dùng quá mức. Nhìn vào sự thay đổi diện tích nhà kho trong các ngôi nhà ở Mỹ theo thời gian sẽ thấy rõ điều đó. Ví dụ, ngôi nhà cúa chúng tôi tại Cambridge, Massachusettes được xây vào năm 1890. Nó không có kho chứa đồ nào. Những ngôi nhà được xây vào thập kỷ 1940 có kho đủ lớn để có thể đứng trong đó. Nhà kho của thập kỷ 1970 rộng hơn một chút, có lẽ là đủ sâu cho một cái nồi làm món nhúng thịt, một hộp đựng đĩa tám giá và một vài cái váy nhảy disco. Nhưng nhà kho hiện nay lại hoàn toàn khác. “Kho đi lại”, có nghĩa là bạn có thể bước vào và đi được một quãng. Cho dù những nhà kho này có sâu tới đâu, người Mỹ vẫn luôn tìm cách để chất đầy đồ trong đó.
Một câu trả lời khác - nửa còn lại của vấn đề - là sự bùng nổ về tiêu dùng tín dụng trong thời gian gần đây. Một gia đình người Mỹ trung lưu hiện nay có sáu thẻ tín dụng (chỉ trong năm 2005, người Mỹ đã nhận được 6 tỷ thư mời sử dụng thẻ tín dụng). Đáng sợ là, số nợ của những gia đình trung lưu trên loại thẻ này là 9.000$ và 7/10 hộ gia đình vay mượn bằng thẻ tín dụng để trang trải các chi phí sinh hoạt như thực phẩm, các loại dịch vụ công cộng và quần áo.
Vậy có phải sẽ khôn ngoan hơn nếu người Mỹ học cách tiết kiệm như cả thế giới vẫn làm, bằng cách chuyển một ít tiền mặt vào cái lọ đựng kẹo và trì hoãn một số khoản mua sắm cho đến khi họ có thể thanh toán? Sao chúng ta không thể tiết kiệm một phần tiền lương? Tại sao chúng ta không thể kháng cự lại những khoản mua sắm? Tại sao chúng ta không thể vận dụng một số cách kiểm soát dù đã cổ điển nhưng vẫn hiệu quả?
Hầu hết chúng ta đều hiểu tất cả những điều đó. Chúng ta hứa sẽ tiết kiệm cho quãng thời gian nghỉ hưu, nhưng lại tiêu tiền cho kỳ nghỉ. Chúng ta tuyên bố sẽ ăn kiêng, nhưng lại đầu hàng trước sự cám dỗ của chiếc xe chở đồ tráng miệng đi qua. Chúng ta hứa sẽ kiểm tra nồng độ Cholesterol thường xuyên và sau đó lại hủy cuộc hẹn khám bệnh.
Chúng ta sẽ mất những gì khi chệch khỏi những mục tiêu lâu dài? Sức khỏe của chúng ta bị ảnh hưởng ra sao do những lần hủy hẹn khám và do thiếu vận động? Tài sản của chúng ta bị giảm sút thế nào khi chúng ta bỏ quên lời cam kết tiết kiệm nhiều hơn và tiêu ít đi? Tại sao chúng ta thường xuyên thất bại trong cuộc chiến chống lại sự trì hoãn như vậy?
Trong chương 5 chúng ta đã thảo luận về sự hưng phấn khiến chúng ta nhìn thế giới từ một góc độ khác như thế nào. Trì hoãn trong tiếng Anh được viết là procrastination, xuất phát từ tiếng Latinh: pro có nghĩa là cho, cras có nghĩa là ngày mai. Khi chúng ta hứa sẽ tiết kiệm tiền hay tập thể dục và để mắt tới chế độ ăn, lúc đó chúng ta đang trong trạng thái thoải mái.
Nhưng rồi dòng nham thạch cảm xúc nóng bỏng trào đến: khi hứa tiết kiệm, chúng ta nhìn thấy một chiếc ô tô mới, một chiếc xe đạp leo núi, hay một đôi giày chúng ta phải có. Ngay khi chúng ta lên kế hoạch tập thể dục thường xuyên, chúng ta lại tìm ra lý do để ngồi cả ngày trước vô tuyến. Còn việc ăn kiêng thì sao? Mình sẽ ăn miếng bánh sô-cô-la đó và bắt đầu ăn kiêng nghiêm chỉnh vào ngày mai. Từ bỏ các mục tiêu lâu dài vì sự thỏa mãn tức thời chính là sự trì hoãn.
Là một giáo sư đại học, tôi cũng đã quá quen với sự trì hoãn. Khi bắt đầu mọi học kỳ, các sinh viên của tôi thường hứa với mình sẽ đọc hết bài đúng hạn, nộp bài đúng hạn, và nói chung, sẽ ở vị trí dẫn đầu trong mọi thứ. Và khi đó tôi bắt đầu quan sát họ khi cám dỗ lôi kéo họ tới các cuộc hẹn hò, tới cuộc gặp mặt của hội sinh viên, tham gia chuyến đi trượt tuyết trên núi - trong khi công việc học tập thì ngày càng bị lãng quên. Cuối cùng, họ kết thúc bằng việc gây ấn tượng với tôi, không phải bằng sự đúng hẹn, mà là với sự sáng tạo - bịa ra những câu chuyện, những cái cớ và bị kịch gia đình để giải thích cho sự chậm trễ của mình.
Sau khi dạy tại MIT được một vài năm, tôi cùng người đồng nghiệp của mình, Giáo sư Klaus Wertenbroch (ông làm việc tại INSEAD, một trường kinh doanh có cơ sở tại Pháp và Singapore) quyết định tiến hành một số nghiên cứu cho thấy gốc rễ của vấn đề, từ đó, có thể đưa ra một biện pháp nào đó để giải quyết điểm yếu thường gặp này. Đối tượng thí nghiệm, lần này là những sinh viên thú vị trong lớp tôi, về hành vi tiêu dùng.
Sáng hôm đó, khi họ đã ổn định chỗ ngồi; các sinh viên lắng nghe tôi giới thiệu quả về chương trình của cả khóa học. Sẽ có ba tiểu luận chính cho học kỳ kéo dài 12 tuần, tôi giải thích. Tổng cộng, ba tiểu luận này sẽ chiếm phần lớn điểm số cuối cùng của họ.
“Hạn nộp là khi nào ạ?” một sinh viên hói. Tôi mỉm cười và trả lời: “Các bạn có thể nộp tiểu luận vào bất kỳ lúc nào trước khi học kỳ kết thúc. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào các bạn”. Các sinh viên nhìn tôi ngơ ngác.
Tôi giải thích: “Còn bây giờ là cam kết. Vào cuối tuần này, các bạn phải đưa lại cho tôi hạn nộp cho mỗi bài tiểu luận. Một khi đã tự xác định hạn nộp, bạn không thể thay đổi”. Những bài nộp muộn, tôi nói thêm, sẽ bị phạt với mức 1% điểm cho mỗi ngày chậm trễ. Sinh viên có thể nộp bài trước hạn, nhưng sẽ không có bất kỳ ưu tiên nào về điểm số.
Nói cách khác, quả bóng đang nằm trong sân của các sinh viên. Liệu họ có tự kiểm soát để chơi trận đấu của mình không?
Gaurav, một sinh viên với giọng nói Ấn Độ hỏi: “Nhưng thưa Giáo sư Ariely, với những hướng dẫn và khuyến khích như vậy, không phải là có ý để chúng em chọn ngày cuối cùng sao?”
Tôi trả lời: “Các bạn có thể làm thế nếu thấy rằng điều đó là khôn ngoan, thì bằng mọi cách, hãy làm như vậy.”
Với những điều kiện này, bạn sẽ làm gì?
Tôi hứa sẽ nộp bài tiểu luận 1 vào tuần ...
Tôi hứa sẽ nộp bài tiểu luận 2 vào tuần...
Tôi hứa sẽ nộp bài tiểu luận 3 vào tuần...
Các sinh viên chọn thời hạn cho mình như thế nào? Một sinh viên lý trí sẽ ấn định hạn cho cả ba bài vào ngày cuối cùng. Trì hoãn thời hạn cho tới phút cuối rõ ràng là quyết định tốt nhất, nếu sinh viên hoàn toàn lý trí. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra, nếu không phải như vậy? Sẽ thế nào nếu họ đầu hàng trước đó và có xu hướng trì hoãn? Sẽ thế nào nếu họ nhận ra điểm yếu của mình? Các sinh viên không lý trí có thể sử dụng thời hạn để buộc mình phải hành động tốt hơn. Họ có thể đặt ra thời hạn sớm và bằng cách đó buộc mình phải bắt đầu làm bài tập sớm hơn trong học kỳ đó.
Các sinh viên của tôi làm gì? Họ chia thời gian nộp bài trong suốt cả học kỳ. Điều này rất tốt, vì nó cho thấy các sinh viên nhận thức được vấn đề của mình là thói trì hoãn và nếu được tạo cơ hội đúng đắn, họ sẽ cố gắng kiểm soát chính minh. Câu hỏi đặt ra là việc này có ích trong việc cải thiện điểm số của họ hay không. Chúng tôi tiến hành các dạng khác của cùng thí nghiệm này tại nhiều lớp khác để so sánh chất lượng các bài tiểu luận trong các điều kiện (lớp) khác nhau.
Sau khi để Gaurav và các sinh viên cùng lớp chọn xong thời hạn cho mình, tôi tiếp tục tiến hành thí nghiệm với hai lớp khác. Ở lớp thứ hai, tôi nói với các sinh viên rằng trong suốt cả học kỳ, họ sẽ không có hạn nộp nào hết. Họ chỉ cần nộp bài vào buổi học cuối cùng. Tất nhiên, họ có thể nộp bài sớm, nhưng không có điểm thưởng cho việc đó. Tôi đã cho họ sự linh động và tự do lựa chọn tuyệt đối. Ngoài ra, họ còn ít có nguy cơ bị phạt do vi phạm hạn nộp.
Ở lớp thứ ba, tôi chỉ định ba hạn nộp cho ba bài tiểu luận, vào các tuần thứ 4, 8 và 12. Ở đây không có chỗ cho sự lựa chọn hay linh động
Trong ba lớp này, bạn nghĩ lớp nào sẽ đạt được kết quả cuối cùng tốt nhất? Có phải Gaurav và các bạn cùng lớp của cậu, những sinh viên có được một chút linh động? Hay là lớp thứ hai, lớp chỉ có một hạn nộp vào cuối kỳ, và do đó có được sự linh động tuyệt đối? Hay là lớp thứ ba, có hạn nộp đã được chỉ định, không có chút linh động nào? Bạn dự đoán lớp nào có kết quả kém nhất?
Khi kỳ học kết thúc, Jose Silva, trợ giảng cho các lớp (bản thân anh là một chuyên gia trong lĩnh vực trì hoãn và hiện là giáo sư Đại học California ở Berkeley) trả bài cho sinh viên. Cuối cùng, chúng tôi cũng có thể so sánh điểm số dựa trên ba điều kiện thời hạn khác nhau. Những sinh viên trong lớp có ba hạn nộp cố định nhận được kết quả tốt nhất; sinh viên trong lớp không có hạn nộp nào có kết quả kém nhất; lớp của Gaurav được phép chọn ba hạn nộp (nhưng sẽ bị phạt nếu không đảm bảo thời hạn đó) có kết quả nằm ở giữa.
Kết quả này gợi lên điều gì? Thứ nhất, các sinh viên thật sự có trì hoãn; thứ hai, việc hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do của họ (các hạn nộp cách đều) là phương pháp tốt nhất để chữa trị căn bệnh trì hoãn của họ. Nhưng phát hiện lớn nhất của chúng tôi là chỉ cần trao cho các sinh viên một công cụ để họ có thể cam kết trước các thời hạn sẽ giúp họ đạt được kết quả tốt hơn.
Nhìn chung, các sinh viên nhận ra được vấn đề của mình và hành động chống lại sự trì hoãn khi được trao cơ hội làm điều đó và đạt được thành công tương đối trong việc cải thiện điểm số. Nhưng tại sao điểm số trong điều kiện tự ấn định thời hạn lại không tốt bằng trong điều kiện độc đoán (khi áp đặt từ bên ngoài)? Tôi nghĩ rằng không phải tất cả mọi người đều hiểu xuhướng trì hoãn của mình. Người ta có thể lập thời hạn cho mình, nhưng không có nghĩa thời hạn đó là tốt nhất để có thể đạt được kết quả cao nhất.
Điều thú vị là, những kết quả này cho thấy, tuy hầu hết mọi nguời có vấn đề với sự trì hoãn nhưng những người nhận thức được điểm yếu của mình sẽ giúp mình vượt qua được điều đó.
Vậy những kết luận này có ý nghĩa gì với cuộc sống hàng ngày? Tại sao chúng ta lại liên tục thất bại trong việc đạt được các mục tiêu lâu dài của mình. Lý do là, không có các cam kết từ trước, chúng ta sẽ gục ngã trước cám dỗ.
Giải pháp cho vấn đề này là gì? Từ những thí nghiệm tôi miêu tả ở trên, kết luận rõ ràng nhất là khi “một giọng nói bên ngoài” đưa ra mệnh lệnh, thì hầu hết chúng ta sẽ trở nên chú ý. Rốt cuộc, những sinh viên bị tôi áp đặt thời hạn đạt được kết quả tốt nhất. Tất nhiên, áp chế mệnh lệnh tuy rất hiệu quả nhưng không phải lúc nào cũng khả thi hoặc là điều được mong muốn. Chiến lược tốt nhất là cho mọi người cơ hội cam kết hành động của mình. Cách thức này có thể không hiệu quả bằng cách làm độc đoán nhưng nó giúp chúng ta đi đúng hướng.
Mỗi vấn đề chúng ta đối mặt đều có các cơ chế tự kiểm soát tiềm năng. Nếu không thể tiết kiệm tiền lương, chúng ta hãy lựa chọn khấu trừ tiền lương tự động: nếu không đủ ý chí để thường xuyên luyện tập một mình, chúng ta có thể hẹn tập với bạn bè. Đây là các công cụ có thể cam kết trước, giúp chúng ta trở thành kiểu người chúng ta mong muốn.
Cơ chế cam kết trước có thể giải quyết các vấn đề trì hoãn nào khác không? Hãy xem xét vấn đề chăm sóc sức khỏe và nợ tiêu dùng.
Chăm sóc sức khỏe
Y tế dự phòng là một phương pháp giúp tiết kiệm chi phí cho các cá nhân và toàn xã hội hơn là phương pháp cứu chữa hiện nay. Phòng bệnh có nghĩa là phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, trước khi các mầm bệnh phát triển. Nhưng việc soi ruột kết hay chụp tia X-quang vùng иgự¢ là một thử thách. Ngay cả việc kiểm tra cholesterol (đòi hỏi phải lấy máu) cùng không dễ chịu. Trong khi sức khỏe và tuổi thọ của chúng ta phụ thuộc vào việc kiểm tra sớm các mầm bệnh nhưng chúng ta lại luôn trì hoãn.
Hãy tưởng tượng, nếu tất cả chúng ta đều kiểm tra sức khỏe định kỳ, sẽ có bao nhiêu bệnh nghiêm trọng có thể được phát hiện, bao nhiêu chi phí có thể được cắt giảm và bao nhiêu người sẽ giảm được nỗi khốn khổ nhờ phát hiện bệnh sớm?
Vậy chúng ta làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Một giải pháp độc đoán trong đó tiểu bang (theo hướng của Orwell, nhà văn người Anh gốc Ấn nổi tiếng) chỉ định những lần kiểm tra định kỳ sẽ rất hiệu quả. Tất cả chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn nếu cảnh sát ý tế xuất hiện và đưa những người trì hoãn tới Bộ kiểm soát cholesterol để thử máu.
Điều này có vẻ cực đoan, nhưng hãy nghĩ tới các chỉ thị khác mà xã hội vẫn áp đặt để chúng ta trở nên tốt hơn như: nhận vé phạt cho việc đi ẩu và không thắt dây an toàn. Hai mươi năm trước, không ai nghĩ rằng hút thuốc sẽ bị cấm tại hầu hết các tòa nhà công cộng trên toàn nước Mỹ, cũng như tại các nhà hàng và quán rượu. Nhưng ngày nay, hút thuốc đã bị cấm - với mức phạt nặng cho những người vi phạm.
Nhưng nếu kiểm tra sức khỏe bắt buộc không được công chúng chấp nhận, thì một giải pháp trung gian, giống kiểu thời hạn tự xác lập tôi dành cho Gaurav và các bạn học của cậu (có kèm hình phạt cho sự trì hoãn) thì sao? Đây có thể là sự thỏa hiệp hoàn hảo giữa mệnh lệnh và sự tự do lựa chọn của mỗi cá nhân.
Giả sử bạn cần kiểm tra cholesterol. Điều đó có nghĩa là bạn phải nhịn ăn vào buổi tối trước cuộc thử máu, lái xe tới phòng thí nghiệm vào sáng hôm sau mà không được ăn sáng, ngồi trong phòng chờ đông đúc hàng giờ đồng hồ. Đối điện với những viễn cánh đó, bạn lập tức trì hoãn. Nhưng giả sử vị bác sỹ yêu cầu một khoản tiền đặt cọc trước là 100$ cho buổi kiểm tra đó và chỉ hoàn trả tiền nếu bạn đúng hẹn, khả năng bạn sẽ tới làm xét nghiệm có cao hơn không?
Liệu bạn có chấp nhận thách thức áp đặt này không? Nếu như thủ thuật kiểm tra sẽ phức tạp hơn, ví dụ: soi ruột kết, thì bạn có sẵn lòng cam kết bằng khoản đặt cọc 200$ chỉ hoàn trả nếu bạn tới cuộc hẹn đúng giờ không? Nếu vậy, bạn sẽ lặp lại điều kiện mà tôi đưa ra cho lớp của Gaurav, một điều kiện chắc chắn tạo động lực để các sinh viên có trách nhiệm hơn với các quyết định của chính mình.
Có cách nào khác để đánh bại sự trì hoãn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe không? Chúng ta có thể gộp các thủ thuật ý tế và răng miệng để chúng có thể được tiến hành dễ dàng và theo lịch trình được biểt trước. Tôi sẽ đưa ra ví dụ minh họa.
Cách đây vài năm, Công ty Ford Motor đã phải vật lộn để tìm ra cách tốt nhất khiến các chiếc xe quay lại đại lý để bảo dưỡng xe định kỳ. Vấn đề là một chiếc xe Ford có đến 18.000 bộ phận cần bảo dưỡng, và không phải tất cả đều cần được bảo dưỡng cùng một lúc. Đây mới chỉ là một phần của vấn đề: vì Ford có hơn 20 lớp xe, cộng với mẫu mã các năm khác nhau nên việc bảo dưỡng tất cả là không thể. Người tiêu dùng và các nhân viên tư vấn bảo dưỡng chỉ có thể đánh số trang quyển hướng dẫn sứ dụng dày cộp để xác định cần bảo dưỡng bộ phận nào.
Nhưng Ford đã phát hiện ra cách thức làm việc tại các đại lý của Honda. Mặc dù 18.000 bộ phận của các loại xe Honda cũng có chung lịch trình bảo dưỡng như những chiếc xe Ford nhưng Honda thu gọn lại thành ba “khoảng bảo dưỡng” (ví dụ, sáu tháng hoặc 8.000 km, một năm hoặc 16.000 km, và hai năm hoặc 40.000 km). Danh sách này được treo ở phòng đón tiếp của bộ phận bảo dưỡng. Hàng trăm hoạt động bảo dưỡng được rút lại thành các sự kiện bảo dưỡng đơn giản, dựa trên đồng hồ đo khoảng cách. Bảng thông báo cũng rất ngắn gọn, sắp xếp khoa học và có mức giá cho mọi dịch vụ bảo dưỡng. Bất kỳ ai cũng có thể thấy khi nào họ cần bảo dưỡng và sẽ phải trả bao nhiêu tiền. Khách hàng không còn bị bối rối nữa. Họ cũng không còn trì hoãn việc bảo dưỡng xe định kỳ bởi lẽ nó trở nên rất đơn giản.
Lúc đầu các kỹ sư của Ford phản đối cách làm này. Họ được thuyết phục rằng người lái có thể đi 14.400 km mà không cần thay đầu, nhưng 8.000 km cũng đủ để đưa việc thay đầu vào cùng hàng với những thứ cần làm khác. Họ được thuyết phục rằng một chiếc Mustang và một chiếc xe tải F-250 Super Duty tuy khác biệt về kỷ thuật nhưng có thể được xếp chung vào một lịch bảo dưỡng. Họ phải được thuyết phục rằng việc xếp 18.000 lựa chọn bảo dưỡng lạithành ba sự kiện bão dưỡng làm cho việc bảo dưỡng trở nên dễ dàng. Thực tế, để khách hàng bảo dưỡng phương tiện của mình sau một khoảng thời gian thỏa hiệp nào đó còn hơn là việc họ không hề quan tâm đến bảo dưỡng chút nào!
Cuối cùng Ford đã tham gia cùng Honda trong việc sắp đặt các dịch vụ của mình. Sự trì hoãn của khách hàng chấm dứt. Nếu như lúc trước, trạm bảo dưỡng của Ford trống 40% thì nay đã kín khách. Các đại lý kiếm được tiền và chỉ trong ba năm, Ford đã sánh ngang với thành công của Honda trong công việc bảo dưỡng.
Vậy tại sao chúng ta không khiến các buổi kiểm tra sức khỏe toàn diện trở nên đơn giản như vậy nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe và cùng lúc giảm đáng kể các chi phí tổng thể? Bài học rút ra từ kinh nghiệm của Ford là hãy sắp đặt thật khoa học các kiểm tra ý tế để mọi người có thể nhớ dễ dàng.
Tiết kiệm
Chúng ta có thể ra lệnh cho mọi người ngừng chi tiêu theo một sắc lệnh của Orwell. Điều này sẽ giống trường hợp nhóm sinh viên thứ ba của tôi, nhóm có các thời hạn do tôi chỉ định. Nhưng có cách nào khác thông minh hơn để khiến mọi người giám sát hành vi tiêu dùng của chính mình không? Cách đây vài năm, tôi có nghe nói về phương pháp “cốc đá” để giảm chi tiêu dùng thẻ tín dụng. Bạn cho chiếc thẻ tín dụng của mình vào một cốc nước và đặt nó vào ngăn đá tủ lạnh. Mỗi khi nổi hứng mua một thứ gì đó, trước tiên bạn phái đợi cho đá tan để có thể rút được chiếc thẻ ra. Và lúc đó thì hứng mua sắm của bạn đã hạ bớt.
Sau đây là một cách làm khác có thể tốt hơn và cập nhật hơn. John Leland có viết một bài báo rất thú vị trên tờ New York Times, trong đó ông miêu tả một xu hướng đang ngày càng phát triển - xu hướng tự xấu hổ: “Khi một người phụ nữ tên là Tricia, 29 tuổi phát hiện rằng mình mắc nợ tới 22.302$ trên thẻ tín dụng, cô đã không thể chờ đợi để loan cái tin ấy. Tricia không nói cho gia đình hay bạn bè biết tình hình tài chính của mình vì cô ấy xấu hổ với khoản nợ cá nhân đó. Tricia đã làm điều mà không ai nghĩ tới - và là không thể đối với những người sống trước cô một thế hệ: cô lên mạng và đưa các chi tiết riêng tư về đời sống tài chính của mình, bao gồm giá trị ròng của cô (lúc này là âm 38.691$), số dư và các khoản phí tài chính trên thẻ tín dụng, số nợ cô đã trả bớt (15.312$)”.
og của Tricia chỉ là một phần của xu hướng đang thịnh hành. Rõ ràng, có hàng trăm các trang Web (có thể lúc này đã lên tới hàng nghìn) dành cho việc lập og để nói về tình trạng nợ nần (từ poorerthanyou.com - Nghèo hơn bạn và wereindebt.com - Chúng tôi đang mắc nợ, tới makelovenotdebt.com - Hãy yêu, đừng sinh nợ và trang của Tricia oggingawaydebt.com). Leland nhận xét: “Những người tiêu dùng đang yêu cầu người khác giúp họ tự kiểm soát vì quá nhiều công ty không thể hiện bất kỳ sự kiềm chế nào”.
Lập og về việc tiêu dùng quá tay cũng quan trọng và có ích nhưng điều mà chúng ta thật sự cần là ngăn chặn tiêu dùng vào thời điểm bị cám dỗ, chứ không phải là cách phàn nàn sau khi sự việc đã xảy ra.
Chúng ta có thể làm gì? Tôi tưởng tượng ra một loại thẻ tín dụng có thể tự kiểm soát, cho phép mọi người hạn chế hành vi tiêu dùng của mình. Người dùng có thể quyết định trước mình muốn tiêu bao nhiêu cho mỗi loại, ở mọi mức dự trữ và mọi khung thời gian. Ví dụ, người dùng có thể hạn chế chi tiêu cho cà phê ở mức 20$/tuần, quần áo là 600$/6 tháng, các món đồ tạp phẩm là 200$/tuần, cho giải trí là 60$/tháng, và không cho phép dùng tiền để mua kẹo trong khoảng từ 2 – 5 giờ chiều. Điều gì sẽ xảy ra nếu họ vượt giới hạn? Người dùng thẻ sẽ tự chọn hình phạt cho mình. Ví dụ, thẻ bị từ chối hoặc có thể tự đánh thuế chính mình và chuyển khoản thuế đó tới tổ chức hỗ trợ nhà ở nhân đạo, cho một người bạn hoặc vào một tài khoản tiết kiệm dài kỳ. Thậm chí, nó còn có thể tự động gửi thư điện tử tới người bạn đời, mẹ hoặc bạn của bạn:
Gửi Sumi
Bức thư này để lưu ý bà rằng, chồng bà, Dan Ariely, xét về tổng thể là một công dân chính trực, đã vượt quá giới hạn chi tiêu mua sô-cô-la 50$/tháng, tới 73,25$.
Với những lời chúc tốt đẹp nhất,
Nhóm thẻ tín dụng tự kiểm soát.
Điều này giống như một giấc mơ hão huyền nhưng không phải vậy. Hãy nghĩ tới tiềm năng của những chiếc thẻ thông minh (mỏng, nhỏ bằng lòng bàn tay, có khả năng tính toán ấn tượng) lúc này đang bắt đầu tràn ngập thị trường. Những chiếc thẻ này có thể được thiết kế phù hợp với nhu cầu tín dụng của từng cá nhân và giúp mọi người quản lý tiền của mình khôn ngoan hơn. Tại sao một chiếc thẻ không thể có một bộ phận “điều tiết” chi tiêu để hạn chế các giao dịch tiền tệ trong những điều kiện cụ thể? Tại sao không thể có một công ty tài chính tương tự loại thuốc viên uống theo giờ để người tiêu dùng lên chương trình phân phối khoản tín dụng của mình và giúp họ hành động theo cách mình mong muốn.
Một vài năm trước, tôi bị thuyết phục rằng một chiếc thẻ tín dụng “tự kiểm soát” là một ý hay nên đã đề nghị được gặp mặt một ngân hàng lớn. Tôi rất vui mừng khi ngân hàng đáng kính này phúc đáp và đề nghị tôi tới trụ sở của họ tại New York.
Với tuần sau, tôi tới New York và được dẫn tới một phòng hội nghị hiện đại. Sau đó, có 6 nhân viên quản trị ngân hàng đầy quyền lực, bao gồm cả trưởng bộ phận thẻ tín dụng của ngân hàng đó có mặt tại căn phòng.
Tôi bắt đầu bằng việc miêu tả sự trì hoãn khiến mọi người gặp rắc rối như thế nào: nó khiến chúng ta xao lãng việc tiết kiệm, trong khi cám dỗ của thẻ tín dụng dễ dàng làm phòng kho trong nhà của chúng ta đầy những thứ hàng hóa không cần thiết.
Và tôi miêu tả việc người Mỹ rơi vào tình trạng phụ thuộc ghê gớm vào thẻ tín dụng ra sao, sự nợ nần đang làm họ khổ sở như thế nào, họ đang phải vật lộn tìm đường thoát khỏi tình trạng khốn khổ đó ra sao. Những người cao tuổi trong xã hội Mỹ là nhóm bị tác động nhiều nhất. Thực tế, từ năm 1992 đến năm 2004, tỷ lệ nợ của nhóm người Mỹ tuổi từ 55 trở lên tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm nào khác. Một vài người trong số họ còn phải dùng thẻ tín dụng để trả cho khoản đóng góp Medicare (chương trình phúc lợi chăm sóc sức khỏe của Mỹ). Những người khác đang đứng trước nguy cơ mất nhà.
Các nhà quản lý bắt đầu lên tiếng. Phần lớn họ đều có những câu chuyện về người thân, chồng/vợ và bạn bè (tất nhiên không phải về họ), những người có vấn đề về nợ tín dụng. Chúng tôi trao đổi qua về việc đó.
Lúc này nền móng đã sẵn sàng và tôi bắt đầu nói về ý tưởng chiếc thẻ tín dụng kiểm soát với tư cách là một phương cách giúp người tiêu dùng tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn. Tôi đề xuất họ nên giúp người tiêu dùng kiểm soát việc chi tiêu. Tôi có nhận ra rằng các ngân hàng và công ty thẻ tín dụng kiếm được 17 tỷ đôla tiền lãi mỗi năm từ những chiếc thẻ này không? Họ có nên từ bỏ điều đó không?
Tôi không ngây thơ như vậy. Tôi giải thích với họ rằng có một công việc kinh doanh tuyệt vời đằng sau ý tưởng về chiếc thẻ tự kiểm soát. Tôi nói: “Hãy xem, công việc kinh doanh thẻ tín dụng hiện nay có giá cắt cổ. Các vị phải gửi đi 6 tỷ bức thư trực tiếp tới khách hàng mỗi năm với những lời mời chào gần giống nhau”. Và họ miễn cưỡng đồng ý. Tôi tiếp tục: “Nhưng giả sử có một công ty thẻ tín dụng bước ra khỏi các công ty đó và gắn kết mình với hình ảnh một người tốt - một người ủng hộ người tiêu dùng đang bị các khoản tín dụng gặm nhấm. Giả sử một công ty có can đảm cung cấp một loại thẻ giúp người tiêu dùng kiểm soát tín dụng cho họ và chuyển số tiền nào đó vào tài khoản tiết kiệm dài hạn?” Tôi liếc nhìn quanh phòng. “Tôi cược là hàng nghìn người tiêu dùng sẽ cắt bỏ các loại thẻ tín dụng khác và đăng ký sử dụng dịch vụ của các vị!”
Một làn sóng xôn xao lan khắp căn phòng. Những người làm ngân hàng gật đầu và trò chuyện với nhau. Đây là cuộc cách mạng! Ngay sau đó, tất cả chúng tôi rời khỏi phòng. Họ bắt tay tôi thân tình và hứa chắc chắn là sẽ nhanh chóng nói chuyện tiếp về vấn đề này.
Nhưng họ không bao giờ gọi lại cho tôi. (Có thể họ lo sẽ mất 17 tỷ đôla tiền lãi, hoặc có thể chỉ là sự trì hoãn cố hữu). Nhưng ý tưởng thì vẫn còn đó - loại thẻ tín dụng tự kiểm soát - và một ngày nào đó có thể ai đó sẽ tiến hành bước kế tiếp.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc